Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Viện sĩ Mitrôpôlski, một trí tuệ lớn
Một năm mới lại sắp tới. Những năm trước đây, vào dịp này, chồng tôi - GS.VS Nguyễn Văn Đạo lại gửi thiếp chúc mừng năm mới và cũng là chúc mừng sinh nhật viện sĩ Yuri AlaLaxâyêvich Mitrôpôlski - một nhà khoa học vĩ đại tầm cỡ thế giới của Ucraina và cũng là của Liên bang Xô viết trước đây.

Với gia đình chúng tôi, viện sĩ Mitrôpôlski không chỉ là một thiên tài khoa học nổi tiếng, Ông còn là Người Thầy thật tận tâm dẫn dắt con đường khoa học và thật gần gũũi thân thương như một Người Cha. Tôi tưởng nhớ tới Ông và viết về Ông vì chẳng bao lâu nữa lại đến sinh nhật Ông: ngày 3/1. Chỉ có điều đây sẽ là lần sinh nhật đầu tiên mà Ông không còn trên trái đất này!

Chúng tôi, những nhà khoa học Việt Nam nhớ đến ông vì ông đã giúp đào tạo bao nhiêu nhà khoa học cho Việt Nam. Đặc biệt, ông đã giúp Việt Nam phát triển mạnh một ngành quan trọng trong lĩnh vực Cơ học là “Lý thuyết dao động phi tuyến” mà từ đây nhiều nhà khoa học Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể và được thế giới biết tên tuổi. Người Ucraina, người Nga nhớ tới Ông bởi những đóng góp rất lớn của Ông trong khoa học và công nghệ, góp phần làm rạng danh nền khoa học Xô Viết...

Ông sinh ngày 3/1/1917 tại Ucraina, tốt nghiệp đại học năm 1942, bảo vệ luận án tiến sỹ khoa học toán - lý năm 1951, được phong học hàm giáo sư năm 1954, được phong Viện sỹ thông tấn năm 1958, Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Ucraina năm 1961, Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô năm 1984. Với những cống hiến lớn lao trong khoa học, Ông đã nhận được nhiều danh hiệu và giải thưởng vinh dự: giải thưởng Lênin về cuốn sách chuyên khảo “Các vấn đề lý thuyết tiệm cận của dao động không dừng” (1965), danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Lênin... và gần đây nhất, ngày 18/1/2007, Ông được phong danh hiệu Anh hùng Ucraina và được trao Huân chương Quốc gia. Trong đại chiến thế giới II, ông đã từng tham gia Hồng quân trong đơn vị pháo binh ở Ban Tích.

Để thấy được sự đóng góp lớn lao của Ông trong sự phát triển khoa học và công nghệ cũng cần phải nói qua về lĩnh vực khoa học mà ông đã đi theo suốt cả cuộc đời. Chúng ta đều biết, một trong những dạng chuyển động cơ bản được quan sát trong tự nhiên là các quá trình dao động. Các quá trình dao động này nói chung là phi tuyến, được mô tả bởi những hệ phương trình vi phân phi tuyến. Các phương trình này phần lớn là không giải đúng được. Trước những năm 30 của thế kỷ XX, các nhà khoa học đã cố gắng tìm một số phương pháp giải gần đúng những bài toán này. Nhưng các phương pháp đó có rất nhiều hạn chế trong việc áp dụng. Chẳng hạn như “lý thuyết nhiễu” được các nhà thiên văn sử dụng để nghiên cứu chuyển động của các hành tinh và thu được kết quả đối với trường hợp “bài toán hai vật thể”, nhưng với “bài toán ba vật thể” cũng trong lĩnh vực cơ học thiên thể này thì lại gặp những khó khăn không vượt qua nổi.

Vào đầu những năm 30 của thế kỷ XX, hai nhà khoa học nổi tiếng của Liên Xô N.M. Krưlôp và N.N. Bôgôliubôv đã bắt đầu nghiên cứu một lĩnh vực rất quan trọng của vật lý toán - Lý thuyết dao động phi tuyến hay còn gọi là “cơ học phi tuyến”. Các ông đã xây dựng được các phương pháp tiệm cận giải các hệ phương trình phi tuyến mô tả các quá trình dao động và đặt cơ sở toán học chặt chẽ cho các phương pháp này, dẫn tới việc nghiên cứu lý thuyết tổng quát của các hệ động lực. Những thành tựu này đã tạo lập nên trường phái “Lý thuyết dao động phi tuyến” của Kiev nổi tiếng thế giới cho đến tận ngày nay.

Viện sĩ Yuri AlaLaxâyêvich Mitrôpôlski đã trưởng thành từ trường phái này. Ông là học trò của N.N. Bôgôliubôp. Ông đã có công rất lớn trong việc phát triển và mở rộng hướng nghiên cứu. Những kết quả của Ông được trình bày trong một loạt các bài báo và trong cuốn sách chuyên khảo nổi tiếng “Các quá trình không dừng trong các hệ dao động phi tuyến” xuất bản năm 1955. Theo nhận xét của sĩ Bôgôluibôv: “Vào lúc đó quyển sách loại này là rất hiếm...”. Ngay lập tức sách được dịch ra tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật... Bởi vậy, sau này “Phương pháp tiệm cận trong dao động phi tuyến” thường được gắn liền với tên tuổi của ba nhà khoa học: N.M. Krưlôp, N.N. Bôgôliubôv, Yu.A. Mitrôpôlski (người ta còn hay gọi là phương pháp KBM). Phương pháp này có vai trò rất lớn đối với khoa học và công nghệ hiện đại, chẳng hạn như nghiên cứu các hiện tượng dao động khi tạo nên các cấu trúc với gia tốc mạnh; tính toán các quỹ đạo của tên lửa, vệ tinh; nghiên cứu các quá trình sóng không dừng...

Người thầy của ông - Viện sĩ N.N. Bôgôliubôv còn đi rất sâu vào nghiên cứu những vấn đề của vật lý như vật lý thống kê, thuyết lượng tử... Ông đã từng là Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đupna nổi tiếng của Liên Xô từ năm 1965 đến khi Ông mất (1992). Yu.A. Mitrôpôlski thật sự là người Học trò vĩ đại của người thầy vĩ đại!

Những khối óc vĩ đại này đã góp phần tạo nên sức mạnh vô song của khoa học và công nghệ Xô viết, đặc biệt là từ những năm 50 của thế kỷ XX. Không thể tưởng tượng rằng, Liên bang Xô Viết sau đại chiến thế giới thứ II, với thương tích nặng nề đầy mình mà chỉ trong vòng một chục năm đã trở thành một cường quốc hạt nhân, rồi trở thành cường quốc vũ trụ đầu tiên với việc phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên của trái đất vào năm 1958 và đưa con người đầu tiên vào vũ trụ năm 1961.

Gia đình tôi thật là có diễm phúc lớn được biết ông - Viện sĩ Yu.A. Mitrôpôlski, được ông nâng bước trên con đường khoa học, được ông yêu thương trìu mến như những đứa con.

Chồng tôi, GS. Nguyễn Văn Đạo kể rằng: Năm 1957, anh tốt nghiệp ngành Toán, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, lúc vừa tròn 20 tuổi. Cầm trong tay cuốn sách chuyên khảo bằng tiếng Nga “Phương pháp tiệm cận trong lý thuyết dao động phi tuyến” do N.N. Bôgôliubôv và Yu.A. Mitrôpôlski viết mà không hiểu được những vấn đề sâu sắc trình bày trong sách. Chỉ có điều anh cảm thấy rất thích cuốn sách đó và tự đặt cho mình một quyết tâm: phải học bằng được tiếng Nga, phải bổ túc thêm kiến thức toán học… Rồi anh kể về lần đầu tiên được gặp Ông - với anh, điều này như là một huyền thoại: “Cách đây 40 năm (khoảng 1962, 1963), khi tôi đang là nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Tổng hợp Lômônôxôp, Matxcơva thì viện sỹ Mitrôpôlski đến đấy dự một hội nghị khoa học. Tôi chỉ dám ngắm Ông từ xa một cách ngưỡng mộ, không dám đến gần. Sau đó vì tôi viết một số bài báo về Lý thuyết dao động phi tuyến đăng ở các nước nên được Viện sỹ để ý. Năm 1980, Viện sỹ được mời sang Việt Nam dự một hội nghị khoa học quốc tế. Vừa đặt chân xuống sân bay Nội Bài, ông đã hỏi “Ai là Nguyễn Văn Đạo”. Từ đó tôi gắn với ông về chuyên môn. Nhiều hội nghị quốc tế về Cơ học do ông làm Chủ tịch, ông đã mời tôi tham dự. Năm 1981, tại một hội nghị quốc tế ở Kiev, ông đã mời tôi vào đoàn chủ tịch cùng với một số vị “bô lão” trong làng Cơ học thế giới”.

Viện sỹ Mitrôpôlski đã sang Việt Nam đến 9 lần, ông thực sự có những tình cảm thật đặc biệt đối với Việt Nam. Khi Liên Xô tan rã, lúc ấy ông đang là Viện trưởng Viện Toán Kiev, Viện của ông có nhiều người bỏ ra nước ngoài. Khi ông Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Ucraina hỏi nếu di tản thì ông đi đâu, không ngần ngại, ông trả lời: Tôi sẽ sang Việt Nam!

Với riêng tôi, cũng có biết bao nhiêu kỷ niệm thật cảm động về ông. Tôi nhớ rằng, thời gian tôi làm nghiên cứu sinh ở Matxcơva (1982 - 1985), tận Kiev xa xôi ông vẫn luôn quan tâm tới tôi. Ông thường gửi cho tôi các tài liệu kể cả những bản luận án để cho tôi xem làm mẫu tham khảo, và bao giờ ông cũng gửi kèm cho tôi một hộp sôcôla như là một món quà của người cha cho đứa con gái nhỏ xa nhà! Tôi cũng nhớ rằng lần nào sang Việt Nam ông cũng đem cho chúng tôi một một cái bánh kem - sôcôla nổi tiếng của thủ đô Kiev được gọi là “Kievski Tort”, mà để cho bánh không bị nát, trên máy bay ông luôn phải ôm chiếc bánh trên tay (như lời Viện sỹ Patôn cùng đi kể lại). Một nhà khoa học thiên tài với sự chu đáo đến hoàn hảo trong một việc thật đời thường!

Tôi còn nhớ, vào tháng 12/1984, ông đến Matxcơva họp Hội nghị Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô và dịp này, ông được bầu làm Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Sau hội nghị, một buổi tối, tôi và một người bạn, anh Trương Gia Bình, đến khách sạn thăm ông để chúc mừng và đồng thời tiễn ông ra ga xe hoả trở về Kiev. Thấy chúng tôi vẫy taxi để đi, ông bảo: Tại sao không đi tàu điện ngầm (ga tàu điện ngầm ở ngay đối diện khách sạn). Gia Bình tròn xoe mắt nhìn tôi nói: “Em không thể tưởng tượng được “Ông cụ” lại bình dị như thế!”. Chúng tôi chỉ còn biết tự giải thích: con người đã ở tầm vĩ đại như ông thì hình thức không phải là điều đáng để quan tâm!

Tôi còn nhớ, tháng 5/1985, tôi đến Viện Toán Kiev để bảo vệ luận án. Kết thúc buổi lễ, ông đã phát biểu chúc mừng tôi, ông còn nói rằng: “Tháng 5 ở Kiev rất đẹp, nắng chan hoà rực rỡ, các đường phố rợp bóng mát của những cây Kastan đang nở hoa trắng xoá. Xem hộ chiếu được biết sinh nhật của chị cũng vào tháng 5, chúng tôi chúc mừng thành công của chị và chúc mừng sinh nhật chị!”. Một lời chúc mừng thật đơn giản mà thật đẹp. Mãi cho đến bây giờ, tôi vẫn cảm thấy bồi hồi khi nhớ lại ngày hôm đó.

Khi gia đình tôi gặp chuyện chẳng lành, ông đã viết cho tôi một bức thư rất dài vừa để an ủi tôi, vừa để chia sẻ chính những tình cảm của ông. Tôi rất cảm động vì ông nhớ rất kỹ những chi tiết từ lần đầu gặp chồng tôi, GS. Nguyễn Văn Ðạo, vào năm 1969, rồi lần đầu ông đến Việt Nam năm 1980... và gần đây khi ông đến Việt Nam, ông đã đi thăm lăng Bác Hồ với cả cháu nội chúng tôi. Ông kể là ông đã ngắm thằng bé chạy nhảy trên quảng trường và mong rằng sẽ lại có dịp được cùng với đứa cháu nhỏ của chúng tôi đi đến quảng trường lần nữa!

Với tôi, mỗi lần được gặp ông, tôi luôn cảm thấy bồi hồi xúc động vì đang được chiêm ngưỡng một trí tuệ vĩ đại, một vị anh hùng, một chứng nhân của lịch sử. Nhưng với vẻ bình dị, ung dung tự tại và bao trùm lên tất cả là nét đôn hậu, hiền từ biểu hiện qua từng ánh mắt, từng cử chỉ, từng lời nói... tôi lại bâng khuâng với cảm giác như mình đang được gặp một ông tiên!

Ông cụ đã cao tuổi nhưng tôi vẫn hy vọng ông còn sống lâu và còn dịp được gặp lại.

Rồi quy luật vẫn cứ là quy luật! Vào một ngày giữa tháng 6 tôi nhận được tin ông cụ đã ra đi. Tôi lại buồn nhớ, thương tiếc và chỉ còn biết cầu mong linh hồn cụ sớm được siêu thoát. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, một con người như cụ, chỉ vừa nhắm mắt thôi thì các vị Thánh Thần trên trời đã đến ngay để đón cụ về nơi Thiên đàng cực lạc!

Giờ đây tôi chỉ mong có một dịp được đến thủ đô Kiev để viếng thăm mộ cụ, để nhớ lại những ngày tháng tôi đã được gặp cụ ở đây. Và tôi muốn đến vào đúng tháng 5 để có thể tìm được những chùm hoa Kastan trắng muốt đặt lên mộ cụ.

Hà Nội, 19/12/2008

 PGS.TS Trần Thị Kim Chi - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 214, năm 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :