Quốc tế
Trang chủ   >  Tin tức  >   Hợp tác - Phát triển  >   Quốc tế
Đổi mới quản trị đại học trong bối cảnh toàn cầu hóa
Đây là chủ đề của hội thảo quốc tế do Khoa Quốc tế - ĐHQGHN tổ chức vào ngày 28/11/2015 tại ĐHQGHN.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức đã đến dự và phát biểu tại hội thảo.

Tham dự Hội thảo có hơn 60 đại biểu đến từ các nước Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Australia, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức đánh giá, trong bối cảnh nền giáo dục Việt Nam đang phát triển và có nhiều thay đổi, hội thảo có ý nghĩa quan trọng, tạo ra cơ hội cho các nhà giáo dục, học giả, nhà nghiên cứu và làm chính sách chia sẻ quan điểm và kết quả nghiên cứu của mình về những khía cạnh khác nhau của việc đổi mới quản trị đại học.

Là trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu Việt Nam, ĐHQGHN đồng thời là đơn vị đi đầu trong đổi mới giáo dục đại học. Phó Giám đốc ĐHQGHN mong rằng, trao đổi những ý tưởng và kinh nghiệm tại hội thảo không chỉ thể hiện vai trò đầu tàu của ĐHQGHN mà qua đây có thể học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của mình.

Chủ nhiệm Khoa Quốc tế  Lê Trung Thành bảy tỏ mong muốn qua hội thảo, các đại biểu sẽ cùng nhau chỉ ra được những khó khăn, thách thức mà giáo dục đại học đang gặp phải, đồng thời, qua đó cùng đề xuất những giải pháp giúp ích cho việc hoạch định chính sách sau này.

Ban tổ chức đã nhận được nhiều báo cáo và lựa chọn ra 30 báo cáo xuất sắc nhất trình bày tại hội thảo. Toàn bộ các báo cáo được trình bày bằng tiếng Anh tại hai phiên:

Phiên 1 bao gồm các chủ đề như: Xếp hạng đại học – công cụ hữu ích cho quản trị đại học; Xây dựng các chương trình sau đại học đa ngành về việc phát triển bền vững trong bối cảnh thay đổi khí hậu tại ĐHQGHN; Quản lí đổi mới giáo dục tại Nga: xu thế trên thế giới và kinh nghiệm tại Nga; Giáo dục đại học tư thục tại Việt Nam và chính sách phát triển hiện nay; Các nhân tố ảnh hướng tới quyết định lựa chọn trường của sinh viên; Công nghệ áp dụng cho các lớp nhân văn; Cải cách giáo dục tại Việt Nam; Phương pháp đổi mới nâng cao trình độ chuyên môn của giảng viên tại trường đại học

Phiên 2 gồm các chủ đề như: Kinh tế chính trị quốc tế trong giáo dục đại học tại Anh Quốc; Đa dạng hóa giáo dục đại học tại Việt Nam: hợp tác quốc tế và tự chủ tài chính tại Khoa Quốc tế - ĐHQGHN; Xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại trường đại học; Xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại trường đại học; Các yếu tố quyết định cho việc xây dựng kế hoạch chuỗi cung ứng trong bối cảnh bất ổn; Ổn định quá khứ, xây dựng tương lai, so sánh việc dạy lịch sử tại Đức, Pháp và các bài học cho Việt Nam và Pháp; Bộ quy tắc ứng xử trong trường đại học học: so sánh giữa Mỹ và Việt Nam.

Được thành lập năm 2002, Khoa Quốc tế trực thuộc ĐHQGHN đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 30 trường đại học tại Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Australia, Canada, Malaysia…, tổ chức nhiều  chương trình liên kết đào tạo đại học và sau đại học bằng tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc với nhiều hình thức đào tạo linh hoạt. Sinh viên Khoa Quốc tế có thể học toàn phần tại Việt Nam hoặc chuyển tiếp sang học tại các trường đại học nước ngoài. Kết thúc chương trình, sinh viên được nhận bằng cử nhân chính quy của ĐHQGHN hoặc của các trường đối tác có giá trị toàn cầu, được Bộ Giáo dục – Đào tạo Việt Nam công nhận.


 

 Sinh Vũ - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan