Đô thị Hòa Lạc
Trang chủ   >  Đô thị Hòa Lạc  >    >  
Chủ động vươn tầm thế giới
Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và tạo điều kiện thuận lợi của các bộ, ngành, cùng với việc phát huy sức mạnh bản thân, năm học 2011 - 2012, ĐHQGHN đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trên các phương diện. Nhân dịp kết thúc năm học 2011 - 2012, chuẩn bị bước vào năm học mới 2012 - 2013, Bản tin ĐHQGHN đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Giám đốc thường trực ĐHQGHN.

>>> Bản tin số 257 (pdf)

>>> Chủ động vươn tầm thế giới (pdf)

Xin Phó Giám đốc cho biết những kết quả nổi bật của ĐHQGHN đã đạt được trong năm học vừa qua?

Có thể khẳng định, năm học 2011 - 2012, ĐHQGHN đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kế hoạch nhiệm vụ năm học. Trong đó, một số chỉ tiêu đã vượt mức kế hoạch như: giảm quy mô đào tạo không chính quy, tăng quy mô đào tạo sau đại học; số lượng công trình chuyên khảo và bài báo đăng tạp chí quốc tế tăng cao với 121 công trình và 196 bài báo có chỉ số trích dẫn (tăng 10% so với năm học trước); nghiệm thu xuất sắc 5 Đề án nghiên cứu cấp Nhà nước; 5 bằng sở hữu trí tuệ và 8 hồ sơ được chấp nhận, 18 sản phẩm KHCN được chuyển giao ứng dụng; cán bộ của ĐHQGHN được tặng thưởng 2 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 3 Giải thưởng Nhà nước về KHCN; nguồn thu ngoài ngân sách tăng; diện tích sàn xây dựng bổ sung cho nhu cầu sử dụng đạt 118,87%; tăng  mạnh các hoạt động liên thông, liên kết giữa các đơn vị trong ĐHQGHN, hợp tác giữa nhà trường, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các nhà khoa học được quan tâm thúc đẩy, có hiệu quả.

Xếp hạng đại học có bước tiến rõ rệt: ĐHQGHN tiếp tục khẳng định vị trí số 1 ở Việt Nam, lọt vào top 200 đại học Châu Á và nằm trong số 3% đại học hàng đầu Thế giới (theo tổ chức xếp hạng đại học QS và bảng xếp hạng Webometrics của Cyberlab);  2 lĩnh vực Khoa học Tự nhiên, Khoa học Sự sống và Y sinh lọt vào top 100 của các đại học tiên tiến của châu Á (xếp vị trí thứ 61 và 84). Công tác đào tạo nhân lực, phát triển đội ngũ, văn hóa chất lượng và kiểm định chất lượng tiếp tục tiến tới đạt chuẩn quốc tế. 129 cử nhân và 26 thạc sĩ chương trình Nhiệm vụ chiến lược tốt nghiệp theo chuẩn các đại học tiên tiến của thế giới; hai chương trình đào tạo cử nhân đạt chất lượng kiểm định của Mạng lưới Các trường đại học Đông Nam Á (AUN); 100% chương trình được điều chỉnh theo hướng chuẩn đầu ra, liên thông và tham chiếu các chương trình đào tạo của các Đại học tiên tiến trên Thế giới; 100% sinh viên tốt nghiệp được học các kỹ năng mềm và kỹ năng giao tiếp; cơ cấu hoạt động đào tạo/nghiên cứu khoa học/dịch vụ giữa các đơn vị trong ĐHQGHN có sự cải thiện tích cực (xấp xỉ đạt tỷ lệ 6/3/1)…

Phó Giám đốc có thể cho biết những nguyên nhân chủ yếu của những kết quả đã đạt được?

Trước hết,  bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc của cán bộ, giảng viên, các nhà khoa học, giáo sư, học viên và sinh viên, ĐHQGHN đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Các cấp lãnh đạo đã tin tưởng giao cho ĐHQGHN thực hiện triển khai các nhiệm vụ quan trọng; các bộ, ngành, địa phương quan tâm, ủng hộ ĐHQGHN trong thực hiện nhiệm vụ, triển khai các chương trình đào tạo tiên tiến, có tính liên ngành cao và các chương trình, dự án khoa học công nghệ lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các đơn vị trong toàn ĐHQGHN.

ĐHQGHN được tự chủ cao và ưu tiên đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao. Với lợi thế của đại học đa ngành, đa lĩnh vực nên thuận lợi cho việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương liên thông, liên kết, khai thác hiệu quả các nguồn lực cơ sở vật chất dùng chung trong toàn ĐHQGHN. Các hoạt động hợp tác giữa các đơn vị trong ĐHQGHN đã hình thành rõ nét và đi vào nền nếp, các đơn vị đã thấy được lợi ích mang lại từ các hoạt động liên thông, liên kết và cùng khai thác tốt cơ sở vật chất dùng chung. Vai trò, vị thế của ĐHQGHN được xã hội đánh giá cao. Đặc biệt, địa vị pháp lý của ĐHQGHN lần đầu tiên được khẳng định trong Luật Giáo dục đại học, được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2012, nhờ đó củng cố vững chắc niềm tin, sự đồng thuận và cổ vũ tinh thần cho cán bộ, sinh viên, học sinh có thêm quyết tâm, động lực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học và chủ động, vững bước hội nhập với các đại học khu vực, vươn lên tầm quốc tế.

Một nguyên nhân khác cũng rất quan trọng là nhờ vào áp dụng mô hình quản trị đại học theo mục tiêu, tiếp cận theo sản phẩm đầu ra và đổi mới mạnh mẽ công tác kế hoạch. Các nguồn lực được tích hợp, phân bổ theo số lượng, chất lượng các sản phẩm đầu ra và ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm chứ không dàn trải. Nhờ đó hiệu quả đầu tư được nâng nên rõ rệt và có được những sản phẩm đặc sắc, mang tính đột phá.

Bên cạnh đó, quan hệ hợp tác trong và ngoài nước được mở rộng với các đại học uy tín hàng đầu thế giới, các tập đoàn lớn của Nhà nước và các Viện nghiên cứu, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương... đã tạo nhiều cơ hội cho ĐHQGHN thu hút thêm các nguồn lực, trao đổi và hợp tác để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu.

Vậy còn những khó khăn, thưa Phó Giám đốc?

Trước hết là khó khăn về cơ chế chính sách chưa thật đồng bộ, phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của ĐHQGHN. Mặc dù được tự chủ cao, nhưng nhiều qui định của luật pháp, chính sách chưa phù hợp với thực tế hoạt động và đổi mới của ĐHQGHN, trong đó đặc biết đối với các hoạt động đào tạo, tổ chức cán bộ và tài chính, vì thế nên nhiều khi rất bị vướng (thậm chí còn bị qui kết là làm trái) khi thực hiện các đổi mới trong quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Khó khăn tiếp theo là chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa yêu cầu chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế của các sản phẩm đầu ra với các điều kiện đảm bảo chất lượng còn rất hạn chế. Mặc dù có đội ngũ cán bộ khoa học đông đảo hàng đầu trong các cơ sở giáo dục đại học cả nước, nhưng trình độ không đồng đều trong các lĩnh vực và số cán bộ đạt chuẩn quốc tế còn chưa nhiều. Trong các lĩnh vực khoa học mới còn thiếu hụt các nhà khoa học đầu đàn, đầu ngành. Cơ sở vật chất, thiết bị cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu còn rất khó khăn. Có thể nói đây là “nút thắt” cản trở lớn đối với mọi nỗ lực nâng cao chất lượng, đổi mới của ĐHQGHN.

Ngoài ra còn một số khó khăn khác nảy sinh từ nhu cầu xã hội có xu hướng giảm mạnh đối với các ngành, chuyên ngành khoa học cơ bản (vốn là thế mạnh của ĐHQGHN); thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về cắt giảm chi tiêu ngân sách, trong đó có nguồn kinh phí nhà nước cấp cho các hoạt động của ĐHQGHN nói chung, đặc biệt là việc bố trí vốn và giải ngân các dự án đầu tư phát triển, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, đào tạo và NCKH gặp nhiều khó khăn, hạn chế; chưa có các giải pháp hiệu quả, thiết thực để việc hình thành và phát triển văn hóa cộng đồng thực sự thấm sâu trong đời sống cán bộ, giảng viên, sinh viên các đơn vị, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, cùng chia sẻ, thống nhất về quan niệm giá trị chung, về hành vi ứng xử trong môi trường văn hóa đa dạng của đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Điều này cũng góp phần làm hạn chế việc phát huy các tiềm năng lớn, sẵn có của ĐHQGHN và các đơn vị thành viên, trực thuộc. 

Những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học tới là gì, thưa Phó Giám đốc?

Trong năm học tới, ĐHQGHN tăng cường phát huy các lợi thế, thế mạnh sẵn có tiếp tục đổi mới, sáng tạo, phát huy mọi nguồn lực để tập trung nâng cao chất lượng trong mọi hoạt động, đặc biệt là nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, NCKH&CN, phát triển ĐHQGHN tiến tới đạt chuẩn các đại học tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á. Mặt khác, sẽ tập trung mọi nỗ lực để tháo  gỡ khó khăn, vướng mắc như đã nêu, đặc biệt là giải quyết có tính đột phá “nút thắt” đang cản trở sự phát triển của ĐHQGHN.

Trong đào tạo, cần đảm bảo qui mô, cơ cấu hợp lý đối với các bậc học, loại hình đào tạo, đồng thời chú trọng phát triển, đổi mới chương trình và quản lý đào tạo như: 100% chương trình đào tạo có đề cương môn học; tăng cường các chương trình đào tạo có tính liên ngành, có nhu cầu xã hội cao được xây dựng theo chuẩn đầu ra phù hợp với liên thông, liên kết đào tạo theo tín chỉ, đặc biệt phải đáp ứng yêu cầu đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất, tầm nhìn, năng lực và kỹ năng, trong đó áp dụng phương pháp CDIO và tích hợp với phát triển kỹ năng mềm trong giảng dạy chuyên môn.

Đối với các hoạt động khoa học công nghệ, đẩy mạnh công bố các công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín cao; tăng cường các phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích đăng ký sở hữu trí tuệ, các giải thưởng khoa học uy tín trong nước và quốc tế. ĐHQGHN cũng sẽ triển khai nhiều dự án nghiên cứu lớn có tầm ảnh hưởng rộng và sâu sắc đối với sự phát triển của đất nước, đặc biệt là các dự án cấp ĐHQGHN hợp tác với các bộ, ngành, hai viện khoa học quốc gia và ĐHQG Tp. HCM, hợp tác với các tập đoàn kinh tế lớn, các địa phương trong đào tạo, chuyển giao công nghệ trên cơ sở các chương trình, đề tài, dự án được ký kết giữa các bên.

Chú trọng công tác đảm bảo chất lượng và phát triển văn hóa chất lượng, phát huy tinh thần cộng đồng trong toàn ĐHQGHN. Trong đó, phát triển cơ sở dữ liệu về đảm bảo chất lượng và văn hóa chất lượng theo chuẩn xếp hạng các trường đại học và các lĩnh vực khoa học theo hệ thống của QS, THES và chuẩn Dspace để nâng thứ hạng của ĐHQGHN trên các bảng xếp hạng đại học thế giới. Các đơn vị đào tạo của ĐHQGHN phát huy mọi lợi thế, có thêm các chương trình đào tạo  được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn kiểm định của AUN và những chương trình đào tạo đã được kiểm định tiếp tục được duy trì và nâng cao chất lượng.

Trong công tác đổi mới quản trị đại học, các đơn vị trong toàn ĐHQGHN  tiếp tục đẩy mạnh áp dụng các yếu tố tích cực của mô hình quản trị mục tiêu, tiếp cận theo sản phẩm đầu ra. Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Cùng với đó, sẽ ưu tiên đầu tư phát triển đội ngũ cán bộ khoa học (đặc biệt là các nhà khoa học đầu đàn, đầu ngành và các giảng viên có khả năng giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh); thực hiện thường xuyên công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý đã được qui hoạch hướng tới đạt chuẩn chuyên nghiệp theo vị trí công việc; tăng cường hơn nữa việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông, thực hiện tốt cải cách hành chính.

Tăng nguồn lực tài chính để phát triển, nâng cấp và mở rộng phòng học, thư viện và tài nguyên số, phòng thí nghiệm, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông, cơ sở học liệu v.v.. và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác. Bên cạnh đó, mỗi đơn vị cùng với cơ quan ĐHQGHN tập trung chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ viên chức và giảng viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi để từng cá nhân phát huy hiệu quả năng lực, khả năng của mình.

Ngoài ra, với sứ mạng, vị thế quốc gia, ĐHQGHN sẽ thực hiện những nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Theo Phó Giám đốc, ĐHQGHN sẽ thực hiện những giải pháp đột phá nào trong năm học tới?

Để thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học tới, ĐHQGHN sẽ thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có thể nêu một số giải pháp lớn như :

Trước hết, tiến hành sâu rộng các giải pháp chính trị tư tưởng để tạo sự  đoàn kết, đồng thuận, chung sức chung lòng thực hiện đẩy mạnh liên thông, liên kết hợp tác toàn diện giữa các đơn vị và cá nhân trong toàn ĐHQGHN. Phát huy tinh thần cộng đồng, thương hiệu, văn hóa chất lượng, các giá trị cốt lõi của ĐHQGHN và của các đơn vị.

Thứ hai , đẩy mạnh đổi mới căn bản và toàn diện quản trị đại học theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI  để gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng, hiệu quả mọi hoạt động, trong đó tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức của đại học đa ngành, đa lĩnh vực; thúc đẩy liên thông liên kết, hợp tác toàn diện giữa các đơn vị để tạo thêm các giá trị gia tăng, tạo được các sản phẩm chất lượng cao, đặc sắc có tầm ảnh hưởng lớn.

Thứ ba, tăng cường làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành (đặc biệt là các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ) để hoàn thiện cơ chế chính sách, đảm bảo hành lang pháp lý vững chắc cho các hoạt động đổi mới của ĐHQGHN.

Thứ tư, xây dựng dự án rà soát, đánh giá,  qui hoạch, định biên toàn bộ nguồn nhân lực trong ĐHQGHN, trong đó đặc biệt xác định rõ các tiêu chí cán bộ đạt chuẩn theo từng vị trí công việc, trên có sở đó có nội dung đào tạo, bồi dưỡng thích hợp (đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn). Đây là cơ sở quan trọng để thu hút các nguồn lực (đặc biệt là từ hợp tác quốc tế) và xin cơ chế đặc thù để triển khai.

Thứ năm, đa dạng hóa phát triển các nguồn tài chính thông qua xây dựng các chương trình, đề tài, dự án lớn (tầm quốc gia và quốc tế) theo “đặt hàng”của Chính phủ, bộ ngành, địa phương và tổ chức,  doanh nghiệp. Đồng thời, mở rộng và nâng cao hiệu quả khai thác các tiềm năng, thế mạnh của ĐHQGHN để tạo nguồn thu sự nghiệp, dịch vụ.

Thứ sáu, khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị được áp dụng đa dạng các phương thức huy động vốn để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất tại các khu vực nội thành theo kế hoạch tổng thể cải tạo, nâng cấp các khu vực nội thành đã được ĐHQGHN phê duyệt. Đồng thời, tích cực làm việc với Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, thành phố Hà Nội, tổ chức, doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Giám đốc!

 

 Đức Phường (thực hiện) - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :