Trang chủ   >   >    >  
Khoa Báo chí – Truyền thông: Sức lan tỏa ngày càng lớn
Giới báo chí – truyền thông cả nước cùng cho rằng, mỗi cơ sở đào tạo nhân lực ngành này ở Việt Nam đều mang bản sắc và những dấu ấn rất riêng.

>>>> Bản tin số 255 (pdf)

>>>> Khoa Báo chí – Truyền thông: Sức lan tỏa ngày càng lớn (pdf)

Chỉ riêng khu vực phía Bắc thì Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn được nhắc đến là cơ sở đào tạo có truyền thống, nơi cho “ra lò” những người làm nghề đầy cảm xúc, dám dấn thân và chuyên nghiệp cho từng loại hình báo chí. Trong khi đó, Khoa Báo chí – Truyền thông của Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN lại gợi đến địa chỉ uy tín, đào tạo ra những nhà báo, những người làm công tác truyền thông có trách nhiệm, có kiến thức nền vững vàng, khả năng thích ứng cao và đa năng khi hành nghề.

Trải qua hơn 20 năm xây dựng và trưởng thành, Khoa Báo chí – Truyền thông liên tiếp cho ra đời những sản phẩm đào tạo mang bản sắc rất riêng, linh hoạt, tinh nhuệ trong lý thuyết và thực hành. Tập thể lãnh đạo Khoa cũng như đội ngũ giảng viên đều tâm đắc với chiến lược phát triển chung của Khoa là xây dựng và phát triển thành Khoa Báo chí và Truyền thông mạnh, chất lượng cao về đào tạo và nghiên cứu, mở rộng và cập nhật các lĩnh vực đào tạo theo nhu cầu trong và ngoài nước. Không ít người cho rằng đó là mục tiêu xa vời nhưng những người quan tâm và hiểu Khoa này thì đều tin tưởng khả năng đó “trong tầm tay”.

Khoa Báo chí – Truyền thông là một trong những địa chỉ thu hút được lượng sinh viên có chất lượng đầu vào khá vượt trội so với mặt bằng chung các ngành khác thuộc Trường ĐHKHXH&NV. Hầu hết các giảng viên có kinh nghiệm đều khẳng định, chỉ có thể đào tạo được cử nhân giỏi khi có sinh viên đầu vào tốt và chỉ có thể xây một nhà cao tầng khi nền móng công trình vững chắc. Từ nhiều năm qua, kể từ khi thành lập, điểm chuẩn đầu vào của Khoa Báo chí – Truyền thông thường cao hơn so với các khoa, ngành khác từ 0,5 đến 1,5 điểm. Đa số những nhà quản lý, những nhà khoa học giáo dục giàu kinh nghiệm cho rằng, điểm chuẩn đầu vào đối với sinh viên chỉ là một trong các yếu tố để tạo dựng nên một cử nhân tốt, song hiệu quả của quá trình đào tạo rất khác nhau đối với các sinh viên có điểm đầu vào mức trung bình khá so với mức trung bình. Không đào tạo chuyên biệt ở bậc cử nhân như ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Khoa Báo chí – Truyền thông luôn chú trọng đào tạo lớp sinh viên thấm nhuần lý thuyết và thực hành, có thể hành nghề trong tất cả các cơ quan báo chí dù đó là báo in, báo điện tử, đài phát thanh hay đài truyền hình. Chính vì vậy, hơn 80% sinh viên Khoa Báo chí – Truyền thông có việc làm đúng chuyên môn được đào tạo ngay khi tốt nghiệp. Đây là kết quả mà không phải ngành học nào cũng có được.

Được thành lập từ năm 1990 và chính thức đi vào hoạt động năm 1991, Khoa Báo chí – Truyền thông liên tục phát triển không ngừng từ đó cho đến nay. PGS.TS Đinh Văn Hường – người đã gắn bó với Khoa kể từ khi thành lập và từng nhiều năm liền giữ cương vị lãnh đạo của Khoa đã từng chia sẻ, Khoa Báo chí – Truyền thông là một trong những đơn vị hiếm hoi của Trường ĐHKHXH&NV không bị đứt gãy về đội ngũ kế cận. Qua thời văn – báo bất phân của ngày đầu thành lập, đến nay hầu hết cán bộ giảng viên của Khoa đều đã từng được đào tạo, tu nghiệp tại các nước có nền báo chí – truyền thông phát triển như Anh, Đức, Pháp, Thụy Điển, Hàn Quốc, Úc,… Gần 100% cán bộ, giảng viên của Khoa có trình độ sau đại học, trong đó có nhiều PGS, nhà khoa học có uy tín và tầm ảnh hưởng lớn. Không chỉ có đội ngũ thầy trò giàu tiềm lực, Khoa Báo chí – Truyền thông còn là nơi hội tụ của các giảng viên thỉnh giảng – những nhà báo chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm thực tiễn; là địa chỉ để các tổ chức báo chí nước ngoài phối hợp tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm về chuyên môn, học thuật. Hiện nay, Khoa có quan hệ hợp tác với các cơ sở đào tạo thuộc nhiều quốc gia như: Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Mĩ, Anh, Nga, Hàn Quốc, Thuỵ Điển,... Việc trao đổi kinh nghiệm, sách chuyên khảo, giáo trình giữa các bên diễn ra thường xuyên. Sinh viên ngành Báo chí đã từng có những ấn tượng sâu sắc với các bài giảng, buổi nói chuyện chuyên đề của GS.TS Tạ Ngọc Tấn, TS. Đinh Thế Huynh, TS. Trần Đăng Tuấn, PGS.TS Nguyễn Văn Dững, Tạ Bích Loan, Vũ Huyến, Xuân Ba, Huỳnh Dũng Nhân... Ngọn lửa nhiệt huyết của những nhà báo – nhà quản lí – nhà nghiên cứu lí luận báo chí đã lan truyền cho nhiều thế hệ sinh viên của Khoa qua những hoạt động cụ thể như vậy.

Là một ngành đào tạo thuộc ĐHQGHN - một trung tâm đào tạo đào tạo đại học, sau đại học đa ngành, đa lĩnh vực, Báo chí – Truyền thông kế thừa và phát huy truyền thống học thuật, nghiên cứu và đào tạo đỉnh cao, chất lượng cao; thừa hưởng lợi thế tối đa từ việc liên thông, liên kết giữa các đơn vị trong ĐHQGHN. Sinh viên ngành Báo chí – Truyền thông được những giảng viên Triết học, Lý luận chính trị, Tư tưởng Hồ Chí Minh,… giỏi nhất tham gia vào quá trình đào tạo. Chính vì thế, tại hội nghị về công tác việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành báo chí, đại diện nhiều cơ quan báo chí bày tỏ sự hài lòng về nền tảng lý luận chính trị vững vàng của các cán bộ, phóng viên đã từng tốt nghiệp tại Khoa. Đó là yếu tố tạo dựng nên những nhà báo, đội ngũ những người làm công tác truyền thông chuyên nghiệp, vì lợi ích của Đảng, Chính quyền và nhân dân. Cùng với đó, sinh viên ngành báo chí được những giảng viên ngoại ngữ giỏi nhất, được cọ xát trong môi trường ngoại ngữ chuyên nghiệp giảng dạy. Đây là kết quả của quá trình liên thông giữa các đơn vị trong ĐHQGHN khi Trường ĐH Ngoại ngữ là đơn vị duy nhất được Giám đốc ĐHQGHN giao cho chức năng đào tạo ngoại ngữ cho tất cả các đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN. Việc các giảng viên cùng chuyên môn được làm việc, trao đổi thông tin nghiên cứu khoa học thường xuyên với nhau trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp, tạo dựng nên những người thầy chuyên nghiệp, luôn ý thức nâng cao năng lực giảng dạy của bản thân và truyền thụ những kiến thức ấy tới sinh viên trong đó có sinh viên ngành báo chí. Cơ hội học tập và nâng cao năng lực ngoại ngữ của sinh viên ĐHQGHN nói chung và sinh viên ngành báo chí nói riêng luôn rộng mở và vì thế hành trang của các cử nhân báo chí khi rời mái trường ĐHKHXH&NV có một lưng vốn ngoại ngữ đảm bảo cho việc tìm kiếm việc làm trong thế giới phẳng hiện nay.

Xác định báo chí – truyền thông là một lĩnh vực ưu tiên, Đảng ủy, Ban Giám đốc ĐHQGHN cũng như lãnh đạo của Trường ĐHKHXH&NV luôn chú trọng đầu tư để phát triển ngành học này. TS. Đặng Thị Thu Hương – Chủ nhiệm Khoa Báo chí – Truyền thông chia sẻ, tuy sinh sau đẻ muộn so với Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhưng hiện Khoa đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc ngành này ở tất cả các cấp độ từ cử nhân cho đến tiến sĩ. Cập nhật các xu hướng phát triển của báo chí – truyền thông thế giới cũng như thực tiễn trong nước, Khoa Báo chí – Truyền thông hiện nay không chỉ đào tạo các nhà báo tương lai mà còn là địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực truyền thông, quảng cáo. Hiện tại, Khoa là đơn vị thụ hưởng của nhiều dự án đầu tư chiều sâu và tăng cường năng lực và vì thế sinh viên ngành báo chí – truyền thông được thực tập, thực hành với đầy đủ các thiết bị chuyên dụng tối tân, phục vụ cho việc đào tạo phóng viên của các loại hình báo chí như báo in, báo điện tử, báo phát thanh, báo hình, báo ảnh,... Với ưu thế của đơn vị đi sau, đúc rút kinh nghiệm, Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV luôn được biết đến là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực báo chí – truyền thông nhạy bén, linh hoạt, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí luận với thực tiễn và đa năng khi hành nghề.

Thầy giỏi, trò giỏi, nguồn học liệu phong phú, phòng thực hành hiện đại,... đã tạo nên ấn tượng và bản sắc của một đơn vị đào tạo thuộc lĩnh vực báo chí – truyền thông trong Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN.

 Trần Kim Chi - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :