Văn học
Trang chủ   >  Văn hóa  >   Văn học  >  
Ký ức về một hành trình
Trang đầu tiên của nhật ký hành trình tình nguyện là một điều để ngỏ: “Hành trình của cậu có nhiều điều để nhớ đến thế sao?” Và chỉ một cái gật đầu như trả lời : “ừ đấy”… để đến bây giờ khi tất cả đã kết thúc, nhật ký hành trình trả lời dần cho câu hỏi ban đầu với những điều tiếc nuối…

Hà Nội, sau tình nguyện hè Gia Phương - Ninh Bình

Ngày… tháng…

Ngày hôm nay thật là buồn tẻ, nhớ lại ngày hôm qua sao mà lại thấy thèm quá mức.

Cả ngày chỉ ăn với ngủ. Thế nhưng rồi ăn cũng chẳng thấy ngon, ngủ cũng chẳng thấy sướng. Nhớ lại mấy hôm trước, mấy anh chị em chúng tôi được ngồi ăn cùng nhau, ăn uống vui vẻ nên ăn được rất nhiều (mặc dù chẳng có thức ăn ngon như bây giờ), thực đơn chủ yếu trong các bữa ăn của chúng tôi lúc đó là: cơm, rau và một ít thịt (hoặc cá) cộng với các điệu cười (đây là thức ăn chủ yếu)… thế nhưng mà vui ơi là vui chứ đâu như bây giờ - lủi thủi ngồi ăn một mình. Và ngủ cũng trong tình trạng tương tự (chán chẳng muốn kể nữa). Hay nói đúng hơn, tràn ngập trong con người tôi ngày hôm nay là cảm giác hụt hẫng có lẫn một chút gì đó tiếc nuối, thật buồn.

Ngày… tháng…

Vừa xong rỗi rãi, ngồi đọc lại quyển nhật ký chuyến đi mà tôi thấy buồn cười quá, tôi cứ vừa đọc, vừa hình dung lại "hành trình" của mình trong những ngày hè đã qua (51 ngày). Kể ra "hành trình" của tôi cũng thú vị lắm ấy chứ, nó làm tôi cảm thấy tự hào về những gì mình đã trải qua trong thời gian vừa rồi. Tôi hiểu tôi và tôi vẫn đang tiếp tục cố gắng…

Ngày… tháng….

Hôm nay tôi vui lắm. Cả buổi sáng tôi lại đạp xe đi khắp nơi, nhằm tập hợp mọi người để chuẩn bị cho buổi hội ngộ “đại gia đình" chúng tôi. Tôi hy vọng là sẽ tái hiện lại được một Gia Phương (Ninh Bình) - nơi chúng tôi hoạt động tình nguyện - ngay giữa thủ đô Hà Nội này. Đằng ấy tin vào khả năng biên tập của tôi chứ, tin quá đi còn gì nữa.

Đấy, mọi người gặp lại nhau, nói chuyện như những “thương gia đầy uy tín”, khoái lắm! Mà đằng ấy có biết không, sáng nay gặp tôi, chị Hiền lại còn tặng tôi một con gấu bông nho nhỏ cực xinh nữa cơ. Đúng là em út có khác, bất kể ở nơi đâu, bất kể ở thời điểm nào tôi cũng luôn luôn được cưng chiều. Thích ghê lắm đằng ấy ạ.

Ngày… tháng…

Tôi vừa ngồi xem lại toàn bộ những bức ảnh chụp ở Ninh Bình, vui lắm đằng ấy ạ. Tôi thấy người mình cứ lâng lâng đến mức khó tả.

Đằng ấy biết không, vì ở đấy vui quá nên bây giờ khi về nhà, tôi (và cả mọi người trong đội) đều cảm thấy dường như là bị hụt hẫng, bị mất đi một cái gì đó. Tiếng cười với những trò đùa có thể gọi là quái dị, hay như chúng tôi vẫn gọi là "lối sống hippi" đã làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn. Chúng tôi sống với nhau dường như tuyệt vời đến mức không còn gì diễn tả nổi. Vì vậy nên bây giờ nghĩ lại mà cứ thấy… thèm.

à, mà đằng ấy bảo đằng ấy cắt tóc hả? Không biết trông đằng ấy thế nào nhỉ, mặt tròn hay dẹt đây. Dù sao cũng tiếc thật, đằng ấy để tóc dài trông đẹp hơn. Tôi nói thế đằng ấy đừng cười nhé, tại vì tôi quen nhìn đằng ấy tóc dài rồi, nên cũng chẳng biết có quen được với một đằng ấy tóc ngắn hay không nữa. Đợi đến khi nào hết hè, gặp nhau, tôi sẽ "phát biểu" cho đằng ấy nghe nha.

Ngày… tháng…

Từ tối đến giờ, đằng ấy có nhìn lên bầu trời đầy sao không? Đằng ấy có phát hiện ra cái đặc biệt của nó ngày hôm nay không? Chắc là không rồi, tại đằng ấy được gọi là… ngố mà. Hì... Đừng giận nhé! Mà cũng tại tôi thôi, tự nhiên hỏi đằng ấy về cái không biết rõ thế nào ấy.

Tôi lại đang nhớ đất Gia Phương - Ninh Bình và "đại gia đình" tình nguyện của tôi đấy. Chẳng qua là tại ngày đấy, chị Yến cũng chỉ lên bầu trời nhiều sao và đã phác họa "để lại cho đời” một bức tranh nổi tiếng có tên "Yến và các vì tinh tú", mà đằng ấy có biết chị ấy phác họa nó ở đâu không? ở ngay trên "mâm cơm Ninh Bình". Thế mới thú vị chứ. Đằng ấy có muốn xem bức họa đó không? Để khi nào tôi vẽ “copy” lại cho đằng ấy xem nhé.

Nhìn trăng sao, rồi tưởng tượng lại bức vẽ đó, mà tôi lại thấy nhớ những tháng ngày không thể nào quên ở Ninh Bình. Ôi! Sao mà đi làm tình nguyện lại tuyệt vời đến thế. Anh Quang, anh H. Anh, chị Yến, chị Hiền ơi, em thấy nhớ mọi người quá.

Nhắc đến Ninh Bình rồi nhìn lại người mình mà tôi buồn cười quá. Mấy hôm nay tôi cứ thấy đầu gối mình bị bong da, lúc đầu không hiểu vì sao nên hơi sợ, mãi đến hôm nay mới chợt nghĩ ra: đó chính là "hậu quả tai hại" khi ở Ninh Bình đó. Chẳng là tụi này lúc rỗi chơi đánh bài quỳ, tím hết cả đầu gối, và bây giờ là bong da. Đúng là nhớ đời đằng ấy nhỉ. Nhưng mà như thế là vui, là khoái rồi..

Ngày… tháng…

Đằng ấy biết không, đêm qua một lần nữa tôi mơ thấy “đại gia đình Ninh Bình" của mình về nhà tôi, tôi đã ôm lấy từng người từng người một (nhớ mọi người quá mà)… Và rồi vừa xong, tôi ra ngoài nhìn lên trời toàn thấy sao (có cả ông sao sáng nhất mà chị Yến gọi là ông sao Hôm, sao Mai gì đấy mà tôi cũng không nhớ rõ lắm). Đêm đó là đêm cuối cùng mà "đại gia đình" còn ở Ninh Bình. Sáu người bọn mình ngồi dưới bầu trời đầy sao. Anh Quang, anh H. Anh, chị Yến, chị Hiền, chị Hồng và tôi nữa, thi nhau ngồi kể chuyện không ngớt lúc nào. Lúc to, lúc nhỏ, lúc ào ào, lúc lại thì thầm thủ thỉ, chẳng thiếu chuyện gì trên đời này.

Nghĩ lại thật thấy ngồ ngộ cho hoàn cảnh của bọn mình lúc ấy. Sáu anh chị em chỉ có hai cái chiếu, một cái chăn của tôi đem đi, một cái gối của anh Quang, một bình Nestle to uỵch và một cái đèn pin (có kẻ sợ ma). Đấy bộ đồ nghề của bọn tôi là như thế đấy. Lúc đầu không sao cả, nhưng càng về đêm trời càng lành lạnh, muỗi càng nhiều, thế là cả sáu tên vùng vẫy trong một chiếc chăn bé tí tẹo, gối đầu thì bằng dép và tay của người bên cạnh. Chân tên này duỗi ra, chân kẻ kia co lại, chân kẻ khác lại đạp lung tung… đúng là cảnh tượng có một không hai. Và còn nhiều nhiều trò thú vị nữa. Ôi vui thật.

Chẳng biết đến bao giờ mới lại có những dịp như thế nữa nhỉ. Chẳng biết nữa. Sao, đằng ấy thấy “đại gia đình" của tôi thế nào? Có vui không? Quá vui là đằng khác ấy chứ nhỉ? Bao giờ gặp mặt mọi người, tôi sẽ giới thiệu đằng ấy với mọi người. Các anh chị ấy vui lắm, đằng ấy mà gặp chắc chắn đằng ấy cũng sẽ thấy mê họ luôn cho mà xem. Thật đấy…

Ngày… tháng…

 Hồng Ngân - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 175, tháng 9/2005
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :