Trang chủ   >   >    >  
Đi chợ Co Xàu cười khô cả răng
Co Xàu là tên cũ của thị trấn Trùng Khánh (huyện Trùng Khánh), nơi nổi tiếng với khu chợ huyện to nhất, đẹp nhất vùng miền đông của tỉnh Cao Bằng. Người già bảo rằng, cái tên Co Xàu xuất phát từ chữ Cổ Lâu (ngôi nhà cổ) mà ra. Gọi là Co Xàu để khẳng định rằng vùng đất này từ ngàn đời người Tày Nùng đã định cư ở đây từ thuở khai thiên lập địa...

Chợ Co Xàu nằm dưới chân một quả núi tròn như chiếc bát úp có tên là Phja Phủ. Đến chợ Co Xàu ta sẽ gặp những ngôi nhà hình ống một gian, hai gian, kế tiếp nhau được làm bằng đá hộc kết dính nhờ vôi tôi trộn với đất đồi Kéo Lồm tạo nên những dãy phố dài. Nhà nào cũng lắp những cánh cửa gỗ nghiến dày, trong nhà có những tấm phản chân mộc không chạm khắc đẽo đục đã lên nước thời gian đen bóng. Đồng bào Tày Nùng luôn tự hào bởi chợ Co Xàu mang dáng dấp của đô thị cổ từ hàng nghìn năm nay. Có lẽ đây là phố thị miền núi duy nhất ở nước ta không có sông suối...
Chợ Co Xàu tuyệt nhiên không có kẻ cắp, không có người ăn mày, chỉ có người già cô đơn không nơi nương tựa. Những đứa trẻ mồ côi cơ nhỡ đi hát rong. Họ hát rằng: “Mùa rẫy con không về cày. Mùa ruộng con không tới cấy. Nay thành lúa thành ngô. Con đến xin vài hột. Ăn vào để thành máu. Giúp mọi người nuôi muỗi mà thôi...”. Những người dân ở phố chợ nếu động lòng trắc ẩn khi nghe tiếng hát não nùng kia sẽ cho người hát đấu gạo, củ khoai hoặc con cá, xâu thịt rừng hun khói. Nhận đồ được cho rồi, người hát rong sẽ dán một mẩu hồng điều có in hình chữ Phúc lên cánh cửa và chắp tay cúi mình cảm tạ.
Đi chợ Co Xàu, người ta không đơn thuần chỉ để mua bán. Họ ra chợ là để tâm tình, uống với nhau bát rượu ngô, ngó mặt nhau là đã đỡ khát. Hào hứng đến chợ nhất có lẽ là đám thanh niên nam, nữ. Những con mắt trẻ trung, long lanh theo nhau đi lòng vòng khắp chợ, khó rời nhau nửa bước...
Nếu là người vùng khác đến Co Xàu mà chưa được nghe câu hát Woàng dzà thì coi như chưa đến chợ. Câu hát kể về chàng hoàng tử ngồi trong cỗ xe song mã phấp phới lính hầu. Cỗ song mã chạy roong roong từ đầu chợ đến cuối chợ. Cờ hoa đỏ, vàng bay mù mịt. Dân chợ búa đổ xô dẹp đường cho hoàng tử. Chỉ có A Slao mồ côi nghễnh ngãng. Nàng đứng giữa đường như chặn đoàn xe hoàng tử. A Slao lặng ngắm nhìn hai chú ngựa hồng mao. Mắt A Slao to đen như nai con không chớp. Da A Slao trắng hồng tỏa ra mùi hương bjooc lỏong. Môi A Slao tươi đỏ như hòn gạch non. Người A Slao thắt đáy lưng ong như cây rơm lúa nếp. Hoàng tử cho ngựa dừng lại và xuống xe. Chàng thoăn thoắt bước tới âu yếm nhúm cười với A Slao. A Slao ngơ ngác không biết có chuyện gì. Nàng đứng như cây hoa chuối đỏ. Một khắc trôi qua. Nửa giờ trôi qua. Chàng hoàng tử tuyên bố với bàn dân thiên hạ rằng từ rày không trở về hoàng cung nữa. Chàng cởi hết mũ áo vua ban. Chàng đội lấy mũ nồi, mặc áo chàm cài khuy ngang đi hài cỏ xin được ở rể phố thị Co Xàu...
Nghệ nhân trình bày xong bài hát, mọi người xung quanh vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt, tiếng cười vọng vang vào vách núi. Trải qua bao cuộc bể dâu, dân Co Xàu vẫn vui quanh năm, hát suốt đời là thế. Chẳng thế mà người ta bảo, đi chợ Co Xàu, cười khô cả răng mà chẳng mất tiền mua...

 

 Văn Trương - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :