Đô thị Hòa Lạc
Trang chủ   >  Đô thị Hòa Lạc  >    >  
Chủ động vươn tầm quốc tế
Năm học 2011-2012, phát huy thế mạnh của một đơn vị đào tạo trực thuộc ĐHQGHN, tinh thần đoàn kết nhất trí và nỗ lực vượt bậc của thầy và trò, Khoa Quốc tế đã hoàn thành tốt nhiệm vụ với một số thành tựu đáng khích lệ.

Trước hết, trong lĩnh vực đào tạo, năm học vừa qua, các chương trình liên kết quốc tế của Khoa Quốc tế, luôn đảm bảo được chất lượng tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Hơn 320 sinh viên, học viên được nhận văn bằng chính quy của ĐHQGHN và của các trường đại học đối tác có uy tín (ĐH HELP, Malaysia; ĐH Lunghwa, Đài Loan; ĐH Keuka, Hoa Kỳ; ĐH Nantes và ĐH Paris Sud, Cộng hòa Pháp). Nhằm đảm bảo mục tiêu đạt chuẩn giáo dục quốc tế, Khoa rất chú trọng nâng cao chất lượng đầu vào, áp dụng đầy đủ quy trình đào tạo tiên tiến, tuân thủ nghiêm ngặt công nghệ khảo thí hiện đại của các trường đại học cấp bằng. Sản phẩm đầu ra của Khoa Quốc tế được thị trường lao động đánh giá cao. Sinh viên tốt nghiệp Khoa Quốc tế có kiến thức và kỹ năng theo chuẩn quốc tế sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ. 90% sinh viên ra trường có việc làm ổn định hoặc được tiếp nhận vào học ở bậc cao hơn. Một điểm mới đáng ghi nhận là đa số sinh viên đánh giá cao và lựa chọn các chương trình đào tạo do ĐHQGHN cấp bằng. Các chương trình này đều được thực hiện bằng tiếng nước ngoài và được nhiều trường đại học quốc tế công nhận liên thông.
Về hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) và các hoạt động chuyên môn khác, Khoa Quốc tế luôn tạo điều kiện thuận lợi tối đa, cung cấp kinh phí cho cán bộ và sinh viên thực hiện các đề tài khoa học, tổ chức các hội thảo, seminar chuyên đề. Nghiên cứu khoa học đã trở thành hoạt động thường xuyên trong cán bộ, giảng viên. Năm học 2011-2012, Khoa đã cho ra mắt chuyên san “Nghiên cứu quốc tế hóa” số 1 được phát hành bằng tiếng Anh, trong đó đăng tải một số kết quả nghiên cứu của cán bộ trong Khoa (7 công trình) cũng như của học giả nước ngoài (3 bài). Cũng trong năm qua, Khoa Quốc tế tổ chức hai hội thảo thành công cả về quy mô lẫn chất lượng, đó là Hội thảo Khoa học quốc tế “Quốc tế hóa giáo dục đại học: triển vọng hợp tác Bắc – Nam” và Hội thảo “Góp ý xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” (phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hà Nội). Hai cuộc hội thảo này đã thu hút được sự quan tâm, tham gia của đông đảo các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu cùng đại diện các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước với hàng chục bài tham luận chất lượng cao. Hoạt động NCKH của sinh viên và học viên cũng đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận thể hiện ở số lượng người tham gia và chất lượng các đề tài nghiên cứu ngày càng tăng.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo và NCKH, trong năm vừa qua, Khoa Quốc tế thực hiện một bước quan trọng trong chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Bên cạnh việc vận dụng chính sách tuyển dụng hợp lý để thu hút cán bộ có năng lực, trình độ cao, Khoa đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tính đến thời điểm hiện tại, Khoa đã cử 8 cán bộ, giảng viên đi đào tạo tiến sĩ và hơn 10 cán bộ, giảng viên đi đào tạo thạc sĩ (hơn một nửa trong số đó đang được đào tạo tại các trường đại học của Australia, Pháp, Đài Loan…). Các khóa ngắn hạn do Khoa tổ chức để đào tạo, bồi dưỡng về ngoại ngữ, chuyên môn, nghiệp vụ được đông đảo cán bộ, giảng viên hưởng ứng và tham gia nhiệt tình, nghiêm túc. Cán bộ quản lý các cấp được Khoa cử đi trao đổi, học hỏi kinh nghiệm tại các trường đại học đối tác nước ngoài…
 Cơ sở vật chất - kỹ thuật trong năm qua cũng được Khoa Quốc tế cải thiện đáng kể để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của hoạt động đào tạo, NCKH. Hệ thống giảng đường, lớp học, phòng làm việc được sắp xếp quy củ và được trang bị hiện đại, đồng bộ. Hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư nâng cấp. Khoa đã đưa vào sử dụng một số lớp học đạt chuẩn quốc tế cả về mặt diện tích, trang thiết bị kỹ thuật và thẩm mĩ. Đặc biệt, năm vừa qua Khoa đã huy động và tận dụng nhiều nguồn khác nhau để bổ sung cho thư viện Khoa hơn 1.500 đầu sách, nâng tổng số sách, giáo trình, tài liệu tham khảo bằng tiếng nước ngoài lên 11.000.
Trong hoạt động hợp tác quốc tế, bên cạnh các đối tác truyền thống, thực hiện chỉ đạo của ĐHQGHN, Khoa đã chủ động thiết lập và phát triển quan hệ hợp tác với các trường đại học danh tiếng như ĐH Dublin (Ireland), ĐH California Davis, ĐH Minnesota (Hoa Kỳ), ĐH Lorraine (Pháp).
Trong năm 2012, Khoa Quốc tế đã triển khai thực hiện chính sách “Học bổng hỗ trợ địa phương” song song với các chế độ học bổng vốn đã rất đa dạng và có giá trị có tính động viên, khuyến khích cao. Con số gần 40 sinh viên, học viên cao học từ các quận, huyện được nhận học bổng toàn phần hoặc bán phần đã nói lên uy tín cũng như trách nhiệm xã hội của Khoa Quốc tế ngày càng nâng cao trong cộng đồng…
Một vài thành tựu trên đây trong một năm đầy biến động, thử thách là minh chứng cho nỗ lực lao động không mệt mỏi của một tập thể đầy tâm huyết, luôn đoàn kết, nhất trí phấn đấu xây dựng, củng cố ngôi nhà chung là Khoa Quốc tế và ĐHQGHN.
Năm 2013 đối với Khoa Quốc tế dự báo là một năm đặc biệt quan trọng, mang tính đột phá. Dự án thành lập Trường Đại học Quốc tế trên cơ sở nâng cấp Khoa Quốc tế thuộc ĐHQGHN khi được Chính phủ phê duyệt sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới đầy triển vọng. Trước mắt, Khoa sẽ tập trung toàn bộ trí lực và vật lực, mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế nhằm nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, nghiên cứu, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ giáo dục. Khoa Quốc tế sẽ tiếp tục ưu tiên nhiệm vụ xây dựng, đào tạo đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đáp ứng tiêu chí về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật, nguồn tài chính để nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học. Một nhiệm vụ quan trọng nữa của Khoa là không ngừng tạo dựng môi trường thuận lợi cho học tập, giảng dạy, nghiên cứu và giao lưu quốc tế.
TSKH. Nguyễn Trọng Do - Chủ nhiệm Khoa Quốc tế

 Bản tin số 262-263 – VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :