Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Bùi ngùi miếng sắn tuổi thơ
Nhớ thuở thiếu thời, mỗi khi đến bữa, nhìn chiếc mâm gỗ chỉ vỏn vẹn có đĩa rau luộc, loa canh chuối cùng bát nước mắm, mở nồi cơm thấy toàn là sắn, mấy anh em tôi mếu máo còn bố ngao ngán thở dài.

 

Thương các con, bố mẹ thường vét đáy nồi đơm “cơm không” (cơm không lẫn sắn) cho mỗi đứa lưng bát. Ðưa miếng cơm bùi lên miệng, ngó sang bát sắn của bố mẹ, nước mắt tôi chảy dài...

Quê tôi, một miền đất trung du cằn cỗi được người ta gọi là “vùng đất sắn”. Người quê tôi sinh ra đã nhìn thấy đồi sắn, lớn lên mấy ai không một lần bị sắn làm say nghiêng ngả. Búp sắn non nấu canh, củ sắn ăn thay cơm, sắn khô là lương thực chính nuôi cả người và vật nuôi trong những ngày đông tháng giá hay khi giáp hạt. Xưa, chỉ người nghèo đói mới phải ăn sắn. Ngày nay, xôi sắn, sắn lùi, dưa sắn chua, canh rau sắn trở thành đặc sản đến ngay cả những người đi ô tô, ở biệt thự cũng thích...

Khi tôi còn bé, làng mất mùa lúa quay quắt đói, chiều mưa dầm mấy đứa trẻ chăn trâu lén rủ nhau lên nương đào trộm sắn non để nướng. Bụng rỗng, sắn non ăn thì ngon mà dễ say. Tôi đã từng bị say ô tô, say sóng trên tàu nhưng chưa khi nào thấy đáng sợ như say sắn. Ðầu đau, bụng chướng, chân tay bải hoải vừa ngứa như kim châm lại tê như đã lìa khỏi cơ thể. Ðã say sắn thì “miệng nôn trôn tháo”, nôn khan đến bong niêm mạc miệng, những cơn lòi ói ợ trào cửa miệng thứ khí nóng nhức như than hồng tỏa ngược từ dạ dày tựa như vừa ăn cả một rổ ớt. Những ai thoát cơn say sẽ sợ sắn đến mãi về sau, dù biết rằng ở đất này chỉ có sắn mới nuôi mình lớn nổi thành người...

Mùa phơi sắn ở quê tôi thường bắt đầu khi heo may về se sắt và sương sớm đủ làm tê buốt hơi thở những ai tinh mơ đã rời nhà. Ðể phơi kịp nắng, bố mẹ tôi thường dựng lán trên nương, ở đó cả ngày để nhổ, cạo vỏ, băm, phơi. Bữa trưa ăn cơm nắm trên nương, tối về đến nhà gà đã lên chuồng. Trên nương cao ấy gió thổi nhiều lắm, hanh và khô, dáng bố mẹ gầy gò vật lộn với từng bụi sắn. Gió làm cho gót chân mẹ vốn đã hay nứt nẻ vào mùa đông nay càng sần sùi như gốc cây gạo. Ðêm về mẹ không ngủ được vì gót chân đau, vì ngay ngáy lo trời mưa, sương dày hỏng sắn... Bố tôi bảo rằng, cây sắn quê mình như người nông nghèo quanh năm cặm cụi bám lấy đất sỏi mà vươn lên khó có sức mạnh nào ngăn trở được. Thân sắn, gốc sắn kia qua mùa thu hoạch củ, cái xác vờ teo quắt miễn là mắt mấu còn tiếp xúc được với đất là còn có cơ nảy mầm. Mà sắn đã nảy được mầm, thì thế nào cũng có củ. Củ không xứng vào nồi đồng điếu nhà giàu thì vào niêu đất méo miệng nhà nghèo. Ngày xưa, trai làng này trồng sắn trước khi ra trận. Người nọ tiếp bước người kia, bới vồng sắn người đi trước trồng thì lại vùi xuống đất một gốc sắn khác để dành người đi sau. Những bậc cao niên, các ông già, bà cả trong làng mượn thân cây sắn róc sạch mấu làm gậy chống để những bước đi dễ dàng hơn...

Nhớ những ngày mưa không thể đi làm, mẹ tôi thường mang sắn đã phơi khô ra giã lấy bột làm bánh sắn. Sau khi nhào bột ướt, mẹ sẽ dùng một chiếc đũa làm tâm rồi nặn cục bột xung quanh để đến lúc rút ra, bánh sẽ có một cái lỗ bên trong, như thế, khi luộc bánh sẽ nhanh chín. Nhà tôi nghèo nên món bánh này thường được dùng để ăn thay cơm. Hôm nào có thêm bát mật mía hay chén đường để chấm bánh sắn thì anh em tôi đã sướng lắm rồi. Lại nhớ những độ mùa gặt vừa xong, có ít nếp mới, thèm ăn bữa xôi nhưng không dám phung phí, mẹ nấu gạo nếp với sắn cho cả nhà làm lũ trẻ chúng tôi háo hức cả buổi. Mở nồi xôi ra, mùi thơm lừng của nếp mới tỏa ngào ngạt khắp gian bếp nhỏ. Vị dẻo quánh, ngọt thơm của những hạt nếp quyện với vị bùi, bở tung của sắn trắng ngần là cảm giác no ấm của tuổi thơ tôi...

Một mùa đông nữa lại về. Mùa sắn năm nay, nghe tiếng thở dài của bố mẹ, tôi biết sắn mất mùa, giá lại rẻ trong khi các em tôi vẫn đang tuổi ăn, tuổi học. Tôi từ phố phường về quê nghe gió đông thổi cạn thời gian, thổi rám lá sắn, thổi quắt quéo cả cuộc đời bố mẹ. Ðặt lên vai chiếc đòn gánh cong hai đầu là những củ sắn chắt chiu mồ hôi, công sức đã bao ngày, tôi bước đi chênh chao. Gió mùa vẫn thổi ràn rạt, nhìn bố nở nụ cười hiền nhăn nheo, lòng tôi quặn thắt... Ngày mai tôi lại phải xuôi với những công việc nhàn nhã của mình chốn Hà Thành.

 Thúy Hường - Bản tin ĐHQG Hà Nội - 237
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :