Trang chủ   >   >    >  
Nếu bạn là Robinson?
“Nếu đột nhiên bây giờ bạn phải đóng vai một Robinson (Robinson Crusoe, nhân vật trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn nổi tiếng người Anh Daniel Defoe, 1660-1731, P. V. T.) lạc trên hoang đảo, bạn chỉ có một điều ước, vậy bạn sẽ ước gì?”. Đó là câu hỏi trên mạng trực tuyến American Online.

Kết quả trả lời thật đáng ngạc nhiên: 68% cần một máy vi tính nối mạng Internet; 23% cần một máy điện thoại; 9% còn lại cần một tivi (hoặc radio). Câu hỏi trắc nghiệm này nếu đặt ra cách đây chỉ độ chục năm thôi thì chắc chắn sẽ có đáp số khác. Tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ tin học cùng với sự gia tăng của Internet đã làm thay đổi hẳn sở thích của con người hiện đại, đặc biệt là giới trẻ. Cùng lúc, Hãng CNN và Báo USA Today cũng đưa ra một con số vừa thăm dò: 56% thanh thiếu niên Mỹ mắc tật nghiền Internet. Còn ở châu á, chỉ riêng Hàn Quốc đã có hơn 30 triệu người thường xuyên sử dụng Internet (chiếm 2/3 dân số), trong đó thì thanh thiếu niên chiếm 97%.

Đấy là chuyện của thiên hạ. Còn ở Việt Nam ta chưa được như thế. Theo Tổng cục Bưu điện, số thuê bao Internet ở nước ta đã tăng trưởng 97% trong năm 2002-2003. Nhưng hiện tại cũng chỉ đạt trên 600 ngàn thuê bao với khoảng xấp xỉ 3 triệu người sử dụng. Quả là chưa thấm tháp gì với dân số trên 80 triệu. Nước ta vẫn còn đang xếp ở nhóm nước "chậm tiến" về công nghệ thông tin. Và như vậy cũng có nghĩa là nền kinh tế tri thức ở ta mới đang ở giai đoạn bước đầu. Nhìn về phía trước ta, chỉ so với vài nước trong ASEAN (như Thái Lan, Malaysia, Singapore...) thì ta vẫn còn xa họ lắm!

Vậy thì ta phải biết tận dụng tối đa tiềm năng hiện có. Nhưng tiếc là, nhiều người, và trớ trêu thay, lại là lớp trẻ, chỉ coi Internet là thú vui giải trí của họ. Khai thác thông tin chả thấy đâu, nhưng đến cơ quan, mấy chị mấy anh cắm đầu vào mạng. Đọc báo, xem hình, nghe nhạc chán lại "check" thư và "chat" với nhau mê mải. Cả những anh em bạn bè "bắn tên lửa vượt đại châu không tới" cũng bị lôi ra để “nỉ non” trên mạng. Họ còn ngồi thì máy tính chẳng ai được dùng. Khổ nhất là khi nối mạng, điện thoại lập tức bị phong toả, không thể liên lạc với ai được. Rời máy ra là họ lại túm năm tụm ba thì thào to nhỏ về những chuyện vừa "nhặt" được dọc đường lúc dạo chơi trên "oép" (website) này, "oép" nọ. Chu cha! Nhiều và li kỳ lắm. Hết chuyện ảnh nude các kiểu của cô ca sĩ dòng Sao Mai... đến băng hình "tươi mát" của nàng diễn viên trẻ trung YV. đang ăn khách... Lại mất cả ngày cả buổi như chơi. Bàn ở nhà chán lại vớ điện thoại "chùa" mở "hội thảo đầu tuần". Quả là, hết khề khà "buôn dưa lê" lại lê thê "nấu cháo điện thoại".

Đô thị hiện đại đầy bất chắc

Về nhà thì các quý tử "choai choai" cũng "máu mê" không kém. Không rõ chúng học ở đâu mà biết lang thang khắp "hang cùng ngõ hẻm" trên mạng, lôi ra đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Đã thế, chúng còn in ra truyền nhau đọc. Chỉ trong ngày 13-2 vừa rồi, đã có trên 700 triệu thư điện tử gửi chúc tụng nhau nhân ngày Valentine (14-2) trên mạng yahoo.com. Do có nhiều người gửi, lại gửi kèm ảnh, nụ hôn biểu trưng, ma-ket tranh tự hoạ, băng nhạc... nên mạng này quá tải, tắc nghẽn liên tục.

Chàng Robinson ngày xưa gặp nạn mới phải thui thủi một mình trên đảo vắng. Đó là điều cực chẳng đã. Còn bây giờ chúng ta lại tự biến mình thành một Robinson “đời mới”. Đơn độc thu mình trên máy tính, mải mê với những trò vui mà chắc gì đã mở mang nhiều kiến thức? Cái máy kia nó có tội gì đâu! Điều quan trọng là ta phải biết sử dụng và tận dụng những ưu thế của phương tiện để đáp ứng tốt nhất nhu cầu học hỏi, nâng cao tầm hiểu biết của mình.

 Phạm Văn Tình - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 170, tháng 4/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: