Đô thị Hòa Lạc
Trang chủ   >  Đô thị Hòa Lạc  >    >  
Người thầy trung thực, giản dị và nhân hậu
Tôi sinh năm 1929, nguyên quán tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp trường Quốc học Vinh năm 1945, tốt nghiệp chuyên khoa Toán năm 1948 và lớp Toán học đại cương năm 1949, tôi dạy Trung học ở hai huyện Nam Đàn và Hưng Nguyên thuộc tỉnh Nghệ An trong hai năm.

Giữa năm 1951 tôi ra Việt Bắc học trường Khoa học cơ bản, được mấy tháng thì trường dời sang Khu học xá Trung ương ở làng Tâm Hư, gần thành phố Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Thầy Lê Văn Thiêm là hiệu trường đồng thời dạy Toán cùng với thầy Nguyễn Xiển và thầy Nguyễn Cảnh Toàn. Thầy Ngụy Như Kontum dạy Vật lý cùng với thầy Dương Trọng Bái, thầy Nguyễn Thạc Cát và thầy Hoàng Ngọc Cang dạy Hóa học.
Sau hai năm ở trường Khoa học cơ bản, năm 1953 tôi lên học Trung Văn ở Quế Lâm (thuộc tỉnh Quảng Tây), năm 1954 lên Bắc Kinh học trường Đại học Thanh Hoa. Sau khi tốt nghiệp ngành Vật lý hạt nhân thực nghiệm, tôi ở lại thực tập một năm ở Viện Năng lượng nguyên tử Bắc Kinh, tháng 10/1961 về nước công tác tại Ủy ban Khoa học Nhà nước.
Chụp với các GS (từ trái sang): Lê Khả Kế, Dương Trọng Bái, Lê Thạc Cát, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Xiển, Hồ Đắc Di, Võ Thuần Nho, Ngụy Như Kontum
Tháng 03/1962 tôi được cử sang Liên Xô theo một khóa học do Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Đúp-na tổ chức trong 03 tháng để chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại các nước xã hội chủ nghĩa. Tôi được đến thăm nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới ở Obninsk khánh thành ngày 27/06/1954 và thăm công trường xây dựng nhà máy điện hạt nhân Novo – Voronej công suất 240000 kW, lớn nhất thế giới hồi ấy.
Sau khi ở Liên Xô về, tôi được giao phụ trách Thư ký vụ ban Toán – Lý Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, thay anh Lê Bá Hoan chuyển sang làm giám đốc Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật.
Vào khoảng đầu năm 1963, giáo sư Tạ Quang Bửu lúc đó là Phó chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký Ủy ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước giao cho tôi nhiệm vụ dự thảo điều lệ và chuẩn bị thành lập hai hội Toán học Việt Nam và Vật lý Việt Nam. Đây là hai hội khoa học chuyên ngành được thành lập sớm nhất ở nước ta sau Tổng hội Y học Việt Nam. Ban trù bị hội Toán học Việt Nam được thành lập do giáo sư Lê Văn Thiêm làm trưởng ban và ban trù bị hội Vật lý Việt Nam do giáo sư Ngụy Như Kontum làm trưởng ban.
Công việc đầu tiên của ban trù bị là thành lập các chi hội ở Hà Nội và các địa phương. Được sự giới thiệu của lãnh đạo Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, tôi có về làm việc với chính quyền các địa phương để thành lập, chi hội giáo viên cấp 3 tỉnh Hải Dương do anh Nguyễn An Cương ( đại biểu Quốc hội) làm chi hội trưởng, tỉnh Nam Định do anh Nguyễn Tiến Đĩnh làm chi hội trưởng, thành phố Hải Phòng do anh Nguyễn Minh Vũ làm chi hội trưởng, thành phố Hà Nội do anh Nguyễn Đức Minh làm chi hội trưởng và chi hội các cơ quan Trung ương do anh Nguyễn Đình Tứ làm chi hội trưởng.
Đại hội các chi hội đã bầu đại biểu đi dự đại hội thành lập Hội Vật lý Việt Nam ngày 10-11 tháng 01 năm 1966. Số đại biểu tham dự đại hội là 72 người. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Hội Vật lý Việt Nam gồm 19 người. Ban chấp hành đã cử ra Ban thường vụ gồm: Chủ tịch Ngụy Như Kontum, Phó chủ tịch Dương Trọng Bái, Đinh Ngọc Lân ( kiêm tổng thư ký), Nguyễn Hoàng Phương, Nguyễn Đình Tứ, ủy viên Lương Duyên Bình, Nguyễn Đức Minh.
Ba tháng sau ngày thành lập, vào đầu tháng 04/1966, Hội Vật lý Việt Nam được đón tiếp vị khách quốc tế đầu tiên là giáo sư Chu Bồi Nguyên, một nhà Vật lý nổi tiếng từng học và giảng dạy nhiều năm ở Mỹ, Phó hiệu trưởng trường Đại học Bắc Kinh, chủ tịch Hội Vật lý Trung Quốc.
Đầu năm 1970, giáo sư nổi tiếng người Pháp Alfred Kastler, người được tặng giải thưởng Nobel Vật lý năm 1966 sang thăm Việt Nam theo lời mời của giáo sư Ngụy Như Kontum, Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam. Ông đã thuyết trình hai buổi về phương pháp “ Bơm quang học” (Pompage optique) khởi nguồn cho phát minh ra tia laser. Tôi đã làm phiên dịch cho buổi báo cáo hết sức hấp dẫn của ông và ông đã tặng tôi bài phát biểu khi nhận giải thưởng Nobel ( Conference Nobel).
Cũng trong năm 1970, Hội nghị Vật lý miền Bắc lần thứ nhất được tổ chức ở giảng đường lớn trường Đại học Bách khoa. Giáo sư Ngụy Như Kontum, Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam đã đọc báo cáo và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát biểu tại Hội nghị. Giáo sư Tạ Quang Bửu cũng dự buổi khai mạc Hội nghị.
Hội nghị Vật lý lần thứ hai được tổ chức vào cuối năm 1975 sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng tại hội trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Giáo sư Ngụy Như Kontum Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam đã chủ trì và đọc báo cáo khai mạc hội nghị. Hội nghị lần đầu tiên đón đoàn đại biểu các nhà Vật lý miền Nam ra tham dự. Hội nghị cũng có sự tham gia của một vị khách nước ngoài là đồng chí Henri Regemorter, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, giám đốc khảo cứu (Directeur de Recherehe) của Đài Thiên văn Paris, Chủ tịch ủy ban hợp tác khoa học kỹ thuật Pháp – Việt. Tôi còn nhớ khi đang ngồi cùng đồng chí Henri Regemorter thì thủ tướng Phạm Văn Đồng bước vào hội trường. Nhìn thấy đồng chí Regemorter, Thủ tướng đi nhanh đến ôm chầm lấy và nắm tay giơ lên nói lớn “ C’est un grand ami du Việt Nam” và tôi cũng dịch tiếng rất to “ Đây là người bạn lớn của Việt Nam”. Sau khi Thủ tướng nói chuyện với hội nghị, đồng chí Regemorter cũng phát biểu và tôi đã làm phiên dịch cho đồng chí.GS. Ngụy Như Kontum và vợ năm 1991
Năm 1980 tôi sang Pháp dự một lớp học về điện hạt nhân do Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và chính phủ Pháp tổ chức và thăm các nhà máy điện hạt nhân của Pháp, đồng chí Regemorter có đến tìm tôi và đưa tôi đến gặp một số nhà khoa học Pháp trong ấy có ông Francis Netter. đảng viên Đảng cộng sản Pháp, Tổng thư ký Hội Vật lý Pháp, Giám đốc Phòng thí nghiệm máy gia tốc tuyến tính của Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân Saclay.
Năm 1984 tôi được học bổng của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế sang học ở Hà Lan, từ đấy tôi thôi không làm nhiệm vụ Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vật lý Việt Nam nữa.
Trong gần hai mươi năm công tác trong Ban chấp hành Hội Vật lý Việt Nam dưới sự lãnh đạo của giáo sư Ngụy Như Kontum, Chủ tịch đầu tiên của Hội Vật lý Việt Nam, tôi đã cùng anh em trong Hội tích cực tham gia công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức về Vật lý và về khoa học – kỹ thuật nói chung qua sách báo và các buổi nói chuyện cho đông đảo cán bộ và nhân dân.
Là học trò và là người giúp việc cho giáo sư Ngụy Như Kontum trong nhiều năm, tôi mãi mãi ghi nhớ hình ảnh một người thầy mẫu mực, một người lãnh đạo khiêm nhường, giản dị và nhân hậu.

 Đinh Ngọc Lân - Bản tin số 265 – VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :