Trang chủ   >   >    >  
Vẽ trên gốm, một thú chơi độc đáo
Nói đến gốm Bát Tràng thì ai chẳng biết. Nhà bạn thể nào chẳng có một bộ ấm chén, một chiếc bình gốm made-in Bát Tràng.

Bạn chắc cũng không ít lần lê la nơi những hàng gốm bày đưới đất ở một góc chợ nào đó và chọn cho mình, cho người thân một món đồ xinh xinh. Nhưng mà bạn đã từng vẽ trên gốm hay chưa- tức là dùng bút lông vẽ men màu lên xương gốm, rồi hồi hộp mấy ngày chờ mẻ gốm ra lò?

MT mới tốt nghiệp đại học Mỹ thuật Hà nội, nhưng từ ngày còn là sinh viên hắn rất thích sang Bát Tràng vẽ gốm. Hắn cho biết: "Mỗi lần buồn mình thường sang đó vẽ. Cảm giác hay lắm, nhất là lúc chờ xem những thứ mình vẽ nó ra lò trông sẽ như thế nào. Với lại dùng những thứ do mình làm ra, mang dấu ấn của mình, không ở đâu và không ai có, cảm thấy rất có ý nghĩa". Tú (Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội) thì chẳng nói gì, nhưng nhìn bộ mặt hớn hở khi nhận những chiếc đĩa của mình cũng đủ biết hắn kết cái trò này như thế nào...

Công việc rất đơn giản: bạn liên hệ với một lò gốm nào đó, chủ lò sẽ cung cấp cho bạn tất cả: bút vẽ các cỡ, men các màu, xương gốm các loại như chén đĩa, bát, lọ.... Họ cũng sẽ nung sản phẩm cho bạn và mấy ngày sau bạn chỉ việc đến lấy về ngắm nghía và khoe khoang. Giá cả chịu được, 1 chiếc chén hay một chiếc đĩa nhỏ tất tần tật chỉ có 5000 đồng. Với 30 000 đồng, bạn đã có một bộ 6 chiếc đĩa hoặc chén vô cùng độc đáo.

Nhưng có lẽ cái hấp dẫn nhất ở đây không phải là giá cả mà chính là ở chỗ bạn được vẽ. Thuở còn mẫu giáo, ai trong chúng ta chẳng từng loay hoay với hộp màu vẽ xanh đỏ và mơ ước trở thành hoạ sĩ. Lớn lên rồi chúng ta vẫn tự cười những mơ ước viển vông thuở nhỏ của mình, nhưng thực ra cái ham muốn được vẽ vẫn còn đâu đó trong một góc khuất của tâm hồn chúng ta. Đừng ngại vì bạn không phải là hoạ sĩ, đừng lo vì bạn không học các trường mỹ thuật, điều quan trọng là bạn tin vào mình và cảm thấy ý nghĩa của việc tự tay mình làm nên một cái gì đó. Với lại thực ra những ngưòi bạn học mỹ thuật, hội hoạ họ cũng chẳng vẽ cái gì cao siêu cả. Khi được hỏi, các bạn học mỹ thuật đều trả lời: Tất cả mọi người đến vẽ ư? Tại sao lại không chứ? Có phải chỉ những người học vẽ mới được vẽ đâu! Vì thế nếu bạn có một chút hoa tay thì cứ vẽ đi, một cái lá, một bông hoa, một con giống ngộ nghĩnh với những sắc màu mà bạn thích, chúng sẽ nói lên sở thích, cá tính của bạn, mang dấu ấn của bạn. Thử tưởng tượng khi bạn bè đến chơi, nhìn thấy bộ ấm trà độc đáo của bạn sẽ mắt chữ a, mồm chữ o như thế nào, rồi không tiếc lời khen chủ nhà chịu chơi, công phu, có phong cách...Còn nếu như vẽ một cái gì đó thật lãng mạn tặng cho đối tượng của mình, vẽ chính đối tượng hay một kỉ niệm đẹp của hai người, thì đối tượng chỉ có mà "đứ đừ” để bạn nắm tay đi về phía tương lai tươi sáng!

Nhưng phải nói trước vẽ trên gốm cũng không phải dễ, nó không dành cho những người vụng về và thiếu kiên nhẫn. Thường thì không phải ai vẽ một lần cũng được ngay, xương gốm rất hút màu nên phải vẽ nhanh và chính xác, không được run tay. Cũng phải quen với màu vì màu men sau khi nung không giống với màu men sống mà bạn dùng để vẽ, ví dụ màu hồng sau khi nung sẽ cho ra màu đỏ tươi, màu xanh xám lại cho ra màu lam...Rồi độ đậm nhạt của màu cũng rất quan trọng, tóm lại là bạn phải có một chút khả năng tưởng tượng màu. Nhưng khi đã quen tay và kinh nghiệm đầy mình, bạn sẽ có những sản phẩm ưng ý mà chỉ riêng bạn mới có, chẳng thú vị lắm sao?

Tuy nhiên, việc cho những bạn trẻ đến đây vẽ cũng chưa được mở rộng lắm. Nói chung bạn quen biết một chút thì tốt hơn, vì nhiều chủ lò gốm không thích có người lạ đến làm ảnh hưởng công việc của họ. Anh Nguyên, chủ cửa hàng gốm Delicious ceramic rất nổi tiếng ở Bát Tràng cho biết, việc tổ chức các xưởng cho tất cả mọi người đến vẽ như một dịch vụ cũng là một hướng hay, không chỉ là vì lí do kinh tế mà còn có ý nghĩa văn hoá, giúp mọi người hiểu và yêu thích gốm Việt hơn. Tiếc là hiện nay ở Bát Tràng chưa ai làm cả. Có cái gì hơi trái khoáy khi cửa hàng của anh đã nhiều lần tiếp các bạn trẻ đến từ Mỹ, Nhật, Pháp...và họ cực kỳ phấn khởi, trong khi các bạn trẻ Hà Nội ở rất gần lại mù tịt về gốm và lao đầu vào những trò giải trí vô bổ.

Sau khi viết xong bài này, người viết cũng đã sở hữu trong tay một bộ ấm trà có hình những con chuồn chuồn vô cùng ngộ nghĩnh, công lao cả buổi ngồi vẽ vời, cảm thấy mình sắp thành nghệ nhân Bát Tràng tới nơi. Còn bạn, nếu có điều kiện hãy thử mà xem! Hy vọng trong một ngày không xa, làng Bát Tràng sẽ có những xưởng vẽ mở rộng cửa cho tất cả mọi người cùng đến và vẽ, để giải trí, để hiểu và thêm yêu gốm Việt. /.

 Nguyễn Diệu Thuỷ - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 174, tháng 8/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: