Trang chủ   >   >    >  
Tính hai mặt của rượu

Riêng đối với ai hay uống rượu, cụ thể là những người nghiện rượu, chúng ta thường có một ấn tượng không lấy gì làm thiện cảm, mặn mà, thậm chí còn có ý phê phán vì cho đó là thói xấu tệ hại vô cùng. Chẳng thế mà khi đề cập đến "hạng người" này, người ta thường gắn nó với cái nếp nghĩ mang sắc thái chê trách kiểu như: kẻ bợm rượu, ma men, bê tha, rượu chè be bét…Bởi phía sau cơn say của người uống rượu quá nhiều là hàng loạt các sự việc xấu xảy ra. Kẻ sa đà phàm tục, lấy say sưa làm thú vui hằng ngày, nếu nhẹ thì dẫn đến bệnh hoạn, mất tư cách, đánh vợ, nạt con; còn nặng thì hại nước, tan nhà, gây phiền hà cho người thân và xã hội. Bản thân mỗi người nghiện rượu cũng dần dà rơi vào tình trạng không có lợi cho sức khoẻ, hơn nữa vong mạng tổn thương… Thực tế cho thấy nhiều căn bệnh (đau dạ dày,tăng huyết áp, suy tim…) và cái chết bất đắc kì tử…là do uống quá độ mà sinh ra. Cái hại của rượu thật là chẳng thể nào kể xiết!
Nhưng nếu chỉ có mặt hại và sự tổn thất, chắc hẳn rượu đã không thể tồn tại đến tận bây giờ, đấy là chưa kể đã có thời kỳ trong lịch sử , nó được tôn vinh là một trong những phát minh vĩ đại của loài người. Phải chăng, rượu đối với chúng ta vẫn còn nhiều chuyện kỳ diệu, bí ẩn và hấp dẫn đến lạ lùng?
Chắc hẳn mỗi chúng ta, trong tâm thức mãi còn lưu giữ một câu chuyện xa xưa khi mặt đất mới hoài thai và cũng là lần đầu tiên có sự xuất hiện của con người… thì ngay từ ngày ấy, rượu đã được nhắc đến. Ở phương Tây, trong lớp sương của huyền thoại - khi mà cả nhân loại còn thơ ngây, tin tưởng và tôn sùng vào thánh thần, thì trong mười hai vị thần của họ, thần rượu nho Đyônidôx cũng đã được nhắc đến với tình cảm mến yêu, trân trọng vô ngần. Còn ở phương Đông, rượu cũng là một thứ không thể thiếu được trong các nghi lễ cúng tế thần linh. Câu nói "phi tửu bất thành lễ" chính là mang hàm ý đó.
Như vậy ở hai mảnh đất có vẻ như đối lập nhau, ở cả phương Đông và phương Tây, rượu vô hình trung đã trở thành nhân tố vô cùng quan trọng, trước hết là với thế giới của thần thánh.
Còn hiện tại, trong cuộc sống thường nhật thì sao? Thực tế chỉ ra rằng rượu vẫn có một giá trị đáng kể. Nó vừa là thứ “gia vị” đặc biệt, vừa rất hấp dẫn trong ăn uống, tiệc tùng. Các bậc vương tôn, công tử và các hàng văn – võ xưa kia trong bữa ăn, không khi nào thiếu rượu. Còn đến ngày nay, trong một bữa ăn mang tính chất “nghi lễ”, mà thiếu rượu thì bị coi là chưa hoàn hảo. Vai trò của rượu còn hết sức “đắc lực” đối với các nhà ngoại giao, nhà chính trị và các chủ doanh nghiệp trong khi bàn chuyện buôn bán, làm ăn. Bởi muốn thuyết phục đối phương, đôi khi chỉ cần nâng chén, chạm cốc là mọi việc có thể xuôi gió, thuận buồm. Riêng đối với mỗi cá nhân, rượu đã nhiều lúc bộc lộ rõ tính năng thánh thiện của nó. Người buồn và gặp nhiều chuyện rủi ro, bất hạnh, tìm đến rượu ( tất nhiên có chừng mực) như giải pháp tạm thời giúp họ giải toả nỗi niềm; làm vơi bớt u uất, mặc cảm. Đặc biệt, rượu có vai trò lớn đối với những người nghệ sĩ mang nhiều khát vọng sáng tạo và mong mỏi hướng tới nghệ thuật chân chính. Biết bao nhà thơ, nhà văn, hoạ sĩ... đã có những tác phẩm để đời nhờ hơi men của rượu.
Thực tế cho thấy, tính năng tích cực mà rượu đem lại cho loài người không phải là ít, và nó cũng chẳng đến nỗi "rách việc" như mọi người vẫn tâm niệm. Ở NewYork, đã thiết lập hẳn một trung tâm nghiên cứu về rượu, trong đó cũng đã đưa ra một kết luận hết sức đáng tin cậy rằng, rượu là thứ mà có góp phần vào sự phục vụ cho lợi ích sức khoẻ của con người - nếu như biết cách dùng đúng liều lượng; cụ thể là mỗi ngày uống không quá ba ly thì phù hợp. Quan điểm này khá gần với phương Đông khi họ nói "bán dạ tam bôi tửu". Điều đó chứng tỏ cả thế giới, cả cư dân Đông phương lẫn Tây phương đều không phủ nhận được ảnh hưởng tích cực từ rượu. Chính nó là một nhân tố có tác dụng lớn trong việc bồi đắp sức khoẻ cho mỗi con người nói chung.
Ở Việt Nam, từ lâu chúng ta vẫn thích thứ rượu được chưng cất từ gạo nếp quê nhà - bởi nó vừa tinh khiết, đậm đà mà lại nồng nàn, say đắm… Dần dà, bên cạnh rượu làng ấy, người Việt lại biến thái đi, ngâm rượu với các loài hoa quả khác thành rươụ mơ, rượu đào; hoặc với các con vật có nhiều tinh chất như rắn, bọ cạp, tắc kè… Uống vào vừa thích thú, khoẻ mạnh, lại ngăn ngừa được nhiều căn bệnh hiểm nguy. Thông thường, họ "biến thái" để uống cho hợp chứ trong ngày lễ Tết hoặc giỗ chạp ông bà, tổ tiên, cha mẹ, thì truyền thống người Việt vẫn là dùng rượu nguyên chất - rượu trắng được chưng cất nên từ gạo nếp.
Và cùng với thời gian, rượu lại trở thành một "mốt" của thời đại. Các loại rượu vì thế ngày càng phong phú, đa dạng hơn. Rượu Tây, rượu ta…bày bán khắp trên thị trường. Từ các loại chỉ có vài chục, vài trăm ngàn, đến loại hàng triệu bạc (như rượu vang Booc-đô, rượu XO, rượu Cô-nhắc…). Mỗi khi bước chân vào cửa hiệu lớn hoặc các siêu thị có tiếng, chúng ta đều thấy choáng ngợp trước loại mặt hàng này. Tuy vậy, hiếm thấy người bán hàng nào kêu ca hàng hoá tồn đọng, dẫu biết rằng có nhiều loại rượu chưa hẳn đã phù hợp với túi tiền của đa số người Việt Nam. Âu đó cũng là dấu hiệu đáng mừng: một mặt nó chứng tỏ đời sống của người Việt đã được nâng cao, mặt khác nó cũng khẳng định cuộc sống càng hiện đại thì vai trò của rượu ngày càng lớn. Vì nó đã là thứ không thể thiếu trong các buổi tiệc, liên hoan lớn.
Xuân sắp đến, Tết lại chuẩn bị về. Bên cạnh bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ…một ly rượu nhấp môi cùng nâng chén với bạn bè sẽ góp phần tạo nên không khí yên vui, ấm áp của mỗi gia đình trước thềm năm mới.

 Đan Lê - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :