Văn hóa
Trang chủ   >  Văn hóa  >    >  
Sống tết, chết giỗ
Khi ta mang ơn một ai đó, dân gian ta hay dùng thành ngữ “sống tết chết giỗ”. Câu thành ngữ hàm ý là khi mà người ta chịu ơn còn sống thì ta phải nhớ lễ tết cho chu đáo, còn khi người đó mất rồi, ta phải nhớ cúng giỗ nghiêm chỉnh theo phong tục.

Từ một câu ca

Mồng một thì đi tết cha/ Mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy. Câu ca dao này trong dân gian còn tồn tại khá nhiều dị bản, nghĩa tương đồng cũng có, nghĩa hơi khác cũng có (Mồng một ăn tết nhà cha/ Mồng hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy; Mồng một tết mẹ, tết cha/ Mồng hai tết chú, mồng ba tết thầy...). Nhưng dù có nói theo cách nào đi nữa thì câu chuyện lễ nghĩa ở đây cũng chỉ xoay quanh trong “ba ngày tết” (Ðói ngày giỗ cha, no ba ngày tết). Ðây là khoảng thời gian chính, là tiêu điểm của các hoạt động hướng về cái Tết cổ truyền thiêng liêng của dân tộc ta (sang ngày mồng 4, mồng 5 chẳng hạn, không khí tết vẫn còn nhưng cảm xúc và ý nghĩa của nó đã giảm đi nhiều).

Vấn đề đáng nói là các nhân vật được “tết” (và khi chết được “giỗ”) ở đây chỉ có cha, mẹ và thầy. Cha được hiểu là người đàn ông sinh ra ta, là hiện thân của “họ hàng bên nội”. Cũng nghĩa đó, mẹ là hiện thân của “họ hàng bên ngoại”. Còn thầy tức là thầy dạy học. Ngày xưa, nói chung ở các gia đình gia giáo nề nếp, con cái được gửi gắm cho các thầy dạy dỗ ngay từ tấm bé. Thầy đồ nuôi cho ăn, dạy cho chữ nghĩa thánh hiền và cách thức ứng xử ở đời. Quyền uy của thầy rất lớn, có khi còn lớn hơn cả cha mẹ. Ðiều đó cũng nói lên quan niệm về chữ hiếu và chữ đạo của cha ông ta ngày xưa rất rõ. Nước ta nằm trong vùng ảnh hưởng đậm nét của nho giáo (Trung Quốc) vốn coi trọng mọi mối quan hệ xã hội theo thuyết tam cương ngũ thường (tam cương chỉ ba mối quan hệ trong đạo làm người là: vua - tôi, cha - con, chồng - vợ; ngũ thường chỉ năm đức tính chủ yếu mà người đời phải trọng thị: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Vậy mà ngay cả tiết nghĩa quân thần (vua - tôi) kia cũng phải đứng sau nghĩa thầy - trò. Vua đang xa giá, gặp thầy dạy học của mình cũng phải xuống ngựa từ xa mà chắp tay cung kính vái chào. Triều đình gặp hệ trọng, vua và quần thần bàn bạc nghĩ chưa ra, nhiều khi phải mời thầy dạy vào cung để thỉnh cầu và nghe lời chỉ giáo...

Vậy là cùng với cha mẹ - những người mà ta phải mang nặng công ơn sinh thành (Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra) - thầy dạy kia chính là người ta phải “ghi xương khắc cốt”, không thể quên mỗi khi tết đến xuân về. Phan Kế Bính, trong Việt Nam phong tục, viết rằng: “Học trò mới vào học gọi là nhập môn, phải kiếm buồng cau lạy yết kiến thầy hai lạy. Lúc học gặp khi mồng năm ngày tết như tết Nguyên đán, tết Thanh minh, tết Ðoan dương, tết Trung thu, mùa nào thức ấy, hoặc cặp gà thúng gạo, hoặc đường mứt bánh trái, hoặc dăm ba quan tiền, tùy tình đa thiểu mà đem đến lễ thầy”. Cũng cần nói thêm về hai từ đi tết và đi chúc tết. Chúc tết là đi chúc mừng ai đó nhân dịp tết. Còn đi tết lại hơi khác. Ði tết là mang lễ vật, quà cáp, tiền bạc... để dâng biếu, chúc tụng ai đó nhân dịp tết. Ði tết có thể sớm (thường là trước hoặc trong ngày 30 tết), có thể vào đúng ngày tết, nhưng không thể thiếu lễ vật cần thiết (cau, rượu, gà sống thiến, thủ lợn, gạo nếp, hương nến...) Lễ vật có thể nhiều ít tuỳ gia chủ, nhưng nhất thiết phải có đủ lệ bộ và phải chuẩn bị một cách trang trọng, thiêng liêng.

Bây giờ có còn thế?

Nhưng chuyện lễ tết “thời đại A còng” hình như đã đi quá đà và nhuốm đậm màu sắc của cơ chế thị trường.

Ấy là những đối tượng mà người ta chỉ “sống tết, nhưng chết không giỗ”. Họ chỉ quan tâm tới hiện tại chứ không hướng mai sau. Có những người, cứ tết đến là nhà cửa tấp nập xe cộ. Hết người ra đến kẻ vào. Thái độ trịnh trọng, lời lẽ cung kính hết cỡ và quà cáp lễ lạt thì còn phải nói: quá mức và ngoài sức tưởng tượng. Một lẵng quà bánh rượu tây, kẹo ngoại? Một chậu quất lung linh cao chạm trần nhà? Dăm thùng bia Heineken hay Coca-Cola uống “nhoè” suốt Tết? Chưa là cái gì cả! Người ta sẵn sàng tết các “đại gia” có quyền có thế bằng hiện vật cực kì “hoành tráng” (có khi cả chiếc ô tô đời mới) kèm những bao lì xì mà giá trị của nó luôn luôn là giấc mơ xa vời của bao người lao động.

Lễ tết, xét về ý nghĩa văn hoá, phong tục, tín ngưỡng là một nghĩa cử nhân văn. Người đến và người đi, người nhận và người cho đều nhận ra tấm lòng và thịnh tình ở đó. Lễ tết bây giờ đang bị thương mại hoá hết sức tinh vi. Nhiều người đã “mượn hơi tết” để thực hiện một hành vi khác đi xa hơn tết. Ðó là một dạng lễ tết có điều kiện. Bởi người nhận không thể dửng dưng trước món quà quá lớn. Một phong bao vài “vé” (hoặc hơn) có sức mạnh rõ ràng của một thông điệp tường minh và “đanh thép”: Anh nên lưu ý chuyện mà tôi đang nhờ anh đấy! Có thể là một phi vụ làm ăn, một chỉ tiêu biên chế cho con hay một chân trong bộ máy lãnh đạo,... đang nằm trong tay anh và cần “cú hích” của anh. Có món quà nào gửi đi mà không kèm một giao ước “ẩn ý” không lời đâu...

Ngay cả chuyện tết thầy bây giờ cũng đã khác. Bởi có rất nhiều thầy mà ta chỉ tết một lần thôi rồi... quên. Ấy là người thầy mà ta đang phải nhờ, phải lụy. Không có thầy giúp, ta khó qua nổi kì thi, qua nổi hội đồng (nhất là luận văn, luận án của ta đang bị đánh giá là có vấn đề, đang bị “treo”). May quá, tết đến rồi. Ðây là cơ hội để “Nhân dịp năm mới, cảm ơn tấm lòng của thầy, em xin có chút quà mọn biếu thầy cô ăn tết thêm vui vẻ”. Chút quà mọn ư? Mọn gì mà thầy và cả gia đình nhà thầy “ăn chơi” có lẽ đến cả tháng Giêng cũng chưa vơi?

Dĩ nhiên, đấy cũng chỉ là một mặt biểu hiện của lễ tết bây giờ. Và dĩ nhiên, cũng không phải tất cả mọi người đều bị “đồng hoá” bởi cơ chế thoáng như vậy. Có rất nhiều người, có rất nhiều quan chức, có rất nhiều thầy đã quay mặt với những hành vi lượng hoá tình cảm rất đỗi thiêng liêng kia bằng vật chất. Dù sống còn khó khăn, đạm bạc, họ vẫn giữ được sự trong sạch, thái độ khảng khái và lòng trung thực. Sống tết, chết giỗ, đạo lí dân gian ta xưa đã vậy và nay vẫn vậy. Nhưng nghĩa cả của đạo lí ở đời phải được đặt lên trên hết. Ðồng tiền luôn liền khúc ruột mà. Ăn đã vậy biết múa gậy làm sao? Người xưa cư xử thế nào thì hôm nay ta cũng nên nhìn vào mà ứng xử cho phải lẽ.

 PGS.TS Phạm Văn Tình - Bản tin ĐHQG Hà Nội
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :