Trang chủ   >   >    >  
“Thang trời” ở A-Xan
“Từ bao đời nay, ruộng bậc thang Chuôr đã gắn bó với buôn làng, đi vào từng câu hát, lời ru. Đứa trẻ mới sinh ra, vừa mở mắt đã nhìn thấy những thửa ruộng Chuôr xếp lớp lên nhau bên sườn núi tựa như những bậc “thang trời”. Ruộng bậc thang Chuôr không chỉ đem lại ấm no, hạnh phúc cho buôn mà còn là thắng cảnh của đại ngàn, là niềm tự hào sâu sắc của đồng bào Cơ Tu đất này...” - già Bh’riu Lâm ở buôn Arầng II, xã A Xan, huyện Tây Giang (Quảng Nam) tự hào chia sẻ.

Truyền thuyết của người Cơ Tu kể rằng, ngày xưa người dân nơi đây chỉ sống dựa vào công việc săn bắn, hái lượm, đến khi biết phát nương dọn đất để tra hạt thì cũng hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, thời tiết. Vụ nào mưa thuận gió hòa thì buôn làng đủ ăn, còn nếu chẳng may thời tiết khắc nghiệt, mùa màng thất bát thì bà con phải đối diện với cái đói hoành hành, rồi bệnh tật, ốm đau... Một ngày kia, các vị thần linh trên trời thương tình đã cử người xuống dạy cho bà con Cơ Tu biết cách làm ruộng bậc thang Chuôr vừa giữ được nước, vừa ngăn xói mòn lại tạo nên cảnh quan hữu tình và mỗi một đai ruộng giống như một nấc thang đưa con người lên gần với trời hơn. Từ đó trở đi, cuộc sống của người Cơ Tu thay đổi hoàn toàn, ấm no đã về dưới từng mái nhà và để nhớ ơn các vị thần linh, hàng năm trước khi vào vụ gặt, bao giờ bà con cũng tổ chức lễ hội ăn mừng lúa mới. Ngày hội, đàn ông thì quét dọn nhà cửa, buôn làng sạch sẽ rồi đem hết các dụng cụ sản xuất: rựa, rìu, nong nia…vào gươl (nhà rông) để trưng bày “báo cáo” thành tích kết quả công việc của năm đồng thời lấy các ống thịt chim, cá, sóc… vừa bắt ở rừng về còn tươi rói, nướng lên làm lễ vật cúng thần. Trong khi ấy thì phụ nữ rửa sạch sẽ, diện đồ mới, lấy các loại gùi đeo sẵn lên lưng, chỉ đợi phần lễ cúng xong là cùng nhau ra ruộng làm thủ tục tượng trưng tuốt hạt lúa vàng mang về buôn...
Ruộng bậc thang Chuôr ở Axan một năm làm 2 vụ: Đông Xuân và Hè Thu. Khâu chọn đất và cải tạo đất để có được những thửa Chuôr tốt là điều bà con đặc biệt quan tâm. Đất được khai phá từ những sườn đồi núi thoai thoải, làm sạch các loại cỏ rồi được phân thành những cấp bậc có độ lớn nhỏ khác nhau, liền kề, bề mặt giữa các thửa có diện tích không giống nhau nhưng phải đảm bảo tính bằng phẳng tương đối nhằm giữ được nước và chất dinh dưỡng. Khoảng cách giữa các ruộng được phân giới bởi một bờ đất cao nhô lên khỏi mặt ruộng từ 30 - 40 cm. Có ruộng bậc thang Chuôr rồi thì yếu tố lo tiếp theo không kém phần quan trọng trong việc trồng lúa của đồng bào Cơ Tu nơi đây đó là nước. Tất cả các thửa ruộng bậc thang Chuôr đều lấy nước tưới từ sông K’ool dẫn về tưới tiêu. Để dẫn được nước vào từng thửa ruộng, trước kia chưa có hệ thống hóa kênh mương thì bà con dùng thân cây thông to bổ đôi đẽo thành máng dẫn nước về ruộng và tùy theo lượng nước ở từng chân ruộng mà có thể cấy hoặc gieo trồng trực tiếp...
 
Đến A Xan đúng mùa lúa chín, ta sẽ được chiêm ngưỡng những nếp ruộng như những nấc thang rực sắc vàng no ấm cứ nối tiếp nhau như lên đến đỉnh trời. Ruộng bậc thang Chuôr là tri thức dân gian quý báu của người dân nơi đây, là kết quả của phương thức canh tác nông nghiệp từ xa xưa nhất mà bao thế hệ người Cơ Tu đã dày công gìn giữ và truyền lại thế hệ cháu con hôm nay và mãi mãi sau này...

 

 Hoàng Minh - Bản tin số 260 - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :