Văn học
Trang chủ   >  Văn hóa  >   Văn học  >  
Câu đối cổ mà ý nghĩa rất mới
Lê Thánh Tông (1442- 1497) trong ngót 40 năm làm vua đã đưa triều Lê phát triển tới đỉnh cao về mọi mặt: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, quốc phòng. Sử gia Ngô sĩ Liên khen “Lê Thánh Tông là vua sáng lập chế độ, mở mang đất đai, bờ cõi khá rộng, vạn vật tốt đẹp, thật là vua anh hùng, tài lược”. Đức vua đã ban bố các bài chiếu như chiếu khuyến nông, chiếu lập đồn điền, chiếu định quan chế, chú ý các biện pháp phát triển kinh tế, sửa đổi chế độ thuế khoá, khuyến khích trồng trọt, chăn nuôi, khai khẩn đất hoang làm sao cho dân no ấm, đất nước giàu mạnh.

Vua Lê Thánh Tông còn là một nhà thơ hào tráng, chăm lo phát triển những giá trị văn hoá dân tộc. Là một người chăm lo đế nghiệp, ở xa trên cõi đế đô nhưng Lê Thánh Tông vào dịp lễ tết hay cải trang làm thường dân đi thăm phố phường, chợ búa, xuống nông thôn để hiểu nỗi niềm, cuộc sống của dân chúng.

Có một lần nhà vua thăm một nhà dân không treo câu đối vào dịp tết Nguyên Đán vui tươi của dân tộc như các gia đình khác, Lê Thánh Tông đóng vai một người thường dân có biết chữ bèn hỏi:

- Tại sao nhà nào trong dịp Tết cũng đều treo câu đối nói về nghề nghiệp của mình mà nhà ông lại không có?

Chủ nhà ngại ngần một phút rồi buồn rầu đáp:

- Thưa ông, chẳng dấu gì ông, tôi làm cái nghề hèn hạ quá nên không dám phô với thiên hạ ông ạ.

Nhà vua hỏi lại, chủ nhà mới bộc bạch:

- Thưa ông, nhà tôi làm nghề dùng cào chìa hốt phân bắc bán cho các nhà trồng rau ông ạ.

Nhà vua cười vui vẻ:

- Việc làm đó chẳng có gì hèn hạ cả mà nó còn giúp phát triển nông nghiệp trồng rau, trồng lúa xanh tốt. Ông nên chú ý ủ phân, đừng để phân tươi bốc mùi hôi thối cả vùng là được. Tôi xin tặng ông câu đối Tết nhé!

Vua bảo lấy giấy hồng điều và bút nho rồi viết đôi câu đối sau:

Ý nhất nhung y, năng đảm thế gian nan sự

Đề tam xích kiếm, tận thu thiên hạ nhân tâm.

Tạm dịch như sau:

Khoác một áo bào, đảm đương việc khó trong thế gian

Cầu ba thước kiếm, tận thu lòng dạ của thiên hạ

Nhà vua ví chiếc áo lá tơi và cây cào chìa 3 răng của người dân như áo bào và thanh kiếm của người hảo hán. Ta thấy Lê Thánh Tông đánh giá cao vai trò của người nông dân và quý trọng mọi nghề, miễn là nghề đó phát triển sản xuất làm cho dân no ấm.

ý nghĩa câu đối đó mới mẻ và có tác dụng giáo dục nghề nghiệp sâu sắc cho ngàn đời sau. Thái độ thân dân, hành vi đi sát dân của vua xưa kia nhắc nhở cán bộ chúng ta ngày nay phải lấy dân làm gốc, gần gũi nhân dân, quan tâm đến đời sống của người lao động.

 Nhữ Nguyên - Bant tin ĐHQGHN số 167 (tháng 1/2005)
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :