Quốc tế
Trang chủ   >  Tin tức  >   Hợp tác - Phát triển  >   Quốc tế
ĐHQGHN hợp tác toàn diện trong nghiên cứu và đào tạo bậc cao với các đối tác Ấn Độ
Trong thời gian qua, hoạt động hợp tác quốc tế luôn được ĐHQGHN quan tâm, đầu tư và đã có nhiều khởi sắc, đa dạng về nội dung và hình thức, với nhiều chương trình đã được triển khai hiệu quả. Trong chiến lược của ĐHQGHN, công tác hợp tác phát triển luôn được quan tâm với các kế hoạch dài hạn, ưu tiên xây dựng hợp tác với các đối tác truyền thống, tin cậy là các đại học, các tổ chức khoa học và giáo dục có uy tín trên thế giới, với các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài. Nội dung hợp tác bao gồm nhiều lĩnh vực, từ hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, xây dựng các chương trình liên kết đào tạo quốc tế bậc đại học và sau đại học, đồng tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế, triển khai hoạt động trao đổi sinh viên, giảng viên,…

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn và Giám đốc Tập đoàn ĐH Amity Gurinder Singh
ký thỏa thuận hợp tác khung

Trung tuần tháng 3 năm 2018, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn đã thực hiện chuyến công tác tại Ấn Độ. Nhân dịp này, Cổng Thông tin điện tử ĐHQGHN đã có buổi trao đổi với Giám đốc để thấy rõ quyết tâm của ĐHQGHN trong việc mở rộng hợp tác quốc tế, cụ thể là các đối tác Ấn Độ.

- Xin ông cho biết mục đích cũng như ý nghĩa của chuyến công tác lần này?

Sau 25 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQGHN, hoạt động hợp tác quốc tế và hợp tác trong nước của ĐHQGHN có bước phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng khẳng định uy tín, thương hiệu và vị thế đại học hàng đầu của ĐHQGHN trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Lãnh đạo ĐHQGHN luôn khẳng định, cùng với hợp tác trong nước thì hợp tác quốc tế là động lực chính tạo sự bứt phá trong việc phát triển các nguồn lực để phục vụ sự nghiệp phát triển ĐHQGHN trở thành đại học nghiên cứu theo chuẩn quốc tế.

Chuyến công tác đến Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh ngay sau chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến quốc gia này theo lời mời của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovin từ ngày 2 – 4/3/2018. Theo đó, các nhà lãnh đạo hai nước nhấn mạnh quan điểm coi trọng hợp tác toàn diện, trong đó có đẩy mạnh hợp tác trong giáo dục và đào tạo.

Với thế mạnh là đại học đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu Việt Nam, cũng như có nhiều cán bộ đã được đào tạo ngắn hạn và thực tập tại Ấn Độ trong các lĩnh vực khoa học nhân văn, khoa học tự nhiên và khoa học sự sống…, thông qua chuyến công tác này, ĐHQGHN mong muốn hiện thực hóa nỗ lực của mình nhằm tìm kiếm những cơ hội hợp tác mới với các đại học lớn, các tập đoàn giáo dục và các cơ sở nghiên cứu lớn của Ấn Độ; thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác đã có, hướng tới những hoạt động hợp tác cụ thể, hiệu quả hơn.

- Qua làm việc với các đối tác Ấn Độ, ông nhận thấy tiềm năng hợp tác giữa ĐHQGHN và các bên như thế nào?

ĐHQGHN trong những năm qua thể hiện rõ quan điểm coi trọng đối tác truyền thống và đồng thời phát triển mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác có tiềm năng, thế mạnh, năng lực hợp tác phù hợp với ĐHQGHN. Trong chuyến công tác này, đoàn ĐHQGHN đã thăm và làm việc với các đối tác là các trường đại học, tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu Ấn Độ.

Những năm gần đây, Ấn Độ liên tục vào top khu vực có nhiều trường đại học tầm cỡ quốc tế. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, hệ thống giáo dục đại học của Ấn Độ hiện lớn thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ. Tính đến năm 2012, Ấn Độ có hơn 150 trường đại học cấp trung ương, 316 trường đại học công lập và 191 trường đại học tư nhân với thế mạnh về khoa học công nghệ.

Qua trao đổi, chúng tôi thấy rằng triển vọng hợp tác giữa các bên là rất lớn, tập trung vào lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, trao đổi cán bộ/giảng viên/sinh viên, đồng tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Ấn Độ và Việt Nam... ĐHQGHN cân nhắc kỹ và lựa chọn những hợp tác triển vọng, phù hợp thế mạnh và đáp ứng nhu cầu thực tiễn, và thông qua các văn bản ký kết giữa ĐHQGHN với các đại học lớn của Ấn Độ, các đơn thành viên cụ thể hóa và liên kết triển khai thành công các chương trình hợp tác nghiên cứu và đào tạo, thể hiện thế mạnh của đại học liên ngành, liên lĩnh vực.

- Các hướng và mô hình hợp tác ưu tiên là gì, thưa ông?

Trong lĩnh vực đào tạo, ĐHQGHN và Hiệp hội hỗ trợ thương mại ICSI đánh giá cao mô hình “Finishing school” (hình thức đào tạo dành cho sinh viên vừa hoàn thành chương trình cử nhân/kỹ sư) – góp phần bổ sung kiến thức, kinh nghiệm cần thiết, lấp đầy khoảng trống giữa kiến thức được đào tạo và yêu cầu thực tế của các doanh nghiệp; giúp sinh viên tốt nghiệp có khả năng tự phát triển công việc phù hợp với năng lực bản thân, tự khởi nghiệp công việc của mình hoặc thích hợp với các yêu cầu của doanh nghiệp địa phương và các công ty toàn cầu. Với hình thức này, các giáo sư và chuyên gia Ấn Độ sẽ bước đầu chia sẻ kinh nghiệm thông qua các bài giảng, tiếp đó sẽ hợp tác xây dựng nội dung với sự điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của sinh viên và dần chuyển giao phương thức đào tạo, quản lý cho đối tác Việt Nam.

Lãnh đạo ĐHQGHN làm việc với Hội đồng Khoa học và Công nghiệp Ấn Độ (CSIR)

Các đối tác Ấn Độ cũng thống nhất tập trung triển khai một số nội dung cụ thể, có tính khả thi như triển khai các dự án nghiên cứu chung; đồng tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế; đặc biệt các chuyên gia Ấn Độ sẵn sàng tham dự và chia sẻ kết quả nghiên cứu, kiến thức và kinh nghiệm với cán bộ nghiên cứu, giảng dạy và sinh viên ĐHQGHN. Các lĩnh vực hợp tác ưu tiên là công nghệ nano, công nghệ hàng không, năng lượng mới, công nghệ sinh học…

ĐHQGHN cũng giao cho Viện Trần Nhân Tông là đầu mối triển khai các hợp tác về đào tạo Phật học và nghiên cứu Phật giáo với các đối tác Ấn Độ như ĐH Delhi, ĐH Jawaharlal Nehru. Chúng tôi khuyến khích hình thức đồng tổ chức các hội thảo về nghiên cứu Phật giáo, trao đổi cán bộ, đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh, hoặc tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn.

Qua các nhiệm vụ hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học, hàng năm, ĐHQGHN đã cử nhiều lượt các bộ, sinh viên đi học tập, trao đổi kiến thức khoa học, tham gia các hội nghị, hội thảo cũng như đón tiếp hàng trăm nhà khoa học, nhà quản lý và sinh viên, nghiên cứu sinh tới học tập và làm việc tại các cơ sở, phòng thí nghiệm của ĐHQGHN. Tôi tin rằng, đẩy mạnh hoạt động trao đổi này có ý nghĩa lớn trong việc tăng cường hiểu biết về văn hóa, kiến thức, cũng như góp phần thắt chặt quan hệ hợp tác giữa ĐHQGHN và các đối tác Ấn Độ nói riêng và quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia nói chung.

Thực hiện một trong những giá trị cốt lõi – tiên phong trong nghiên cứu khoa học và đào tạo trình độ cao, ĐHQGHN xác định chủ trương hợp tác giữa trường – viện – doanh nghiệp. Đây vừa là phương thức, vừa là mục tiêu nhằm hướng tới sự phát triển của từng đối tác và sự phát triển chung của sự nghiệp khoa học công nghệ. Chúng tôi tin rằng, cùng với hợp tác với các trường đại học, sự tham gia của doanh nghiệp nhà nước và tư nhân của cả Việt Nam và Ấn Độ sẽ góp phần tạo ra các sản phẩm có hàm lượng khoa học và công nghệ cao, cũng như góp phần thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, chuyển giao.

- Những dự án cụ thể sẽ được triển khai trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Nhân chuyến công tác lần này, chúng tôi đã có dịp ký kết hợp tác mới cũng như làm sâu sắc thêm các thỏa thuận hợp tác với các đối tác Ấn Độ trước đây. Căn cứ những nội dung đã ký, ĐHQGHN giao các đơn vị thành viên cụ thể hóa thành các nhiệm vụ để triển khai.

Trong thời gian tới, ĐHQGHN và Hội đồng Khoa học và Công nghiệp Ấn Độ sẽ thành lập Nhóm công tác hỗn hợp nhằm tư vấn, đề xuất với lãnh đạo hai bên các định hướng hợp tác nghiên cứu trong giai đoạn hợp tác ngắn hạn và trung hạn. CSIR cũng sẽ hỗ trợ cho ĐHQGHN trong ba lĩnh vực Công nghệ hàng không vũ trụ, đặc biệt là vật liệu mới phục vụ lĩnh vực này; Công nghệ sinh học và công nghệ gen ứng dụng trong nông nghiệp, y học; Công nghệ hóa dược, phát triển dược liệu, dược phẩm. Hai bên cũng đề xuất hướng thành lập đơn vị hợp tác về khoa học và công nghiệp Việt Nam - Ấn Độ tại ĐHQGHN.

ĐHQGHN và Tập đoàn giáo dục ĐH Amity đã thống nhất nghiên cứu khả năng thành lập cơ quan hợp tác giữa hai bên đặt tại ĐHQGHN nhằm triển khai các chương trình hợp tác đào tạo và hợp tác nghiên cứu. Cũng trong chuyến thăm lần này, ĐHQGHN đã làm việc với một số tổ chức đại học và doanh nghiệp Ấn Độ trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin như công ty Vihaan Networks, Viện Công nghệ công nghiệp Kalinga, … Các bên cũng trao đổi về khả năng hợp tác triển khai xây dựng dự án “làng kỹ thuật số - digital village”, chuyển giao công nghệ thông tin phục vụ vùng sâu, vùng xa và những nơi khó khăn, …

Giám đốc ĐHQGHN thăm và làm việc tại Đại học Jawaharlal Nehru

Năm 2013, trong chuyến công tác cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Ấn Độ, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cùng đoàn đại biểu cấp cao hai nước, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ và Tổng Giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Ấn Độ (Council of Scientific and Industrial Research - CSIR) kiêm Thứ trưởng bộ Khoa học Công nghệ Ấn Độ GS. Samir K. Brahmachari đã kí Thỏa thuận hợp tác về Khoa học và Kỹ thuật.

Thỏa thuận giữa ĐHQGHN ký với CSIR sẽ hỗ trợ thúc đẩy và mở rộng hợp tác về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm như: Trao đổi các Nhà khoa học, Học giả nghiên cứu và Chuyên gia cho các mục đích nghiên cứu, đào tạo và tư vấn; Trao đổi thông tin, tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề và các khóa học đào tạo về khoa học - kỹ thuật, xây dựng và thực hiện các chương trình nghiên cứu chung, qua đó có thể áp dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế phục vụ cho các ngành công nghiệp, xã hội; Thiết lập các phòng thí nghiệm chung phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển…

Các lĩnh vực hợp tác chính theo bản thỏa thuận này bao gồm: Khoa học và công nghệ hoá học, khoa học sinh học và công nghệ sinh học, vật lý và khoa học vật liệu, khoa học địa chất, hải dương học và biến đổi khí hậu, khoa học và kỹ thuật môi trường.

Ngoài CSIR, ĐHQGHN đã xây dựng mối quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức khoa học giáo dục thuộc Cộng hòa Ấn Độ như Đại học Tổng hợp New Dehli, Đại học Tổng hợp Jawaharal Neru, Đại học Công nghệ Roorke, v.v. ĐHQGHN còn là cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu về Ấn Độ học ở Việt Nam.

 Sinh Vũ (thực hiện) - Ảnh: Tuấn Anh - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   | 22   | 23   | 24   | 25   | 26   | 27   | 28   | 29   | 30   | 31   | 32   | 33   | 34   | 35   | 36   | 37   | 38   | 39   | 40   | 41   | 42   | 43   | 44   | 45   | 46   | 47   | 48   | 49   | 50   | 51   | 52   | 53   | 54   | 55   | 56   | 57   | 58   | 59   | 60   | 61   | 62   | 63   | 64   | 65   | 66   | 67   | 68   | 69   | 70   | 71   | 72   | 73   | 74   | 75   | 76   | 77   | 78   | 79   | 80   | 81   | 82   | 83   | 84   | 85   | 86   | 87   | 88   | 89   | 90   | 91   |