Trang chủ   >   >    >  
Người thầy trả tác phẩm văn học về cho học sinh
“Nếu bản thân bạn không là ngọn lửa thì sao bạn truyền ngọn lửa ấy đến cho học sinh. Học sinh không phải là cái hũ để bạn đổ nước cho đầy mà là ngọn đuốc bạn phải đốt lên cho cháy rực…” (Nhà giáo dục học Uyliam Batơ Dit).

Là đứa học trò may mắn, tôi thật vinh dự vì đã được thầy giáo - TS. Nguyễn Quang Trung (là giáo viên dạy Văn và là tổ trưởng tổ Xã hội, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ thuộc Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN) “đốt cháy” lên ngọn lửa ấy - ngọn lửa của tình yêu văn chương và nghề dạy học. Hai tháng thầy hướng dẫn thực tập sư phạm là khoảng thời gian không dài... nhưng những điều tâm huyết về “nghề dạy Văn” của thầy, cho đến bây giờ, khi đứng trên bục giảng, tôi vẫn còn thấm thía. Nhớ lại khi còn học lớp chuyên Văn ở Hải Dương - mảnh đất quê hương nơi tôi sinh ra và lớn lên, cái tên Trường THPT Chuyên Ngoại Ngữ đã vang vọng trong tôi. Với hơn 20 đầu sách của nhà trường được xuất bản, tôi đã “ngấu nghiến” đọc những quyển sách do thầy viết, đặc biệt là những quyển như “Phân tích bình giảng tác phẩm văn học” lớp 10, 11 và 12. Trong tôi, lúc ấy, cái tên “thầy giáo - TS. Nguyễn Quang Trung” vừa quen vừa lạ.

Tôi gặp thầy lần đầu tiên vào những ngày giữa tháng 3/2005, khi đang là sinh viên năm thứ 4 (Khoa Sư phạm, ĐHQGHN) về thực tập tại Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ. Là một sinh viên năm cuối, chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành giáo viên dạy Văn, nhiều lúc tôi cũng cảm thấy “hơi nản” khi mà chất lượng dạy và học Văn trong nhà trường phổ thông đang “được” ngành giáo dục và toàn xã hội “lên tiếng”. Nhưng rồi những trăn trở ấy, những lo âu ấy dần tan biến khi tôi cảm nhận được những điều tâm huyết với nghề từ cõi lòng, cõi tâm của thầy: “Giáo viên dạy Văn vẫn có thể tạo ra những giờ dạy thật sự hiệu quả khiến học sinh thích thú. Bởi dạy Văn là nghệ thuật tạo chấn động. Như Tố Hữu đã nói đó là chấn động tâm hồn và thầy bổ sung thêm đó là chấn động tư duy. Hiệu quả của giờ dạy học văn là hiệu quả của sự tác động tổng hợp ấy...”. Vững tin hơn song tôi vẫn không khỏi băn khoăn rằng: Làm sao để kiến tạo được những giờ dạy học Văn hiệu quả? Bởi văn chương trong nhà trường có chức năng và đặc thù riêng. Nó vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nghệ thuật. Làm sao để học sinh thích thú học văn, “tự mình” khám phá cái hay, cái đẹp của tác phẩm? Thật khó! Cách dạy “thầy đọc trò chép” với những bước lên lớp truyền thống “chưa đủ sức” đáp ứng được yêu cầu ấy. Trăn trở, tìm tòi, suy ngẫm, đau đáu đến mức thổn thức, tâm nguyện tạo ra những giờ dạy học văn hiệu quả của thầy rồi cũng được “đền bù” xứng đáng. Thầy đã thiết kế, kiến tạo những giờ dạy học văn theo ý tưởng mới - “trả lại tác phẩm cho học sinh”. Ai đã một lần được tham dự tiết dạy học văn kiểu này của thầy, có lẽ chẳng thể “tiết kiệm” lời khen: “Đúng là dạy văn kiểu thầy Nguyễn Quang Trung, dạy văn kiểu chuyên ngữ”.

Vậy “trả lại tác phẩm cho học sinh” là phương pháp dạy học được tiến hành như thế nào? Học sinh Tạ Thị Hà Phương, lớp 11A Khoá 35, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ đã hào hứng khoe: “Em thấy trước đây hoặc ngay cả hiện nay dạy học văn ở một số trường vẫn còn theo kiểu đọc chép tràn lan nên không thực sự hiệu quả. ở lớp, chúng em đã được tiếp với một cách học có hiệu quả hơn nhiều, đó là học theo phương pháp “trả tác phẩm về cho học sinh”. Có nghĩa là thay việc thầy diễn giảng “chay” bằng việc để học sinh diễn xuất thành tiểu phẩm, trình bày nội dung phân tích và tổ chức thảo luận dưới sự hướng dẫn của thầy”. Được trực tiếp quan sát và tham dự tiết học của thầy, tôi nhận thấy thầy luôn chia lớp ra thành các nhóm. Mỗi nhóm thường gồm 6 - 8 học sinh và theo thứ tự chuẩn bị các bài trong sách giáo khoa văn học. Tuy nhiên, do những khó khăn nhất định nên không phải bài nào của cả năm học cũng được áp dụng hình thức này. Những bài được chọn cho mỗi học kỳ thường là 4 - 5 tác phẩm hay và có “đất diễn” để học sinh thử tài. Trong khoảng thời gian 2 tuần để chuẩn bị, mỗi nhóm sẽ có hai tiết trình bày trước lớp “tác phẩm của mình” gồm: phần diễn tác phẩm (thể hiện trong vòng 10 phút), thuyết trình các bài có liên quan đến tác phẩm (10 phút), phần trọng tâm và thu hút đông đảo các thành viên trong lớp là thảo luận (50 phút), thời gian còn lại dành cho thầy nhận xét, đánh giá, cho điểm và khắc sâu kiến thức cơ bản.

Phương pháp này quả thực đã phát huy tính tích cực và khả năng sáng tạo của học sinh. Không chỉ phân công nhau lên thuyết trình, các em học sinh còn biết lồng vào bài học những tiểu phẩm, tình huống cụ thể... Nhóm làm về tác phẩm của Đỗ Phủ đã dựng lại khung cảnh thiên đình, cuộc bình thơ văn của Ngọc Hoàng với Đỗ Phủ và ba người vợ sau khi rời dương thế. Nhóm làm về Shakespeare lại sáng tạo trích từ hai vở kịch của ông không hề có trong sách giáo khoa. Nhóm chuẩn bị về tác phẩm “Romeo và Juliet” còn dựng một ban công giả bằng xốp vẽ hình gắn trên bàn giáo viên, thuê trang phục cho hai nhân vật chính, sử dụng ánh sáng nền và đèn pin để thay ánh sáng trong đêm. Nhóm làm về “Mùa lạc” còn kết nối, tổ chức được cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Khải bằng “cầu truyền hình” trực tuyến trước lớp. Nhóm làm về “Mảnh trăng cuối rừng” dựng lại cả cảnh bom đạn trên tuyến đường Trường Sơn với những cô thanh niên xung phong, những chiến sĩ lái xe dũng cảm. Có nhóm còn công phu đến tận nhà phỏng vấn, chụp ảnh với nhà văn Tô Hoài, Kim Lân... Tất cả được các nhóm giữ “bí mật” đến phút cuối cùng. Khi chính thức “ra mắt”, cả lớp và thầy giáo cũng phải ngỡ ngàng trước sự sáng tạo, tích cực, chủ động của các em. Không chỉ có thế, mỗi nhóm còn phải trả lời câu hỏi từ các bạn trong lớp với nhiều ý kiến phong phú về nội dung và nghệ thuật tác phẩm, thậm chí cả mở rộng và gây bất ngờ, ví như: “Nếu sắm vai Bạch Cư Dị, bạn sẽ an ủi người gảy đàn tì bà như thế nào”?... Sau đó, chi tiết bài thuyết trình và một quyển tiểu luận chuyên đề (khoảng 50 trang) được nộp cho thầy và một dàn ý phát cho từng thành viên trong lớp để tiện theo dõi...

Cái gì cũng có tính hai mặt của nó, phương pháp mới ra đời không dễ gì nhận được ngay sự đồng thuận từ nhiều phía. Tuy nhiên, phương pháp học văn theo kiểu “trả lại tác phẩm cho học sinh” của thầy Nguyễn Quang Trung đã được học sinh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ rất hưởng ứng. Nó giúp học sinh học một cách chủ động, tích cực; rèn luyện kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng xây dựng một chuyên đề; phát huy năng lực tự học, ý thức tự giác, khả năng tra cứu do tự đọc, tự tìm hiểu tài liệu, đóng góp ý kiến và tổng hợp vấn đề; xây dựng phong cách tự tin, khả năng thuyết trình trước đám đông... Đặc biệt, phương pháp này sẽ giúp học sinh hiểu bài sâu, nhớ bài lâu do được sống và nghiệm sinh vào tác phẩm. Đúng như một nhà giáo dục học người Mỹ đã từng nói: “Trước một vấn đề, thầy nói cho tôi, tôi sẽ quên, cho tôi xem, có thể tôi sẽ không nhớ nhưng cho tôi tham gia thì tôi sẽ hiểu. Tôi hiểu bởi thầy đã dạy tôi cách học mà tôi không bao giờ thấy trong bất kì quyển sách nào”. Thầy Nguyễn Quang Trung đã dạy cho học sinh “cách tư duy và học cách tư duy” kiểu văn chương. Học sinh chuyên ngữ tỏ ra thích được học, được đầu tư tâm sức của mình vào bài học.

Trong khi một số người khi khẳng định tính ưu việt của phương pháp này và đánh giá nó như một “bước đột phá” cho việc đổi mới phương pháp dạy Văn thì thầy Quang Trung vẫn khiêm tốn, giản dị coi đó như một “cuộc chơi”. Thầy nhấn mạnh: “Cuộc sống cũng là một cuộc chơi. Học văn là một cuộc chơi thú vị - một cuộc chơi văn hoá đậm tính trí tuệ và nghệ thuật”. Về vấn đề này, các nhà giáo dục trong những năm qua cũng đã “ra sức” đổi mới, nâng cao hiệu quả dạy học văn. Nếu như PGS.TS Nguyễn Đức Nam với công trình “Hãy trả lại bản chất nghệ thuật kỳ diệu cho dạy văn”, TS. Hồ Ngọc Đại với phương pháp “Biến tác phẩm của nhà văn thành tác phẩm của học sinh” thì với mô hình “Trả tác phẩm về cho học sinh” thầy Nguyễn Quang Trung đã góp một phần không nhỏ vào “công cuộc”đổi mới đó.

Mọi phương pháp dù hay đến đâu, nhưng không thể thành công nếu thiếu lòng nhiệt tình của người thực hiện. Điều này, tôi càng thấm thía hơn khi chứng kiến sự tận tụy, tâm huyết với nghề của thầy. “Có thể thổi bùng ngọn lửa yêu văn chương trong các em học sinh mà lòng người thầy vẫn lạnh như băng giá? Nhất định là không. Bởi vì văn thơ là cuộc sống, là tâm hồn của con người đã được lọc qua một tâm hồn nữa là tâm hồn của tác giả và ghi lại bằng ngôn ngữ. Người dạy văn phải từ ngôn ngữ ấy đi ngược lại con đường mà nhà văn đã đi… Cái đáng sợ nhất với người giáo viên là nói những điều học sinh biết ngang mình…”. Câu nói của thầy là lời nhắc nhở với tôi về trách nhiệm của người giáo viên với nghề nghiệp.

Xưa, vua Lê Thánh Tông đã nói: “Giấy làm ruộng, bút làm cày”. Thầy Nguyễn Quang Trung đã “cày” trên mảnh đất màu mỡ và gieo vào đó “hạt giống” tốt nhất của mình mà trái ngọt của nó - chính chúng tôi, những hậu thế của thầy đang tận hưởng. Cảm ơn thầy đã truyền cho tôi ngọn lửa tâm huyết với nghề nghiệp... Nhân dịp xuân về, kính chúc thầy gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp trồng người, góp phần của mình, đưa trường THPT Chuyên Ngoại Ngữ ngày càng xứng đáng là “điểm sáng” trong hệ thống giáo dục của ĐHQGHN, là nơi tạo nguồn cho các bậc đào tạo, là niềm tin, sự trông đợi của học sinh và phụ huynh cả nước.

 Đỗ Thị Ngọc Chi (HV cao học K50, Trường ĐHKHXH&NV) - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 192, ra tháng 2/2007
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: