Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Vượt lên nỗi đau
Nhắc đến sự chuyển mình của Hạnh, tôi muốn nói tới sự chuyển mình của phần đông chúng tôi bạn cùng lớp với Hạnh: Vào trường còn bỡ ngỡ, năm cuối đã xếp đôi, văn chương và đời sống tập thể đưa chúng tôi tới chung một ý, chung một lòng.

Năm 1963, Minh Hạnh còn là một nữ sinh viên năm đầu Khoa Văn học, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội nguyên sơ và trong trẻo: "Đêm qua cố lội vớt mảnh trăng / Đem về định tiện một chiếc vòng / Thẩn thờ nhớ lại: Ai đeo nhỉ? / Lại thả cho trăng chảy theo dòng". Ấy vậy mà vài ba năm sau, Hạnh đã yêu và yêu tha thiết: "Nhận thư anh, nhận cả mùa thương nhớ / Như cây xanh uống từng giọt sương lành / Đêm trằn trọc theo thư về xứ sở / Sáng ngỡ ngàng trời đất bỗng thêm xanh".

Ra trường, mỗi người mỗi ngả, không ai trong chúng tôi lượng trước được bước chân của mình, tất cả chỉ có "Ba sẵn sàng" bởi đó là thời buổi chiến tranh. Minh Hạnh bắt đầu nếm chất thật của cuộc đời: "Khi bóng ai vừa khuất / Nước mắt tôi dâng trào / Đau đớn không kể xiết / Chẳng biết là vì sao". Từ buổi ấy, nước mắt Hạnh dâng trào thêm. Tối 26/12/1972, người cha thân yêu của Hạnh - một cán bộ chủ chốt ngành xăng dầu, hy sinh trong trận giặc Mỹ ném bom ác liệt xuống phố Khâm Thiên, Hà Nội. Hạnh viết trong đau đớn: "Cha ơi! / Con về Khâm Thiên / Đường phố thân quen không còn nữa / Hầm sập, nhà xiêu, ngổn ngang gạch đá / Nơi đây cha hy sinh / Con không thể nào tin / Điều bất hạnh lớn lao đến thế / Con cần có cha như cần không khí / Giờ mất cha / Con sẽ sống ra sao?". Sau tiếng khóc ấy, là âm thanh não nề, ai oán của Hạnh vĩnh biệt chồng - một trong những nhân vật chủ chốt của NXB Văn học: "Ta lặng bước đi / Cúi gầm mặt / Lòng rung tiếng khóc / Đến nghĩa trang / Nhìn người đào huyệt chôn anh/  Ta hiểu rằng: Đời đã vùi chôn xuống đất niềm yêu thương / Ta vĩnh viến không còn nơi nương tựa / Cho quãng đời khốn khổ của ta". Lần thứ ba Hạnh khóc vì mất mẹ. Tưởng rằng, đến đây thì những oan nghiệt đối với Hạnh sẽ kết thúc, nào ngờ Hạnh lại mất thêm người con trai đang tuổi thanh xuân. Tim se lạnh, Hạnh viết: "Khóc cha, khóc mẹ, khóc chồng / Giờ đây tôi lại âm thầm khóc con".

Thôi! Tôi không muốn kể tiếp về nỗi đau của Hạnh đã được ghi lại trong hai tập thơ "Sao Hôm sao Mai" và "Dòng sông trên cao" (NXB Hội Nhà văn). Tôi muốn nói lên ở trang viết này, sự mến phục của mình về ý chí của Hạnh. Bạn tôi đã biết dùng ngọn bút kìm nén mọi đau thương để vươn lên trong cuộc sống. Hạnh đã trải được lên giấy nhiều bài báo chống tiêu cực sắc bén ngay từ ngày có lời kêu gọi "Những việc cần làm ngay" khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới.. Đến nay, các nhà giáo Trường nuôi dạy trẻ câm điếc Xã Đàn, Hà Nội vẫn còn ghi nhớ hình ảnh nhà báo Minh Hạnh vững vàng, dũng cảm, bền bỉ đấu tranh cho trường nhận được số tiền lớn mà Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ tặng lại từ phần thưởng Hòa Bình của cụ, từng bị một cơ quan công quyền liên quan cầm chân suốt 3 năm liền. Cũng cho đến nay, những bài báo "Để có tấm bằng phó tiến sĩ", "Vì sao nhiều người ngã ngựa giữa đường" còn được nhiều trí thức nhắc tới như một lời cảm ơn. Bởi trong đó đề xuất của Hạnh: "Nhà nước cần phải tăng mức kinh phí cho nghiên cứu sinh nghiên cứu khoa học" đã được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp chấp nhận và triển khai ngay trong những năm tháng còn cơ chế bao cấp đầy khó khăn. Hạnh còn là người đi tiên phong trong nghiên cứu khoa học của lớp tôi.  Luận án tiến sĩ mang tên "Tìm hiểu thể loại ngụ ngôn Việt Nam" của chị ra đời là một minh chứng. Sau chị, có thêm 10 bạn cùng lớp nối tiếp nhau đạt học vị này trên từng lĩnh vực chuyên môn của mình. Công trình học thuật xuất sắc của Hạnh được GS. Đinh Gia Khánh, Viện trưởng Viện Văn hóa Dân gian Việt Nam đánh giá cao, được Hội Văn học Dân gian Việt Nam tặng giải thưởng và xuất bản thành sách phổ biến rộng rãi. Còn nhớ, một ngày đầu thu năm 1991, có đến mươi bạn cùng lớp tới nghe và cổ vũ Hạnh trong buổi bảo vệ luận án. Chu Chí Thành (nay là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam) lên phát biểu: "Hạnh đã siêu thoát nỗi khổ trần ai, để nhập môn thế giới tinh thần". Nguyễn Liên một bạn thơ của Hạnh, người vỗ tay kêu nhất trong buổi đó, đã làm bài thơ tặng Hạnh, với khổ mở đầu: "Em trở về với câu chuyện ngụ ngôn / Chuyện dân dã và nụ cười đôn hậu / Hoa ở đầu làng, hoa ở bờ suối / Em - Con ong kiếm nhụy cần cù".

Thời gian học cùng nhau tại Khoa Văn học, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, chúng tôi đã được các giáo sư dạy rằng: "Con người không được bi quan, dù phải chịu bất cứ nỗi đau nào!"; "Ai ai cũng phải hướng tới tương lai mà phấn đấu, mà sáng tạo". Hạnh hẳn thấm sâu những điều này lắm!  Chính vậy mà Hạnh đã làm được nhiều việc. Cũng do đó mà hình ảnh Hạnh luôn luôn sống động trong trái tim bạn bè. Còn nhớ trong một lần họp lớp, sau khi ra trường đã vài chục năm có lẻ, một bạn làm bài thơ "Tột cùng", trách Hạnh ngày xưa đã "hững hờ", với những câu ý nhị: "Lâu rồi… em có nhớ không / Nước mắt ngày ấy xót lòng thi nhân / Tôi đi biết mấy nhớ mong / Xa em biết mấy tột cùng lặng im / Em tột cùng của vô tâm / Tôi tột cùng của tấm lòng mộng mơ". Hạnh liền có thơ gửi lại, dí dỏm giải bày: "Em đâu phải kẻ vô tâm / Người đâu chỉ có chút lòng mộng mơ / Nhớ câu hát cũ thuở xưa / Đọng trong ký ức đến giờ chưa phai / "Trăm đồng một mớ trầu cay / Sao anh không hỏi những ngày còn không!".                                  

Mới đây thôi, nghe tin Nguyễn Liên ốm nặng phải vào điều trị tại bệnh viện, Hạnh đã gọi cho nhiều bạn cùng lớp đến thăm. Sau những nụ cười gặp gỡ, những lời hỏi thăm thân tình, bất ngờ Hạnh trao tặng Liên bài thơ "Thăm bạn" với nét chữ mảnh mai và bay bướm, nằm cạnh mấy bông hoa trong tấm bưu thiếp mà Hạnh vừa kịp viết sáng hôm ấy, thứ 7 - 16/9/2006. Mọi người ồ lên một tiếng làm giật mình nhiều bệnh nhân ở mấy phòng lân cận. Đoàn Tử Diến, Nguyễn Quang Lộc, Nguyễn Kim Trạch, Nguyễn Ngọc Chung, Vũ Kim Hải, Lại Văn Thanh, Nghiêm Minh Mẫn, Nguyễn Hinh Anh, Tô Thạch, Lã Cao Thăng... nhất thiết buộc tác giả đọc cho mọi người cùng nghe. Hạnh vừa cười vừa run, lên giọng ở lửa tuổi nhi nhĩ thuận:

Chúng mình sáu bảy mươi rồi

Ốm đau là chuyện thường ngày mà thôi

Đừng buồn hỡi bạn thơ ơi

Mai này bạn khỏe lại ngồi làm thơ

Biết nhau từ bấy đến giờ

Hiểu nhau qua những vần thơ tâm tình

Thương nhau chỉ biết lặng thầm

Đến thăm sao cứ tần ngần vào ra

Mây lành, gió mát, nắng thu…

Vẫn chờ bạn ở ngoài kia từng ngày

Vững tin lên, bạn thơ ơi.

Người tri âm vẫn đợi người tri âm .  

Vài hôm sau, tôi lại vào bệnh viện thăm Nguyễn Liên, thấy anh để bài thơ "Thăm bạn" bên gối. "Hẳn anh thường xuyên đọc tác phẩm Hạnh tặng?" - Tôi thăm dò. "Đúng vậy" - Liên mỉm cười đáp: "Bài thơ chứa đựng tình cảm bạn bè học văn đại học chúng ta, góp sức cùng các thầy thuốc ở đây làm tôi khỏe dần lên".

 

 Dương Quang Minh (Đài THVN) - Bản tin ĐHQG Hà Nội, 205 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :