Văn học
Trang chủ   >  Văn hóa  >   Văn học  >  
Hạnh phúc
“Trung cưới vợ - con về ngay”. Cầm bức điện báo trong tay mắt tôi như mờ đi, những xúc cảm hỗn độn không gọi tên ra được...

Trung là đứa em trai sát tôi, hồi nó 4 tuổi bị một cơn sốt ác tính để lại di chứng: trí nhớ giảm sút, trí tuệ kém phát triển, còi cọc và nhìn nó thương ghê lắm. Tôi không còn hiểu ra làm sao nữa cả.

7 giờ sáng tôi đáp chuyến tàu xuôi Nam Ðịnh về nhà. Lặng lẽ nhìn qua cửa sổ toa tàu, tôi trả lời nhã nhặn và dè dặt người đàn ông ngồi bên cạnh. Ðó là một người đàn ông trung tuổi ăn vận chải chuốt, sốt sắng nhiệt tình ra mặt với mọi người xung quanh, chừng như thấy tôi có vẻ kín đáo điềm đạm quá nên chẳng ân cần hỏi han gì nữa.

Ðối diện với tôi là người đàn bà béo tốt luôn miệng ăn một cái gì đó, nhìn cái cách bà ta đưa cả quả táo lên miệng cắn từng miếng to nhai nhọp nhẹp ngon lành, tôi bỗng thấy thèm cái vẻ vô tư ấy quá. Ngồi cạnh bà béo là ba cô sinh viên ngồi chung hai số ghế - họ rúc rích cười, dường như cái gì cũng khiến họ thấy buồn cười. Hãy cười đi các cô bé ạ, trước khi bị quấn chặt vào chồng con, chợ búa... Tôi nhìn qua cửa sổ. Những cánh đồng trải ra vàng rực lên trong nắng. Xa xa là làng xóm ẩn mình rầu rĩ sau những khóm tre... Có biết bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu niềm vui và những thiệt thòi ẩn sau đó? Và ai trong số họ là người “dũng cảm” dám gửi gắm thân phận cho đứa em tật nguyền của tôi?.

Nhà tôi nằm ở ngoại ô thành phố Nam Ðịnh, cái “phố” nhỏ lọt thỏm giữa mênh mông là cây mía, vài quán hàng nấp bóng dưới những cây nhãn già nua. Ðường khấp khểnh toàn hố ổ trâu, sống đường cao vút lên còn hai bên lại trũng xuống lổn nhổn. Bao nhiêu năm đã trôi qua, những ngôi nhà cũ hơn đi, những con người nhọc nhằn bé nhỏ mãi lại, chỉ có những vườn chuối và tiếng máy dệt thủ công lách cách là muôn đời vẫn vậy. Mẹ tôi mắt rơm rớm bảo: “Thôi cũng là phúc đức cho nhà mình”. Tôi bảo: “Nó là ai, con phải gặp nó đã”. Mẹ tôi bảo: “Nó ở quê”.

Quê có nghĩa là quê nội tôi, cách nhà tôi 20 km. Lại tiếp tục cuộc hành trình trên chiếc xe “min khờ” nhảy chồm chồm như làm xiếc, về đến quê nội, trời vừa xẩm tối. Tôi xách chiếc túi trong đựng mảnh vải lụa cho bà, vài gói kẹo bánh cho các con của cô tôi đi vào sân. Chiếc sân gạch rộng rãi của bà tôi bây giờ chỉ còn chừa lại một lối đi, còn lại đã được đổ đầy bùn ao để gieo mạ, mạ đã lên lún phún. Trong nhà không có ai. Tôi kê dép ngồi phịch xuống hè. Trăng 14 sáng lấp loá, những bụi duối sừng sững dưới trăng. Tôi thấy ngôi nhà bé và thấp đi nhiều so với trí nhớ của tôi. Các nhà khác cũng vậy hay là bởi ngày trước tôi còn bé lên thấy mọi thứ đều to lớn hơn?. Trong nhà bà, vẫn chiếc bàn cũ kỹ đen bóng, chiếc phản kê làm giường ngủ cạnh cửa sổ, góc nhà là chiếc quan tài sơn đỏ chói bà tôi phòng sẵn để dành lúc quy tiên từ 10 năm nay, trông rất sợ... Có tiếng bà gọi vọng từ đầu ngõ:

- Toàn ơi! Mai sang chở nốt cho tao mấy xe phân nhớ.

Bà săm săm đi vào, quần sắn tới đầu gối. Tôi như nhìn thấy cả những mạch máu chằng chịt, xanh thẫm cuộn cuộn từng búi dưới bắp chân bà. 70 tuổi rồi mà trông bà còn khoẻ mạnh thế kia, chẳng bù cho tôi suốt ngày đau đầu chóng mặt, thở hào hển mỗi khi leo thang gác.

- Ðứa nào như con Hiên phải không? Về lúc nào thế này, chờ lâu chưa con? Toàn ơi, bà Tèo ơi, con Hiên nó về đới!.

Một lúc sau, nhà bà tôi đã đông đúc như một buổi họp xóm. Tôi biết ở cái làng quê yên ả này, lượng thông tin ít và nghèo nàn tới mức tôi đến cũng là một sự kiện đủ để khuấy động lên chút ít không khí tĩnh lặng ở đây. Cậu Toàn, tôi phải gọi là cậu nhưng thực ra cậu chỉ bằng tuổi tôi, nhà cách nhà bà tôi một hàng dậu duối, tay bế một con bé khoảng một tuổi, theo sau lốc nhốc ba đứa nữa ăn vận tối tăm, tóc tai xờm xãi. Một người đàn bà cầm bát cơm đi cùng (tôi đoán là vợ cậu) mồm chóp chép nhai cơm rồi nhè ra thìa, một tay bóp mồm con bé tay kia đổ thìa cơm vừa nhá vào mồm nó trông rất thành thạo. Tôi cố đoán mà chịu, không thể biết chị ấy khoảng bao nhiêu tuổi.

- Cậu có bốn “tên” rồi cơ à?

- ừ, ở quê nuôi dễ chứ không nhiêu khê như bọn mày ở trên phố đâu. Ðấy, cứ như thế rồi cũng được việc cả...

Chị vợ lau tau kể về chuyện: kinh tế bọn em cũng không đến nỗi nào, không mở mặt, mở mày với làng xóm nhưng cũng không phải hổ thẹn, bọn em còn hơn nhiều người lắm. Nào là các cháu chỉ phải ăn cháo lúc giáp hạt, nhà sắm được cái đài Trung Quốc để các cháu và nhà em nghe kể chuyện cảnh giác tối thứ 7 và nghe kịch truyền thanh quân đội sáng chủ nhật, nuôi được đôi lợn, rau thì cấy được một bè rau muống ở ao đình không phải mua, cấy vài sào ruộng nếu trời thuận thì cũng đủ ăn....Tôi định bảo: thôi thì mọi người ở đây đều khổ vậy cả, như thế cũng là được rồi nhưng còn khi đau ốm, lúc có việc thì sao? nhưng lại thôi. ở quê, mọi người đều cam chịu, nhất là đàn bà. Mà không hiểu sao làng tôi đàn ông cứ đều chết trẻ, còn lại trong làng rặt đàn bà và rồi những ngày giỗ tết đàn bà cũng xắn tay áo lao vào chọc tiết lợn, uống rượu bằng bát...

9 giờ tối, mọi người lục tục kéo nhau về đi ngủ sớm để mai ra đồng. Tôi hỏi bà: “Người mà bà định nhắm cho thằng Trung là ai, cho con gặp nó”.

Bà tôi cầm chiếc đèn cắt bằng vỏ chai 65 có dây bằng thép để xách đi trước, tôi lẽo đẽo theo sau. Trăng lẩn đi đâu mà trời tối sầm lại. Có lẽ sắp giông. Tới một căn nhà thấp lè tè cạnh rìa làng, bà tôi gọi:

- Bà Ðoài ơi, ra trông chó cho tôi!.

Nghe tiếng người, con chó màu gio dài ngoẵng lao ra rồi đứng khựng lại ghếch mồm lên sủa, mũi chun lại, răng nhe ra trông rất khiếp. Một bà già vén tấm mành cửa bằng cật tre chui ra.

- Bà Hoán đấy a, ai đi cùng bà nữa đây?.

- Ðây là con Hiên chị ruột thằng Trung vừa ở trên Hà Nội về. Nghe tin em nó sắp tổ chức, nó về sang xem mặt em dâu đới!

- Quý hoá quá, cô vào chơi uống nước, em nó ở trong buồng.

Ngồi nói dăm ba câu chuyện cho phải phép, tôi xin phép bà cụ vào nói chuyện với Lợi (tên cô gái).

Căn buồng - gọi là buồng cho oai còn thực ra nó là gian ở chái nhà bé teo, ngọn đèn dầu tù mù, chum vại lỉnh kỉnh choán hết nửa gian, còn lại là chiếc dây thép căng dài để vắt quần áo của cả nhà, chiếc giường cá nhân với chiếc gối trắng khiêm nhường. Người con gái ngồi trước tôi có dáng vẻ vô cùng quen thuộc mà đi tới đâu trong làng tôi cũng bắt gặp - Lợi cũng giống như mọi người con gái nông thôn khác. Nếu nói về hình thức, đó là một người con gái bình thường, không xấu, không đẹp. Lúc nào nói đến Lợi tôi cũng thấy các bà khen: nó khoẻ mạnh, chịu khó. Có lẽ đó là cái nết mạnh nhất của các cô gái nhà quê theo quan niệm của người dân làng tôi.

Tôi vào đề ngay:

- Chị nghe bố mẹ báo tin là Trung sắp lấy vợ. Ngay từ lúc nhận tin, chị chỉ có một ý nghĩ là phải gặp em, chị muốn biết em đã biết rõ về người mà em chọn làm chồng chưa?.

Cô gái cúi đầu lí nhí:

- Em biết là anh Trung không được như mọi người...

- Không chỉ là không bình thường như mọi người mà em còn phải biết Trung nhà chị là một người tật nguyền, nó sẽ không giúp gì được cho em đã đành rồi còn muôn vàn nỗi khổ hàng ngày nó sẽ đem đến cho em nữa. Gắn bó với nó là em phải xác định ngay từ đầu - đó là tất cả những gì khổ sở nhất... Chị sợ em thất vọng bỏ về nhà mẹ đẻ thì lúc ấy sẽ rất khổ cho bố mẹ chị và cho Trung....

Tôi không nhớ là tôi đã lảm nhảm những gì, cũng chỉ tại tôi quá xót xa cho em mình, xót xa cho Lợi...

... Lợi tấm tức khóc. Hai ngày sau gặp tôi, với vẻ rắn rỏi nó bảo:

- Em quyết định rồi, em sẽ sống với anh ấy và em bằng lòng với cuộc sống ấy.

Ðám cưới diễn ra trịnh trọng và ấm cúng. Ai cũng thương cho hai đứa.

Qua đêm tân hôn, 4 giờ sáng Lợi đã dậy đun nước, nấu cám lợn, một tay đẩy rơm vào, một tay cầm cây que cời rộng lòng bếp. ánh lửa bập bùng in lên khuôn mặt già trước tuổi của em. Tôi quặn lên nỗi xót xa. Cũng một kiếp người sao em thiệt thòi thế? Lấy một người chồng vô tri vô giác và tạo dựng một cuộc sống mới với cả tấm lòng, đó là niềm vui của em ư? Tôi biết ở làng này, trai tráng người nào học được hoặc đẹp đẽ, khoẻ mạnh đều tìm đường ra đi đất khác cả. Còn lại trong làng vài nam nhi ít ỏi mà họ lại quá “tự trọng” tới mức “phong toả” không cho trai làng khác vào “ăn cỏ đồng mình”. Con gái làng 20, 21 tuổi trở đi là nằm thui thủi trong góc buồng trở thành bà cô già cho đến cuối đời. Ngày mùa ngày màng thì lao vào làm lụng, hết mùa vụ vác lờ đi xúc tôm tép, ngâm mình dưới nước đến ngực và còng lưng đẩy lờ trên các khúc sông... Em đi lấy chồng để không phải nghe dì ghẻ chì chiết là gái già, không phải để thân hình héo tàn theo thời gian. Bao sự hy sinh, chịu đựng, tấm lòng nhân ái, niềm vui được chăm bẵm nâng niu người khác phí hoài đi... Dẫu sao đó cũng là niềm vui - những niềm vui vô cùng ít ỏi đối với đời người con gái như em...

Ðêm. Sấm chớp ùng oàng rồi cơn mưa rào ập xuống. Tiếng mưa rơi lộp bộp trên những tàu lá chuối quanh nhà; ở thành phố, tôi không mấy khi để ý tới mưa, đóng kín các cửa kính và bật tất cả mấy bóng điện lên là tôi có một không gian ấm cúng, yên ả... còn ở đây, tiếng mưa cứ như xói vào óc, xói vào nỗi buồn bã cô quạnh của làng quê. Tôi không sao ngủ được, những suy nghĩ lan man cứ luẩn quất trong đầu. Giờ này có biết bao số phận đàn bà đang trăn trở trong nỗi cô đơn? Có bao nhiêu người bằng lòng với cuộc sống của mình? Có bao nhiêu người phải sống cạnh những thằng người không có việc gì làm ngoài việc luôn luôn chứng tỏ cho vợ rằng mình là một kẻ mạnh, có quyền chơi bời, quyền hành hạ, hả hê khi thấy vợ bị mình đánh gục...

Tôi chuẩn bị ra tàu trở về với cuộc sống của tôi. Tôi lại đến cơ quan và hàng ngày nghe các bạn đồng nghiệp kháo nhau về chuyện vé chợ đen một buôỉ xem thời trang lên tới một triệu đồng, có chiếc váy ngoại giá 2.000.000đ; chán đời vì ăn gì cũng không thấy ngon, chồng thì chỉ biết lao vào kiếm tiền chẳng mấy thời gian đưa vợ con đi du lịch...

Trước khi ra ga, tôi ứa nước mắt bảo Trung:

- Có vợ rồi phải chịu khó đỡ đần vợ, nó vất vả lắm đấy...

Nó cười, cái cười ngô nghê song có chút gì lấp lánh trong mắt. Lợi cười bẽn lẽn:

- Chị không phải lo cho chúng em đâu, bố mẹ tốt lắm, anh Trung thì hiền. Ðược thế là em mừng rồi. Bọn em sẽ sống hạnh phúc cho chị xem.

Tôi lại thấy vợ cậu Toàn te tái chạy ra, tay cầm bọc giấy báo gói lạt cẩn thận:

- Chẳng có gì, gọi là quà quê, cho con bé tí gạo nếp để chị nấu cháo cho nó.

Nói rồi chị nhoẻn cười rất tươi, cái cười rạng rỡ, mãn nguyện. Tôi chợt nhớ lâu lắm rồi mình không bắt gặp những nụ cười như vậy. Cũng chẳng biết ai sung sướng hạnh phúc hơn ai. Cái chính là người ta biết nâng niu cái mình có và bằng lòng với nó.

 Trần Thu Hương - Bản tin ĐHQG Hà Nội - số 219, 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :