Văn học
Trang chủ   >  Văn hóa  >   Văn học  >  
Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê
Nguyên văn câu ca dao này là: Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê. Đây là một lời khuyên rất chí lí về cách ứng xử của những cặp vợ chồng. Đây cũng là một bài học tuyệt vời về chữ Nhẫn rất cần phải có trong cuộc sống lứa đôi.

Ai đã từng vào bếp nấu cơm đun bằng than củi (hay rơm rạ) hẳn có lần biết thế nào là cảnh cơm khê, cơm cháy. Đó là tình trạng cơm (và cả cháo nữa) bị cháy không đều, do bén lửa to, lan ra khắp nồi, tạo nên mùi nồng khét. Khi bị khê, cơm không những rất khó ăn (có khi phải bỏ đi) mà còn gây tâm lí không vui cho bản thân người nấu và những người thân. Theo tín ngưỡng dân gian, đó còn là một điềm xấu. Gì chứ đang chuẩn bị đi đâu xa, hay chuẩn bị đi thi, hay mồng một đầu tháng mà đột nhiên bị một nồi cơm khê ai cũng cho rằng đấy là dấu hiệu “xúi quẩy”. Từ chuyện cơm khê này, dân gian ta còn dùng để miêu tả những chuyện “khê” khác: tiền khê nợ đọng, chiêm khê mùa thối, giọng nói khê nồng,… Nhưng dù là “khê” nào đi nữa thì sắc thái của tổ hợp từ cũng thiên về nghĩa không hay.
Kinh nghiệm về chuyện nấu cơm sao cho ngon (cơm sôi nhỏ lửa, đợi cạn, vần kĩ) trở thành bài học về tài đảm đang tháo vát của cô gái nào đó trong công việc nội trợ, nữ công gia chánh. Và từ “sự tình” đặc biệt này, người đời muốn nói một lời nhắn nhủ mang ý nghĩa triết lí để ông cha ta khuyên các nàng dâu. Họ cần phải biết ứng xử sao cho phải trong những tình huống bất thường: gia đình gặp “sự cố”, ông chồng đột nhiên giận dỗi, nặng lời to tiếng. Nguyên nhân dĩ nhiên là có nhiều. Thái độ nổi đoá của đức ông chồng như vậy đương nhiên là không phải. Nhưng cuộc đời vốn đa dạng nhiều hình vẻ, không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái (bát đũa còn có khi xô nữa là). Những lúc như vậy, rất cần một thái độ bình tĩnh ôn hoà của người vợ. Nếu các nàng cũng lên mặt giận, cũng “ăn miếng trả miếng” cho hả thì chẳng khác nào thổi bùng ngọn lửa dưới đáy nồi cơm đang sôi. Chẳng cần đợi lâu, chỉ vài ba phút là cả nhà (có khi cả láng giềng) sẽ được thưởng thức mùi vị của sự thiếu kiềm chế kia ngay. Bấy giờ thì chẳng còn “anh nói em nghe” hay “em nói anh nghe” mà là “cả anh và em cùng nói, hàng xóm nghe”...
Chữ nhẫn luôn là một bài học ứng xử trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Nó đặc biệt có ý nghĩa trong những tình huống làm nên hạnh phúc mái ấm gia đình. Đàn ông mạnh mẽ, quả cảm, xốc vác nhưng cũng có lúc nóng nảy, bồng bột, thậm chí thô lỗ. Thói đời, giận quá mất khôn. Những lúc như vậy, người vợ cần vào vai một chiếc “điều hoà nhiệt độ”. Nhẹ nhàng, nhún nhường, bình tĩnh tìm cách gỡ. Nhẫn ở đây là dịu dàng, nhẫn nại (chứ không phải là nhẫn nhục) để lái con thuyền bất ngờ bị cơn giông tố trở lại cân bằng. Đó không chỉ là một thái độ mà là một bản lĩnh. Có bao cô gái mảnh mai, đào tơ liễu yếu mà có tài làm dịu đi bao nỗi bất bình trong cuộc sống. Họ đã ngăn chặn cả cuộc “chiến tranh nóng” bùng nổ đến “chiến tranh lạnh” âm thầm. Họ xứng đáng là chủ thể đích thực trong mỗi mái nhà yên vui và ấm cúng. “Lạt mềm buộc chặt” mà!
Một sự nhịn, chín sự lành. Sự nhẫn nhịn quả là liều thuốc đặc trị rất lợi hại. Các cô gái cần biết đặt bổn phận “một nửa thế giới nhưng lại là trụ cột của một gia đình”. Bởi vậy, trong bất luận hoàn cảnh nào, họ cũng cần biết im lặng chia sẻ và nói sao đúng lúc. Sự hoà thuận không dành cho những ai thích lí sự, hiếu thắng, càng không có chỗ cho những ai không biết “ăn làm sao, nói làm sao” cho vừa.

 

 PGS.TS Phạm Văn Tình - Bản tin ĐHQGHN số 245, tháng 7/2011
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :