Quốc tế
Trang chủ   >  Tin tức  >   Hợp tác - Phát triển  >   Quốc tế
Hội thảo khoa học Quan hệ văn hoá, giáo dục Việt Nam - Nhật Bản và 100 năm phong trào Đông du
Trong hai ngày 21 và 22/11/2005, Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN đã phối hợp với Đại học Waseda và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học trên với sự hỗ trợ của Quỹ Nhật Bản (Japan Foundation) và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nhân kỷ niệm 100 năm phong trào Đông du.

Tham dự Hội thảo có trên 130 đại biểu là các giáo sư, giảng viên, cán bộ nghiên cứu đến từ Trường ĐHKHXH&NV và nhiều trường đại học khác như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Khoa học Huế, Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG TP.HCM; các viện và cơ quan nghiên cứu như Viện Sử học Việt Nam, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Viện Lịch sử Đảng, Viện quan hệ quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao, Viện Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu Đông - Tây, Hội Sử học Việt Nam cùng một số nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá và giáo dục ở trung ương và các tỉnh thành như Hải Phòng, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh,v.v... Ngoài các đại biểu Việt Nam, đến tham dự hội thảo còn có nhiều nhà khoa học nước ngoài thuộc các quốc tịch Nhật Bản, Trung Quốc, Séc... Đặc biệt, Hội thảo rất vinh dự được đón tiếp và được nghe ý kiến phát biểu của Ngài Hattori Norio - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, của ngài Hanzawa Shuichi - Đại diện Quỹ Nhật Bản, ngài Karasawa Yuchi - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và của GS. TSKH. Đào Trọng Thi - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Hội thảo chia làm hai tiểu ban: 1- Quan hệ văn hoá, giáo dục Việt Nam - Nhật Bản; 2- 100 năm phong trào Đông du.

Các báo cáo tham luận tập trung làm sáng tỏ các vấn đề chính: bối cảnh lịch sử, các điều kiện và nguyên nhân xuất hiện phong trào Đông du; vai trò của Phan Bội Châu, các hoạt động và vị trí của phong trào Đông du trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam; kết quả, ý nghĩa và vị trí của phong trào Đông du.

Bên cạnh phong trào Đông du, chủ đề quan hệ văn hoá, giáo dục Việt Nam - Nhật Bản cũng đã được nhiều báo cáo và ý kiến tham luận đề cập tới. Các báo cáo đề cập khá hệ thống về quá trình hình thành và phát triển mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản bắt đầu từ thế kỷ thứ VIII đến nay. Trong những năm Đại chiến thế giới thứ hai, đặc biệt là 3 thập niên trở lại đây, sau khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (vào năm 1973), sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển và mở rộng trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, văn hoá đến khoa học và giáo dục. Các tham luận đánh giá cao những thành tựu đạt được trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản về đầu tư, về nguồn vốn ODA, về thương mại và cung cấp nguồn nhân lực, và trong lĩnh vực bảo tồn, trùng tu và tôn tạo các di tích văn hoá. Cùng với văn hoá, một số báo cáo còn đề cập khá cụ thể đến quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật bản trong lĩnh vực giáo dục, nhất là hoạt động du học của HS-SV Việt Nam tại Nhật Bản.

Hội thảo đã góp phần khẳng định: phong trào Đông du không chỉ đánh dấu bước phát triển mới trong tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng, mở đầu một giai đoạn mới, giai đoạn giao lưu, hợp tác trên qui mô lớn giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Nhật Bản. Việc mở rộng và tăng cường quan hệ giao lưu nói trên vừa có tác dụng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và giáo dục của mỗi nước, vừa góp phần tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản.

 >>> Chuyên đề: 100 năm phong trào Đông du

 Thanh Hà
Ảnh: Bùi Tuấn - Trang Tin tức Sự kiện
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :