Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Đạo diễn Quốc Trọng và Ngõ lỗ thủng
Lần đầu tiên có riêng một bộ phim dài tập nói về cái thời “đặt gạch xếp hàng”, đó là Ngõ lỗ thủng. Vừa trình chiếu đầu tháng 2 trên VTV1, bộ phim đã ngay lập tức thu hút sự quan tâm của công chúng. Đạo diễn Quốc Trọng đã chia sẻ với chúng tôi xung quanh bộ phim.

 

 

Làm phim Ngõ lỗ thủng về đề tài thời bao cấp, hẳn bộ phim đã có một lợi thế tốt từ để tài để thu hút khán giả?

Tôi cho rằng việc khán giả xem ít hay nhiều không phụ thuộc vào đề tài. Đề tài có hay, có hấp dẫn đến mấy mà làm phim cẩu thả, dễ dãi thì cùng lắm người ta xem được một, hai tập là thôi luôn.

Vậy cảm giác của riêng anh khi làm phim về một thời không thể quên mà chính anh cũng là một nhân chứng?

Khi làm phim, điều quan trọng với tôi là phải thích nó trước đã. Bộ phim được dựng trên hai tiểu thuyết Ngõ lỗ thủng Tiễn biệt những ngày buồn của nhà văn Trung Trung Đỉnh, trước đây tôi đã đọc và rất thích. Ý tưởng đưa hai tiểu thuyết này lên phim đã được hai nhà văn – nhà biên kịch Thùy Linh và Phạm Ngọc Tiến nung nấu từ lâu nhưng mãi chưa thực hiện được. Giữa năm 2007, kịch bản phim mới xong và tôi được đề nghị là đạo diễn phim. Tôi cảm thấy rất hứng thú. Với riêng tôi, làm phim về một thời khốn khó đã trải qua, tái tạo lại cuộc sống, môi trường, con người, tâm lý thời đó, cũng khiến tôi xúc động. Sau một độ lùi thời gian, đây là dịp tôi chiêm nghiệm cuộc sống, tỉnh táo nhìn nhận lại mọi thứ, soi chiếu vào cuộc sống hôm nay để biết cái gì còn, mất; cái gì giá trị và vô giá trị.

Cái khó khăn riêng của bộ phim này, trước hết, hẳn là vấn đề bối cảnh và đạo cụ?

Đúng thế. Thời gian đã lùi xa và những bối cảnh, phục trang, đạo cụ thời bao cấp giờ rất khó tìm. Chúng tôi mất rất nhiều công để phục dựng lại không khí thời đó. Về bối cảnh, quay thời bao cấp ở Hà Nội mà chúng tôi phải đi tới mấy tỉnh Nam Định, Sơn Tây, Bắc Giang, Hưng Yên, Yên Bái... Có chỗ là do bạn bè giới thiệu, có chỗ là do tôi nhớ lại trong những lần đi làm phim trước... Riêng cái Ngõ lỗ thủng được quay ở Hà Nội nhưng phải quay ba chỗ khác nhau mới hợp thành được toàn bộ bối cảnh của ngõ. Đạo cụ thì ở xưởng phim của tôi, cũng như các xưởng khác, đều không có một phòng lưu trữ chuyên nghiệp, không được đầu tư, lưu tâm đến. Kết quả là nhiều người làm nghề, ai thu thập được cái gì đều cất đi làm vốn riêng. Khi cần huy động đạo cụ cho phim thì nháo nhào đi hỏi ai ở đâu có cái gì, rất mất thời gian và công sức.

Khi làm phim này, anh có sợ là bộ phim sẽ sa vào kể lể những đau khổ, giống như kiểu “văn học vết thương”, Ngõ lỗ thủng cũng thành “phim vết thương”?

Không hề, chúng tôi, những người làm phim này đều ý thức rất rõ điều đó. Phim đi theo hướng nào là đã được quyết định từ nội dung kịch bản, sau đó đến khâu biên kịch, đến đạo diễn, biên tập. Tiêu chí của phim đã được xác định rõ từ sớm, sẽ quyết định xem bộ phim có kể lể, hậm hực không hay là hướng tới những điều cao hơn thế. Với Ngõ Lỗ Thủng, chúng tôi muốn khắc họa lại một thời kì khắc nghiệt đã qua trong lịch sử, những khó khăn, ngột ngạt của cuộc sống, sự biến đổi tính cách của con người, những va chạm gay gắt, để nhận ra cuộc sống và con người có đầy những lỗ thủng: lỗ thủng nhận thức, lỗ thủng văn hóa, lỗ thủng nhân cách, lỗ thủng niềm tin... mà cho đến hôm nay chúng ta vẫn còn phải tiếp tục lấp đầy.

Hãy nói về các nhân vật, anh chú ý đầu tư vào nhân vật nào nhiều nhất?

Chúng tôi phải chú ý tới tất cả các nhân vật, dù chính hay phụ, vì mỗi nhân vật có một vai trò riêng, mỗi vai trò ấy được thực hiện tốt thì cả bộ phim mới hoàn thiện. Tất nhiên với những diễn viên đã có tuổi, từng trải qua thời kỳ bao cấp thì họ tiếp cận vai diễn nhanh hơn, còn những diễn viên trẻ sinh ra khi thời đại đó đã như là cổ tích, thì chúng tôi phải chỉ cho họ nhiều hơn. Nhưng nhân vật mà tôi chăm chút nhất và thích nhất, đấy là Hạnh. Cô làm nghề đi “phe”, lấy hàng nhà nước buôn ra ngoài ăn chênh lệch, cái nghề ngày xưa người ta rất ghét, rồi cô cũng bồ bịch anh này anh khác. Nhưng Hạnh là người dám sống thật ngay giữa một đám đông sống giả, dám nói thẳng ngay trong cả sự xấu hổ của mình. Cô ấy thực sự trung thực và dũng cảm, trong khi mấy anh nhà văn nhà báo, chữ nghĩa đầy mình nhưng sống hời hợt và luôn che đậy bản thân.

Được biết anh đã chọn vào vai những diễn viên rất mới, thậm chí cả một vai phức tạp như Hạnh “phe”. Anh không thấy mạo hiểm?

Đúng là tôi đã có nhiều ý tưởng mới khi chọn diễn viên. Các diễn viên nam vẫn là những gương mặt quen thuộc nhưng lại vào những vai hoàn toàn khác với kinh nghiệm của họ. Ví dụ Dũng Nhi đảm nhận vai Khoái, kẻ sống phong lưu nhất trong Ngõ Lỗ Thủng, cũng là kẻ thực dụng, ích kỷ, hay soi mói, nhưng mặt khác, trong nhiều trường hợp lại rất biết điều, và lối sống của anh ta vừa ngứa mắt nhưng lại có cái lý riêng. Hay là Trung Hiếu vào vai anh Gù, có máu anh chị, cục cằn, thô lỗ nhưng lại ngây ngô khi yêu. Và Đỗ Kỷ trong vai một anh cán bộ quèn, ngây thơ, luôn vác tù và hàng tổng với một ý thức trách nhiệm ngất trời và bỏ mặc vợ đói con rét.

Diễn viên nữ hầu như tôi lấy mới. Hạnh “phe” là một nhân vật phức tạp do Hồng Nhung thủ vai. Cô là diễn viên nhà hát cải lương, trước đây mới chỉ tham gia những vai “rất phụ” không ai nhớ, nhưng Hồng Nhung đã vào vai Hạnh thật xuất sắc. Vai Sương, Thủy do hai học trò của tôi diễn, cũng rất chín. Vai bà Còng thì chính tôi cũng cảm thấy thú vị. Chị là người lo phục trang ở nhà hát cải lương, vào vai rất đạt một bà tổ trưởng dân phố cực kỳ mẫn cán, nhưng cứng nhắc, suốt ngày rình mò và bắt bẻ cư dân đến độ vô lý. Nhiều người nói với tôi, chỉ nhìn bà Còng là ra chất một tổ trưởng dân phố thời ấy ngay. Còn mạo hiểm ư? Tôi không thấy mạo hiểm gì cả. Những nữ diễn viên tôi chọn đều đã quen ít nhiều với việc diễn xuất, chỉ có điều họ chưa có đất thể hiện. Đương nhiên đối với những người mới này tôi phải bỏ công sức hướng dẫn, thị phạm nhiều hơn.

Trong phần giới thiệu phim còn thấy anh tay chống hông hướng dẫn một diễn viên nữ cách đi của bà chửa mà!

(Cười) Vất vả hơn, nhưng nếu các diễn viên này thành công thì niềm vui của tôi nhân lên gấp bội. Mà theo tôi, họ đã thành công với vai diễn của mình.

Thế còn nhân vật ông Thái, tiến sỹ, thư kí toà soạn Tạp chí Hạnh phúc gia đình do chính anh đóng, có phải là một sự khám phá mới của anh?

Ban đầu tôi đã mời người diễn vai đó, nhưng họ lại từ chối vào những lúc cuối cùng, thế là tôi đành thế chân, mặc dù vừa làm đạo diễn vừa làm diễn viên rất mệt vì phải phân tán chú ý. Nhưng đây cũng là một nhân vật thú vị. Ông tổng biên tập này là hình mẫu của một thời, là người nói rất giỏi, luôn tạo cho mình một vẻ hào nhoáng bề ngoài nhưng đằng sau là một bi kịch khổng lồ. Tôi cố gắng diễn để làm bật lên hình mẫu ấy.

Ngõ lỗ thủng khai máy giữa tháng một, giữa tháng 7 thì đóng máy, 6 tháng cho 29 tập phim có phải là một thời gian quá gấp, và sẽ có ảnh hưởng nhất định tới chất lượng phim?

Không đúng. Trước đây, khi mới làm phim truyền hình dài tập, chúng tôi thường tốn 10 đến 12 ngày cho một tập. Nhưng đến nay đã quen với cách tổ chức phim nên trung bình một tuần một tập. Vậy nên thời gian 6 tháng cho phim này là hợp lý. Tất nhiên cả đoàn lao động với cường độ rất cao, hôm nào cũng từ 6 giờ sáng tới 1, 2 giờ đêm, và liên tục hôm nào cũng vậy. Tôi không thể hình dung nổi việc làm phim Ngõ Lỗ Thủng mà 2, 3 ngày xong một tập. Văn chương viết về thời kỳ bao cấp đã có khá nhiều, nhưng đúng là cho đến tận bây giờ mới có một bộ phim riêng về thời kỳ ấy. Có lẽ đây vẫn là một đề tài nhạy cảm? Thế thì bộ phim đã trải qua các công đoạn kiểm duyệt và “tự kiểm duyệt” thế nào?

Ngõ lỗ thủng đã trải qua nhiều khâu kịch bản, biên kịch, đạo diễn, biên tập và cuối cùng là kiểm duyệt, nhưng vẫn nguyên hình hài từ đầu đến cuối. Bộ phim đã truyền tải được khá đầy đủ những điều chúng tôi muốn. Tôi nghĩ chúng ta đang sống trong một không khí cởi mở nên cách nhìn nhận về “thời xa vắng” ấy đã khách quan hơn nhiều, dân chủ hơn nhiều.

Khi Ngõ lỗ thủng lên sóng, anh trông đợi gì ở công chúng?

Đương nhiên tôi hy vọng phim được khán giả chấp nhận. Sau khi khởi chiếu mấy tập đầu, dư luận phản hồi khá sôi nổi theo hướng tích cực. Đấy thực sự là phần thưởng cho công sức của chúng tôi. Còn tiếp sau thế nào thì phải chờ đã.

 Nguyễn Hoàng Diệu Thủy (thực hiện) - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 216, tháng 2/2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :