Văn học
Trang chủ   >  Văn hóa  >   Văn học  >  
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 5: "Bình năm nay, rượu của năm nào?"
Sáng rằm tháng Giêng, trời không buông nắng cũng chẳng mưa tựa như nâng gót những khách yêu thơ đến với hội thơ. Sân Văn Miếu đông vui và tấp nập hơn thường lệ, nhưng lòng người vẫn cảm thấy hẫng hụt bởi so với cái tên bề thế, thanh nhã của mình, "Ngày thơ Việt Nam lần thứ 5" hình như còn thiêu thiếu một cái gì đó...

Hội thơ: sách bán, chữ mua

Ngày thơ năm nay là một dịp để các công ty sách quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhưng các nhà thơ thì lại không tranh thủ bán thơ của mình. Chỉ có Vi Thùy Linh bày tập “Đồng Tử”, Nguyễn Vĩnh Tiến khoe đĩa nhạc, nhưng như là để giới thiệu nhiều hơn để bán. Độc giả vẫn hý hoáy chép những vần thơ yêu thích trên từng poster. Cạnh chân dung cố nhà thơ Bế Kiến Quốc, vợ ông, nhà thơ Đỗ Bạch Mai, mang đến rất nhiều tập thơ của chồng nhưng không bán, chỉ tặng. Được biết thông tin trên, một số sinh viên ồ lên sung sướng. Nhưng một độc giả lớn tuổi ghé tai họ, nhỏ nhẹ rằng: “Chú nghĩ, mình cũng nên để tiền lại, dù ít dù nhiều, các nhà thơ nghèo lắm!”. Dọc 2 bên sân thơ già là các quầy sách được bày bán, sách thơ được bán đã đành mà rất nhiều loại sách chẳng quan hệ gì với thơ cũng tranh thủ được bày ra. Là ngày của thơ nhưng xem chừng thơ vẫn chưa được xếp ở hàng ưu tiên số một trên sạp bán. Quan sát sự lấn át của các ấn phẩm khác trước sách thơ, nghe mọi người lao xao hỏi về sách hướng dẫn nấu ăn, sách nội trợ trong gia đình... không ít người như tôi chạnh lòng liên tưởng đây là một hội chợ sách.

Một hoạt động có tính thương mại khác cũng rất thu hút mọi người đó là các bàn thư pháp. Phải chăng do khoảng trống dành cho thơ ít quá nên trên sân chính, độc giả quan tâm nhiều hơn đến các bàn “mua - bán chữ”. Khách mua chữ đa phần là lớp trẻ, những cậu học trò cấp 3, những cô sinh viên yêu chữ nghĩa. Để có chữ cần treo, người chơi phải mua một tờ giấy điệp với giá 30.000 đồng để các “thư pháp gia” cho chữ. Nhìn cánh trẻ đứng xếp hàng đông đúc trước các bàn bán chữ chờ đến lượt, một giảng viên trẻ của Bộ môn Hán Nôm (Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV) lắc đầu: “Hình như họ coi đó là mốt để chạy theo, chứ mấy ai hiểu tường tận hết ý nghĩa và chơi chữ như một biểu hiện để hướng về truyền thống dân tộc...”. Với thư pháp, thiếu chữ gì thì người ta mới xin, nào Phúc, nào Lộc, nào Thiện, nào Đức, nào Tâm... và cũng có cậu thanh niên hồn nhiên đề nghị: “Chú cho cháu xin chữ Tình để tặng người yêu được không ạ!”... Hướng về phía sân khấu chính của hội thơ, ta bắt gặp ngay một bàn “đọ chữ” giữa các nhà thư pháp cũng thu hút đông đảo người xem. Nhưng đến khi các bức thư pháp được viết xong thì Ban tổ chức đã không dành chút thời gian nào để tác giả giảng giải về ý nghĩa của nó. Hồng Loan, sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên giọng tiếc nuối: “Em xem vì thấy lạ, chứ không hiểu chữ, giá như được giải thích thì hay hơn bao nhiêu. Mà em tin là ở đây, cũng có nhiều người như em, xem chứ không hiểu ý nghĩa của các thư pháp cổ đó”...

Sân thơ: già đối, trẻ hô, khách cười...

Không có lễ khai bút trên dải lụa trắng dài đến 10m như đã được quảng cáo, hôm nay, trên sân Thái Miếu, Ban tổ chức Ngày thơ Việt Nam dường như quá vội vã với thơ, nhưng lại thư thả, rông dài với âm nhạc và những thủ tục hành chính. Từ lối vào cổng của ngày thơ, khách thơ đã hòa nhập ngay vào không khí của lễ hội. Mỗi vị khách đều nhận một lời mời dự đối. Có 4 vế đối thách gồm: “Xã hội đi lên, cuộc sống đi lên, cao tiết tháo văn chương vì cuộc sống; Văn Miếu, miếu văn nêu chữ Đức; Thịt lợn, lòng heo kiêng ăn vào giờ Hợi; Học bảy nghề mà thất nghiệp”. Vậy là trên đường vào sân Thái Miếu, các cụ già tóc trắng có dịp để xì xào, lẩm nhẩm: “Thịt lợn thì đối với...” và hý hoáy giấy bút khoe tài, trổ chữ. Để cuối cùng, với 25 bài thi trên tổng số 400 phiếu phát ra, giải nhất đã thuộc về cụ Lý Văn Thăng (Hà Nội) với 4 vế đối: “Thương trường tiến tới, văn minh tiến tới, lớn công lao giảng dạy lớp người sau; Ngọc Sơn, sơn ngọc sáng nhân văn; Cháo gà, xúp gà tránh nấu ở vườn kê; Dâng ba lễ vẫn tam tai”. Lễ khai mạc cũng không có gì mới, thậm chí phần nghi lễ đã được tiến hành quá gọn, đến độ độc giả chưa kịp ổn định thì những câu thơ hào sảng của Huỳnh Văn Nghệ và tiếng thơ “Nguyên Tiêu” đã vụt trôi đi. Trên sân khấu quá nhỏ, hai con rồng không được múa một cách hoành tráng, rộn rã mà chỉ đứng rung râu rồi uốn lượn vài vòng trong tư thế đuôi cao hơn đầu. Tiếp đó, lãnh đạo Hội nhà văn Việt Nam liên tiếp đọc các quyết định khen thưởng cho các nghệ sĩ ngâm thơ, các tập thể, cá nhân có đóng góp lớn cho sự phát triển của thơ ca và văn học. Không tham gia vào lễ trao giải ít trang trọng, nhiều nhốn nháo này, bác Ngọc Lâm (quê ở Tiên Lữ, Hưng Yên) thở dài: “Chúng tôi đến hội thơ để nghe đọc thơ và nghe nói chuyện văn chương chứ có phải để xem người ta khen thưởng, tâng bốc nhau đâu! Thơ chỉ có một ngày trong khi những thủ tục hành chính kiểu này có thể thực hiện trong cả năm còn lại cơ mà...”.

Đóng góp nhiều điểm mới là phần trình diễn và giao lưu của các nhà thơ trẻ trên sân khấu nhà Thái Học. Xét một cách thực sự thì sân thơ trẻ năm nay níu chân người xem bởi nhiều yếu tố: trẻ trung, vui nhộn trong cách tổ chức, nhiều không gian thơ, nhiều người thơ và nhiều sự trân trọng với thơ ca, nhiều tri ân với các bậc tiền bối... Những cây bút thơ trẻ đã không độc hành, họ đã tự tạo nên một không gian thơ gần gũi và hấp dẫn với các panô hình ảnh và chữ viết bộc lộ quan điểm nghệ thuật và những câu thơ đặc sắc của các tác giả thơ nhiều cách tân “từng là người trẻ” như Lê Đạt, Trần Dần, Dương Tường, Lưu Quang Vũ, Thanh Thảo... do đích thân các nhà thơ trẻ tuyển lựa và viết lời giới thiệu. Họ không tự coi mình như là một cây riêng biệt trong cả vườn thơ như năm trước. Họ dựa vào các nhà thơ lớn, vào lớp người đi trước để vừa tôn vinh cha anh, vừa hé lộ con đường thơ chập chững của mình. Với ý tưởng, các nhà thơ trẻ tự dựng chân dung về tác giả đi trước mà mình yêu thích, Ban tổ chức đã thiết kế nên một cuộc hội ngộ ý nghĩa giữa những người “cùng liều” với thơ, nhưng một bên là “xóm một thời liều với thơ” và một bên là “xóm đang liều với thơ”. Phan Huyền Thư giới thiệu Thanh Tâm Tuyền, Khô Nga, Nguyễn Bính với lời tâm sự: “Đây là 3 tác giả có phong cách hoàn toàn khác nhau, nhưng họ đều ảnh hưởng đến tôi, đều dắt dẫn tôi đến với văn chương”. Dạ Thảo Phương kể về Bế Kiến Quốc với câu chuyện cảm động quanh câu thơ nổi tiếng trong bài “Hoa huệ”: “Hoa huệ trắng và bức tường cũng trắng/ Sao bóng trên tường lại đen”. Vì một sự nhầm lẫn, chị đã tưởng tác giả “Hoa huệ” “đạo thơ” của H.Heine, để khi sự thật được làm sáng tỏ, cái bóng của nhà thơ ngoại quốc mờ dần đi, còn lại trong chị sự tôn trọng và ngưỡng vọng lớn lao dành cho nhà thơ của xứ mình. Cũng từ lời giới thiệu của các nhà thơ trẻ, độc giả nhớ lại một Lê Đạt cần mẫn phu chữ, một Trần Dần âm thầm làm thơ trong lặng lẽ; một Nguyễn Bính với hành trình thơ lang bạt hải hồ... Nếu màu chủ đạo của sân thơ già là đỏ băng rôn thì sân trẻ là xanh nõn. Phông màu lá điểm hoa vàng. Hai bên là những cây thơ được tạo thành từ các lá poster, mỗi nhà thơ được độ 2 lá để giới thiệu nhân thân và tác phẩm. Hàng bên phải trên sân Thái Học là 15 gương mặt trẻ được xếp vào “xóm liều”. Người đưa ra khái niệm này giải thích: “Ngày nay chọn sự nghiệp làm thơ là một sự liều”. Một điểm nữa làm nên sự khác biệt là ở sân thơ già, các nhà thơ đọc thơ trong tiếng oóc, còn sân trẻ đọc vo - bù lại có phần chat khá rôm rả. Nhạc sĩ Ngọc Đại cũng lên nói thơ - ấy là khi ông giới thiệu những bài hát phổ thơ của mình, chẳng hạn với bài “Đũa tre”, ông phi lộ: “Đời sống giống như một cái chết bất tử...”. “Ba bài hát của Ngọc Đại sau đó được cặp song ca Linh Dung và Thùy Lâm trình diễn. Linh Dung là ca sĩ hát hụt còn Thùy Lâm được giới thiệu là cô giáo. Họ đều cạo đầu trọc lóc, chân đi dép xăng đan cao su đen xì, quần áo toàn những màu sắc trầm tối hoặc pha màu sáng thật rợn tóc gáy. Họ vừa mở miệng đã khiến ai cũng phải... ngoái nhìn. Khẩu hình bẹt hơn Ngọc Khuê, chẳng hạn “khong ca bác chan nào thực lòng ieo...” thì ai từng nghe “Cây nữ tu” do Trần Thu Hà hát mới dịch ra được (là không có bước chân nào thực lòng yêu). Để tạo ra tiếng lạ gây “sốc”, Linh Dung không ngại lấy hai ngón tay kẹp sống mũi. Trong khi Thùy Lâm “hát”, thì Linh Dung chạy quanh tu tu... như tàu hỏa vào ga. Vì có phần của mình trong bài “Hoa gạo”, nên ngay khi bộ ba trình diễn thơ của Ngọc Đại chưa rời “sới”, nữ nhà thơ Phan Huyền Thư đã nhảy phắt lên sân khấu giành diễn đàn của MC: “Cảm ơn các bạn đã tặng cho thơ của chúng tôi một cách đọc mới. Mong các quý vị khán giả mọi thế hệ mở lòng ra tiếp nhận chúng tôi”...

Đa số khách thơ đến với hội thơ tháng Giêng năm nay cho rằng sân thơ trẻ có nhiều cái để xem, để nghe và để giải trí hơn sân thơ già, song những điều đó để lại ấn tượng như thế nào trong lòng mọi người thì vẫn còn là câu hỏi. Ngày thơ Việt Nam lần thứ 5 vẫn là “Bình năm nay, rượu của năm nào?”, những ai thường xuyên theo dõi Ngày thơ Việt Nam 4 lần trước sẽ đều cảm nhận được như vậy. Phải chăng như thấy trước được điều này mà không ít nhà thơ chỉ coi đây là dịp để hội ngộ đông đủ bạn bè, còn đến để được thưởng thức, tôn vinh và sống với thơ thì có lẽ còn phải chờ những ngày hội thơ kế tiếp...

 Minh Trường
Ảnh: Bùi Tuấn - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 192, ra tháng 2/2007
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :