Văn học
Trang chủ   >  Văn hóa  >   Văn học  >  
Những tài tử văn học tuổi Dậu
Lịch sử phát triển nền văn học dân tộc đã trải qua hàng ngàn năm, với những tác phẩm văn học có giá trị và mang tính nhân văn, ít nhiều đã để lại “tiếng vang” cho độc giả trong nước và nước ngoài. Trong đó có những tác phẩm kiệt xuất của những tác giả có năm sinh (tuổi Dậu). Nhân dịp xuân mới, tôi xin trân trọng giới thiệu một số tác giả tuổi Dậu đã có những tác phẩm hay, đóng góp cho sự nghiệp phát triển nền văn học nước nhà:

1- Nguyễn Gia Thiều (1741- 1798) sinh năm Tân Dậu, hiệu là Ôn Như, quê ở làng Liễu Ngạn, huyện Siêu Loại, xứ Kinh Bắc (nay thuộc huyện Thuận Thành - Bắc Ninh) có tác phẩm nổi tiếng: Cung Oán Ngâm.

2- Nguyễn Du (1765- 1820) sinh năm ất Dậu, hiệu là Thanh Hiên, tên chữ là Tố Như, quê tổ ở làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Hà Tây). Quê sinh ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh với tác phẩm nổi tiếng: Truyện Kiều.

Năm 1965, Hội đồng Hoà Bình thế giới đã long trọng tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân văn hoá, nhà thơ Nguyễn Du...

3- Hà Tôn Quyền (1790- 1848) sinh năm Kỷ Dậu, tự là Tôn Phủ, hiệu là Phương Trạch, biệt hiệu là Hải Ông. Quê ở thôn Cát Động- huyện Thanh Oai- tỉnh Hà Tây. Ông đỗ Hội nguyên tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Nhâm Ngọ 1822 triều Minh Mạng, năm thứ 3. (Văn bia tại Quốc Tử Giám ở Huế). Tài sản văn chương để lại cho đời sau khá phong phú đó là tác phẩm: Mộng Dương thi Tập, Tôn Phủ thi Tập, Liễu Đường văn tập, Hà Tông thi tập, Nguyễn triều tấu biên, Minh Mạng chính yếu, Thăng Long tam thập vinh. Đó là những tác phẩm văn chương được các sĩ phu đương thời ca ngợi.

4- Nguyễn Đức Nguyên (1909 - 1982), sinh năm Kỷ Dậu, bút danh Hoài Thanh, quê ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông cùng em trai mình là Nguyễn Đức Phiên - bút danh Hoài Chân đã đóng góp công lớn về mặt phê bình, lý luận để khẳng định Thơ mới. Đó là tác phẩm bất hủ “Thi nhân Việt Nam” và đưa tác giả lên vị trí cao, xứng tầm một nhà phê bình lớn của nền văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX.

5- Tế Hanh tên khai sinh là Trần Tế Hanh, sinh năm 1921 (Tân Dậu) tại làng chài vên biển tỉnh Quảng Ngãi. Ông có nhiều tác phẩm, tiêu biểu như: Hoa niên - tập thơ 1945, Gửi miền Bắc (1955), Tiếng sóng (1960), Hai nửa yêu thương (1963), Khúc ca mới (1966)... Tác phẩm nổi tiếng nhất được nhiều bạn đọc biết đến, đó là bài Quê hương - rút trong tập Nghẹn Ngào (1939), sau được in lại trong tập Hoa niên (xuất bản 1945). Ông được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (1996). Hiện nay tác giả vẫn tiếp tục sự nghiệp sáng tác riêng của mình và đóng góp những tác phẩm tiếp theo cho nền văn học nước nhà.

6- Quách Tấn, sinh ngày 23 tháng 11 năm Kỷ Dậu (1909) ở làng Trương Định, huyện Bình Khê - Bình Định. Tác phẩm chính: Một tấm lòng (1939), Mùa cổ điển (1941), có 9 bài thơ được chọn và giới thiệu trong cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân.

7- Phan Văn Dật, sinh ngày 17 tháng 8 năm Kỷ Dậu (1909) ở làng Phú Xuân, huyện Hương Trà (Thừa Thiên cũ). Tác phẩm chính: Bâng khuâng (1935) là tác phẩm được đánh giá cao về giá trị nội dung và nghệ thuật.

Những tác giả kể trên chưa phải là con số chính xác và đầy đủ, bài viết nhỏ này bước đầu giới thiệu 7 ngôi “Sao Khuê” đã và đang tiếp tục toả sáng trên bầu trời thi ca Việt Nam hôm nay và mai sau.

 Phùng Hoàng Anh - Bản tin ĐHQGHN số 167 (tháng 1/2005)
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :