Quốc tế
Trang chủ   >  Tin tức  >   Hợp tác - Phát triển  >   Quốc tế
Giám đốc ĐH Bách khoa Paris: Chung tay vì sự thịnh vượng, hòa bình, đoàn kết giữa các dân tộc và toàn thế giới
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Pháp Francois Hollande sáng ngày 06/9/2016, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn và Giám đốc ĐH Bách khoa Paris, Thượng tướng Yves Demay đã ký Thỏa thuận hợp tác giữa ĐHQGHN và ĐH Bách khoa Paris.

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn và Giám đốc ĐH Bách khoa Paris Yves Demay đã ký Thỏa thuận hợp tác

Thỏa thuận hợp tác này thể hiện cam kết mạnh mẽ của ĐHQGHN và ĐH Bách khoa Paris cùng đồng hành đến những thành công hơn nữa sau nhiều năm hợp tác và tin tưởng vào chất lượng đào tạo của ĐHQGHN thông qua Chương trình cử nhân tài năng. Thỏa thuận giữa ĐHQGHN và ĐH Bách khoa Paris sẽ tập trung trong các lĩnh vực: đào tạonghiên cứu trình độ cao ở những lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng mà hai bên đều có thế mạnh và cùng quan tâm; tăng cường hơn nữa các hoạt động trao đổi cán bộ, giảng viên và sinh viên giữa hai đơn vị.

Có thể nói rằng, thỏa thuận này không chỉ có ý nghĩa với hai đại học mà còn góp phần vào thành công của quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa Pháp. Nhân dịp này, Cổng thông tin điện tử ĐHQGHN đã có buổi trò chuyện với Thượng tướng Paris Yves Demay - Giám đốc ĐH Bách khoa Paris.

- Thưa ông, lý do nào để ĐH Bách khoa Paris hợp tác với ĐHQGHN trong đào tạo cử nhân khoa học tài năng Toán, Lý?

Trước hết, tôi xin được bày tỏ sự vui mừng và vinh dự khi có mặt tại Việt Nam và được đại diện cho ĐH Bách khoa Paris kí kết văn bản Thỏa thuận hợp tác với ĐHQGHN.

Là một trong những cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng bậc nhất tại Pháp, ĐH Bách khoa Paris luôn tạo điều kiện và khuyến khích giao lưu quốc tế. Nhiều sinh viên, học viên nước ngoài đến với chúng tôi, trong đó sinh viên Việt Nam chiếm tỉ lệ đông nhất.

Hiện nay, chúng ta đang đứng trước rất nhiều vấn đề thách thức mang tính toàn cầu như kinh tế, giáo dục, môi trường, an ninh, y tế, … Trong bối cảnh đó thì hợp tác giữa hai cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Pháp và Việt Nam là ĐH Bách khoa Paris và ĐHQGHN là hết sức cần thiết. Việc kí kết hợp tác sẽ giúp hai bên phát huy được thế mạnh của mình trong đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần giải quyết các vấn đề, thách thức chung của chúng ta.

- Ông có đánh giá gì về kết quả hợp tác 2 bên trong thời gian qua?

Trong 10 năm qua, ĐH Bách khoa Paris và ĐHQGHN đã đào tạo hơn 100 Thạc sĩ và Tiến sĩ từ nguồn sinh viên Chương trình Cử nhân tài năng của ĐHQGHN. Các sinh viên ưu tú của Chương trình đã có cơ hội được học tập trong môi trường học thuật đỉnh cao, danh tiếng và đã phát huy được tài năng, trí tuệ của mình để đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam.

Tôi đánh giá cao chất lượng đào tạo và những nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ các giáo sư, các nhà khoa học, các giảng viên và sinh viên Chương trình Cử nhân tài năng trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

- Từ quan hệ hợp tác đã có, năm 2016, ĐH Bách khoa Paris kí kết với ĐHQGHN – một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu Việt Nam, gồm rất nhiều trường đại học, viện nghiên cứu thành viên. Ông nói gì về điều này?

Tôi lấy làm vinh dự khi được kí kết Thỏa thuận hợp tác với ĐHQGHN, đặc biệt trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng thống Pháp tới Việt Nam. Điều này thể hiện sự đánh giá cao của Chính phủ cũng như cộng đồng các nhà khoa học Pháp đối với vị thế, vai trò của ĐHQGHN.

Tôi tin rằng văn bản thỏa thuận hợp tác này sẽ là nền tảng, tạo cơ sở để chúng ta tăng cường hơn nữa các quan hệ hợp tác đã có. Trong chuyến công tác đến Việt Nam vào cuối năm nay, tôi hy vọng sẽ được tiếp tục kí kết những thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực khác với ĐHQGHN nói riêng và các đối tác Việt Nam nói chung.

- Định hướng trọng tâm trong hợp tác giữa ĐH Bách khoa Paris và ĐHQGHN trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Từ nền tảng hợp tác truyền thống, hai đại học cần đẩy mạnh và khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng và thế mạnh để có thể tiến hành các chương trình hợp tác cụ thể như đào tạo và cùng cấp bằng; tiến hành các hoạt động nghiên cứu chung; tạo diễn đàn để các nhà khoa học hai bên gặp gỡ, chia sẻ và trao đổi học thuật.

Trong chuyến công tác đến Việt Nam tháng 7 vừa rồi, tôi có dịp gặp gỡ các nhà khoa học Việt Nam, đã cùng thảo luận và đều thống nhất nghiên cứu khoa học đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội cũng như sự phồn thịnh chung của Việt Nam và Pháp. Tuy nhiên, trước hết chúng ta cần đẩy mạnh hoạt động hợp tác trong đào tạo, phát huy thế mạnh và hợp tác sẵn có để cùng nhau tạo ra kiến thức, cùng nhau chia sẻ những tri thức phục vụ sự phát triển xã hội.

Tôi cho rằng hai đại học cần chú trọng hướng tăng cường trao đổi sinh viên trong thời gian tới. Sinh viên Việt Nam sẽ tiếp tục đến học tập tại Pháp. Đồng thời, tôi cũng mong sinh viên Pháp có thể đến Việt Nam để tham gia các khóa học ngắn hạn hoặc đến thực tập. Tôi tin rằng các em sinh viên này sẽ góp phần thắt chặt mối quan hệ hợp tác và trở thành cầu nối của tình hữu nghị Việt – Pháp.

- Ông có chia sẻ gì đến các bạn sinh viên của ĐHQGHN nói riêng và các bạn trẻ Việt Nam nói chung?

Các sinh viên của ĐHQGHN nói riêng và các bạn trẻ Việt Nam nói chung phải có niềm tin vào khả năng, trí tuệ cũng như tương lai của mình.

Trước bối cảnh thế giới có nhiều biến động, một mặt chúng ta phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Mặt khác, nó cũng mang lại nhiều cơ hội để các bạn trẻ thể hiện bản lĩnh và khẳng định mình.

Các bạn cần nhận thức rằng khoa học công nghệ đã đạt được bước phát triển lớn và góp phần tạo ra những thay đổi lớn lao cho nhân loại. Do đó, hãy tận dụng cơ hội, phát huy khả năng trong học tập và nghiên cứu khoa học để chung tay vì sự thịnh vượng, hòa bình, đoàn kết giữa các dân tộc và toàn thế giới.

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn và Giám đốc ĐH Bách khoa Paris Yves Demay dự buổi gặp gỡ cựu học viên của ĐH Bách khoa Paris

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn và Giám đốc ĐH Bách khoa Paris Yves Demay chụp ảnh lưu niệm cùng các giáo sư ĐHQGHN và các cựu học viên của ĐH Bách khoa Paris

Cũng trong sáng ngày 06/9/2016, tại ĐHQGHN đã diễn ra buổi gặp mặt các cựu học viên của ĐH Bách khoa Paris. Đây là dịp để các giáo sư, giảng viên, học viên chương trình Cử nhân tài năng gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ về mong muốn phát triển trong tương lai.

Đến dự và phát biểu tại buổi gặp, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn và Giám đốc ĐH Bách khoa Paris Yves Demay đều cho rằng các học viên là sản phẩm đào tạo chất lượng cao của hai đại học hàng đầu Việt Nam và Pháp và mong rằng sẽ tiếp tục là cầu nối tri thức trong quan hệ hữu nghị hai quốc gia.

Giám đốc hai đại học cũng nhất trí sẽ tạo điều kiện để các học viên, sinh viên có diễn đàn giao lưu, tiếp tục phát huy năng lực và vai trò trong các hoạt động hợp tác trong tương lai.

ĐH Bách khoa Paris (École polytechnique), hay còn được nhắc đến với tên X, là một trong những Grande École nổi tiếng nhất Pháp và người dân Pháp coi đây là trường đào tạo kĩ sư nổi tiếng nhất tại Pháp. Khẩu hiệu của trường là Pour la Patrie, les Sciences et la Gloire (nghĩa là "Vì quốc gia, khoa học và vinh quang") do Napoléon Bonaparte khởi xướng.

Mục đích truyền thống của các sinh viên của là trở thành nhân lực cấp cao của chính phủ và các tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Pháp và mục đích này vẫn còn được tiếp tục cho đến ngày nay. Đại học Bách khoa Paris có nhiều cựu sinh viên nổi tiếng như: Valéry Giscard d'Estaing (X1944) - cựu tổng thống Pháp từ 1974 đến 1981; Sadi Carnot (X1857)- cựu tổng thống Pháp từ 1932 đến 1940; Albert Lebrun (X1890)- cựu tổng thống Pháp từ 1887 đến 1894; Henri Poincaré (X1873) - nhà phát minh trước thời đại về thuyết tương đối và thuyết hỗn độn; Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (X1930)…

Tin bài liên quan:

- Tổng thống Pháp Francois Hollande thăm ĐHQGHN và phát biểu về tương lai chung của Pháp - Việt Nam

- (Ảnh) Tổng thống Pháp Francois Hollande thăm ĐHQGHN và phát biểu về tương lai chung của Pháp - Việt Nam

 

 

 Sinh Vũ - Ảnh: Quốc Toản - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan