Trang chủ   >   >    >  
Phụ xe với văn minh xe buýt đôi điều muốn ngỏ
Đã cũ rồi những chuyện đi xe buýt với vé chui vé lậu. Và cũng đã quá quen thuộc khi nói về những cái tiện lợi, lịch sự và văn minh trên xe buýt của hành khách trong các tuyến nội thành Hà Nội. Tuy nhiên, phụ xe - những người trực tiếp tiếp xúc hàng ngày với hàng trăm lượt khách, họ chính là những đối tượng đầu tiên để mọi người liên tưởng đến lời phát động: “Chung sức - đồng lòng xây dựng văn hoá xe buýt” của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội...

1.Văn minh xe buýt = nụ cười + cách hành xử của phụ xe

Trong vai một người đi vé chui với tấm vé dán kín thẻ, chỉ thiếu mỗi tháng… hiện tại, tôi bước lên xe bình thường, mặt có vẻ điềm nhiên, giơ vé và… cười tự tin. Tuyến xe 22 Hà Đông - Gia Lâm mang biển số 29T - 7983 hôm đấy đông nghẹt. Tôi nghĩ mình sẽ "thoát". Nhưng thật bất ngờ, anh phụ xe vẫn lên tận nơi và: "Anh kiểm tra vé". Tôi bủn rủn chân tay, xe lắc mạnh nhưng người sắp ngã không phải vì xe mà vì …run.

Đã lường trước, tôi cười cầu hòa: "Em sai. Em xin lỗi. Để em mua vé”. Anh phụ xe cũng cười nhưng lắc đầu ngao ngán: “Con gái mà không sợ à? Liều quá! Tôi thu vé". Tất cả lời trao đổi, cảnh cáo mà anh nói chỉ nhẹ nhàng, không gay gắt, không la toáng hay làm ầm ĩ. Tôi thầm cảm ơn bởi như thế tức là anh đã giúp tôi thật nhiều, tôi đỡ xấu hổ dù việc mình làm là cố tình hay vô tình. Xe vẫn chạy, khách vẫn lên xuống, dừng đỗ… tôi dẫu bị thu cái vé mà mình phải mất khá nhiều thời gian làm thế nhưng không hề có cảm giác tức tối hay tiếc rẻ. Có lẽ phải như thế, tôi mới có dịp công nhận thấy câu nói của ông cha là chí lý, là đúng đắn: “Đi đêm lắm có ngày gặp ma". Phải "dính" vài lần như thế, tự ắt mỗi người sẽ quý vô cùng cái sự tự tin của mình khi cầm cái vé xe hợp lệ trên tay.

2. Phụ xe ơi. Cần lắm một thái độ!

Một lần khác, lại trong vai người đi vé lậu, tôi lên tuyến xe 22 biển số 29T - 8584. Vừa bước lên tôi bị phát hiện ngay. Tôi không quanh co và nói thẳng: "Em đi vé của bạn. Em không biết là mình sai. Em xin lỗi..." và vẫn mua vé bình thường. Thế nhưng, khác với lần trước anh ta om xòm lên với những lời đạo lý, nhướng mày nói và ra vẻ. Biết mình sai tôi chỉ xin lỗi và xin lại vé vì lý do: "Em không biết. Với lại đầu tháng, bạn em nói mới dán, thu thì oan quá". Anh ta gắt, nói vọng xuống rõ to: "Về cuối bến giải quyết!...". Khi tới điểm cần xuống, giá như anh ta bảo: "Thu luôn, không trả" thì có lẽ tôi đã xuống ngay. Đằng này vẫn nói "Về cuối bến giải quyết" nên vẫn hy vọng theo về tới Viện 103. Hóa ra, tới đấy anh ta lại nói như đuổi: “Xuống đi! Lần chần mãi. Các anh chị là lì lắm". Thất vọng, tôi xuống nhà chờ để bắt xe quay lại. 5 phút sau, xe anh ta chuyển bánh, đi qua nhà chờ. Anh phụ xe nọ tay lật biển trước xe và nhìn xuống về phía tôi với nụ cười nửa miệng, đắc thắng trên môi… Tự nhiên, tôi ức chế kinh khủng, cũng là phụ xe, cũng thu vé, sao người kia làm tôi vừa phục, vừa nể. Còn người này lại gây sự tức tối, tạo một ấn tượng "dị ứng" vô cùng.

Rồi một lần tại bến xe Hà Đông, vừa lên xe 21, trong lúc chờ xe chạy, khi khách đã lên khá đông, lái xe mở đài và đi đâu đó. Một bạn thanh niên rời chỗ ngồi đi tới vặn to Volum. Thế là lập tức anh phụ xe tên H. bước lên sừng sộ: "Mày làm cái gì? Quyền mày được làm việc đấy à?". Bạn kia biết sai nên vội giải thích về hành động của mình. Thế mà, lập tức anh phụ xe vặc lại: "Vặn to gì? Vặn to cái đ… mày"…

Tôi không dám viết ra cái từ mà khiến các hành khách phải sửng sốt đấy. Năm phút sau, anh ta bắt đầu đi thu vé. Một bà trông tồi tội, như vừa ở quê ra hỏi: "Chú ơi! Xe có đi qua Giáp Bát không chú?". Anh ta lừ lừ không nói gì trong khi bà cứ ngước lên chờ câu trả lời. Đi đến gần chỗ lái xe, anh ta mới lẩm bẩm: “Đui cũng phải thấy lờ mờ chứ?”. Nghe trực tiếp câu đấy, thực sự tôi bàng hoàng. Văn minh đấy ư? Lịch sự thế ư? Có phải ai cũng như anh ta, người nhà quê người ta có biết chữ hết đâu. Người ta phải hỏi khẳng định cho chắc chắn, bỏ ra 3000đ với người nông dân là to lắm chứ. Người ta túng, người ta không biết thì phải tính, phải hỏi chứ! Đằng này… Phụ xe ơi, cần lắm một thái độ nhẹ nhàng, nhã nhặn và lịch sự...

3. Và… đôi điều muốn ngỏ

Dẫu biết rằng khách sai thì nhà xe cứ đúng quy định mà làm. Nhưng, cũng một việc làm đấy mà được hành khách quý, thấy rõ mình sai… thì tại sao lại ít phụ xe hiểu được điều ấy thế? Việc gì họ phải "nhướng" lên, phải làm cho mọi người ấm ức, đến mức "dị ứng" với tuyến xe ấy mới thỏa mãn. Trong khi mọi người đều có ấn tượng rất tốt đẹp với các tuyến 01, 02, 39… thì một số xe loại này hầu như người ta gọi là "hung thần xa lộ", là "cái xe mất lịch sự"…

Thiết nghĩ, mất gì đâu một câu nói, một nụ cười, "lời nói chẳng mất tiền mua" nên không hơn thiệt khi mình "lựa lời" mà nói cả. Gần đây, một tờ báo có đưa ra công thức: “Văn minh xe buýt = văn hoá hành khách + cái xe + nhà chờ, điểm đỗ + cơ quan quản lý”. Yếu tố cuối cùng tưởng nhẹ nhưng nó lại luôn tác động trực tiếp tới mọi người, đến cái “khách quan nhìn vào". Cơ quan có trách nhiệm phải quản lý, tập huấn, coi trọng cả cách làm việc, thái độ hành xử của các phụ xe. Có như vậy, mới đúng nghĩa “chung sức đồng lòng”, văn minh xe buýt chắc chắn sẽ được tiếp nhận và hưởng ứng cùng xây dựng từ phía mỗi người, mỗi nhà.

 Nguyễn Thuận Huế - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 174, tháng 8/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: