Sau đại học
Trang chủ   >  Tin tức  >   Đào tạo  >   Sau đại học
Đào tạo tiến sĩ phải hướng tới chuẩn quốc tế
Trong xu thế hội nhập quốc tế chúng ta đang "khát" nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ tiến sĩ. Nhưng ngay việc đào tạo tiến sĩ hiện nay cũng còn nhiều bất cập về thực trạng đào tạo, cơ chế, chính sách… Với lợi thế đa ngành, đa lĩnh vực, đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học trình độ cao, các phòng thí nghiệm hiện đại…, ĐHQGHN đã và đang đào tạo những tiến sĩ chất lượng cao thông qua việc gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học.

Xung quanh vấn đề đạt chuẩn quốc tế trong đào tạo tiến sĩ, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với GS.TSKH Vũ Minh Giang – Phó giám đốc ĐHQGHN.

Nghiên cứu sinh phải nghiên cứu khoa học nghiêm túc

GS nhận định như thế nào về thực trạng tiến sĩ trong nước hiện nay?

Chúng ta đang thiếu hụt nghiêm trọng số lượng cán bộ khoa học, giảng dạy có trình độ cao, mà trước hết đó là những người có học vị tiến sĩ. Tỷ lệ tiến sĩ đứng trên bục giảng ở Việt Nam hiện nay rất thấp, tính bình quân mới khoảng 17%. ĐHQGHN có tỷ lệ tương đối cao, khoảng 40%. Để có được tỷ lệ tiến sĩ như ĐHQGHN trên quy mô toàn quốc cần phải có một lộ trình dài. Chính bởi vậy, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có chủ trương phải coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, cụ thể là những cán bộ có trình độ tiến sĩ. Đề án 20.000 tiến sĩ của Bộ GD &ĐT là để bù đắp cho sự thiếu hụt này. Tuy nhiên, ngoài việc tăng số lượng chúng ta phải đặc biệt coi trọng và có những giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ.

GS.TSKH Vũ Minh Giang

Vậy GS có nhận định gì về chất lượng tiến sĩ của ĐHQGHN hiện nay?

Nếu nhận diện một cách tương đối, dựa vào dư luận chẳng hạn, thì việc đào tạo sau đại học ở ĐHQGHN được xã hội đánh giá là nghiêm túc, từ việc thi tuyển đầu vào cho đến quy trình đào tạo. Chất lượng tiến sĩ được đào tạo ở ĐHQGHN được xã hội đánh giá cao.

Quy trình đào tạo chặt chẽ, đội ngũ cán bộ giảng dạy nhiều kinh nghiệm, chất lượng cao, cùng với đó là các chính sách phù hợp là những yếu tố đảm bảo chất lượng tiến sĩ ở ĐHQGHN. Từ nhiều năm nay, ĐHQGHN đã tích hợp nghiên cứu khoa học với đào tạo tiến sĩ. Đối với ĐHQGHN, nghiên cứu khoa học, bên cạnh việc trực tiếp tạo ra các sản phẩm khoa học chuyển giao thành công nghệ, hàng hóa thương mại, thì đây còn là một giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo. Đó là nghiên cứu khoa học và đào tạo “thật”, đặc biệt là đào tạo trình độ cao ở bậc tiến sĩ.

Nghiên cứu sinh làm khoa học “thật”, xin GS nói rõ hơn?

Các nước có nền khoa học phát triển luôn coi nghiên cứu sinh như là một lực lượng thực hiện các nhiệm vụ khoa học. Người thầy là người thiết kế, hướng dẫn và đánh giá kết quả từng công đoạn. Nghiên cứu sinh ở đây không phải chỉ tập dượt nghiên cứu, họ còn được giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học vừa tầm, vừa sức.

Trong một đề tài khoa học lớn thì từng phần đều có những nội dung cần giải quyết. Do đó, cần đưa những nội dung này trở thành cốt lõi trong từng luận án tiến sĩ. Làm như vậy có lợi “kép”. Thứ nhất, bản thân công trình nghiên cứu được triển khai thực hiện bởi nhiều thế hệ khác nhau. Như vậy, người đi trước có nhiều kinh nghiệm và trình độ cao hơn sẽ hướng dẫn người đi sau. Ở đây, những nghiên cứu sinh được làm nghiên cứu thật nhưng ở quy mô nhỏ, chứ không đơn thuần chỉ là “bài tập” được thầy giao. Thứ hai, kết quả nghiên cứu sẽ được đánh giá…hai lần: Lần một chính là đánh giá nghiệm thu của công trình khoa học đó và được đánh giá bởi quy trình nghiệm thu. Lần hai được đánh giá từng phần bởi hội đồng chấm luận án quốc gia. Với cách làm đó, người học ở trình độ tiến sĩ không chỉ là học theo kiểu dùi mài kinh sử, mà trên thực tế họ còn tiệm cận với phương pháp triển khai nghiên cứu khoa học. Khi tốt nghiệp tiến sĩ, họ sẽ trở thành những người có trình độ khoa học thật.

Những yếu tố nào, theo GS, được xem là quyết định chất lượng đào tạo tiến sĩ?

Thầy giỏi, cơ sở vật chất tốt, hợp tác quốc tế là 3 yếu tố quyết định. ĐHQGHN đã chú trọng đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm hiện đại thực hiện các hướng nghiên cứu mũi nhọn, đồng thời triển khai các nhóm nghiên cứu mạnh. Đây cũng chính là nền tảng để đào tạo ra những tiến sĩ giỏi.

So với các đại học đơn ngành, ĐHQGHN có lợi thế gì trong việc đào tạo và nâng cao chất lượng tiến sĩ, thưa GS?

Lợi thế thứ nhất là xây dựng đại học đa ngành, đa lĩnh vực đúng xu thế phát triển tự nhiên, phù hợp với nhu cầu của xã hội. Đối với đại học đa ngành, đa lĩnh vực thì sự liên thông tạo nên chất lượng. Ở ĐHQGHN, cho dù là các môn cơ bản hay các môn đại cương thì các đơn vị đào tạo được thừa hưởng những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành ở các đơn vị trực thuộc đến giảng dạy. Chẳng hạn, các GS toán, tin học có thế tham gia giảng dạy ở trường ĐH Kinh tế… Ngoài ra, liên thông còn tạo ra các ngành mới, những ngành kép đáp ứng nhu cầu xã hội. Những ngành như ngoại ngữ – ngân hàng, du lịch – kinh tế… là ngành mới nhưng số lượng sinh viên đăng ký rất đông.

Một buổi bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN

Bên cạnh đó, ĐHQGHN có đội ngũ cán bộ trình độ cao, dày dặn kinh nghiệm nghiên cứu khoa học. Như vậy, những nghiên cứu sinh ở ĐHQGHN sẽ được “nhúng” sâu trong môi trường khoa học trình độ cao. Xin nhấn mạnh, đào tạo TS phải được hiểu là đào tạo một nhà khoa học. Chính vì có một môi trường như vậy nên từ lâu, ĐHQGHN đã đặc biệt chú ý tới những giải pháp tích hợp giữa nghiên cứu khoa học với đào tạo sau đại học. Cùng với đó, ĐHQGHN cũng có rất nhiều cơ chế để nâng cao chất lượng.

…Phải hướng đến chuẩn quốc tế

Chất lượng ở đây được hiểu là so sánh với mặt bằng trong nước, thế còn việc hướng tới những chuẩn quốc tế trong đào tạo tiến sĩ thì sao, thưa GS?

Hướng đến các chuẩn mực quốc tế là một trong những chủ trương của ĐHQGHN. Vì vậy, các kết quả nghiên cứu của luận án tiến sĩ luôn được thông báo rộng rãi. Thực tế, nhiều học viên cao học cũng đã có bài báo của riêng mình trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế. Một số ngành tự nhiên như vật lý, toán… yêu cầu nghiên cứu sinh phải có bài đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế hoặc trên tạp chí chuyên ngành “mạnh” quốc gia mới được bảo vệ. Năm 2008, ĐHQGHN có hơn 200 công trình công bố quốc tế trong đó có nhiều bài của nghiên cứu sinh.

Ngoài ra, đạt chuẩn quốc tế còn ở quy trình. ĐHQGHN đã tiên phong trong việc triển khai xét tuyển tiến sĩ. Đây cũng là cách mà các nước đã làm. Với hình thức này, việc tuyển nghiên cứu sinh không áp dụng thi đầu vào, mà tổ chức hội đồng đánh giá đề cương. Ứng viên phải bảo vệ đề cương trước một hội đồng. Cách này giúp cho đơn vị đào tạo hiểu sâu sắc hơn về nghiên cứu sinh của mình.

Đặc biệt, ĐHQGHN đã triển khai Đề án 16 + 23. Đây được xem không chỉ là chủ trương mà đã trở thành chủ thuyết có tính chất đột phá trong việc tiếp cận trình độ quốc tế.

GS có thể cho biết rõ hơn?

Đề án 16 + 23 xây dựng và phát triển 16 ngành, 23 chuyên ngành khoa học cơ bản, công nghệ cao, kinh tế - xã hội mũi nhọn ở ĐHQGHN đạt trình độ quốc tế vào năm 2010, đáp ứng yêu cầu của đất nước. Mục tiêu của Đề án là đạo tạo khoảng 55 tiến sĩ đạt trình độ quốc tế trong khoảng thời gian 2007 – 2010. Đây là những ngành, chuyên ngành đã có điều kiện cận kề với trình độ quốc tế. ĐHQGHN tiếp tục đầu tư để đạt trình độ quốc tế. Đề án 16 + 23 kết hợp hợp tác quốc tế để quốc tế hóa đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Có nghĩa là có sự tham gia của các yếu tố “bên ngoài”?

ĐHQGHN luôn coi trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong đào tạo sau đại học. Một số hình thức đào tạo liên kết được triển khai. Chẳng hạn như đào tạo kép, theo đó, nghiên cứu sinh được đào tạo một phần trong nước và một phần gửi ra nước ngoài. Theo chương trình hợp tác nghiên cứu về nano giữa ĐHQGHN và Viện Khoa học – Công nghệ tiên tiến Nhật Bản (JAIST) thì, sau khi được đào tạo cơ bản ở Việt Nam, nghiên cứu sinh sẽ được học tập và làm việc tại những phòng thí nghiệm tiên tiến của JAIST. Hay một loại hình khác, ĐHQGHN đào tạo giai đoạn đầu, sau đó chuyển nghiên cứu sinh ra nước ngoài đào tạo tiếp. Nhiều cơ sở đào tạo lớn, uy tín như ĐH Tokyo có thể nhận trực tiếp nghiên cứu sinh ở ĐHQGHN, điều đó có nghĩa là họ đã thừa nhận sản phẩm đào tạo cử nhân và thạc sĩ của ĐHQGHN.

Thông qua hợp tác quốc tế, bằng do ĐHQGHN cấp nhưng mời chuyên gia nước ngoài tham gia đào tạo, học tập công nghệ của nước ngoài, thậm chí sử dụng các giáo trình, giáo án tiên tiến. Tạo điều kiện để nghiên cứu sinh có điều kiện tiếp xúc, xâm nhập, thực tập và thực tế ở nước ngoài. Sau một thời gian, cán bộ tham gia chương trình này sẽ được tiếp cận trình độ quốc tế.

Xin cảm ơn GS!

>>> Bài liên quan:

 Châu Anh (thực hiện) - Theo Bản tin ĐHQGHN số 220, năm 2009
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :