Văn học
Trang chủ   >  Văn hóa  >   Văn học  >  
Nguyễn Du về lại Thăng Long
Nỗi hoài niệm, ưu tư của Nguyễn Du trước Thăng Long lên đến đỉnh điểm khi gặp lại người con gái gảy đàn ở Long thành. Ông làm một bài thơ dài kể chuyện và giãi bày. Hơn thế, ông còn đề lời “tiểu dẫn” để nói cho rõ ngọn ngành. Cả Thăng Long trong mắt Nguyễn bấy giờ dồn lại ở “người gảy đàn không rõ họ tên là gì” ấy.

 

  • Bản tin số 215, tháng 1/2009
  •  

    Nguyễn Du sinh tại phường Bích Câu năm 1765. Ông có cha và anh là quan đại thần dưới triều vua Lê chúa Trịnh, nhất là người anh Nguyễn Khản rất được chúa Trịnh Sâm tin dùng, thường vào ra phủ chúa hàng ngày, có lần còn viết giấy cho người nhà cầm sang xin chúa lạng chè về uống. Thuở thiếu thời và thanh niên, cậu chiêu Bảy (tên gọi ở nhà của Nguyễn Du) đã có những ngày tháng vui vẻ, thanh nhàn ở Thăng Long, dự những cuộc vui nghiêng ngả ở nhà anh, mắt thấy tai nghe mọi cảnh phố phường kinh đô. Thế rồi nhà Tây Sơn nổi lên, vua tàn chúa lụi, Thăng Long thành bãi chiến trường, Nguyễn từ đó xa đất đế đô, bươn chải mười năm gió bụi, tấm thân còn sống là may. Lịch sử thăng trầm dâu bể, hưng đó mà vong đó, nhà Nguyễn diệt Tây Sơn lập triều mới, thống nhất giang sơn, chuyển đô về Phú Xuân. Thăng Long từ 1802 thành cố đô, và từ 1831 đổi thành Hà Nội. Nhưng khi Nguyễn Du trở lại chốn kinh đô xưa trên đường đi sứ sang Trung Quốc (1813), vùng đất này vẫn đang là Thăng Long. Mười năm xa cách không phải là dài, nhưng những biến thiên đảo lộn trong khoảng thời gian ấy đối với Nguyễn thật ghê gớm. Trong mấy đêm nghỉ lại Thăng Long trên hành trình của sứ đoàn, ông Chánh sứ Nguyễn Du đã trằn trọc, thao thức trước cảnh vật biến thiên và đời người thay đổi. Nguyễn đã có bốn bài thơ chữ Hán làm nhân dịp này, hai bài về cảnh, hai bài về người.

    Bài Thăng Long thứ nhất.

    Tản lĩnh Lô giang tuế tuế đồng
    Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long
    Thiên niên cự thất thành quan đạo
    Nhất phiến tân thành một cố cung
    Tương thức mỹ nhân khan bão tử
    Ðồng du hiệp thiếu tẫn thành ông
    Quan tâm nhất dạ khổ vô thụy
    Ðoản địch thanh thanh minh nguyệt trung

    Nguyễn trải lưu lạc mười năm “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, tâm trạng đã nặng nề. Về lại chốn cũ, gặp lại người xưa, lòng càng buồn. Núi Tản sông Lô (tên gọi khúc sông Hồng chảy qua Thăng Long hồi ấy) thì muôn đời vẫn thế, năm lại năm chẳng di dịch đi đâu. Nhưng dạo một vòng thành xưa, cảnh đã khác. Những ngôi nhà to có nghìn năm tuổi đã bị dỡ đi để làm đường lớn. Khu hoàng thành nhà Lê đã bị phá bỏ, thay vào đó là một tòa thành mới. (Việc này tiến hành vào năm Gia Long thứ tư, 1805). Ðường sá, nhà cửa làm mới, còn người thì già đi. Những cô gái đẹp xinh từng quen biết hồi trước giờ đã tay bồng tay mang. Những gã bạn cùng nhau chơi ngông một thuở nay đã nên ông cả.(Câu thơ dịch thoát sang lục bát Gái xinh giờ đã con bồng, Bạn quen giờ đã thành ông cả rồi nghe đậm ngậm ngùi). Nguyễn cũng đã đầu bạc, may còn được thấy Thăng Long. Thật ra năm đó Nguyễn chưa đến năm mươi, nhưng cái tuổi xấp xỉ ngũ tuần xưa đã tính là già, vả mái tóc bạc Nguyễn có từ sớm, hậu quả của những suy tư dằn vặt ngay từ hồi trẻ. Người như ông với những ấn tượng bời bời như thế trong ngày trở lại đế đô ngủ sao được. Nghe tiếng sáo thoảng đâu đây dưới ánh trăng sáng lòng càng dấy lên bao nỗi vấn vương u hoài. Nguyễn phải tự an ủi mình.

    Bài Thăng Long thứ hai

    Cổ thời minh nguyệt chiếu tân thành
    Do thị Thăng Long cựu đế kinh
    Cù hạng tứ khai mê cựu tích
    Quản huyền nhất biến tạp tân thanh
    Thiên niên phú quý cung tranh đoạt
    Tảo tuế thân bằng bán tử sinh
    Thế sự thăng trầm hưu thán tức
    Tự gia đầu bạch diệc tinh tinh

    Thôi hãy tự nhủ lòng Thăng Long đây vẫn là chốn đế đô xưa, bởi còn đây vầng trăng ngày xưa, dẫu thành đã là thành mới. Ðường phố, ngõ phố mở mang bốn phía làm lạc dấu vết cũ. Tiếng đàn sáo nghe ra đã xen nhiều âm thanh mới. Giàu sang nghìn đời rồi ra chỉ là cái mồi cho sự tranh cướp. Bà con, bạn bè hồi trẻ giờ đã kẻ mất người còn. Hãy hình dung Nguyễn suốt đêm không ngủ, một mình chong mắt nhìn ánh trăng, chỉ còn trăng là bạn cũ không phôi pha, tâm tư cứ giăng mắc chuyện trước chuyện nay. Và ông như buông tiếng thở dài sờ tay lên tóc mình: việc đời chìm nổi thôi đừng than thở nữa, đầu ta cũng đã bạc phơ phơ rồi. Ðêm ấy Thăng Long như cũng chùng lòng một mái đầu bạc dãi ánh trăng thâu.

    Nguyễn Du có một người em cùng mẹ là Nguyễn Ức kém ông hai tuổi, thời Lê là một quan to, thời Nguyễn được phong tước hầu. Khi chưa loạn lạc, trong dinh quan Nguyễn Ức, cũng như các dinh quan khác, thường có những nàng hầu kiêm ca kỹ phục vụ mua vui cho các quan, họ ở địa vị như những người vợ lẽ. Xảy lúc binh đao, nhà quan tan đàn xẻ nghé, các nàng hầu cũng thất tán. Lần về lại Thăng Long này, Nguyễn gặp lại một nàng hầu cũ như vậy của em mình.

    Bài Ngộ gia đệ cựu ca cơ

    Phồn hoa nhân vật loạn lai phi
    Huyền hạc quy lai kỷ cá tri
    Hồng tụ tằng văn ca uyển chuyển
    Bạch đầu tương kiến khốc lưu ly
    Phúc bồn dĩ hĩ nan thu thủy
    Ðoạn ngẫu thương tai vị tuyệt ti
    Kiến thuyết giá nhân dĩ tam tử
    Khả liên do trước khứ thời y

    Nguyễn đang đường đường một vai Chánh sứ, vậy mà ví mình như một ẩn sĩ chốn rừng xanh ra. Hình ảnh chim hạc đen (huyền hạc) là nói cái ý ấy. Giữa chốn quen thuộc mà như người lạ, mấy ai người biết mình đã về lại nơi này. Mấy ngày dừng chân Thăng Long là khoảng thời gian Nguyễn sống phân thân giữa quá khứ và hiện tại. Mỗi câu thơ đều song trùng thời gian. Nàng mặc áo hồng hồi trước hát ca uyển chuyển, giờ gặp lại ta đầu bạc, khóc nỗi lưu ly. Cái mất thì đã mất, như chậu nước đổ rồi không thu lại được nữa. Nhưng cái tình thì còn lưu luyến, như ngó sen gãy đường tơ vẫn dính. Mà sao nàng, nghe nói đã lấy người khác được ba con, vẫn còn mặc chiếc áo ngày ra đi. Nhìn chiếc áo, Nguyễn ái ngại, xót thương. Thăng Long, số phận một kinh thành, có trả lời được Nguyễn trước một màu áo không đổi của một nàng ca kỹ?

    Nỗi hoài niệm, ưu tư của Nguyễn Du trước Thăng Long lên đến đỉnh điểm khi gặp lại người con gái gảy đàn ở Long thành. Ông làm một bài thơ dài kể chuyện và giãi bày. Hơn thế, ông còn đề lời “tiểu dẫn” để nói cho rõ ngọn ngành. Cả Thăng Long trong mắt Nguyễn bấy giờ dồn lại ở “người gảy đàn không rõ họ tên là gì” ấy. “Thuở nhỏ nàng theo học đàn Nguyễn trong bộ nữ nhạc cung vua Lê. Tây Sơn dấy binh, đội nhạc cũ chết chóc, tản mát. Nàng lưu lạc nơi đầu chợ, ôm đàn hát rong. Những bài nàng đàn đều là những khúc gảy hầu nhà vua, người ngoài không ai được nghe, cho nên nàng được khen là “tuyệt kỹ” của một thời. Tôi, hồi trẻ đến kinh đô thăm anh tôi, đêm trọ ở quán bên hồ Giám. Cạnh đấy các quan Tây Sơn tụ hội bọn con hát; con hát nổi tiếng không dưới vài chục người. Nàng riêng thạo đàn Nguyễn, hát cũng hay, lại khéo pha trò. Người xem đều mê mẩn, nhiều lần thưởng cho nàng những chén rượu lớn, nàng tức thì uống cạn, tiền lụa thưởng nhiều vô số kể, chất đầy mặt đất”. Chàng Nguyễn ngày trước đã thành ông Nguyễn, một ông quan, còn cô gái đàn hay, hát giỏi khi xưa đã thành ra sao, sau mười năm biến thiên đảo lộn? Hãy nghe Nguyễn kể tiếp: “Mùa xuân năm nay, tôi phụng mệnh sang sứ phương Bắc, trên đường qua Thăng Long, các quan có đặt tiệc tiễn tôi ở dinh Tuyên phủ nên cho gọi hết nữ nhạc trong thành, con hát trẻ đến mấy chục người, tôi đều không biết mặt biết tên. Họ thay nhau ca múa. Rồi nghe vút lên một khúc đàn Cầm trong trẻo, nghe khác hẳn các khúc nhạc đương thời. Tôi lấy làm lạ nhìn người đàn, thì thấy người gầy võ, thần sắc khô khan, mặt đen, xấu như quỷ, quần áo toàn bằng vải thô, bạc phếch, vá nhiều mảnh trắng, ngồi lặng lẽ ở cuối chiếu, không nói không cười, hình dáng khó coi quá. Tôi không biết là ai, duy nghe tiếng đàn thì dường như đã từng quen biết nên động lòng trắc ẩn. Tiệc tan, hỏi đến người chơi đàn thì ra chính người gảy đàn ngày xưa ấy. Than ôi, người ấy sao đến nỗi này! Tôi bồi hồi ngẩng lên cúi xuống, khôn xiết cảm thương cho sự đổi thay xưa và nay. Ðời người trăm năm, vinh nhục buồn vui khó có thể nào lường được”. Bài thơ Long thành cầm giả ca của Nguyễn Du là khúc bi tráng cho Thăng Long. Mảnh đất kinh đô đẫm huyền thoại, dày sử tích, nhiều dấu ấn các triều vua, giờ có thêm bóng dáng một người con gái đàn ca trải hai triều đại phủ lên các thành quách, dinh thự.

    Khúc xưa giọng mới lệ thầm rơi
    Ta lắng nghe lòng đau xót
    Chợt nhớ lại việc hai mươi năm trước
    Từng gặp nàng trong tiệc bên hồ Giám
    Thành quách đổi dời, việc người đã khác
    Biết bao nơi ruộng dâu đã biến thành biển xanh
    Cơ nghiệp Tây Sơn tiêu tan hết cả rồi
    Chỉ còn sót lại một người ca múa
    Trăm năm như chớp mắt có là bao
    Ðau lòng việc cũ lệ thấm áo
    Tôi từ Nam Hà trở về đầu bạc trắng hết
    Chẳng trách nhan sắc người đẹp tàn phai
    Ðôi mắt mở trừng trừng luống tưởng chuyện ngày xưa
    Thương thay giáp mặt nhau mà chẳng nhận ra nhau

    Năm 1813 khi Nguyễn Du trên đường đi sứ ghé qua Thăng Long, đế đô cũ vừa qua tuổi tròn 800 năm. Nhà Nguyễn đang sắp đặt dấu ấn mình lên vùng đất nay đã thành cựu đế đô. Nguyễn Du nhìn cái mới buồn nhớ cái cũ. Những vần thơ ông để lại chứng tích cho ta một Thăng Long thuở ấy với những xáo động tâm trạng ông. Thêm gần hai trăm năm nữa qua, Thăng Long sắp 1000 năm tuổi, người nay cũng đang tìm lại dấu xưa, đọc lại thơ ông, thấy như Nguyễn đang về “song nhãn trừng trừng không tưởng tượng”.

     Phạm Xuân Nguyên - Nhà phê bình Văn học - Bản tin ĐHQG Hà Nội sô 215, tháng 1/2009
      In bài viết     Gửi cho bạn bè
      Từ khóa :