Trang chủ   >   >    >  
Người bạn của tuổi thơ
NSNA Phạm Công Thắng một đời đi tìm cái đẹp, góp nhặt những khoảnh khắc tạo nên sự thăng hoa trong nghệ thuật. “Khoảnh khắc” cũng là nhan đề triển lãm ảnh đầu tiên sau hơn một phần ba đời người cầm máy của anh. Đề tài thiếu nhi chiếm phần nhiều trong triển lãm, bởi đó là “cái đẹp trong sáng và tinh khiết nhất” mà người nghệ sĩ luôn hướng tới.

Phạm Công Thắng quê gốc ở Huế, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nhiếp ảnh tới 100 năm. Anh giành trên 100 giải thưởng ảnh, văn học nghệ thuật, báo chí trong nước và quốc tế. Riêng về nhiếp ảnh, anh có nhiều thành tích lớn, tác phẩm “Người chơi đàn ghi ta” đạt giải tại cuộc thi “Câu chuyện để nói” của Pháp, “Bến lặng” đạt Huy chương đồng tại Malaysia năm 2006, “Thanh thản” đạt huy chương vàng tại Srllank, 2005.
Từ những năm 70 của thế kỷ trước, Phạm Công Thắng là một trong ba “tay máy” mua vui, chia buồn cho toàn thị xã từ đám cưới đến đám ma. “Buồng tối, phòng sáng” là kỹ thuật chụp ảnh đen trắng với những thao tác thủ công cần mẫn như tráng phim, chấm sửa, tô màu, phóng ảnh. Thời đó, đồ nghề của “phó nháy” còn cồng kềnh, chỉ tạo ra những bức ảnh nhỏ tới nỗi phải dùng kính lúp mới nhìn được người trong ảnh. Mỗi bức ảnh cũ là một câu chuyện, được anh trân trọng như kỷ vật, khi xem lại, đường răng cưa vẫn như cứa vào trí nhớ anh, về thời kiếm cơm lận đận bằng một thứ nghề “xa xỉ”.
Phạm Công Thắng đam mê chụp ảnh tới nỗi tiếng cò bật máy cũng làm anh xốn xang. Không bằng lòng là một tay thợ ảnh quê, Phạm Công Thắng quyết định vượt qua “biên giới tỉnh lẻ”, đến với Thủ đô, trở thành nhiếp ảnh gia dù lúc ấy anh đã là Thư kí tòa soạn báo Văn hóa Thông tin Thanh Hóa. Phạm Công Thắng hiện đang công tác tại Tạp chí Hàng không Việt Nam. Công việc ở đây khiến cho anh “bay không biên giới” cũng như “được mùa đi Tây”. Điều đó tạo cơ hội cho anh chụp nhiều.
Phạm Công Thắng cho rằng nhiếp ảnh viết nên cuộc sống bằng một ngôn ngữ khác, sắp xếp cuộc sống bằng cách chơi ánh sáng, bố cục, màu sắc, nhưng cuộc chơi này luôn phải tuân thủ sự thật. Ảnh của Phạm Công Thắng đa dạng về đề tài, chặt chẽ về bố cục, hoàn hảo về ánh sáng và đặc biệt, người xem có thể nhìn thấu chân dung người nghệ sĩ trong đó. Phạm Công Thắng có tài mở rộng hình của mình như những bức tranh 3D. Xem ảnh của anh về Hàng không, người ta thấy choáng ngợp bởi bao la của trời đất, mênh mông của biển qua ống kính của người nghệ sĩ vạm vỡ mà tinh tế.
Ngày còn nhỏ, Phạm Công Thắng là một cậu bé nghịch ngầm. Có lần, nhìn thấy một con nhái đang bị ngoắc cổ trong chiếc lưỡi câu nhọn hoắt kêu cứu, cậu bé Thắng thương tình thả xuống nước. Người đi câu bị mất nhái, tức giận và túm nhầm em trai Thắng mà vặt tai. Từ đó, Thắng thấy mình có khả năng hiểu tiếng động vật. Cậu ngồi hàng giờ nghe gà, vịt, ngan, ngỗng nói chuyện với nhau. Cậu chăm chú quan sát mọi thứ, thế giới mở ra với cậu là chiếc “kính vạn hoa” lung linh sắc màu. Phạm Công Thắng đến với nhiếp ảnh, ngỡ như mình là đứa trẻ con có được phép màu. Nhiếp ảnh có thể giúp anh làm sống lại những khoảnh khắc đã qua, để lưu giữ và chia sẻ. Vì vậy, anh đam mê, gắn cả nghiệp đời mình với chiếc máy ảnh.
Phạm Công Thắng chụp ảnh thiếu nhi với một cái nhìn nhân hậu trong “Mắt ngọc”, “Tuổi thần tiên”, “Cháu yêu của bà đẹp quá”. Người đàn ông tuổi ngoài ngũ tuần, với khuôn mặt chữ điền khắc khổ, dáng người gầy gò đã vẽ nên chân dung một cuộc đời nhiều khó khăn, vất vả. Đôi mắt anh khi nói chuyện, luôn nhìn thẳng vào người đối diện, với một cái nhìn khắc khoải, và tôi thấy trong đôi mắt ấy là những gương mặt thiếu nhi, là thế giới tuổi thần tiên đẹp đẽ.
Phạm Công Thắng có rất nhiều bức ảnh chụp cho thiếu nhi gồm thể loại chân dung và chụp loài vật. Chụp chân dung là một thể loại khó, chụp chân dung thiếu nhi càng khó hơn. Với anh, trẻ em như “búp trên cành” cần được nâng niu, trân trọng, làm sao để diễn tả được những nét riêng là cả một nghệ thuật. Đi mọi miền, sau khi chớp được những khoảnh khắc quý giá, anh đều cố gắng trở lại vùng đất ấy gửi tặng nhân vật của mình những bức hình. Khi mở triển lãm, anh cũng mời họ tới tham dự, ai không gặp được anh thấy buồn và tiếc lắm. Nói về bức ảnh “Mắt ngọc”, anh tâm sự: "Bức ảnh này anh chụp cách đây mười bảy năm, cô bé kia giờ chắc trở thành một thiếu nữ ngoài đôi mươi. Nếu như có ở đây, chắc cô bé sẽ vui lắm".
“Góc nhìn tuổi thơ” là một nhan đề khá thú vị trong cách khám phá mới của tuổi thơ. Thế giới loài vật như gà, ngan, ngỗng được nhân cách hóa thành những nhân vật ngộ nghĩnh, đáng yêu. Ở đây, người nghệ sĩ đã ví mình như một đứa trẻ để kể lại những câu chuyện. Câu chuyện về đôi bạn gà đối thoại “gọi”, “nghe” đến cảm xúc “giận”, “làm lành”, “âu yếm” và ước mơ về “tương lai” được thể hiện hấp dẫn. Kể về bức ảnh này, anh đã phải dày công “rình” mất nửa ngày bên lồng gà. Đó là chưa kể có lúc anh bị con vật tấn công. Thế giới con vật là thế giới vô tư, qua ống kính người nghệ sĩ gửi thông điệp với con người, là một cách thể hiện độc đáo trong nhiếp ảnh của Phạm Công Thắng. Anh còn bật mí về những bức ảnh chưa công bố, để dành về một triển lãm riêng dành cho thiếu nhi và thiên nhiên, môi trường.
Nhiếp ảnh với Phạm Công Thắng đơn giản là phương tiện để truyền tải lòng mình. Anh yêu thiếu nhi, khiến cho người khác yêu cùng, bởi anh là một người bạn của tuổi thơ.

 Mai Đỗ - Bản tin số 249 - Tháng 11/2011
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :