Trang chủ   >   >    >  
Vị tướng huyền thoại

Trong cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ ác liệt, tướng Đồng Sĩ Nguyên đã trải qua rất nhiều chiến trường, kinh qua nhiều cấp chỉ huy, cuối tháng 5/1966, ông được Quân ủy Trung ương giao trọng trách Chính ủy Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Đoàn 559. Và đầu tháng 7/năm 1966, ông tiếp tục được nhận quyết định của Quân ủy Trung ương điều sang làm Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Chủ nhiệm Tổng cục Hầu cần tiền phương. Ông kể lại: “Sau 4 ngày chuẩn bị, ngày 16/8/1966, tôi cùng bộ máy Tổng cục Hậu cần tiền phương hết sức gọn nhẹ, do anh Đinh Thiện - Tham mưu trưởng Tổng cục phụ trách, lên đường vào Hà Tĩnh. Tổng cục hậu cần tiền phương (đóng tại Hương Đô, Hương Khê, Hà Tĩnh) có nhiệm vụ phụ trách 4 binh trạm vận tải từ nam sông Lam vào đến đặc khu Vĩnh Linh, tổ chức tiếp nhận hàng và bộ đội hành quân từ hậu phương miền Bắc vào, để giao cho Đoàn 559. Chúng tôi chọn đặt sở chỉ huy ở Hương Đô là chủ động giành yếu tố bất ngờ, gần đường vận tải, thuận tiện liên lạc và được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương giúp đỡ tận tình. Với vị thế “địa lợi”, “nhân hòa”, Hương Đô đã trở thành nơi đóng sở chỉ huy của ba Bộ tư lệnh: Tổng cục Hậu cần tiền phương, Bộ tư lệnh Đoàn 500 và Bộ tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn. Đây là một vị trí hiếm có trong chiến tranh. Ngoài thế trận lòng dân, cái vị thế “địa lợi” của Hương Đô là tạo được sự bất ngờ đối với kẻ địch, bảo đảm được an toàn trong suốt chiến tranh…”
Cũng theo ông, thời kỳ làm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương, tướng Đồng Sĩ Nguyên đã chỉ đạo và tiến hành chiến dịch “đá hóa” mặt đường đồng loạt ra quân ngày 1/9/1966. Mục đích đá hóa mặt đường là để sử dụng vận tải đội hình lớn chạy ban ngày khi có mưa phùn, lúc đó, chạy một ngày ban ngày bằng một tuần chạy ban đêm. Chọn đúng cán bộ từ tổ, đội, thôn, bản, xã đến tỉnh, có tinh thần dũng cảm, quyết tâm cao, biết tổ chức chỉ huy công việc, chăm lo sự an toàn, điều kiện ăn ở cho lực lượng làm đường, bảo đảm giao thông; đồng thời, trong triển khai nhiệm vụ, kịp thời động viên, biểu dương người tốt, việc tốt, nghiêm khắc nhắc nhở, chấn chỉnh những người vi phạm kỷ luật, triệt để bảo đảm cảnh giới báo động, bảo đảm đủ hầm hào, công sự, an toàn.
Với ông, kỷ niệm về tuyến đường 20 và sở chỉ huy Binh trạm 14 thật đặc biệt. Đường 20 Quyết Thắng là một trục ngang dài trên 120 cây số, từ đông Trường Sơn vượt biên giới Việt – Lào sang tây Trường Sơn. Trên tuyến đường này, lực lượng giao thông Trung ương, địa phương, công binh, bộ binh, thanh niên xung phong…ngày đêm trần mình ra đào đất, đục xuyên núi đá, nhanh chóng đưa toàn tuyến vào sử dụng. Được tận mắt chứng kiến mới thấy công sức của các lực lượng thi công con đường này là vô cùng lớn, là dời non lấp biển, xứng đáng với danh hiệu “Chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi”. Ông kể: “sau này, trong một lần vào làm việc với Bộ tư lệnh Trường Sơn, anh Võ Nguyên Giáp đã vô cùng thán phục, anh gọi đường 20 – Quyết Thắng là một kỳ công – kỳ tích – kỳ quan”
Khi tới làm việc với Binh trạm 14, Đồng Sĩ Nguyên đã đề xuất với các chỉ huy binh trạm hai việc cấp bách đó là: Tăng thêm khối lượng hàng vận chuyển, tạo chân hàng với khối lượng lớn cho Đoàn 559 ở hướng đường 20, giảm chiều dài vận chuyển cho Đoàn 559 ở hướng đường 9; Phối hợp với lực lượng giao thông tỉnh Quảng Bình mở thêm đường nhánh, tiến tới bắc cầu phao ở Xuân Sơn. Và trung tuần tháng 12/1966, ông tiếp tục đảm nhận trọng trách lớn lao được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương giao phó, một nhiệm vụ nặng nề hơn, nhưng ghi dấu ấn sâu đậm nhất trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của ông – Tư lệnh Đoàn 559 – Chiến trường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh kiêm Chủ nhiệm Hậu cần tiền phương.
Đầu năm 1967, Đồng Sĩ Nguyên được cấp trên giao trọng trách Tư lệnh Trường Sơn. Do đã có thời gian kinh qua nhiều công việc tại tiền phương, tìm hiểu, nắm bắt thực địa, ông đã rút ra một số kinh nghiệm: “Sở dĩ địch ngăn cản quyết liệt là do quân ta chưa đánh giá đúng quy luật hoạt động của địch; cho rằng địch đánh ác liệt liên tục; không quân địch đánh với bộ binh của rất dã man…Tuy nhiên, Tư lệnh Trường Sơn nắm rõ quy luật hoạt động của binh lính địch cho thấy, quân địch hoạt động chỉ 7h/24h thôi, như vậy thì không thể nói liên tục được. Trong khi đó, các lực lượng tiến công của ta sử dụng 17h/ngày đêm. Quân địch làm chủ trên không có mức độ và người làm chủ mặt đất là chúng ta. Vì vậy, quân ta phải tìm mọi cách tiến công, làm chủ trận địa khi quân địch không đánh. Mặt khác, địch không phải đánh ở mọi nơi mà đánh ở nơi này bỏ nơi khác, chứ không phải lúc nào cũng đánh. Bên cạnh đó, bộ binh phối hợp với không quân theo từng chiến dịch, bộ binh của ta phối hợp với hai nước Lào, Cămpuchia đủ sức đánh chúng”
Một số vấn đề trên được viết trong báo cáo gửi Quân ủy trung ương đã được nhiều người ủng hộ, nhất trí cao, Đồng Sĩ Nguyên chỉ đạo chiến dịch theo tư tưởng chủ đạo lấy phòng tránh thiệt hại về binh lực và khí tài là chính; phải biết kết hợp giữa tấn công và phòng ngự. Nhưng nếu chỉ đơn thuần nói về chiến đấu thôi thì không đủ, với tư cách là Tư lệnh, ông còn phải giải quyết hàng loạt vấn đề về tư tưởng. Trước hết, phải phá được thế độc tôn, mở rộng đường dự bị, mở đường nghi binh, mở các đường xuyên suốt…Đồng thời, phải có lực lượng tác chiến đủ mạnh, bảo vệ được đội hình tấn công của xe (bộ binh, phòng không). Và càng không đủ nếu không được trực tiếp chỉ huy bằng hệ thống thông tin hiện đại, chứ ngồi ở Hà Nội thì không chỉ huy được. Do đó, trong chiến dịch, các binh chủng phải hành động theo đa phương thức như vận tải bằng đường bộ, đường sông, đường ống… trong đó lấy đường bộ là chủ yếu. Lực lượng tác chiến bộ đội phòng không, pháo phải kết hợp với súng máy, phòng không cao xạ; tên lửa kết hợp và thông tin cũng phải đa phương thức (thông tin tải ba, thông tin hữu tuyến thông qua nhiều trạm ở trên dọc đường…) nối từ chỉ huy ở Hà Nội và Trung ương Cục miền Nam, nhờ vậy tuyến chi viện cho Trường Sơn nắm chắc từng giờ, từng đại đội…
Tướng Đồng Sĩ Nguyên kể: “Giai đoạn từ 1967 – 1973, Bộ chỉ huy chiến dịch tổ chức xây dựng binh chủng hợp thành theo từng khu vực. Từ năm 1973 trở đi tổ chức binh chủng hợp thành trên toàn tuyến và chính thức đổi thành tuyến đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh. Điểm đầu đường số 8 (Hà Tĩnh) kéo dài đến Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) có chiều dài 1.500km. Trong thời gian này, chiến dịch phải hoàn thành 3 nhiệm vụ: Thực hiện vận tải chiến lược theo chỉ đạo của Trung ương cho chiến trường 3 nước Đông Dương; phối hợp với các chiến trường ta và nước bạn chống chiến tranh xâm lược của Mỹ vào hạ Lào và Đông Bắc Campuchia và Đông Bắc Trường Sơn …Và chiến dịch Tây Nguyên sở dĩ đánh nhanh thắng nhanh là do quân ta áp đảo, làm chủ chiến dịch - chiến trường và tài thao lược về nghệ thuật quân sự bậc thầy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cũng theo tướng Đồng Sĩ Nguyên, Việt Nam đánh thắng hai cuộc chiến tranh xâm lực của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, điều cốt lõi là bởi toàn thể dân tộc – nhân dân Việt Nam đoàn kết, đồng lòng; vì dân tộc Việt Nam là một, đất nước Việt Nam là một; người dân Việt Nam thông minh, mưu trí và kiên cường…”
Khi hỏi dấu ấn của ông về con đường huyền thoại Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh lịch sử, tướng Đồng Sĩ Nguyên nhấn mạnh: “Đường Hồ Chí Minh là một sáng tạo độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, bắt nguồn từ truyền thống lịch sử của quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Là sự kết tinh truyền thống yêu nước của dân tộc với sức mạnh của thời đại, Đường Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp của cuộc chiến tranh nhân dân, kết hợp với sức mạnh tổng hợp của ba thứ quân đó là: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Trong đó, Bộ đội chủ lực có bộ đội chủ lực của các quân khu, của khu, của miền và lực lượng cơ động của Bộ; Bộ đội địa phương tỉnh, huyện là các trung đội, đại đội, tiểu đoàn bộ binh; Lực lượng dân quân, du kích (công khai và bí mật) là các tổ, tiểu đội, đội du kích tại các ấp xã, đường phố…. Đường Hồ Chí Minh như một “xương sống”, là huyết mạch vô cùng quan trọng trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay và đã tạo nên sức sống bất diệt của con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại. Còn ngày nay, con đường ấy đang được tiếp nối như một bảo tàng sống động về lịch sử của cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại, cuộc kháng chiến giữ nước vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Con đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến đã dẫn nhân dân Việt Nam đi đến thống nhất và sẽ dẫn nhân dân Việt Nam đến thắng lợi trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế ngày nay…”

 Đài Sơn - Bản tin số 265 – VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :