Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
“Thời hoa lửa” ngày ấy, bây giờ
. Nhân kỷ niệm 55 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ, 34 năm giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc những dòng hồi tưởng tựa những “lát ký ức” về 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của đại diện các thế hệ cán bộ, giảng viên ÐHQGHN đã từng có một thời "Xếp bút nghiên cùng non sông ra trận"...

* NGƯT. Ðỗ Ca Sơn - CCB chống Pháp, nguyên cán bộ giảng dạy Trường ÐH Ngoại ngữ, ÐHQGHN: Năm 1949, khi vừa tròn 17 tuổi (đang theo học lớp chuyên khoa 2 ban khoa học xã hội - ngoại ngữ Trường Hàn Thuyên, Bắc Ninh), tôi và bạn bè đã tự nguyện viết đơn xin nhập ngũ. Ðược phân vào Trung đội d251 e174 f316, trận đánh đầu tiên tôi tham dự là trận Ðông Khê và trận cuối cùng là chiến thắng trên Ðồi A1. 55 mùa xuân đã trôi qua, nhưng trong tôi ký ức về sự ác liệt của chiến tranh, về những giờ phút lịch sử được chứng kiến tận mắt trên đồi A1 vẫn không hề phai nhạt. Giờ đây dù đã nghỉ hưu, rời giảng đường Trường ÐH Ngoại ngữ, ÐHQGHN nhưng tôi vẫn đang cùng đồng đội truyền tiếp ngọn lửa chiến thắng Ðiện Biên Phủ...

Tôi luôn tâm niệm rằng: Mình chỉ là người lính bình thường, không chiến công đặc biệt. Mình kể về đồng đội một thời, về những người không kể được nữa. Nhớ có lần, một sinh viên hỏi tôi: “Thưa bác, là một chiến sỹ trên đồi A1, có lúc nào bác sợ chết không?” Tôi đã trả lời: “Lúc nào bác cũng sợ chết, chứ không phải có lúc nào sợ chết, nhưng chưa lúc nào bác hèn nhát”. Về sự ác liệt của chiến tranh, điều tôi muốn nói nhất không phải là về tinh thần dũng cảm của bộ đội, cũng không phải về các trận đánh, mà tôi chỉ muốn thế hệ hôm nay nhớ rằng: “Ðồi A1 có diện tích 2.000m2, quân ta hy sinh 3.000 người. Mỗi tấc đất ấy đều có máu của đồng đội tôi. Nếu lên A1, các cháu cắm hương vào bất cứ chỗ nào, chắc chắn nơi đó đều đã có người nằm xuống”...

Rời chiến trường, trở về với giảng đường đại học trong tư cách là một sinh viên rồi sau đó là một giảng viên (bắt đầu từ năm 1958), tôi vẫn luôn giữ vững tác phong của một người lính Ðiện Biên. Những gì cao quý nhất trong phẩm chất của một nhà giáo như tôi lại chính được rèn luyện từ những năm tháng quân ngũ: Ðó là sự kiên trì, bền bỉ, tự lực, tự cường, luôn biết vượt lên những khó khăn, thiếu thốn để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Những khi vui, tôi thường đùa với các em sinh viên rằng: "Từ những nẻo đường hành quân, thầy đã đến với giảng đường đại học mang trên vai hành trang của người lính và làm việc, cống hiến như một người lính. Thầy muốn trao truyền cho các em tất cả những điều đó...". Tôi biết, có nhiều người lo ngại “câu chuyện cổ tích” Ðiện Biên Phủ sẽ chỉ còn là một cái tên, nhưng tôi không tin như vậy. Bằng chứng là vẫn có rất nhiều người trẻ mắt ngấn lệ khi nghe tôi kể về chiến thắng vĩ đại Ðiện Biên Phủ. Và vì thế, tôi tin ngọn lửa Ðiện Biên Phủ sẽ vẫn được tiếp nối.

* PGS.TS Nguyễn Văn Nhã - CCB chống Mỹ, Trưởng Ban Ðào tạo ÐHQGHN: Chiến dịch mùa xuân năm 1975, chúng tôi nhận được mật lệnh hành quân cấp tập theo đường biển vào mặt trận. Những chiếc xe tăng được tháo dỡ bạt trong đêm, lặng lẽ bò, rời các toa tàu hỏa tại ga Bến Thủy xuống các tàu há mồm đợi sẵn dưới sông. Mỗi tàu chỉ chứa được một xe với 4 thủy thủ nước da sạm đen vì muối biển. Từng chiếc tàu lặng lẽ im lìm rời bến rồi lập thành một hàng dài trên mặt biển Ðông, chạy cách bờ khoảng 2 hải lý. Tất cả chúng tôi đều say sóng đến mệt nhoài, ruột gan bị xáo lên, trộn xuống rồi quặn đau, mật xanh mật vàng thi nhau trào qua miệng, đất trời như xoay tít…

Vậy mà khi cập bến, ai cũng như bừng tỉnh, sẵn sàng cho trận đánh ngay cửa biển. Chúng tôi đổ bộ lên cảng Cửa Việt vào lúc trời chạng vạng tối, chưa kịp đóng quân lại được lệnh xuống tàu để chuẩn bị đổ bộ vào Ðà Nẵng, tốc độ diễn biến của chiến dịch thay đổi từng giờ. Mật lệnh được truyền đi: “Thần tốc, thần tốc, quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa”. Chưa kịp vào bờ thì Ðà Nẵng đã được giải phóng, lại nhận được lệnh vòng ngay ra Quy Nhơn đánh vào Phú Yên… Các binh đoàn ở các mặt trận đang lập công, chúng tôi đều bồn chồn náo nức vào trận, không một mảy may lo âu, không có suy tư cá nhân, chỉ mong nhanh chóng kịp tham gia chiến dịch. Rạng sáng ngày 17/4/1975, chúng tôi bất ngờ đổ bộ lên bãi biển Nha Trang. Thành phố Nha Trang ngổn ngang công sự, lô cốt, rào chắn. Chúng tôi tiến về Ninh Hòa, chiếm quốc lộ 21 và chiến dịch của Trung đoàn đã kéo dọc con đường máu lửa này, qua Bù Ðăng, Bù Ðốp, qua Buôn Mê Thuột, qua Tây Nguyên tiến xuống Biên Hòa, Tân Uyên. Tốc độ hành quân chạy đua cùng tốc độ chiến dịch. Nhiều đồng đội và xe phải nằm lại trên đường hành quân, nhưng những người lính chỉ kịp đánh dấu nơi chôn cất đồng đội, rồi vội vã lên đường. Mặt trận đang chờ đợi, chiến dịch đang hỏa tốc. Ngày 30/4/1975, chúng tôi đã vào sâu chiến trường B2. Cả trung đoàn xe tăng cùng quân giải phóng được rải dọc theo các cánh rừng cao su ngút ngàn cạnh Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương), bất chợt nghe tin giải phóng Sài Gòn lan trên sóng vô tuyến điện qua máy bộ đàm. Thế là mọi người tháo mũ, reo hò, ôm lấy nhau trào dâng niềm vui bất tận. Ðấy là thời khắc thiêng liêng không chỉ đối với cả dân tộc, mà còn là niềm vui, niềm hy vọng của riêng những người lính, những người thân ruột thịt và gia đình mỗi người, xây đắp thành bao dự định của ngày gặp mặt. Chỉ đến lúc ấy, những người lính như chúng tôi mới tấm tức khóc, tiếc thương bạn bè, đồng đội đã ngã xuống mà không có được hạnh phúc chứng kiến ngày chiến tranh kết thúc. Tình cảm đó theo chúng tôi đến tận bây giờ...

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng kỷ niệm và dấu tích của nó thì còn mãi. Nhiều đồng đội chúng tôi không trở về để tiếp tục bút nghiên, một số người mang trong mình thương tích và hơn thế, một số gia đình những người lính, thanh niên xung phong đang chịu di chứng chiến tranh trĩu năng do những đứa trẻ mà họ sinh ra bị tật nguyền. Ðất nước mình có những trang sử hào hùng, nhưng thấm đẫm máu và nước mắt. Cái giá để có được hòa bình, độc lập, tự do không bao giờ đơn giản. Các bạn trẻ sinh ra sau chiến tranh và cả những ai không bị chiến tranh tàn phá là những người may mắn và hạnh phúc hơn thế hệ những người lính chúng tôi. Cầu mong các bạn luôn biết tận hưởng điều đó để thực hiện thành công những đam mê, hoài bão và ước vọng chính đáng của mình. Mỗi cố gắng nhỏ bé của mỗi người sẽ là nguồn sức mạnh của cả dân tộc góp phần gìn giữ và bảo vệ hòa bình, bảo vệ hạnh phúc cho chính mỗi chúng ta.

* Đại tá Lê Ngọc Cường - CCB chống Mỹ, Phó giám đốc Trung tâm GDQP ÐHQGHN: Tôi có một người bạn gần nhà, cùng nhập ngũ một đợt, đều chiến đấu ở Sư đoàn 304 nhưng khác Trung đoàn. Sau chiến tranh, tôi may mắn trở về còn anh bạn tôi nằm lại chiến trường năm 1974. Trong cuộc đời mỗi con người có bao điều để nhớ rồi quên, nhưng với tôi kỷ niệm đi qua trong chiến tranh thì không bao giờ quên nổi. Tất cả những kỷ niệm ấy còn đang hiện hữu như vừa mới hôm qua, bởi ở nơi giữa cái sống và chết cách nhau trong gang tấc thì mọi kỷ niệm đã trở thành đường mòn vỏ não, quên sao được. Giữa bom rơi, đạn nổ, đồng đội cùng ngồi trong chiến hào, nhìn nhau với ánh mắt thật lạ. Nhớ thời gian khoảng 8 giờ đêm trước 2 ngày giải phóng Sài Gòn, tôi cùng đồng đội Nguyễn Công Cán thiếu chút nữa là "ăn gọn" quả đạn pháo 105 mm của địch. Trong trận gần cuối cùng này, đồng đội tôi rất nhiều người đã hy sinh vì đạn pháo địch rót trúng hầm tại trạm phẫu tiền phương. Giờ phút nghe tin miền Nam giải phóng, cả đơn vị tôi mừng vui khôn xiết. Anh em thức suốt đêm cùng nhau uống trà Blao và nói chuyện ngày về quê. Bữa cơm sau ngày giải phóng được ăn thoải mái với thật nhiều thịt hộp chiến lợi phẩm, rau xanh nhưng không ai ngon miệng. Con người ta thật lạ, cuộc sống khó khăn, ăn uống kham khổ mãi mà đột nhiên sung sướng, ăn ngon lại không thể nào quen ngay được... Sau ngày miền Nam giải phóng, tôi được lệnh ra Bắc đi học. Ðêm ấy, anh em ngồi bên nhau không ai cầm được nước mắt, tôi đã nhận được tất cả mọi thứ, từ quần áo, mũ cối, bi đông... đều mới tinh mà đồng đội đổi lấy đồ cũ của tôi. Anh em bảo rằng, ra Bắc, về quê là phải đàng hoàng như thế, còn họ ở lại chỉ cần dùng đồ cũ. Hôm sau, anh em còn đeo ba lô giúp tôi đến tận Trung đoàn bộ rồi mới trở về đơn vị. Ðồng đội ở lại, tiếp tục vào trận chiến đấu mới với bọn Phun-rô ở Tây Nguyên rồi đến chiến trường nước bạn Căm-pu-chia và tiếp tục hi sinh khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng... Sau 34 mùa xuân, mỗi năm một lần gặp lại đồng đội chúng tôi vẫn quý nhau như thể anh em một nhà. Hôm nay, tôi có một niềm tin rằng, những người đã đi qua chiến tranh, dù đang còn tại ngũ hay đã là cựu chiến binh công tác ở cương vị nào, trong đó có cả các đồng chí cán bộ, giáo viên ÐHQGHN đều chung bao kỷ niệm và một nhân cách sống của thời máu lửa.

 Minh Trường (ghi) - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 219, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   |