Trang chủ   >   >    >  
“Thắt lưng buộc bụng”
"Thắt lưng buộc bụng" là một thành ngữ đã có từ lâu nhưng gần đây được dùng với tần suất khá cao trên báo chí. Xuất phát từ sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong mấy năm qua mà nhiều quốc gia phải thực hiện một chính sách nói nôm na là “thắt lưng buộc bụng”. Đó là việc triển khai chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước... Chắc mọi người đều biết cách đây không lâu, người dân Hy Lạp biểu tình khắp nơi khi chính phủ của họ quyết định thực hiện 10 biện pháp thắt lưng buộc bụng, trước sức ép mạnh mẽ của Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế.

Nhưng mặc cho thế giới biểu tình và tìm mọi cách thực thi chính sách theo ý họ, thành ngữ “thắt lưng buộc bụng” trong tiếng Việt vẫn không hề thay đổi nội dung ngữ nghĩa từ bao đời nay. Nó dùng để chỉ “sự tiết kiệm, dè sẻn trong chi tiêu, chịu đựng đói khổ để dành dụm tiền của làm việc gì đó (thường là việc lớn)” (Viện Ngôn ngữ học, Từ điển thành ngữ Việt Nam, NXB Văn hoá Thông tin, 1993); hay “hết sức hạn chế, tiết kiệm trong tiêu dùng để trang trải, dành dụm trong hoàn cảnh khó khăn” (Trung tâm Từ điển học, Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2011). Giải thích như vậy về cơ bản có lẽ không có gì phải bàn thêm.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến thắc mắc về cách giải thích nghĩa đen của thành ngữ này. Bởi không ít người (căn cứ vào nghĩa tổ hợp đang dùng) cho rằng, "thắt lưng buộc bụng" chung quy là phải tiết kiệm, nhịn ăn nhịn mặc (chủ yếu nhịn ăn). Mà muốn nhịn ăn, ăn ít thì phải thắt lưng (bằng dây hay mảnh vải) thật chặt, làm cho bụng bé hẳn lại. Bụng bé đi chắc hẳn người ta sẽ phải giảm ăn (mà có muốn ăn nhiều cũng chịu). Cắt nghĩa như vậy phải chăng là thực tế và hợp lí? Nhưng nghe ra có vẻ thực dụng quá. Đâu phải cứ buộc bụng cho chặt thì người ta sẽ ăn ít đi? Đói thì đầu gối phải bò. Nếu có thức ăn thì người ta sẽ "nới" ngay thắt lưng mà ăn cho thoả thích.
Nhân vài lần đi công tác ở mấy tỉnh phía Bắc, tôi đã trao đổi và nhận ra có mấy hướng giải thích khác nhau về xuất xứ của thành ngữ này.
Hướng thứ nhất, bà Nguyễn Thị Lựu (ở Hùng Tâm, Yên Thắng, Ý Yên, Nam Định) cho đây là động tác bắt buộc của các bà thợ cấy. Dân đi cấy đòi hỏi phải nai nịt gọn ghẽ, dù nắng hay mưa cũng nên mặc áo mưa trùm ngoài (cho khỏi bị bắn bùn hoặc bị ướt). Ai cũng phải thắt ngang lưng một sợi dây khá bền, để không bị gió thổi bay, cúi xuống áo không bị bung ra chạm mặt ruộng và cũng để dắt các bó lạt (bằng rơm nếp hoặc bằng sợi giang), nhỡ đang cấy hết mạ thì đi nhổ mạ tiếp. Theo bà Lựu, với dân đi cấy, thắt dây ngang lưng là việc cuối cùng khi xuống ruộng và cởi dây khỏi bụng là việc đầu tiên khi lên bờ (để trở về trang phục bình thường).
Hướng thứ hai, theo bà Vũ Thị Mùi (94 Cầu Gỗ, Hà Nội) thì đây chỉ trang phục của dân chợ búa. Ngày trước, các bà buôn bán ngoài chợ, bao giờ cũng dùng một cái ruột tượng đeo bên mình. "Ruột tượng" là một loại bao bằng vải, dùng để đựng tiền hay gạo, đeo quanh bụng hoặc ngang lưng. Nếu là tiền thì mối thắt nằm ở sau lưng, còn là gạo thì mối thắt kéo ra trước bụng. Có những ruột tượng dài, người ta quấn tới 2 vòng và thắt để rủ xuống trước bụng. Bà Mùi (vừa mới mất), là dân buôn bán lẻ, hồi còn hay đi chợ Đồng Xuân những năm gần đây, bà vẫn đeo ruột tượng, đựng tiền, trầu vỏ và nhiều thứ linh tinh. Bà nói, đeo ruột tượng rất tiện lợi và an toàn.
Hướng thứ ba, theo ông Nguyễn Ngọc Trai (Bảo Tháp, Đông Cứu, Gia Bình, Bắc Ninh) thì câu "thắt lưng buộc bụng" này liên quan tới trang phục chèo cổ. Ông Trai nói rằng, trang phục của dân hát chèo là theo cách ăn mặc của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ xưa. Phục trang này có các vai chín, lệch và về cơ bản đều có phần giống nhau. Trên sân khấu, những vai "nữ chín" thường mặc áo dài mớ ba mớ bảy. Các vai "nữ lệch" mặc áo dài tứ thân màu sắc rực rỡ. Ví dụ, Thị Kính vào vai trong màn Vu quy đã mặc yếm đào bên trong, ngoài áo cánh tơ tằm màu mỡ gà, váy đen chấm gót, bên ngoài là áo dài ngũ thân màu hồng và dứt khoát phải có dải thắt lưng xanh buộc ngang bụng, cho hai đầu dải chảy dài xuống quá đầu gối. Việc “thắt lưng buộc bụng” là động tác quan trọng, để hoàn tất trang phục cho diễn viên chèo bước ra sân khấu.
Nghe ra, ba cách giải thích trên đều độc đáo, đều hay nhưng lại "vô lí ầm ầm". Cũng bởi nếu cắt nghĩa theo ba cách đó thì chẳng có cơ sở nào để dẫn tới nghĩa "tiết kiệm, dè sẻn hay dành dụm" cả. Tôi lúng túng chưa biết nghiêng về bên nào. Vậy xin chép ra đây để mọi người cùng tham khảo, bàn bạc, không phải để làm “trọng tài phân xử” mà là góp thêm một tiếng nói "giải mã" ngọn nguồn ngôn ngữ dân gian..

 PGS.TS Phạm Văn Tình - Bản tin số 258
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :