Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Tiếng Việt trên báo chí
Những năm gần đây việc học tiếng Anh đã trở nên cấp thiết đối với giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên và cán bộ ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Quả là tiếng Anh đã góp phần đắc lực trong tiếp nhận thông tin khoa học, trong kinh tế và trong giao tiếp cùng bè bạn năm châu. Đấy là điều đáng mừng trên đường mở cửa hội nhâp quốc tế. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là trong ngôn ngữ báo chí, truyền thông đại chúng hàng ngày và ngôn từ sinh hoạt đời thường lại phải độn tiếng Anh -Mỹ những lúc không cần thiết.

Nhân dân ta suốt chiều dài lịch sử từng phải trải qua các thời kỳ lệ thuộc vào chữ Hán, chữ Pháp. Song đất nước ta vẫn phát triển tiến lên phía trước, vươn kịp bè bạn năm châu. Hơn 60 năm qua kể từ sau cách mạng tháng Tám, các trường từ phổ thông đến đại học dều đã sử dụng tiếng Việt đầy hiệu quả ở tất cả các ngành khoa học từ cổ điển đến hiện đại, gồm cả công nghệ thông tin. Đạt được những thành tựu lớn lao ấy là vì chúng ta từng có một nền văn hoá truyền thống độc đáo hàng ngàn năm vẫn giữ được bản sắc riêng,- dù cho thời Bắc thuộc tàn bạo, thâm độc muốn Hán hóa, nhưng vẫn không thể đồng hóa nổi-; trong đó tiếng Việt và văn tự chữ Nôm, chữ quốc ngữ là những thành tố vô cùng quan trọng góp phần củng cố và duy trì sức sống tự chủ lâu bền của dân tộc. Ngày nay, mỗi người cần phải ý thức được sâu xa việc bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, làm sao cho tiếng Việt ngày càng phong phú, đạt được vị trí xứng đáng trên trường quốc tế.

Nhà văn Nguyễn Tuân từng cảm “thấy chịu ơn rất nhiều đối với quê hương ông bà đã truyền cho (…) thứ tiếng nói đậm đà ”, là “di sản nhiệm màu (..) thiêng liêng vô giá, mà tất cả trữ kim trữ ngân của tất cả ngân hàng thế gian cũng không sao đánh đổi được.” (Về tiếng ta) Ông Nguyễn không tiếc lời phê phán ai đó mất gốc “ồn ào ca tụng cái văn minh Địa Trung Hải” quên đi cái hồn cốt độc đáo của dân tộc!

Tuy vậy, không ít người vẫn không chú ý đến nét quý giá đó,mà lại chạy đua dùng tiếng nước người những lúc không đáng dùng! Chứng cớ là một vài người hướng dẫn chương trình truyền hình mỗi khi giới thiệu âm nhạc ngoại, cứ huyên thuyên toàn tiếng Anh-Mỹ líu lo, ngọng nghiụ như muốn khoe tài, chẳng cần ai nghe hiểu Còn trên các báo viết, báo nói:- tại sao lại phải viết “Tuổi Teen”? Nào là “Trại hè tuổi teen, phimTuổi teen xui xẻo,“Nhịp điệu teen, “teen đúng nghĩa”, ‘teen phạm tội” cùng bao thứ tuổi teen bát nháo …khác!? Trong khi đó có lời bài hát trữ tình rất đẹp, hàng ngày vẫn vang lên: “Hà nội ơi, xanh xanh màu áo học trò.” Giá mà ai đó lẩm cẩm đổi thành “xanh xanh màu áo teen teen” thì chắc là sẽ rộn tiếng cười mũi!

Nếu chú ý vào lịch sử phát triển tiếng Việt, chúng ta có thể thấy từ đầu thế kỷ XX, khi mà các trường học chữ Hán bị đóng cửa được thay bằng các trường học chữ quốc ngữ thì dân gian đã có câu “ Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò.”. Thế nghĩa là từ học trò đã sống động trong lòng người Việt từ bắc chí nam suốt hàng trăm năm. Và rồi cái tuổi mộng mơ ấy được hình tượng hóa qua nhiều từ đẹp đẽ, duyên dáng sinh động biết bao, mà không cần tiếng nước ngoài. Đó là “Tuổi thần tiên”- tên bài hát phổ cập của nhạc sĩ Trần Chung. Rồi có bao người viết: “Tuổỉ hoa, tuổi xanh, tuổi mộng mơ, tuổỉ mới lớn, tuổi áo trắng, tuổi áo tím, tuổi ô mai, tuổi me xanh, tuổi mực tím…” Thú vị biết mấy! Gần đây nhất, đài truyền hình thủ đô giới thiệu một chương trình Hội thi ca múa nhạc- Giai điệu tuổi hồng của Sở Giáo dục Hà nội. Tuổi hồng hay và đẹp biết bao! May mà ban tổ chức không đua theo một số người ghi bừa là “tuổi teen ”, thì chắc là được dịp gây cười cho tuổi trẻ cũng như tuổi già!

Cái mốt độn tiếng Anh những lúc không cần thiết gần như trở thành một “hội chứng buồn cười ” đầy lai căng, cần phải chữa trị kịp thời. Xin hãy đọc các tập quảng cáo trên các báo ở Sàigòn hiện nay thì sẽ thấy nhan nhản tiếng Anh!? Có lẽ những người viết ấy muốn trổ tài tự khoe mình giỏi tiếng Anh -Mỹ, không cần chú ý đến bạn đọc. Chẳng hạn báo Thanh niên viết “xem triển lãm hàng thủ công hand made”! -Xin thưa rằng, ngày xửa ngày xưa theo từ Hán Việt thủ là tay, công là làm, ai mà chả biết! Báo Tuổi trẻ còn viết: “Trao đổi bằng phương pháp face to face”, lại còn mở ngoặc chú thích tiếng Việt, cứ như là nói chuyện với toàn Việt kiều về thăm quê hương! Thật kỳ cục! Nhà báo nọ thì viết “Học lịch sử qua các banner”, các slogan”, dù trước đây có người đã viết các băngrôn quen thuộc. Xin hỏi tại sao lại không viết qua các biểu ngữ, các khẩu hiệu? Báo Thể thao văn hoá cũng rất sính tiếng nước ngoài: - nào là “confederations cups, nào là tifosi, nào là cule…”? Thật ra giới thể thao, bóng đá, nhất là cổ động viên “văn hóa lùn”, thì chỉ có chửi tục và nắm đấm, chứ làm gì có tiếng Tây!? Có khi báo lại còn giới thiệu các truyện Andersen bằng tiếng Anh, mặc dù đã có bản dịch tiếng Việt, may mà nhà báo này chưa biết tiếng Đan Mạch! Dù cho từ những năm ba mươi thế kỷ trước, nhà thơ Tú Mỡ từng víết: “sáng săm banh, tối sữa bò”, thế mà bây giờ 70 năm đã trôi qua, hai nhà báo nọ ở TTVHTuổi trẻ còn vội Tây hoá trở lại:- đội bóng Đà Nẵng. nổ “champagne”!.? Thậm chí có khi còn dịch ẩu, báo đưa tin: -ở Anh phát “giải thưởng cho các hư cấu”; dù là nơi trời Tây, làm gì có giải thưởng nào lại tặng cho hư cấu? Còn người Việt đâu có nói rắc rối vậy? (trong tiếng Anh từ fiction còn có nghĩa là tiểu thuyết) Thật là “hy hữu”! Ôi, sao không nói là hiếm có, hiếm thấy cho bà con các dân tộc ít người cùng hiểu, hỡi các nhà báo thâm nho!.

Có nhạc sĩ rất tự trọng đã từ chối không dùng từ live show để giới thiệu đêm nhạc của mình. Phải rồi, nói đêm nhạcTrịnh Công Sơn, đêm nhạc Thanh Tùng, hay đẹp biết bao!Giá mà lại nói đêm live show cải lương-Lệ Thuỷ thì thật nhố nhăng đến buồn cười! Nếu nhạc dở, hát không hay thì dù cho độn bao nhiêu tiếng Anh vào vẫn chẳng để lại gì trong lòng người, chỉ gây thêm khó chịu đó thôi. Đành rằng ngày nay chúng ta đang sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, song thực chất mỗi dân tộc, mỗi vùng miền lại có truyền thống văn hóa ngôn ngữ khác nhau, đậm nét riêng biệt. Chẳng phải cùng trên mảnh đất máu thịt ngàn đời nay, cháu chắt của vua Hùng nhiều lúc còn chưa nghe thấu hiểu hết tiếng mẹ đẻ của nhau, huống gì tiếng Anh- Mỹ? Chứng cớ là ngay cả khi các nghệ sĩ nước ngoài đến Việt Nam làm live show thật sự, mà đâu phải đã đông khách hâm mộ!?Phải chăng là nỗi niềm cảm xúc thẩm mỹ truyền thống đậm đà bản sắcViêt khác với cái chất ngoại lai từ phương xa lạ lẫm tràn tới?.

Trong trường kỳ lịch sử phát triển tiếng Việt, chúng ta phải biết ơn các nhà văn hoá lớn, các nhà văn, nhà báo như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương,Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Tản Đà, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Tú Mỡ, Trần Huy Liệu, Nguyễn Công Hoan,Thạch Lam, Nhất Linh, Khái Hưng, Vũ Bằng…cùng bao cây viết nổi tiếng khác. Họ rất giỏi ngoại ngữ, song họ từng đem bao tâm huyết,công sức để vun đắp cho tiếng mẹ đẻ ngày càng phong phú, trong sáng, giản dị và lộng lẫy hơn lên. Bởi tiếng Việt là quốc hồn, quốc tuý của dân tộc Việt Nam từ hàng ngàn năm.

Còn có thể nêu lên vô vàn dẫn chứng về việc lạm dụng tiếng Anh-Mỹ không cần thiết, song không thể ghi hết vào bài viết nhỏ này. Chỉ xin nêu ra đây một hiện tượng lớn bộc lộ tầm quan trọng của việc bảo vệ ngôn ngữ đời sống ở châu Âu: - Trên đất nước Bỉ có đến bốn bộ phận dân cư nói bốn thứ tiếng khác nhau:- tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Hàlan và tiếng Flămăng v.v… Chủ tịch Quốc hội ở nước này được luân phiên sáu tháng một lần theo từng ngôn ngữ. Dọc các dãy phố, biển chỉ đường đều ghi bằng bốn thứ tiếng. Tuy vậy, trên chính trường nơi đây đã không ít lần từng xẩy ra bất đồng sâu sắc được gọi là “chiến tranh ngôn ngữ.” Còn trên đất Pari, để tránh việc xâm nhập của tiếng Anh, Nhà nước Pháp cấm quảng cáo bằng tiếng Anh; đến mức có một viện sĩ hàn lâm lớn tiếng khẳng định: - “Tôi sẽ rút thanh gươm ra để bảo vệ cho ngôn ngữ chúng ta đã bị tấn công một cách tàn nhẫn bởi sự ngốc nghếch và sự lai tạp…”

Hiện nay, trên đất nước ta, người viết bài này nghĩ rằng, đã đến lúc Quốc hội nên quan tâm hơn và cần đặt ra những hướng dẫn, những quy định cần thiết cho việc bảo vệ sự trong sáng của tiếng Viêt, đặc biệt trong lĩnh vực quảng cáo...

 PGS.TS Nguyễn Trường Lịch - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 223, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan