Văn học
Trang chủ   >  Văn hóa  >   Văn học  >  
Văn Việt 2008 - Ngọa hổ tàng long
Năm 2008 kết thúc bằng một sự kiện khiến giới văn chương chữ nghĩa kém vui, nhưng năm mới đã sang rồi, và ai ai cũng có quyền hi vọng. Mong sẽ có những tác giả mới xuất hiện, những tác phẩm hay chào đời, được bạn đọc trong nước và thế giới đón nhận, để văn chương Việt năm 2009 sẽ rộn ràng và sắc màu hơn nữa.

 

 

1. Trần Dần thơ: Được nhắc suốt cả năm

Ðây có lẽ là cuốn sách được nhắc nhiều nhất năm 2008. Cuốn sách do Công ty Văn hoá Truyền thông Nhã Nam và Nxb Ðà Nẵng ấn hành, được tuyên bố sẽ xuất hiện trong Ngày Thơ Việt Nam 15 tháng Giêng tại Văn Miếu. Nhưng trước Ngày Thơ, có tin cuốn sách bị thu hồi. Nửa tin, nửa ngờ. Vì sao nhỉ? Nội dung “nhạy cảm” chăng? Hay đây chỉ là một chiêu… bán hàng của Nhã Nam? Nhưng cuốn sách đã vắng mặt trong Ngày Thơ thật - trong bầu không khí dành riêng tôn vinh thơ ca - để có mặt trong các cuộc điều tra, thẩm định. Báo chí vào cuộc rôm rả, đưa tin sát sao theo diễn biến tình hình. Những người yêu mến Trần Dần vội vàng đi mua sách, khi tủ sách của Nhã Nam tạm thời bị niêm phong thì chỉ còn lại... hơn chục cuốn! Thật may, Trần Dần thơ cuối cùng được kết luận là chỉ sai phạm hành chính.

Tháng 9/2008, Trần Dần thơ lại được nhắc đến, khi Hội Nhà văn Hà Nội vinh danh nhà thơ Trần Dần và tập thơ bằng Giải thưởng Thành tựu trọn đời về thơ, hành động được nhà thơ Dương Tường đánh giá là rất đáng mặt “kẻ sĩ Hà thành”. Ðồng thời, một cuộc giao lưu, trao đổi về tập thơ, về cuộc đời Trần Dần đã diễn ra sôi nổi, cảm động tại Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Ðông Tây. Chưa hết Trần Dần thơ còn được nhắc đến một lần nữa vào tháng 10, khi trên Tuần báo Văn Nghệ Tp Hồ Chí Minh, sau đó là Lethieunhon.com và Phongdiep.net xuất hiện bài viết: Một giải thưởng kinh dị của Nhị Hà. Theo Nhị Hà, giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội quả là kinh dị, bởi lẽ có ai đi trao giải Thành tựu trọn đời về thơ cho một tập thơ, mà nhất là cái tập thơ đó lại dở! Với giọng khá “trên đời”, tác giả đã phán những câu xanh rờn nhưng vu vơ, vô căn cứ. Hoạ sỹ Trần Trọng Vũ, con trai Trần Dần đã chỉ ra chỉ ra điều đó trong bài hồi đáp Về một lối phê bình kinh dị và nhận được nhiều sự đồng tình. Thế mới biết thân phận của những người dám đi trước, đi đầu, hiến mình cho sáng tạo nghiệt ngã đến thế nào. Di cảo của Trần Dần còn rất đồ sộ, chắc sẽ được in ra trong nay mai, và cũng chắc chắn sẽ gây nhiều luồng ý kiến.

2.Blog Nguyễn Quang Lập: Đã! Sướng!

Blogger - nhà văn Nguyễn Quang Lập xuất hiện năm 2008 đã làm lu mờ nhiều blogger văn chương trẻ trung năng động có thương hiệu trước đó. Thế mới biết… càng già càng dẻo càng dai! Nguyễn Quang Lập hấp dẫn trước hết bởi lối viết theo kiểu “khẩu văn”, tưng tửng, tự nhiên, bông phèng, hài hước. Ông nói bậy rất hay, bậy có duyên hẳn hoi, khiến người ta chỉ cười sằng sặc mà không cảm thấy sự thô tục. Sự thành công ông thể hiện ở số người vào xem kỉ lục trong vòng 6 tháng xuất hiện có tới… nửa triệu lượt truy cập. Ðến cuối tháng 12, ông mới có gần trăm bài viết, nhưng có tới mười mấy nghìn khách ghé thăm, mỗi ngày vài trăm lượt khách, mỗi entry (bài viết) có hàng trăm comment (lời bình). Ông được gọi âu yếm là “bọ Lập”! Ði đâu cũng thấy giới văn chương chữ nghĩa nói về blog Quechoa của bọ.

Blog Quechoa có thể tạo ra 1 hiệu ứng lớn như vậy có lẽ vì đã tạo ra một “cửa xả lũ” quá tốt. Chúng ta luôn sống trong những kỳ, cuộc, hội, họp, phải phát biểu, trình bày, báo cáo..., nhiều đến nỗi mệt phờ, và nếu không có cái gì đấy để xả thì chắc phát bạo bệnh. Ðành rằng đã có nhiều blog của mình, của bạn, của nhóm…để trút hỉ nộ ái ố, nhưng mà không đã. Phải đến blog Nguyễn Quang Lập thì bao nhiêu cái trịnh trọng, mực thước, khuôn mẫu cứng đờ mới được xả đi ào ạt. Ðã! Sướng! Blog lại viết chuyện về nhiều nhà văn, nhà thơ, những người đã có tên tuổi với những chuyện “thâm cung bí sử” khiến càng hấp dẫn. Mà lạ, Nguyễn Quang Lập viết kì tài, bịa như thật, thật như bịa, không biết đằng nào mà lần. Sang năm có thể bọ Lập dự định xuất bản những entry này thành sách để gật gù cười với đời.

3. Giải thưởng quốc tế, ứng xử... nội địa!

Năm 2008 có thể nói là văn Việt được mùa giải thưởng quốc tế. Tháng 1/2008, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, được chọn trong số hàng chục nhà văn sáng giá khác, nhận giải thưởng văn học Premio Nonino. Tháng 4/2008, nhà văn Lê Minh Khuê được trao Giải thưởng Byeong-ju Lee của Hàn Quốc cho tập truyện ngắn Những ngôi sao, trái đất, dòng sông. Tiếp đó, nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần với tập sách Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ đã giành Giải văn học thiếu nhi Peter Pan - Thụy Ðiển 2008. Cuối cùng là Nguyễn Ngọc Tư, cô đã nhận Giải thưởng văn học ASEAN 2008 vào tháng 9, tại Bangkok, Thái Lan. Thật rất đáng mừng, đó chính là sự khẳng định các giá trị của văn học Việt Nam. Nhưng ứng xử với các giải thưởng ấy thế nào cũng là điều đáng bàn, bởi lối ứng xử đúng sẽ có những tác động tích cực tới đời sống sáng tác của các nhà văn, tới dư luận, và tới hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới.

Khi thông tin về Nguyễn Huy Thiệp nhận giải Nonino được đăng tải rộng rãi, đã xuất hiện một số ý kiến khá khinh bạc, cho rằng chuyện không có gì đáng ầm ĩ, Nonino chỉ là giải thưởng của một hãng rượu, loại giải thường thường bậc trung, đành rằng nó từng vinh danh các nhà văn xuất sắc thế giới thì vẫn “lọt thỏm” trong các giải khác; rằng nhà văn ta đã quá mong chờ các giải thưởng quốc tế; và rằng cứ nỗ lực và có thực tài giải tự nó sẽ đến (lý luận này đã khiến một bạn đọc phải thốt lên: Nhanh với chứ vội vàng lên với chứ, giải ơi giải nhà văn đã già rồi!). Tóm lại, chúng ta cần nhìn nhận giải thưởng một cách đường hoàng, tự chủ, bình thản... Với nhà văn Lê Minh Khuê, ở Hàn Quốc và ở Nhật Bản, chị đang là nhà văn Việt Nam được biết đến rộng rãi, nhưng trong nước, thành công của chị chỉ được báo chí đưa tin qua loa, sơ sài. Với Nguyễn Ngọc Tư và Nguyễn Ngọc Thuần cũng vậy. Ðiều này nghĩa là gì? Phải chăng là đó là tính “tiểu khí” và “tiểu bá” thường thấy trong xã hội ta, ngay cả ở những người được coi là nhiều chữ?

Nói vậy nghĩa là những “quý tính” đó không ngoại trừ nhà văn, mà Nguyễn Ngọc Thuần là một ví dụ. Ðược mời sang Thuỵ Ðiển vào dịp Hội chợ sách quốc tế Gothenburg để trao giải, anh nhất định yêu cầu Ban Tổ chức phải cho vợ mình đi cùng. Họ nhượng bộ rồi, Thuần tiếp tục đòi có một phiên dịch riêng cho anh, chứ không chịu để vợ dịch bài phát biểu của mình như họ đề nghị. Phía Thuỵ Ðiển không thể chi trả cho việc này nữa. Thuần bỏ giải. Trong khi Ban Tổ chức đã chuẩn bị mọi thứ cho buổi lễ, nhiều bạn đọc Thuỵ Ðiển đã đứng chờ để xin chữ ký của anh. Mấy nhà văn Việt Nam đã tham dự Hội chợ sách và gặp bà Trưởng Ban Tổ chức, bà nói với họ là bà không hiểu, và khóc…

Nguyễn Ngọc Thuần phải chăng cũng đang cố tỏ ra cái “tiểu bá” của mình, rằng ta đây kiêu hãnh, không cần sự “ban phát”, rằng anh đang “nhìn nhận giải thưởng một cách đường hoàng, tự chủ, bình thản”? Còn việc con gái Lê Minh Khuê đi Hàn Quốc cùng chị và làm phiên dịch cho chị cả chuyến đi hẳn là không “đường hoàng, tự chủ, bình thản”?

4. Giải thưởng văn học tư nhân: Sinh ra, biến mất, lần chần, loay hoay!

Năm 2008 ghi nhận sự xuất hiện của hai giải thưởng tư nhân khá gây thanh thế: Giải Lá Trầu và Giải Bách Việt. Lá Trầu do Quỹ Lời vàng Eva (Công ty Phát triển Truyền thông EVA) thành lập năm 2007, là giải thưởng văn học tư nhân đầu tiên và chỉ dành cho các nữ thi sỹ. Việc công bố giải thưởng này với số tiền thưởng khá cao - 25 triệu đồng - đã khiến giới văn chương xôn xao. Ðược Công ty Nam Dược tài trợ, Quỹ đã hỗ trợ xuất bản được 6 tập thơ, và lần lượt các tập thơ được tổ chức giới thiệu đàng hoàng trước công chúng. Ngày 29-3-2008, tập thơ Bay Lặng im của Trang Thanh được chọn trao Giải Lá Trầu lần thứ nhất.

Cũng trong không khí còn đậm vị giêng hai, Công ty cổ phần văn hoá Bách Việt công bố thành lập Giải thưởng thơ Bách Việt, dành cho mọi đối tượng. Sẽ có 5 bản thảo tốt nhất được chọn xuất bản và giới thiệu với công chúng. Trị giá Giải Bách Việt còn “hot” hơn Lá Trầu: 30 triệu đồng! Các tập thơ đã lọt vào chung khảo gồm Những ngọn triều nhục cảm của Ðỗ Doãn Phương, Ma thuật ngón của Trần Tuấn, Ðêm và những vũ khúc rời của Vũ của Lê Vĩnh Tài. Mỗi quốc gia một thành phố của thế giới của Nguyễn Thế Hoàng Linh và Thức ăn của ngày hôm nay của Ðỗ Trí Vương. Một trong những tập thơ trên sẽ được chọn trao giải Bách Việt. Lễ trao giải dự kiến diễn ra vào 10-1-2009.

Giá mà mọi việc cứ trơn tru như vậy. Không lâu sau khi trao giái Lá Trầu, Quỹ Eva đột ngột thông báo tạm ngưng trao giải bởi những khó khăn về tài chính. Bách Việt cũng thế, tự tin ngời ngời khi công bố giải bởi được nhiều nhà tài trợ hứa hẹn hợp tác. Nhưng chỉ ngay sau khi ra mắt tập thơ đầu tiên – Những ngọn triều nhục cảm - vào chung khảo, Ban tổ chức đã tiết lộ khó khăn khi kiếm tài trợ nuôi giải. Hoá ra, trong thời buổi kinh doanh khó khăn thì các công ty “suýt là nhà tài trợ” phải cắt giảm chi phí, và “xoẹt!”, thơ bị chọn để cắt trước tiên. Thơ trở thành một thứ xa xỉ trong lúc thóc cao gạo kém. Chật vật, cuối cùng Bách Việt vẫn tìm được tài trợ cho việc tuyển chọn, xuất bản và trao giải thơ. Nhưng bất ngờ nhất là kết thúc mùa giải đầu tiên, Bách Việt lại tuyên bố mở giải thưởng văn xuôi với trị giá giải lên tới 40 triệu đồng!

Giải Lá Trầu, hay Bách Việt năm 2008 đã đánh dấu sự xuất hiện của xu hướng xã hội hoá các giải thưởng văn học. Rõ ràng đây là một sự đáp ứng nhu cầu kịp thời của người viết và người đọc. Các sáng tác ngày càng phong phú, người đọc cũng đa dạng, thang giá trị của các giải thưởng của các Hội trở nên hạn hẹp, cần phải có thêm những chuẩn mực khác nữa. Với sự thông tin rộng rãi của báo chí, các giải thưởng này đã tạo nên một không khí tươi mới trong đời sống văn học, gây những hiệu ứng tích cực cho cả người sáng tác và công chúng. Nhưng bài toán kinh tế đâu dễ giải. Theo dự đoán, tình hình kinh tế sẽ còn suy thoái trong một hai năm tới, nên việc tổ chức giải đã có hay thành lập giải mới đều vô cùng khó khăn. Biết bao giờ ở ta mới có một giải thưởng tư nhân thường niên, và được như Nonino? Dẫu biết trong những năm gần đây, văn hoá Mạnh Thường Quân đang phát triển, nhưng mà hết tiền thì Mạnh Thường Quân cũng thành Mạnh…Thường Thôi!

5. Thời của tiểu thuyết

Vài năm trước đây, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có một tiểu luận dài mang tên Thời của tiểu thuyết, chỉ ra sự đổi mới của hoàn cảnh xã hội, sự biến chuyển của không khí văn chương và khẳng định: “Tiểu thuyết. Trường thiên tiểu thuyết. Phải là tiểu thuyết. Ðó là một nhu cầu của thời hiện tại”. Bất chấp sự ngờ vực của nhiều người, chỉ vài ba năm sau, thể loại tiểu thuyết bung nở khá rầm rộ, tưng bừng. Xem Danh sách các tác giả, tác phẩm dự thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam Văn nghệ tháng 3 năm 2008, có thể choáng váng vì không tưởng tưởng nổi số đầu tiểu thuyết lại khủng khiếp đến vậy: khoảng 120 tiểu thuyết! Có tiểu thuyết 2 tập, có nhà văn gửi dự thi 2, 3 tiểu thuyết, cá biệt có người gửi 5 tiểu thuyết!

Tất nhiên, các tiểu thuyết dự thi có thể đã in từ một hai năm trước. Riêng năm 2008 này, tiểu thuyết Việt Nam ghi nhận Xuân từ chiều của Y Ban; Nháp - Nguyễn Ðình Tú; Lạc giới - Thuỷ Anna; Lửa đắng - Bắc Sơn; Cuồng phong - Nguyễn Phan Hách; Thời của Thánh thần - Hoàng Minh Tường; Biển và chim bói cá - Bùi Ngọc Tấn; Côn trùng - Lê Thị Hiệu; Bão đồng - Cao Năm; Làng Người Xanh - Nguyễn Hiệp; Trong nước giá lạnh - Võ Thị Xuân Hà; Giã biệt bóng tối - Tạ Duy Anh, Sóng chìm - Ðình Kính. Khá nhiều cuốn của các cây viết gạo cội trên năm trăm trang với tham vọng “bao sân” các thăng trầm lịch sử, hay vẽ bức tranh toàn cảnh xã hội đương đại. Các tác giả trẻ vài năm trước chẳng thấy tăm hơi trong lãnh địa tiểu thuyết nay xông pha ngang dọc cạnh các lão tướng bạc đầu: Ðặng Thiều Quang, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Vũ Phương Nghi, Nguyễn Quỳnh Trang, Trần Nhã Thụy...; và năm nay là Thuỷ Anna, Nguyễn Ðình Tú, Lê Thị Hiệu, Nguyễn Hiệp. Họ đã có nhiều năm thử mình với truyện ngắn, và bước đến tiểu thuyết như tự nhiên phải thế, để thử thách mình ở những miền rộng lớn và hấp dẫn hơn.

Bất chấp sự cạnh tranh khốc liệt của văn hoá nghe nhìn, bất chấp những than vãn rằng xã hội đã thờ ơ với văn chương, bất chấp sự trồi sụt đảo điên của nền kinh tế, tiểu thuyết - thể loại vua của văn học này vẫn cứ lên ngôi. Thời của tiểu thuyết đã đến thật rồi! Cho đến nay, ngoài giải thưởng Ðông Nam Á, tiểu thuyết Việt Nam chưa giành được giải thưởng quốc tế nào khác. Nhưng với sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của tiểu thuyết như thế này, nhất định nó sẽ giành được nhiều thành tựu hơn nữa.

6. Văn học dịch: Dịch xuôi trôi hơn dịch ngược

Năm 2008 vẫn là năm sôi động của văn học dịch. Các tác phẩm đạt giải thưởng quốc tế hay đang gây tiếng vang đều được dịch sang tiếng Việt kịp thời: Người chậm của J. M. Coetzee, Sững sờ và run rẩy của Amélie Nothomb; Người trong bóng tối của Paul Auster; Nửa kia của Hitler của Eric-Emmanuel Schmitt; Thương của Toni Morison... Các tác giả cổ điển kén người đọc vẫn tiếp tục được giới thiệu. Văn học từ các nước vốn trước không được chú ý như Hungary, Ba Lan, Chile đã có mặt ở Việt Nam. Thể loại văn học trinh thám, kinh dị năm nay được dịch khá nhiều và hầu hết là những cuốn đang ăn khách trên thế giới. Sách dịch văn học thiếu nhi cũng vô cùng đa dạng. Ðã quen với việc giao dịch với các đối tác nước ngoài, các đơn vị làm sách đua tranh mua bản quyền sách, nhưng đương phía tư nhân nhanh tay và mạnh tay hơn hẳn, trong đó Phương Nam và Nhã Nam được biết đến như những đại gia mua bản quyền không tiếc tay. Các bản dịch đều được dịch công phu, hiệu đính kĩ lưỡng trước khi xuất bản, bởi nhà làm sách biết rằng công chúng ngày càng có học thức càng và giỏi ngoại ngữ, không dịch tốt chẳng khác nào tự lấy gập đập đầu mình.

Nghĩa là năm 2008, người đọc có rất nhiều sự lựa chọn, được tiếp cận với các giá trị của các nền văn học thế giới. Ðối với nhà văn Việt Nam, điều này có một ý nghĩa tích cực: họ biết rằng mình đang ở trong thời đại không thể thờ ơ với sáng tạo của các đồng nghiệp trên thế giới, để từ đó tạo ra động lực sáng tạo cho mình. Tuy nhiên, nói đến văn học dịch chúng ta mới chỉ nói đến việc dịch xuôi, tức là dịch các tác phẩm văn chương nước ngoài ra tiếng Việt, còn việc dịch ngược, tức là dịch văn học Việt ra tiếng nước ngoài vẫn lẹt đẹt, được chăng hay chớ, chưa kể đến chất lượng dịch. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các tác phẩm văn chương Việt luôn lỗi hẹn với các giải thưởng thế giới.

Việc quảng bá các tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới một cách có hệ thống, trách nhiệm lớn thuộc về nhà nước. Ðiều này đã được nói nhiều và nói từ lâu nhưng tình hình vẫn vô cùng “ổn định”! Thế là các tác phẩm văn chương Việt đành tự bươn chải để vươn ra thế giới, dựa trên những hợp tác đơn lẻ và nhất thời với các nhà xuất bản, các đơn vị làm sách, các quỹ dịch thuật nước ngoài. Ðược chút nào hay chút ấy. Còn hơn không.

 Nguyễn Hoàng Diệu Thủy - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 214, tháng 12/2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :