Quốc tế
Trang chủ   >  Tin tức  >   Hợp tác - Phát triển  >   Quốc tế
Học liệu mở - sự bình đẳng trong tiếp cận nguồn tri thức
Ngày 29/12/2015, Khoa Thông tin - Thư viện (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN) phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia về Công nghệ mở - Bộ Khoa học và Công nghệ và Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế “Xây dựng nền tảng học liệu mở cho giáo dục đại học Việt Nam: đề xuất chính sách, tạo lập cộng đồng và phát triển giải pháp công nghệ”.

Toàn cảnh hội thảo

Đến dự hội thảo, có đại diện của Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam. Hội thảo còn có sự tham gia của các đại biểu đến từ nhiều trường đại học, các cơ quan thông tin thư viện, các hiệp hội nghề nghiệp như Hội Thông tin Việt Nam, Hội Thông tin Tư liệu, các công ty, doanh nghiệp trên khắp cả nước.

Theo UNESCO, Tài nguyên giáo dục mở là các tài liệu giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khu vực công hoặc được phát hành với giấy phép sở hữu trí tuệ cho phép sử dụng, điều chỉnh và phát hành tự do. Tài nguyên giáo dục mở rất quan trọng đối với các nước đang phát triển nơi rất nhiều học sinh, sinh viên không có điều kiện sở hữu tài liệu, sách giáo khoa. Năm 2012, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam điều chỉnh cuốn Hướng dẫn về Tài nguyên giáo dục mở trong Giáo dục Đại học do UNESCO và Tổ chức Khối thịnh vượng chung về Học tập xây dựng, trong đó nêu những chỉ dẫn tích hợp Tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học. Ngày nay, khi bức tranh Tài nguyên giáo dục mở ở Việt Nam đang ngày càng trở nên rõ nét, các bên liên quan đang tụ họp với mong muốn chia sẻ các tài nguyên giáo dục để giảm chi phí và nâng cao chất lượng giáo dục. Do vậy, hội thảo này là một minh chứng cho những nỗ lực của cộng đồng Tài nguyên giáo dục mở đang hình thành ở Việt Nam, nhằm tạo kết nối, chia sẻ kiến thức, giảm chi phí và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Hội thảo đã nhận được hàng chục báo cáo tham luận từ nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước. 

Trong phát biểu khai mạc, PGS. TS Phạm Quang Minh - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã đặt ra một số vấn đề chính đối với học liệu mở trong thời đại ngày nay.

Thứ nhất, ngày nay, chỉ cần sở hữu máy tính xách tay hay máy tính bảng có kết nối mạng là người học có thể tiếp cận được nguồn tài liệu khổng lồ của nhân loại. Do vậy, học tập gắn liền với cuộc đời của người học và là sự học tập suốt đời.

Thứ hai là sự bất tương xứng giữa những tầng lớp kinh tế khác nhau trong khả năng tiếp cận và truy cập nguồn học liệu mở. Chính vì vậy, các tổ chức quốc tế cũng như các quốc gia trên thế giới đều muốn phấn đấu vì sự bình đẳng trong tiếp cận nguồn tri thức.

Thứ ba, từ góc độ quốc gia, thực hiện các Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học, trong đó thì vấn đề học liệu trở thành cốt lõi trong việc mở mang kiến thức và hiểu biết. Tuy nhiên, nguồn học liệu không chỉ giới hạn trong những dạng thức truyền thống trước đây, mà hiện nay học liệu mở đã trở thành một loại hình phi truyền thống mà qua đó người ta có thể truy cập tài liệu dễ dàng nhất. Chính vì vậy, việc phát triển học liệu mở cũng góp phần lớn vào đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam.

Thay mặt Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, PGS. TS Phạm Quang Minh cũng cam kết rằng Trường sẽ cùng tất cả các đối tác thực hiện việc xây dựng nền tảng học liệu mở cho giáo dục đại học Việt Nam. Đồng thời, Trường sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và sinh viên Nhà trường cũng như nhận thức của toàn xã hội với nguồn học liệu mở. Ông nhấn mạnh việc sử dụng hiệu quả nguồn học liệu mở để tránh tình trạng lãng phí và sử dụng sai lệch mục đích.

Cũng nhân dịp này, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã ký bản ghi nhớ hợp tác về phát triển Tài nguyên Giáo dục tại Việt Nam với các đối tác liên quan.

TS. Đỗ Văn Hùng

Bà Terry Parnell trình bày báo cáo đề dẫn

Hội thảo được tiến hành với hai phiên như sau:

-  Phiên thứ nhất: “Chính sách và mô hình học liệu mở” với các báo cáo : “Tổng quan về học liệu mở và nhận dạng các yếu tố tác động đến việc xây dựng và chia sẻ học liệu mở trong các trường đại học Việt Nam” của TS. Đỗ Văn Hùng (Trưởng Khoa Thông tin - Thư viện, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn), “Sáng kiến Phát triển mở: hệ thống dữ liệu về phát triển tại khu vực Mekong” của bà Terry Parnell (Giám đốc Chương trình sáng kiến phát triển mở, Viện Quản lý Đông Tây), “Tổng quan về tài nguyên giáo dục mở và dự đoán một kịch bản tương lai của giáo dục Việt Nam” của ông Lê Trung Nghĩa (Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Quốc gia về Công nghệ mở), “Tổng quan về OCW, OER và MOOC” của ông Đỗ Ngọc Minh (Chương trình Tài nguyên Giáo dục mở, Quỹ Việt Nam).

- Phiên thứ hai: “Cộng đồng, nội dung, công nghệ và công cụ cho học liệu mở” với các báo cáo: “Những yếu tố kỹ thuật giúp cho tài nguyên giáo dục mở sẵn sàng” của ông Nguyễn Thế Hùng (Phó Chủ tịch VFOSSA), “Tình trạng hiểu biết về tài nguyên giáo dục mở của giáo viên tại Trường Đại học Thăng Long” của TS. Vũ Đỗ Quỳnh (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long), “Bàn về học liệu mở và vai trò của học liệu mở trong đào tạo ngành Khoa học Thông tin-Thư viện tại các trường đại học ở Việt Nam” của ông Trương Minh Hòa (Quản lý Thư viện, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright TPHCM).

 

 Minh Khuê - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   |