Giải thưởng ĐHQGHN
Trang chủ   >  KHOA HỌC CÔNG NGHỆ  >   Giải thưởng Khoa học - Công nghệ  >   Giải thưởng ĐHQGHN
Công trình "Xây dựng mô hình dự báo các trường khí tượng thuỷ văn Biển Đông Việt Nam"
Đây là một trong 10 công trình khoa học đã đạt Giải thưởng khoa học công nghệ ĐHQGHN lần thứ I. Công trình do: GS.TS Trần Tân Tiến; PGS.TS Phạm Văn Huấn; PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng; ThS. Mai Văn Khiêm; TS. Nguyễn Thọ Sáo; TS. Dương Hồng Sơn; ThS. Nguyễn Thanh Sơn; CN. Công Thanh; ThS. Đỗ Ngọc Thắng; ThS. Nguyễn Minh Trường, Khoa Khí tượng - Thuỷ văn - Hải dương học, Trường ĐHKHTN thực hiện.

Đề tài KC 09-04 được đặt ra nhằm xây dựng một quy trình liên hoàn dự báo các trường khí tượng và thuỷ văn các vùng biển Đông phục vụ cho khai thác kinh tế biển.Với mục tiêu này đề tài đã chọn các mô hình số trị và thống kê tiên tiến nhất trên thế giới và phù hợp với điều kiện của Việt Nam để đưa vào nghiên cứu và ứng dụng.

Để dự báo thời tiết hạn ngắn vùng biển Đông sã sử dụng mô hình RAMS (Regional Atmospheric Modeling System) và ETA. Đây là hai mô hình dựa trên hệ các phương trình đầy đủ bất thuỷ tĩnh tính hiệu ứng của tất cả các quá trình vật lý xảy ra trong khí quyển như bức xạ, rối, đối lưu, ngưng kết, trao đổi nhiệt ẩm với mặt đệm, địa hình, thảm thực vật, cập nhật điều kiện biên và số liêu địa phương….Kết quả dự báo đạt độ chính xác của các nước tiên tiến trên thế giới (Hy Lạp, Mỹ, Nga, Trung Quốc…) và đáp ứng được yêu cầu của dự báo nghiệp vụ có thể phát báo độc lập kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Dự báo hạn vừa (7 - 10 ngày) bằng mô hình RAMS và hạn dài (tháng, mùa) bằng phương pháp ALEKIN kết hợp khai triển hàm trực giao tự nhiên các trường khí tượng đạt được độ chính xác như các nước và áp dụng được thực tế. Kết quả cho ra các trường khí tượng chứ không phải độ lệch chuẩn như các dự báo hiện có ở Việt Nam.

Các trường khí tượng dự báo được đã sử dụng để dự báo hạn ngắn (1 - 3 ngày) trường nhiệt độ và dòng chảy bằng mô hình ROMS (Regional Ocean Model System), dự báo ngoài khơi bằng mô hình WAM (Ocean Wave Model), dự báo sóng ven bờ bằng mô hình STWAVE (Steady Wave Model), dự báo nước dâng khi có bão trên biển Đông bằng mô hình.

Các kết quả thử nghiệm được so sánh với số liệu khảo sát và các dự báo của trung tâm khí tượng thuỷ văn trên thế giới. Kết quả đánh giá cho thấy các mô hình đáp ứng được nhiều yêu cầu của các bài toán thực tế. Quy trình dự báo liên hoàn các trường Khí tượng và Hải dương lần đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam cho dự báo đạt độ chính xác của các nước đã mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới trong khí tượng thuỷ văn đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế biển.

Số liệu khí tượng thuỷ văn biển và các kết quả dự báo thử nghiệm là bộ tư liệu lớn để nghiên cứu hoàn thiện các sơ đồ dự báo khí tượng thuỷ văn trong tương lai. Đề tài đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đặt ra trong chương trình KC 09.

 T.B (nguồn: Ban Khoa học Công nghệ ĐHQGHN)
- Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :