Văn bản - Quyết định
Trang chủ   >  Tin tức  >   Thông báo  >   Văn bản - Quyết định
Tin văn bản pháp luật
(liên quan đến hoạt động của ĐHQGHN do các cơ quan quản lý Nhà nước ban hành từ ngày 15/6 đến 31/7/2008)

1. Ngày 16/6/2008, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 51/2008/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức (CCBC) Nhà nước. Theo đó, kinh phí được sử dụng để đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, hội nhập kinh tế quốc tế, tiếng dân tộc... cho 6 nhóm đối tượng sau: CBCC hành chính, công chức dự bị, hợp đồng lao động không xác định thời hạn đang làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; cán bộ, viên chức, hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong đơn vị sự nghiệp công lập; đại biểu HĐND các cấp; CBCC xã, phường, thị trấn; cán bộ không chuyên trách cấp xã; cán bộ thôn, làng, ấp, bản, buôn, sóc ở xã và tổ dân phố ở phường, thị trấn; luật sư, cán bộ quản lý doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng.Không sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC để chi cho bộ máy quản lý công tác đào tạo của các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBCC.Tùy theo khả năng bố trí kinh phí và nhu cầu đào tạo CBCC của đơn vị mình, các cơ quan, đơn vị, địa phương có thể sử dụng nguồn kinh phí này để hỗ trợ một phần chi phí cho các đối tượng CBCC nhà nước được cấp có thẩm quyền cử đi học đại học, sau đại học, nhưng tối đa không quá 10% tổng kinh phí đào tạo được giao.Về mức chi thù lao giảng viên trong nước cho 1 buổi giảng 4 tiết, tùy theo đối tượng, trình độ học viên mà các cơ sở đào tạo bố trí mời giảng viên, báo cáo viên từng cấp cho phù hợp. Theo đó, mức chi cao nhất không quá 500.000 đồng/buổi. Tuỳ theo mức độ cần thiết, các cơ quan đơn vị trình cấp có thẩm quyền quyết định việc mời giảng viên nước ngoài. Mức thù lao đối với giảng viên nước ngoài do cơ quan, đơn vị thoả thuận với giảng viên, bảo đảm phù hợp với khả năng kinh phí của cơ quan, đơn vị… Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Ngày 17/6/2008, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ký Quyết định số 38/2008/QĐ-BTTTT về việc ban hành Quy chế liên kết trong hoạt động xuất bản. Quy chế quy định: chỉ Giám đốc nhà xuất bản mới có quyền ký duyệt bản thảo, ký quyết định xuất bản, ký duyệt hợp đồng in ấn và ký duyệt phát hành. Trước khi ký quyết định xuất bản, Giám đốc nhà xuất bản ký duyệt bản thảo (bao gồm cả bìa) và các thông tin ghi trên xuất bản phẩm (XBP) liên kết theo quy định. Bản thảo XBP liên kết đưa in phải sao thành 2 bản, 1 bản giao cho đối tác liên kết, 1 bản lưu tại nhà xuất bản để đối chiếu.Các cơ sở in chỉ được ký hợp đồng với Giám đốc nhà xuất bản hoặc người được Giám đốc ủy quyền bằng văn bản. Sau khi in xong, đối tác liên kết có trách nhiệm nộp XBP liên kết cho nhà xuất bản theo số lượng ghi trong hợp đồng và chỉ được phát hành XBP liên kết sau khi có ký duyệt của Giám đốc nhà xuất bản.Ngoài ra, các cơ sở phát hành chỉ được phát hành XBP liên kết khi có chứng từ xác nhận nguồn gốc XBP liên kết và XBP liên kết này được in đủ các thông tin theo quy định của Luật Xuất bản. Giám đốc, Tổng biên tập nhà xuất bản chịu trách nhiệm trước pháp luật về XBP liên kết của mình. Giám đốc cơ sở in, Giám đốc hoặc người đứng đầu cơ sở phát hành XBP, đối tác liên kết liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật về XBP liên kết.Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

3. Ngày 03/7/2008, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 85/2008/QĐ-TTg ban hành Danh mục người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập theo quy định tại khoản 11 Điều 6 Nghị định số 37/2007/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập. Theo đó, nghĩa vụ kê khai tài sản bao gồm những người đang làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng HĐND được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bố trí làm việc ở những vị trí công tác như kế toán; thủ quỹ; thủ kho; mua sắm vật tư, tài sản, phương tiện; cấp phát vật tư, nhiên liệu và trang thiết bị thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập.Những người trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong các lĩnh vực như: Phân bổ kế hoạch kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; tổ chức tuyển dụng, tổ chức thi nâng ngạch; thẩm định nhân sự để trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt về tổ chức bộ máy và biên chế; quản lý các đối tượng nộp thuế; cấp các loại giấy phép trong lĩnh vực xây dựng, xuất nhập khẩu, dịch vụ thương mại; thanh tra và phòng, chống tham nhũng..., cũng phải kê khai tài sản, thu nhập. Căn cứ vào Danh mục, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm cụ thể hóa danh sách người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình... Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

4. Ngày 9/7/2008, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 04/2008/TT-BTTTT về việc hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 105/2007/NĐ-CP về hoạt động in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm. Theo đó, cơ sở in phải có văn bản thỏa thuận của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có thẩm quyền khi tham gia in các sản phẩm: Chứng minh thư; hộ chiếu; văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân. Về in gia công cho nước ngoài, cơ sở in phải đảm bảo các sản phẩm in được xuất kkhẩu 100% ra nước ngoài, không được tiêu thụ trên lãnh thổ Việt Nam. Bên đặt in phải chịu trách nhiệm về bản quyền đối với sản phẩm đặt in. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm in gia công cho nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam phải làm thủ tục nhập khẩu theo quy định.Nếu cơ sở in tham gia in sản phẩm là vàng mã thì phải đăng ký loại vàng mã dự định in với Sở Thông tin và Truyền thông sở tại và phải đảm bảo không có nội dung vi phạm các quy định về quảng cáo và các quy định khác của pháp luật có liên quan.Cơ quan, tổ chức có pháp nhân đầy đủ cần sử dụng máy photocopy màu để phục vụ cho công việc nội bộ, sẽ được xem xét cho phép nhập khẩu. Đơn vị sử dụng máy photocopy màu phải ban hành quy chế quản lý và sử dụng máy gửi kèm hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu. Ngoài ra, phải đăng ký máy photocopy màu với Sở Thông tin và Truyền thông sở tại.Thời hạn thực hiện việc cấp lại giấy phép hoạt động in báo, tạp chí, tem chống giả là 6 tháng kể từ ngày Thông tư có hiệu lực. Riêng cơ sở in đã được cấp, đổi giấy phép sau ngày 1/7/2005 có chức năng in báo, tạp chí, tem chống giả thì không phải đổi giấy phép. Cơ sở in báo, tạp chí, tem chống giả không được cấp lại giấy phép sau thời hạn quy định tại Thông tư này phải ngừng hoạt động.Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

5. Ngày 15/7/2008, Bộ Tài chính và Bộ giáo dục & Đào tạo ban hành Thông tư liên tịch số 63/2008/TTLT/BTC-BGDĐT hướng dẫn chế độ hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đào tạo trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề hệ chính quy năm 2008. Theo đó, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề có tổ chức thi tuyển sinh theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo là đối tượng được nhận chế độ hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước. Mức hỗ trợ là 10.000đồng /học sinh thực tế dự thi tuyển sinh. Riêng đối với các cơ sở có tổ chức thi năng khiếu, mức hỗ trợ là 50.000đồng /học sinh thực tế dự thi tuyển sinh năng khiếu. Sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh, các cơ sở giáo dục công lập có trách nhiệm tổng hợp đầu đủ, chính xác số học sinh thực tế dự thi và xây dựng dự toán kinh phí đề nghị được hỗ trợ một phần kinh phí tổ chức thi tuyển sinh từ ngân sách nhà nước gửi cơ quan chủ quản xem xét, thẩm định, tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập tổng hợp số lượng học sinh thực tế dự thi, xây dựng dự toán kinh phí đề nghị được hỗ trợ gửi Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Tài chính. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.

6. Ngày 28/7/2008, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành Quyết định số 42/2008/QĐ-BGDĐT ban hành Quy định về liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. Theo đó, hợp đồng liên kết đào tạo phải thể hiện đầy đủ các thông tin về hoạt động diễn ra trong suốt quá trình đào tạo: Thông tin về tuyển sinh gồm: ngành nghề đào tạo; thời gian đào tạo; hình thức đào tạo; hình thức tuyển sinh; đối tượng tuyển sinh; địa điểm đặt lớp; lệ phí tuyển sinh; học phí khoá học và các khoản phí bảo hiểm (nếu có); Thông tin về quản lý người học gồm: trách nhiệm phối hợp trong việc quản lý và thực hiện các chế độ, chính sách đối với người học; việc thu học phí, lệ phí, bảo hiểm (nếu có) và trách nhiệm đền bù thiệt hại do không thực hiện được các cam kết trong hợp đồng kiên kết... Đơn vị chủ trì đào tạo được hoàn toàn chủ động trong việc tổ chức quá trình đào tạo gồm: xây dựng chương trình, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo (đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, thiết bị); lập kế hoạch đào tạo; tổ chức tuyển sinh; phân công giảng dạy, hợp đồng thỉnh giảng; ra đề, chấm thi/kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện; xét công nhận kết quả và cấp bằng tốt nghiệp cho người học. ơn vị phối hợp đào tạo được quyền đề xuất đơn vị chủ trì đào tạo bổ sung vào chương trình đào tạo những nội dung thiết thực, phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động; được cử đại diện tham gia quản lý, nhận xét, đánh giá người dạy và người học theo thỏa thuận trong hợp đồng liên kết đào tạo.Các bên tham gia liên kết phải thông báo công khai và đầy đủ các thông tin về kỳ tuyển sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng về: số lượng, đối tượng, vùng tuyển, hình thức, lệ phí, địa điểm, lịch và những thông tin có liên quan như: ngành nghề, thời gian, hình thức, học phí, tiền mua tài liệu và các phí bảo hiểm (nếu có). Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

 Trần Trí Trung - Bản tin ĐHQG Hà Nội, số 208 - 2008
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :