Trang chủ   >   >    >  
Những cuốn sách về nguồn
Một buổi sang nọ, trong tiền sảnh chính của Thư viện quốc gia VN nằm trên phố Tràng Thi đã diễn ra Lễ tặng sách của một cố giáo sư thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

 Mọi người đều nhìn thấy có một người phụ nữ cứ đứng mãi bên giá sách, nhỏ lệ, khóc thầm. Những người xung quanh không ai đến gần an ủi, vì biết rằng nước mắt đang làm bà vợi bớt nỗi đau. Đó là bà Nguyễn Minh Chất, giảng viên Đại học Y khoa Hà Nội. Bà đang lưu luyến chia tay những cuốn sách của chồng, trước khi sách được chuyển vào sâu trong hậu sảnh. Chồng bà - Giáo sư-Viện sỹ-Nhà giáo Nhân dân Phan Cự Đệ đã đột ngột qua đời. Bao ngày qua, những cuốn sách vắng ông như trở nên cô đơn, lạnh lẽo. Như đoán được ý định của ông từ nơi chín suối, bà đã quyết định chọn 2000 cuốn sách quý nhất, đẹp nhất, từ nhiều ngôn ngữ khác nhau trong thư viện riêng của ông, hiến tặng cho Thư viện Quốc gia. Có khoảng trăm đầu sách đứng tên ông, trong số đó có gần 40 cuốn viết riêng. Những người nghiên cứu và giảng dạy văn học có thể nhận ngay ra những tên sách vang bóng một thời: Phong trào Thơ mới, Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, Nhà văn Việt Nam hiện đại, Tự lực văn đoàn – con người và văn chương…Sát gáy với những cuốn ông viết là hàng trăm cuốn sách có giá trị kinh điển và sách do các nhà văn nổi tiếng trong nước và nước ngoài gửi tặng ông. Nhìn những bìa sách tươi sáng muôn màu, người ta có thể nhận ra những chặng đường vận động của nền văn học Việt Nam hiện đại.

GS. Phan Cự Đệ

“ Chồng tôi – nói chuyện với mọi người, bà giáo sư cố nén giọng – suốt đời chỉ biết có sách. Viết được cuốn sách nào, bài báo nào, nhận nhuận bút là ông mua sách. Sách ùn ùn về nhà từng ngày. Ông biến nhuận bút sách mình thành sách người. Sách tràn qua những chiếc giá chật chội, chui vào cả tủ quần áo. Như cá phải có nước mới sống. Sách là thế giới của ông…”

Sau lời phát biểu nghẹ ngào của người quả phụ, Lễ tặng sách của cố GS. Phan Cự Đệ diễn ra trang trọng và nhanh gọn. Giấy mời phát đi không nhiều nhưng người đến dự lễ đột ngột tăng nhanh. Tên tuổi của Giáo sư đã thu hút sự chú ý của mọi người. Có những độc giả đang đọc sách trong thư viện chạy đến vì tò mò, nhưng phần lớn người dự lễ là những học trò và đồng nghiệp của ông. Sau buổi lễ, mọi người tranh thủ lật vội từng cuốn sách. Các sinh viên trẻ tìm xem những tuyển tập thơ. Những độc giả già chọn xem những cuốn sách cũ đã mòn gáy. Nhiều khuôn mặt bỗng trở nên trầm ngâm, tư lự. Dường như họ đã cảm nhận được hơi ấm bàn tay chủ cũ. Vì chắc chắn rằng những cuốn sách đó còn lưu dấu vân tay của cố giáo sư.

Chỉ một vài giờ nữa, những cuốn sách trưng bày trên giá sẽ được nhập vào phòng lưu chiểu đặc biệt, nằm sâu trong thư viện. Tại đó, sau 20 năm, như châu về Hợp Phố, đã có mấy nghìn cuốn sách từ các thưu viện gia đình và cá nhân hội tụ. Đó là sách của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố nhạc sỹ Trần Hoàn, sách của nguyên Thủ tướng Đỗ Mười, của Giáo sư Bùi Trọng Liễu, Nguyễn Đình Diệu và bộ Atlát Việt Nam của GS Nguyễn Văn Chiển…

Nhà triết học thực chứng Bai-cơn đã có lần hình dung thư viện của mỗi quốc gia giống như “ giòng sông chở nặng những hài cốt của các vị Thánh vĩ đại”. Sách chính là một dạng hài cốt tinh thần của tác giả. Có lẽ dựa vào ý của Bai-cơn, các thủ thư của thư viện Quốc gia đã nảy ra ý tưởng: Sau lễ tặng sách của GS Phan Cự Đệ, cần khơi dậy một phong trào hiến sách, giống như phong trào tình nguyện hiến giác mạc vậy!

Thật là một ý tưởng đẹp đẽ, sáng suốt và đầy tính khả thi. Nhưng so sánh việc hiến sách với việc hiến giác mạc thì cách so sánh này đầy lý tính và nghe đến lạnh người.

Không, những cuốn sách tặng của cố giáo sư Phan Cự Đệ không như giác mạc của người. Bởi vì dù có đột ngột ra đi, ông vẫn không phải là người bất hạnh. Hơn nửa thế kỷ làm thày và làm khoa học, ông đã tìm được hạnh phúc giảng đường, hạnh phúc trên những trang viết của ông. Ông còn tìm được niềm vui và cả niềm tự hào dân quốc trong các hội thảo khoa học quốc tế mà ông tham gia hoặc tự mình tổ chức, chủ trì.

Cũng có thể xem 2000 cuốn sách hiến tặng ấy như như một sự trả nợ - món nợ tinh thần dài hạn từ Thư viện Quốc gia. Vì sao? Vì từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước, ông đã từng là độc giả trung thành, nổi tiếng là “đọc dai nhất” trong Thư viện. Ông đã tận dụng, khai thác đến cạn kiệt những nguồn thông tin, tư liệu mà Thư viện trong điều kiện đất nước chiến tranh có khả năng cung cấp. Cùng trong thế hệ ông, đã có biết bao học giả, nhà văn, nhà giáo ưu tú ra đời từ cái vườn ươm trí tuệ quốc gia này. Có vay thì có trả. Vậy thì… những cuốn sách từ thư viện gia đình ông được chở đến Thư viện Quốc gia âu cũng vẫn nằm trong cái vòng tuần hoàn của văn hóa thư tịch: sách lại sinh ra sách.

GS. Phan Cự Đệ tang sach cho DHQGHN

Thư viện nổi tiếng nhất từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên là thư viện Alêchxăngdrơ của Ai-cập, cũng được hình thành từ sự tiếp nhận sách từ thư viện riêng của các danh nhân, trong đó có thư viện của Arixtôt. Suối đổ về sông, nhiều thư viện quốc gia trên thế giới đã được hình thành từ sự góp công, góp sách của các gia đình, dòng họ, đặc biệt là các dòng họ quý tộc có truyền thống thi thư, trí thức. Tuy vậy, chứng kiến lễ tặng sách của một giáo sư văn học, nhiều người thấy gợn dậy trong lòng một nỗi lo: Sẽ tới một ngày Thư viện Quốc gia sẽ trở nên chật chội…Nếu như các khách sạn nhà hàng ở Hà Nội và cả nước co bớt lại cho thư viện được nới rộng ra, các thế hệ độc giả sẽ đến thư viện này không chỉ vì nhu cầu tìm kiếm thông tin, tài liệu, mà còn vì nhu cầu tìm kiếm một không gian văn hóa. Những cuốn sách từ các thư viện gia đình, danh nhân hiến tặng sẽ trở thành những cuốn sách có hồn trong tay độc giả. “Cảo thơm lần rở trước đèn”, độc giả sẽ đọc sách như tiếp xúc với những kỷ vật thư tịch của các bậc tiền nhân. Những cuốn sách đó sẽ đem lại cho họ cảm xúc sâu lắng cùng sự yên tĩnh trong tâm hồn. Chúng ta biết rằng, cái yên tĩnh ấy hiếm hoi và quý giá biết nhường nào giữa không khí ồn ào, náo động của đời sống hôm nay.

 Phạm Nga Sơn - Bản tin ĐHQG Hà Nội, số 208 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: