Giải thưởng ĐHQGHN
Trang chủ   >  KHOA HỌC CÔNG NGHỆ  >   Giải thưởng Khoa học - Công nghệ  >   Giải thưởng ĐHQGHN
Giải thưởng ĐHQGHN 2011: Quyền lực trong quan hệ quốc tế: Lịch sử và vấn đề

Quyền lực được coi là bản chất, là “máu của sự sống” đối với chính trị quốc tế, là động cơ và lợi ích cơ bản của quốc gia trong quan hệ quốc tế (QHQT). Tranh giành quyền lực cũng được coi là nguyên nhân cơ bản dẫn đến chiến tranh và xung đột trong lịch sử. Không chỉ là thực tế lớn trong QHQT, quyền lực còn là lý luận trung tâm của Chủ nghĩa Hiện thực và mối quan tâm hàng đầu của nhiều lý thuyết khác. Đồng thời, quyền lực cũng là một hệ quy chiếu hay lăng kính để giải thích lịch sử, nhất là lịch sử QHQT. Việc tìm hiểu quyền lực còn có ý nghĩa phương pháp luận khi cho phép đoán định được diễn biến tiếp theo và kết quả của nhiều tương tác. Bởi tầm quan trọng cả về thực tiễn và lý luận như vậy, quyền lực đã trở thành một vấn đề trung tâm trong nghiên cứu QHQT.
Tìm hiểu chủ đề này có một ý nghĩa thiết yếu đối với tầm nhìn và sự hoạch định chính sách. Đối với Việt Nam, cả trên phương diễn vĩ mô lẫn vi mô, tìm hiểu vấn đề này là rất cần thiết bởi điều đó gắn bó chặt chẽ với lợi ích an ninh và phát triển của chúng ta. Tuy nhiên, quá trình này luôn chứa đựng cả cơ hội và thách thức. Một sự hiểu biết sâu sắc hơn về quyền lực trong quan hệ quốc tế và tác động của nó thì mới giúp chúng ta tận dụng được cơ hội, khắc phục được thách thức. Việc tìm hiểu đề tài này có thể giúp chúng ta lựa chọn những phương cách ứng xử thích hợp, hạn chế được sự lôi kéo và can thiệp từ bên ngoài, đóng góp vào việc giữ gìn môi trường an ninh ổn định cho hợp tác và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Với ý nghĩa như trên, công trình này có nội dung được chia thành ba chương cùng với phần mở đầu và kết luận. Phần mở đầu trình bày ý nghĩa của chủ đề, lịch sử nghiên cứu vấn đề trên thế giới và Việt Nam, các mục tiêu nghiên cứu và những nội dung chính của công trình.
*Chương 1: Khái niệm và phân loại quyền lực trong QHQT*. Chương này giới thiệu quá trình nhận thức về quyền lực và phân tích các khái niệm khác nhau trong lĩnh vực nghiên cứu QHQT. Đồng thời, ít nhất bảy cách phân loại quyền lực được sử dụng trong thực tiễn và nghiên cứu QHQT cũng được trình bày và phân tích điểm mạnh điểm yếu của từng cách. Ngoài ra, chương 1 cũng giới thiệu về Chủ nghĩa Hiện thực – lý thuyết chủ yếu về quyền lực trong QHQT.
*Chương 2: Thành tố của quyền lực.* Chương này trình bày các yếu tố hợp thành nên quyền lực quốc gia trong QHQT. Các thành tố này bao gồm địa lý, dân số, quân sự, kinh tế, khoa học-công nghệ và các yếu tố tinh thần. Trong từng thành tố, không chỉ các phương diện nội dung khác nhau được đề cập đến mà cả vai trò và sự biến đổi của chúng qua thời gian cũng được tìm hiểu dưới cái nhìn lịch sử.
*Chương 3: Vai trò của quyền lực trong QHQT.* Chương này xem xét vai trò của quyền lực trên hai phương diện quốc gia và QHQT. Trên phương diện quốc gia, có bốn nội dung được đề cập đến là tư cách mục đích và phương tiện của quốc gia, tư cách yếu tố quy dịnh vị thế quốc gia, đặc điểm của quyền lực và vấn đề đo đạc quyền lực quốc gia trong QHQT. Trên phương diện QHQT, vai trò của quyền lực được thể hiện ở sự chi phối của nó đối với rất nhiều hiện tượng lớn trong QHQT như cán cân quyền lực và cân bằng quyền lực, sự lưỡng nan về an ninh, chạy đua vũ trang, liên minh, cơ cấu quyền lực của hệ thống quốc tế và chiến tranh.
Phần Kết luận đưa ra sáu nhận định đánh giá của tác giả cũng như các khuyến nghị cho việc nâng cao sức mạnh quốc gia của nước ta.

 PGS.TS. Hoàng Khắc Nam
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :