Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Vất vưởng một "di sản sống"
Vừa thấy chúng tôi, nghệ nhân Hà Thị Cầu vội rời cánh cổng cao chừng nửa mét, tay trái dứ dứ vào mõm con chó đang gầm gừ khách lạ. Rồi như nhận ra sự lẩn thẩn của mình, bà ngước lên nói với: “Vợ chồng cái Mận không ở nhà, nó khóa ngõ rồi, các anh vào đây… trèo tường mà vào, chỗ này này…”.

Tường rào cao hơn một mét, tuy mới xây nhưng chỗ tay bà chỉ đã lỗ chỗ lở lói hằn trên đó là rất nhiều vết giầy, dép.

Những gạch nối lang thang.

Cuộc đời của Hà Thị Năm (tên thật của bà Cầu) là những gạch nối lang thang của kiếp hát xẩm, như cánh bèo mọc lên từ vùng đất khó nghèo chiêm trũng Ý Yên - Nam Định, men theo những kênh rạch nhỏ, ra sông Đáy rồi dạt về Ninh Bình khi độ xuân thì mở cánh.

Kiếp hát xẩm bắt đầu từ người bà của Năm – một người bà, như Hà Thị Năm kể là nức tiếng về ca xẩm vùng Ý Yên hồi đầu thế kỉ XX. Ngày ấy, xẩm rất thịnh hành và có mặt trong hầu hết các sinh hoạt cộng đồng từ chốn đình chùa đến nơi kẻ chợ. Vì vậy, dẫu đói kém nhưng những người theo nghề xẩm vẫn có cái ăn. Nhiều ca nương khi gặp cảnh thất thế, cùng quẫn của các học nho, phú lão,…đã bỏ lầu ca chuyển sang xẩm, ra ngồi đầu phố, cuối bến, hoặc tìm về chợ quê để kiếm sống.

Người đàn bà ca xẩm đất Ý Yên thời ấy sinh được duy nhất một người con gái bị lòa mắt, sau này cũng vào nghề hát xướng và lấy một người đàn ông mù làm nghề đàn ca sáo nhị. Cả nhà ba người, hai mù, một sáng mắt lập ra gánh hát đi khắp đầu phố cuối sông. Cuộc sống “cháo chợ, nước đồng” trưa nghỉ ven mom, đêm dạt đình điếm… đưa đến cho đôi vợ chồng mù lòa năm bảy mụn con nhưng chỉ duy Hà Thị Năm là còn sống.

Hà Thị Năm được bà bế ẵm trên tay qua cơn “mưa dày, nắng bỏng” lưu lạc đó đây từ chưa đầy tuần tuổi, đến khi đôi mắt biết ngước lên nhìn người, đôi tay biết chụm lại chìa ra trước ngực và đôi môi biết cất tiếng chú ơi, cô ơi, bác ơi… là lúc những làn điệu xẩm như Huê tình, Hà liễu, Ba bậc, Thập ân, Cò lả, Thập sầu, Hành vân, Ca nam... nhập vào cô. Nó tự nhiên như những lời nói cất lên hàng ngày, nó sung sướng, chất đầy cảm xúc như lúc người ta bỏ vào tay Năm những đồng cắc, đồng xu hãy còn nóng hổi.

Mười tuổi khi đã biết đủ ngón nghề của một ca xẩm (tự hát, tự phách và kéo nhị) là lúc đôi lưng của người bà rạp xuống gốc cây gạo đương mùa, nặng nề trút hơi thở cuối cùng nơi phố chợ hiu hắt. Tiếp sau là người cha mù lòa bỏ lại cuộc đời đàn ca nhị phách cho người vợ cùng con nhỏ. Hà Thị Năm lại dắt díu người mẹ mù lòa cất tiếng xẩm thân phận trôi dạt sang Yên Khánh – Ninh Bình.

Cuộc đời trong héo ngoài tươi

“Nhan sắc cũng chẳng kém cạnh ai, giọng hát làm chạnh lòng biết bao người” mà nào ai thương, người đời nhìn Năm bằng con mắt của “kẻ xướng ca vô loài” không nhà, không cửa. Thôi thì cuộc đời như “Giọt nước cánh bèo” biết dạt về đâu! Ao tù hay may ra vào được giếng khơi cũng là để trong đục với đời. Bởi thế, Hà Thị Năm chấp nhận về sống đời vợ chồng với ông trùm xẩm mù nhiều hơn tuổi cha mẹ cô, và đã qua 17 đời vợ.

Ông trùm xẩm là Nguyễn Văn Mậu, người có 6 gánh hát ở đất Yên Khánh, nhưng gia tài cũng chỉ có “cơm niêu nước thùng”, với một mái xiêu bốn bên gió lùa, chừng 20 m2 nằm ở xã Yên Phong – Yên Khánh. Qua 17 đời vợ nhưng ông Mậu vẫn không có lấy một mụn con, nên khi “giai” 49 gặp gái 16 như “đất ải vớ phải trời mưa”, đã ngấu nghiến liên tiếp đẻ 7 đứa. Mà nào có được chiều chuộng cho cam, vừa sinh Mận (con gái đầu lòng) được ba ngày cô Năm đã phải trao con cho bà cả để ra chợ ngồi hát. Người sản phụ ba ngày tuổi vừa hát vừa thắt ruột, thắt gan, nhoi nhói như kim châm nơi vùng ổ bụng chưa lành cuống nhau. Thế mà vẫn phải hát để nuôi con, có lúc tưởng kiệt sức, không cất được nổi giọng đành phải uống rượu để cầm hơi, lấy sức. Nhiều lúc, cô còn phải chịu cả đòn ghen của chồng. Bảy lần sinh nhưng chỉ còn lại ba, 71 tuổi ông Mậu qua đời, cô Năm vẫn còn bụng mang dạ chửa. Về sau khi sinh ra, do không có gì nuôi, đành phải đứt ruột cho đi đứa con trai tên “Cầu” và cũng từ đấy do quá thương nhớ con mà không biết làm cách nào, cô đã đổi tên mình thành Hà Thị Cầu, mong rằng sau này đứa con lưu lạc nhà người sẽ tìm về bên mẹ.

Một mình đứng tủi ngồi sầu

Do ở xa, trước khi đến thăm bà Cầu tôi đã gọi điện trước cho một người làm công tác quản lý văn hóa, nghệ thuật Ninh Bình, anh bảo: “Nhà bà Cầu ở ngay thị trấn Ngò – Yên Mô, nhà sát đường nên đến đó hỏi ai họ cũng chỉ cho thôi”. Tìm đến nơi tôi mới biết nhà bà Cầu không ở thị trấn, cách Ngò chừng 3km, đường khó đi, nhiều bụi do đang được thi công mở rộng và ở ngay sát Ủy ban nhân dân xã. Trong ngôi nhà nhỏ treo la liệt những giấy khen, bằng khen, giải thưởng: Bằng khen năm 1998 của Đài Tiếng nói Việt Nam và giải đặc biệt “Nghệ nhân hát chèo tỉnh Ninh Bình” trong Liên hoan trích đoạn tuồng chèo hay toàn quốc; danh hiệu Nghệ nhân dân gian; danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú; giải thưởng Đào Tấn…

Bà Cầu mặc chiếc áo khoác cộc tay, chất liệu nhung màu bã trầu đã cũ, bên trong là áo xanh màu nõn chuối với hai đầu gối tay rách tươm tả, để lộ ra ngoài nếp da nhăn nhúm. Hơn chục năm nay bà không còn lang thang hát xẩm và cũng từ hơn hai năm nay bà đem cái của gia bảo đời mình là cây nhị để cho người khác mượn. Nhiều lúc rất nhớ cây nhị ấy nhưng bà lại nghĩ: “người ta mượn để mưu sinh cuộc sống lẽ nào mình lại đòi về. Mà lấy về thì ngoài hát cho mình nghe, còn ai nghe nữa”. Như để giải tỏa nỗi cô đơn buồn tủi và những bức xúc cuộc đời, bà đã nói rất nhiều, hát rất nhiều nào là “Thập ân phụ mẫu”, “Giọt nước cánh bèo”… "Bao năm dạt nước cánh bèo/ Đã từng lưu lạc nhiều điều gian truân/ Giời cao có thấu tình chăng/ Đời người mấy lúc gian truân mà già". Đặc biệt là nhiều câu hát rời do bà ngẫu hứng sáng tác: “Nhà già ở sát ủy ban/ năm thì mười họa các chú vội vàng đến chơi” hay: “Trung ương lâu mãi không về/ già trông mỏi mắt miệng lỗ sắp kề đến nơi”; “Mận đi lâu thế hả giời/ cửa ngõ thì khóa để mình tôi ngồi sầu”… mà mỗi khi hát đôi mắt bà đều rân rấn, nghèn nghẹn chứa chan biết bao tâm sự, nó như bày ra với khách dằng dặc câu hỏi: Bà đang sống bằng gì? Một nghệ nhân dân gian – nghệ sĩ ưu tú, một di sản sống về xẩm có nhận được nhiều sự quan tâm? Tôi hỏi bà một số câu có ý tương tự thì bà chỉ cười và nói: “Nhìn người thì các anh biết, bà Cầu này sống còn không có cái mà đắp vào mình thì hòng gì khi chết được mang đi. Chỉ có giọng xẩm này cùng chén rượu vợ chồng cái Mận rót hàng ngày là vui thôi…” Khi chúng tôi đứng lên chào để ra về, bà còn níu lại chừng già 5 phút, 5 phút ấy bà hết đứng lên lại ngồi xuống mà chốc chốc lại ngóng ra ngõ nói: “Vợ chồng con Mận đi đâu mà lâu về thế nhỉ?”.

 Tuyết Mai - Bản tin ĐHQGHN số 236 (2010)
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan