Trong nước
Trang chủ   >  Tin tức  >   Hợp tác - Phát triển  >   Trong nước
Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ: Hiện thực hóa một giấc mơ
Chiều ngày 18/12/2017, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) tổ chức Lễ ra mắt Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ, tên tiếng Anh là School of Aerospace Engineering, viết tắt là SAE.

 

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn và Tổng Giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng trao quyết định thành lập, quyết định bổ nhiệm cho Ban lãnh đạo Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ

SAE - Khởi đầu cho một hợp tác mới

ĐHQGHN và Tập đoàn Viettel đã có hợp tác trong nhiều năm qua và đạt được một số kết quả có ý nghĩa then chốt, góp phần đổi mới căn bản giáo dục đại học, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, đặc biệt là hợp tác trong việc tổ chức kì thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh đại học chính qui của ĐHQGHN.

Tiếp cận với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp mới, hai bên tiếp tục hợp tác thành lập Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ, mở chương trình đào tạo kỹ sư ngành Công nghệ Hàng không vũ trụ và xây dựng, phát triển mô hình hợp tác toàn diện giữa Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN và Tập đoàn Viettel.

SAE là đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trực thuộc Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) - ĐHQGHN đồng thời là đơn vị phối thuộc của Tập đoàn Viettel.

Đây là mô hình hợp tác đặc biệt giữa một Trung tâm đào tạo, nghiên cứu tiên phong và một Tập đoàn dịch vụ - công nghệ năng động hàng đầu Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động: học tập, giảng dạy, thực hành, nghiên cứu; xác định các chuẩn đầu ra trong nghiên cứu, đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn của quốc gia; và có các chính sách ưu đãi nhằm thu hút và đào tạo những người có năng lực tốt.

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho biết, công nghệ hàng không vũ trụ - một lĩnh vực công nghệ đỉnh cao nếu chỉ có ĐHQGHN, Trường ĐHCN thì còn thời gian dài mới triển khai được công việc này. Lãnh đạo Viettel và ĐHQGHN đã gặp gỡ và đồng thuận trong ý tưởng triển khai chung chương trình đào tạo giữa một đại học hàng đầu và một tập đoàn lớn có trách nhiệm xã hội cao. Sự phối hợp giữa 2 bên là lí do cho ra đời của Viện SAE. Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn và Tổng Giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng đều bày tỏ tin tưởng Viện SAE làm tốt công việc của mình, xứng với kì vọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xã hội và nhân dân.

SAE – Niềm vui và thách thức

Giám đốc Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, ngày ra mắt Viện SAE là ngày vui của Trường ĐH công nghệ, ĐHQGHN và đối tác lớn Viettel. Đây là ngày vui của những người đã ấp ủ từ lâu ý tưởng phát triển một lĩnh vực công nghệ có nhiều lợi ích và thách thức. Sau một thời gian ráo riết triển khai, quyết tâm phấn đấu thì hôm nay ĐHQGHN và Viettel đã ra mắt Viện SAE.

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho rằng, lĩnh vực công nghệ hàng không vũ trụ đối với ĐHQGHN nói riêng và Việt Nam nói chung là hết sức mới mẻ. Đây là lĩnh vực tiềm năng hết sức to lớn có ý nghĩa và giá trị nhiều mặt, đồng thời là lĩnh vực hết sức thách thức. Đã có một số cơ quan, đơn vị, viện nghiên cứu về lĩnh vực hàng không, vũ trụ đã được thành lập và đã đào tạo tại Việt Nam. Tuy nhiên về tổng thể thì hàng không vụ trụ mới đang bắt đầu tại Việt Nam. Thách thức phía trước là hết sức to lớn và đường đi đến thành công có nhiều thách thức, chông gai nhưng nếu ai vượt qua được thách thức đó và vươn đến tầm cao của vũ trụ thì sẽ biến thách thức đó thành cơ hội và sẽ trưởng thành cùng với việc triển khai, nghiên cứu và đào tạo của lĩnh vực này. Lĩnh vực này đem đến lợi ích quốc gia và mang tầm nhìn quốc gia cho các thế kỉ trong tương lai. Đó là sự lo lắng cho các thế hệ về sau và thể hiện đẳng cấp của những người cùng tham gia nghiên cứu triển khai lĩnh vực công nghệ đỉnh cao này.

Giám đốc Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “đây là lĩnh vực liên ngành, cần nguồn lực lớn, cần tập trung đầu tư, cần quyết tâm của con người. Lĩnh vực này mới bắt đầu, tương lai của nó mênh mông, thăm thẳm như chính bầu trời. Tầng cao của chúng ta được đến đâu do chính chúng ta. Mong ước thì có từ lâu song cơ hội mới có gần đây. Khi ĐHQGHN đã có các lĩnh vực được triển khai liên quan ít nhiều đến lĩnh vực hàng không vũ trụ”.

Cộng hưởng cùng những ý tưởng của Giám đốc Nguyễn Kim Sơn, Tổng  Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Tập đoàn Viettel - một tập đoàn có khát khao làm chủ không gian, chinh phục vũ trụ và có bước đi đầu tiên trên con dường gian khổ này. Ông chúc mừng ĐHQGHN, chúc SAE là tập hợp của những người tinh hoa nhất của đất nước Việt Nam với khát vọng làm cho đất nước ta bứt phá. Có một điều chắc chắn các bạn sinh viên ngồi đây chưa hiểu thế nào là hàng không vũ trụ và vì sao Việt Nam - một quốc gia nhỏ bé cần quan tâm đến hàng không vũ trụ và thắc mắc là chúng ta làm điều gì đó cho hàng không vũ trụ hay không. Chúng ta chưa có đủ thông tin cần thiết về lĩnh vực này mà các bạn đang có một sự quan tâm khác về khởi nghiệp, sáng tạo,... thế hệ trẻ đang thấy rằng hàng không vũ trụ là một thứ gì đó khá mơ hồ đối với các em. Những tâm tư và suy nghĩ này được rút ra tại một cuộc khảo sát nhỏ đối với các sinh viên xuất sắc nhất của Trường ĐH Công nghệ - một thành viên của ĐHQGHN và là nòng cốt để hình thành nên Viện Hàng không vũ trụ ngày hôm nay.

Thiếu tướng nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, các suy nghĩ này của các sinh viên rất thực tế là các em biết rõ mình, biết mình đóng góp được gì cho xã hội bằng những khả năng nổi trội nhất. Nhưng liệu ai trong số các em đặt cho mình câu hỏi từ đâu mà các cường quốc như Mĩ, như Nga có thể khám phá chính phục và làm chủ không gian. Phải chăng họ được đấng tối cao nào đó trao cho sứ mệnh đại diện cho loài người chinh phục vũ trụ này. Phải chăng chỉ có người Mĩ, người Nga mới đủ thông minh để có thể bay vào vũ trụ bằng chính con tàu của mình? Tôi nghĩ là không. Tất cả đến từ một khát khao chinh phục vũ trụ và sự lao động miệt mài và chúng ta có quyền lựa chọn. Chúng ta có thể tồn tại độc lập bằng chính bộ óc của chính những người Việt Nam hay trở thành một quốc gia trông đợi vào những phát minh của các dân tộc khác. Sự lựa chọn đó cũng chính là quyết định giữa sống độc lập hay phụ thuộc. Đó cũng chính là sự lựa chọn giữa sống và chết.

Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng, quá nhiều thời gian chờ đợi sẽ chỉ cho thấy sự thất bại chứ không đem đến sự thay đổi. Bởi vậy, chúng ta có mặt tại đây ngày hôm nay để bắt đầu hành trình hiện thực hóa ước mơ ấy, ước mơ của Việt Nam hòa bình lâu dài với một tương lai ngoài sức tưởng tượng. Chúng ta biết rằng nó không hề đơn giản. Trong quá trình đến được với ước mơ này, chúng ta sẽ phải đối đầu với rất nhiều thất vọng và rất nhiều đau khổ. Chúng sẽ đến từ những nỗ lực chưa thành công, từ những can ngăn, thậm chí từ những cái lắc đầu thiếu hợp tác. Nhưng đừng vội nản lòng. Giấc mơ chỉ có thể thành hiện thực khi và chỉ khi các bạn không bao giờ từ bỏ nó. Thời khắc khó khăn sẽ đến những chúng không đến để ở lại mà chúng đến và ra đi, nó chỉ là phép thử cho lòng quyết tâm. Con đường này không dành cho số đông. Viện Hàng không vũ trụ chỉ dành cho những người có khát khao xây dựng một Việt Nam hùng cường, những người coi thử thách là một tài nguyên quí giá trên con đường khám phá năng lực con người. Chỉ có khoảng 20 người được tuyển dụng và đào tạo mỗi năm.

Cộng hưởng tới thành công

SAE thực hiện đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao về công nghệ hàng không vũ trụ ở các bậc đại học, sau đại học; nghiên cứu,  phát triển các công nghệ và sản phẩm khoa học trong lĩnh vực  hàng không vũ trụ đáp ứng yêu cầu dân sự và an ninh, quốc phòng của đất nước; cung cấp dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ - tri thức trong lĩnh vực công nghệ hàng không vũ trụ trong và ngoài nước. Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo, SAE sẽ triển khai một số định hướng nghiên cứu về công nghệ xử lý ảnh phục vụ trinh sát UAV, trinh sát vệ tinh; công nghệ truyền tin UAV; công nghệ MEMS ứng dụng trong chế tạo con quay vi cơ; công nghệ quang áp dụng cho con quay quang; công nghệ dẫn đường và điều khiển; tên lửa và vệ tinh ...

Nguyên Hiệu trưởng đầu tiên Trường ĐH Công nghệ GS.VS Nguyễn Văn Hiệu đã thay mặt tập thể các nhà khoa học, giảng viên nhà trường bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới lãnh đạo ĐHQGHN và Tập đoàn Viettel đã tín nhiệm và giao cho một nhiệm vụ tuy nặng nề song rất vẻ vang. GS.VS Nguyễn Văn Hiệu bày tỏ quyết tâm của đội ngũ những giảng viên nhà khoa học của Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN thực hiện bằng tất cả nhiệt thành, tâm huyết và trái tim để thực hiện thành công đề án mà Giám đốc ĐHQGHN đã phê duyệt,.

Chia sẻ về thực tế hiện nay, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không dân dụng Việt Nam Nguyễn Ngọc Trọng cho biết, ngành ngành hàng không Việt Nam rất thiếu kĩ sư nghiên cứu. Hiện nay, nguồn nhân lực của ngành chủ yếu được đào tạo từ nước ngoài.

Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, những nước đi sau muốn có thay đổi thứ hạng thì đi sau phải là đi trước. Phải đi nhanh khi bắt đầu và đi càng sớm càng tốt. Việt Nam đang nằm trong trong top 5 top 10 các nước có tốc độ phát triển GDP nhanh nhất. Song chúng ta vẫn đang tụt hậu so với nhiều quốc gia xung quanh, đòi hỏi chúng ta phải phát triển nhanh hơn. Điều đó buộc chúng ta suy nghĩ rằng, phải phát triển kinh tế thì mới có đầu tư cho nghiên cứu, mới có thể quan tâm đến nghiên cứu to tát như không gian vũ trụ nhưng với đà kinh tế phát triển như hiện nay, chúng ta sẽ thành tụt hậu và lệ thuộc.

Cùng với việc thành lập Viện, ĐHQGHN đã phê duyệt chương trình đào tạo kỹ sư ngành Công nghệ Hàng không Vũ trụ. Đây là chương trình đào tạo tiếp cận chuẩn mực của các trường đại học hàng đầu thế giới, chú trọng đào tạo các kỹ năng cơ bản và công nghệ nền tảng của công nghiệp 4.0.

Các giảng viên của Trường ĐH Công nghệ cùng với chuyên gia khoa học trong và ngoài nước (trong đó có các chuyên gia của Tập đoàn Viettel) sẽ phối hợp giảng dạy chương trình này. Các nội dung thí nghiệm, thực hành sẽ được thực hiện tại các phòng thí nghiệm nghiên cứu về hàng không vũ trụ của ĐHQGHN, Tập đoàn Viettel và Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Sau 4,5 năm học, sinh viên sẽ nhận bằng Kỹ sư Công nghệ Hàng không Vũ trụ và có cơ hội được làm việc, tham gia các dự án về Hàng không Vũ trụ tại Tập đoàn Viettel, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và các đơn vị khác.

Việc tuyển sinh khóa đầu tiên sẽ bắt đầu từ học kỳ 2 năm học 2017-2018. Đối tượng là sinh viên năm thứ nhất của Trường ĐHCN thuộc nhóm ngành Công nghệ thông tin và Công nghệ kỹ thuật điện điện tử, viễn thông và nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử và Cơ kỹ thuật, đam mê lĩnh vực hàng không vũ trụ và chấp nhận thách thức. Thông tin tuyển sinh chi tiết xem tại địa chỉ: http://uet.vnu.edu.vn/category/tuyen-sinh/.

Từ năm học 2018-2019, chương trình sẽ tuyển sinh theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong quá trình học tập, sinh viên sẽ được nhận học bổng toàn phần của Tập đoàn Viettel các đơn vị đối tác. Riêng sinh viên khóa 1 trúng tuyển được Trường ĐHCN miễn học phí trong toàn khóa học, được Tập đoàn Viettel cấp học bổng toàn phần năm đầu tiên và tiếp tục cấp các năm sau theo năng lực học tập.

>>> Tin bài trên báo chí:

- Dân trí: Thành lập Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ

- Giáo dục & Thời đại: ĐHQGHN và Viettel hợp tác trong lĩnh vực công nghệ hàng không vũ trụ

- Vietnamnet: ĐHQGHN đào tạo kỹ sư ngành công nghệ hàng không vũ trụ

- Công an nhân dân: Ra mắt Viện đào tạo kỹ sư công nghệ hàng không vũ trụ tại Việt Nam

- Tiền phong: Thành lập Viện hàng không vũ trụ đầu tiên trong trường đại học

- Báo Tin tức: Ra mắt Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ

- Zing: Viettel hợp tác với ĐHQGHN đào tạo công nghệ hàng không vũ trụ

- Sài Gòn giải phóng: Ra mắt Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ

- Infonet: Thành lập Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ

- Kinh tế đô thị: Ra mắt Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ

- Báo Pháp luật: ĐHQGHN và Viettel hợp tác trong lĩnh vực công nghệ hàng không vũ trụ

- Đảng Cộng sản: Ra mắt Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ

- Đại biểu nhân dân: ĐHQGHN và Viettel hợp tác trong lĩnh vực công nghệ hàng không vũ trụ

- Dân sinh: ĐHQGHN và Viettel đào tạo nhân lực lĩnh vực hàng không vũ trụ

- ICTnews: Viettel và Đại học Quốc gia Hà Nội ra mắt Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ

 

 

 

 Bui Tuan - Ngoc Diep - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :