Trang chủ   >   >    >  
Bàn Môn Điếm vĩ tuyến của sự chia cắt
Bàn Môn Điếm (Pan Mun-chơm - Panmunjeom) vốn là một cái làng nhỏ, vô danh trên bán đảo Triều Tiên, vậy mà mấy thập kỷ nay, từ năm 1945 và nhất là sau năm 1953, thì nó trở nên nổi tiếng. Tất cả những ai quan tâm đến thời cuộc Châu Á và bán đảo Triều Tiên đều biết đến nó như biểu tượng của một đất nước bị chia cắt và sự rập rình của ngọn lửa chiến tranh trong mọi thời khắc.

Đầu thập kỷ năm mươi, tôi còn bé lắm. Khi bắt đầu cắp sách đến trường, tôi nghe người lớn lào xào nói với nhau: “Bên Cao Ly đánh nhau to lắm rồi, to hơn cả ta với Tây nhiều!”. Rồi nghe tin quân Mỹ đổ bộ, ném bom chết cả vạn người. Rồi lại nghe Trung Quốc cho quân tham chiến, gọi là “Chí nguyện quân” chiến đấu ở Thượng Cam Lĩnh ác liệt không kém ở Xtalingrat. Thời gian lâu sau, một tối tại sân vận động huyện tôi, có diễn ra một cuộc mít tinh, nhân dịp đó có một ông nhà văn vừa đi thăm Triều Tiên về nói chuyện. Ông là nhà văn Hoài Thanh. Bằng giọng nhỏ nhẹ, ông kể chuyện về đất nước đầy đau thương và chiến cuộc khốc liệt. Để minh hoạ, trong buổi nói chuyện, ông còn ngâm bài thơ “Em bé Triều Tiên” của Tố Hữu. Khi học lớp ba chúng tôi gặp lại bài thơ này trong một bài tập đọc. Tôi vẫn còn nhớ:

Em bé Triều Tiên ơi!

Mẹ của em đâu rồi,

Có ai đây mà hỏi.

Đây bốn bề lửa khói,

Xác ai nằm ngổn ngang

Bãi tuyết lặng quanh làng,

Phố đổ nhà hoang vắng...

Rồi đến lúc cũng nghe chiến cuộc trên bán đảo Triều Tiên kết thúc vào mùa hè năm 1953 bất phân thắng bại. Đất nước này lại tiếp tục bị chia cắt bởi một hiệp định đình chiến ký ở làng Bàn Môn Điếm nằm đúng vĩ tuyến 38. Làng Bàn Môn từ đó trở thành một địa danh tượng trưng cho sự phân ly và đối đầu lưỡng Triều cho đến ngày nay. Khu phi quân sự (DMZ) được thiết lập, nhưng lại đầy bom mìn, nội bất xuất ngoại bất nhập mà làng Bàn Môn là trung tâm nên không ai hình dung nó ra sao. Từ khi chiến tranh lạnh tạm ngưng, Hàn Quốc bắt đầu cho khách tham quan tới thăm vùng giới tuyến quân sự ở một số điểm, trong đó có Bàn Môn Điếm.

Thời mở cửa, bạn bè tôi sang Hàn Quốc thì nhiều nhưng chưa có mấy ai đến thăm chốn này, còn tôi, với cái tính thích văn hoá và địa lý “xê dịch” thì mong có dịp nào đó, nhất định sẽ tìm đến nơi đây. Rồi dịp đó cũng đến. Trong một năm thỉnh giảng cho Đại học Hankuk ở Seoul tôi đã có cơ hội đến thăm Bàn Môn Điếm dù rằng đất nước này còn có nhiều chỗ để du lịch thú vị chẳng hạn như các cố đô hay hòn đảo Chê-dzu ở phía Nam. Khi tôi hỏi han về cách đi đến khu giới tuyến và làng Bàn Môn thì sinh viên Hàn Quốc ngạc nhiên nói rằng đó không phải là nơi du lịch vì chả có gì ngoài không khí chiến tranh. Tôi giải thích rằng, đất nước tôi đã từng bị tạm thời chia cắt, đã từng có nỗi đau phân ly nên tôi muốn được chia sẻ. Các em hiểu và chỉ dẫn tôi rất tận tình, chi tiết.

Một sáng cuối thu, chúng tôi tập kết ở một khách sạn lớn rồi sau đó rời Seoul trên một chuyến xe ca du lịch đặc chủng, hướng lên phía bắc thành phố, phía ấy là vùng giới tuyến. Ra khỏi thành phố, mùa thu vàng đang vào cuối độ, lá bắt đầu rụng đỏ sườn đồi. Tôi có dịp nhìn rõ cảnh thôn quê an bình đã thay cho đô thị nhộn nhịp. Những dãy đồi, những thung lũng, các thửa ruộng bậc thang giống hệt ở Cao Bằng, Lạng Sơn bên ta. Trên đường cao tốc xe cộ lúc đầu vẫn như nước, nhưng ít phút sau mật độ bỗng giảm hẳn, rồi đến cảnh thưa thớt vắng lặng. Chiếc xe ca chở chúng tôi bỗng trở nên cô đơn trên nẻo đường thiên lý. Rồi nó đang chạy nhanh bỗng đứng khựng lại trước một cổng sắt lưới thép chắn ngang đường. Hai người lính canh mang kính mát và súng tiểu liên cầm tay. Chúng tôi hiểu ra là đã đến khu vực quân sự. Đường vắng tanh, gió lạnh thổi ràn rạt trên những đồi cỏ với nhưng thửa ruộng hoang không người canh tác đã lâu. Cánh cửa thép mở ra trước chúng tôi con đường cao tốc bị chia nhỏ thành 2 nhánh và mất hút nơi xa. Sau khi trình giấy tờ với quân cảnh, xe chúng tôi lăn bánh theo ngả bên phải thêm 5km. Tôi có cảm giác mơ hồ về không gian khi không có bóng người và những rừng cây trụi lá cuối mùa.

Xe dừng lại ở trạm gác tiếp theo, một không khí quân sự đã rõ ràng. Người ta kiểm tra hộ chiếu của chúng tôi và nhận diện rất kỹ, sau đó thì mời mọi người xuống xe. Chưa rõ đầu đuôi thế nào thì đã có một chiếc xe ca quân sự sơn màu cỏ úa và biểu trưng Liên hiệp quốc tiến đến. Chúng tôi được lên xe và có các binh lính vũ trang ngồi cùng. Xe lại chạy thêm mười lăm phút nữa giữa đồng không mông quạnh mà chúng tôi biết là có gài mìn, sau đó thì dừng lại ở một khu doanh trại. Một bãi lớn có ba cột cờ cao: Mỹ, Hàn và Liên hiệp quốc. Chúng tôi xuống xe, đi bách bộ và chờ một lúc, rồi các sĩ quan đến và phổ biến những quy định khi vào khu phi quân sự. Thì ra chỉ có giới báo chí và du lịch ngoại quốc được vào đây thôi, người Hàn thì tuyệt đối không. Mọi người được yêu cầu phải ăn mặc nghiêm chỉnh: không mặc quần bò, váy ngắn, không đi dép, cầm ô dù. Ai chưa thực hiện đủ thì bị mời vào một phòng để chấn chỉnh trang phục. Lại lên xe thêm mấy cây số nữa. Xa xa chúng tôi dần thấy hiện ra những ngôi nhà mái tôn gần đường hoặc trên các triền đồi. Nhà 1 hoặc 2 tầng rất sạch sẽ sau những hàng rào kẽm gai. Đây chính là doanh trại quân đội Mỹ canh phòng khu giới tuyến. Một vài người lính đổi gác qua đêm trở về đang tập thể dục, chơi bóng và túm nhóm nói chuyện. Xe chúng tôi ghé vào một khu doanh trại lớn, toàn nhà trệt lợp tôn kẽm. Các quân nhân hướng dẫn khách xuống xe và đưa vào một gian phòng lớn, bài trí theo kiểu nửa bảo tàng, nửa rạp chiếu phim. Tại đây khách tham quan được giới thiệu kỹ càng về lịch sử chiến tranh Triều Tiên với nhiều tấm ảnh hiếm thấy, những sơ đồ và sa bàn các trận đánh, sau đó mọi người xem những cuốn phim tài liệu về chiến cuộc. Lần đầu tiên tôi có dịp trực tiếp biết được những thông tin về cuộc đọ sức kinh hoàng suốt 3 năm ở đất nước này. Quân Bắc đã từng đuổi quân Nam đến tận Pu-San, và đã có lúc quân Nam đuổi quân Bắc đến tận sông Áp Lục. Kế theo đó, khách được giới thiệu khá chi tiết về cảnh quan và trạng thái của khu phi quân sự DMZ ở đây, sơ đồ những nơi được đến và những nơi bị cấm, bị cách ly. Nhóm quân nhân kiểm đếm rất kỹ từng người khách và hướng họ theo một hành lang quy định.

Ra khỏi phòng thông tin, chúng tôi được phép vào một cửa hàng PX, loại cửa hàng miễn thuế chuyên dành cho quân đội Mỹ. Tôi chỉ nghe về loại cửa hàng này ngày trước của quân đội Mỹ ở Sài Gòn, nay mới tận mắt. Đây là cửa hàng bách hoá bán nhiều loại vật dụng, nhu yếu phẩm và nay có cả đồ lưu niệm. Người Mỹ không chú ý hình thức lắm trong việc bày hàng mà lấy phong cách tiện nghi làm chính. Nhiều khách mua các loại quần áo của lính Mỹ để làm kỷ niệm. Tôi thấy rất nhiều áo ”Nato” chính hiệu mà ở ta một thời rất được ưa chuộng. Tôi cũng mua một chiếc đồng hồ đeo tay của lính dù màu cỏ úa trông rất “hầm hố” để lưu niệm. Xe lại lăn bánh thêm 3 km nữa và bây giờ thì đến gần làng Bàn Môn Điếm thật. Từ xa, trước khi đến tâm điểm khu giáp ranh quân sự hai miền người ta đã có thể nhìn thấy hai lá cờ Hàn Quốc và Triều Tiên ở hai bên giới tuyến khi xe chạy dọc theo các bãi mìn và dây thép gai. Cờ Hàn thì gần giới tuyến hơn và thấp hơn, còn cờ Triều Tiên thì rất cao nhưng cách xa phải đến hơn cây số. Tôi mải mê nhìn qua bên kia giới tuyến. Đó là một vùng đồi núi trọc, không một bóng cây cối, xa tít tắp là những triền đồi cỏ áy vàng mùa đông, tận chân trời là những rặng núi đá tím ngắt. Rõ ràng là cảnh hoang mạc vắng vẻ lạnh lùng. Nghe nói cảnh vật này kéo dài suốt mấy trăm cây số và phía dưới là những bãi mìn bất tận. Xe chúng tôi bỗng cua gấp vào một sân xi măng và dừng đột ngột. Trước mắt chúng tôi hiện ra một toà nhà khá lớn 4 tầng, mái hơi võng xuống và có nhiều cửa kính. Khách được lính quân cảnh lịch sự mời xuống và thông báo là đã đến trung tâm Bàn Môn Điếm. Ngôi nhà này là trụ sở của phái bộ Hàn Quốc trong Ban Liên hợp quân sự Liên Triều. Những người lính quân cảnh to cao, nai nịt quân trang và súng ngắn luôn ở trạng thái cảnh giác. Tuy nhiên, chúng tôi được thoải mái bước vào toà nhà và tiến ra phía trước. Ngay ở hành lang phía trước, toàn cảnh khu liên hợp đã hiện ra trước mắt. Đôí diện toà nhà này, phía bên kia đường phân tuyến, là một toà nhà tương tự của Triều Tiên. Nó cũng 4 tầng nhưng xây mái bằng, màu sẫm hơn và đơn giản như những ngôi nhà tập thể thường gặp ở các nước xã hội chủ nghĩa hồi thập kỷ sáu mươi. Phía bên ấy là những lính gác trang phục truyền thống kiểu các chính uỷ ngày trước. Trên tầng gác ba và bốn cũng có những hành lang nhìn sang phía Nam và cũng có lác đác các đoàn khách tham quan, một vài người hướng ống nhòm sang phía bên này. Tôi trèo lên một ngôi tháp ba tầng ở đầu hồi trụ sở. Tháp này xây cho khách tham quan dễ quan sát phía bên kia. Đứng nhìn phong cảnh đơn điệu từ cả hai phía, thật ra không có gì để nói, nhưng lòng tôi bỗng vô cùng xúc động. Cái xúc động và thấm thía của người dân một nước đã đi qua nỗi đau chia cắt đất nước. Tôi chợt nhớ về những năm tháng qua khứ của nước mình với bến Hiền Lương, vĩ tuyến 17 và dòng sông Bến Hải. Bên tai tôi như văng vẳng lời ca năm nao:

Bên ven bờ Hiền Lương,

Chiều nay ra đứng trông về

Mắt đượm tình quê, đôi mắt đượm tình quê,

Xa xa một đàn chim,

Dừng bay tung cánh lưng trời...

Ba năm trước, dừng xe bên bến Hiền Lương, cạnh nhịp cầu chia cắt xưa mới vừa phục chế, nhìn những đoàn xe và dân chúng hối hả vào Nam ra Bắc trên cây cầu lớn bên cạnh, lòng tôi vui biết bao hôm nay nhưng cũng không khỏi ngậm ngùi nhớ đến một thời quan ải của đất nước. Hai mươi năm xa cách nhưng ai cũng cảm thấy dài như hàng thế kỷ. Dân tộc ta đã đi qua muôn trùng bom đạn, chịu đựng hy sinh, khốn khó nhưng quyết bằng được thu non sông về một mối, Bắc Nam sum họp một nhà. Những mất mát ngày ấy đã được đền đáp bằng niềm vui bất tận hôm nay và cho cho các thế hệ mai sau trên một đất nước thống nhất, thái bình, cường thịnh.

Rồi tôi trở lại với hiện thực, cái làng Bàn Môn Điếm mà tôi đang đứng đây hôm nay còn mãi đến bao giờ là một biểu tượng chia cắt bán đảo Korea này. Không phải 60 năm đã qua mà còn như... vô định. Rời tháp quan sát, chúng tôi vào nhà họp Liên Triều. Đây là cái gạch nối duy nhất liên thông giữa 2 miền. Ngôi nhà cấp bốn dài khoảng ba mươi mét, có đánh dấu chia đôi, nối vào khoảng giữa trụ sở của phái bộ mỗi bên với nhau. Nó có cửa thông vào tam cấp hai phía và bốn góc đầu hồi có lính quân cảnh gác đối mặt nhau, đứng im như tượng gỗ. Bước vào ngôi nhà nhỏ liên hợp ta có cảm giác rất lạ. Nơi đây hai phía chỉ gặp nhau vào ngày thứ sáu mỗi tuần để kiểm định tình hình chung, rồi giải tán phía nào về phía ấy. Phái bộ quân sự mỗi bên ngồi sau một chiếc bàn kê ngang, đưa tay qua bàn mà bắt tay nhau. Mỗi đầu bàn cũng có một quân cảnh đứng nghiêm. Hôm chúng tôi đến thăm không phải là ngày họp. Tôi rất ngạc nhiên vì khách được đi lại tự do cả hai phía trong phòng họp, lại còn được phép chụp ảnh kỷ niệm và được ngồi vào ghế của các sĩ quan liên hợp của cả hai bên. Điều đó đã an ủi khách du lịch và xoá đi cái không khí chia cắt trong khoảnh khắc. Tôi cố ghi vào ký ức những kỷ niệm về căn phòng này nhưng nó không có gì đặc biệt ngoài cái không khí riêng biệt mà vì nó mà người viễn xứ phải lặn lội đến đây.

Trở lại cổng phía Nam, tôi lân la hỏi chuyện mấy người lính gác. Tưởng họ nghiêm và lạnh lùng, nhưng không phải như thế. Những người lính cho chúng tôi cùng chụp ảnh lưu niệm và trả lời những câu hỏi bằng tiếng Anh với thái độ niềm nở. Rời khu tâm điểm của làng Bàn Môn, xe chúng tôi vòng ra phía ngoài và ngược lên phía Tây mấy trăm mét thì chạy chậm lại. Khách nhìn thấy một dòng sông nhỏ, một cây cầu cũ bắc qua bị gẫy một nhịp gục xuống xuống nước đã mấy chục năm. Bên kia là phía bắc, là bãi mìn... rõ ràng là một biểu tượng của đất nước bị chia cắt. Cảm giác đó còn được nhân lên khi ở đầu cầu bên này có một cột mốc bê tông nhỏ có ghi dòng chữ: “Vĩ tuyến 38”, cái vĩ tuyến vô hình nhưng làm đau nhói trái tim mỗi người trên bán đảo Triều Tiên. Câu thơ ngày xưa:

Bé em ơi, giữa súng rền,

Ngày mai tươi mát, hát trên đất Triều.

cho đến hôm nay vẫn chưa thành hiện thực với mọi người dân trên bán đảo này. Tôi lại chợt nhớ về cái vĩ tuyến 17 năm nao ở nước ta, nay đã là thời xa vắng trong tâm thức của người Việt mà lòng cảm thấy nhẹ nhõm. Sông Bến Hải nay đã có 3 cây cầu lớn, một cầu bắc giữa Cửa Tùng có xa lộ vào Cửa Việt mà xưa có nằm mơ cũng không ai hình dung nổi.

Xe chúng tôi lại chạy thêm chừng 2 cây số nữa thì dừng trước một công viên nhỏ có bia kỷ niệm lớn. Con đường sắt Nam - Bắc đến đây thì bị chặn lại bởi một cánh cổng thép lớn chắn ngang. Đã mấy chục năm rồi, không tàu bè, không hành khách, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Trên tấm lưới thép của cánh cửa tôi thấy có nhiều dải vải lớn nhỏ có chữ Hàn treo lên, ngoắc vào... khiến tôi và nhiều người chú ý. Thì ra dân chúng đến đây thì phải quay lại, họ gửi lại tâm trạng đau buồn, nhớ nhung người thân và những miền quê xa khuất chân trời không biết đến bao giờ mới tái hợp. Tôi bỗng liên tưởng đến một lần viếng thành cổ Quảng Trị vài năm trước. Tôi rất xúc động khi thấy trong nhà tưởng niệm có bức thư của một người lính gửi cho vợ năm 1972. Anh vốn là sinh viên năm thứ tư Trường ĐH Xây dựng Hà Nội. Bức thư viết trước khi anh bước vào trận đánh vài ngày mà anh biết chắc rằng mình sẽ hy sinh. Tôi chú ý một chi tiết: Anh dặn vợ sau này có đi tìm anh thì nhớ đi tàu đến ga Quảng Trị, xuống tàu đi dọc theo bờ sông Thạch Hãn vài cây số để tìm anh. Lòng tin của anh là thắng lợi, là đất nước chắc chắn sẽ thống nhất, sẽ có ngày hoà bình, là đường sắt Bắc Nam sẽ sớm nối lại, cho dù nhiều năm trước khi anh nhập ngũ đường sắt phía bắc, chỉ mới khôi phục đến đến ga Vinh và lúc anh viết bức thư thì nó đang bị hỏng nghiêm trọng do bom đạn. Anh ngã xuống mang theo giá trị mà mình tin tưởng nên rất thanh thản, thấy trước một ngày mai. Hàng triệu người Việt khác cũng nghĩ như anh nên mới có ngày đất nước ta về liền một dải, tàu đến Quảng Trị rồi nối lại Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Các mất mát đã được bù đắp, an ủi. Dân ta được thanh thản.

Chúng tôi rời khu quân sự có làng Bàn Môn Điếm khi chiều đã muộn. Chiếc xe quay về phía Nam trên con đường bụi đỏ trong buổi chiều thu lạnh lẽo, hiu hắt. Đêm hôm ấy, ngồi trong một quán rượu So-chu nhỏ, ấm áp giữa Seoul náo nhiệt, tôi bỗng cảm hoài:

Một chiều ta đã qua đây,

Nơi miền đất lạ, chốn này Bàn Môn.

Hán Thành - Hà Nội 2005-2008

 GS. Đinh Văn Đức - Bản tin ĐHQG Hà Nội số 209 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: