Trang chủ   >   >    >  
Tự chủ đại học: Xu thế của phát triển
Tự chủ trường đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo. Vậy cốt lõi của tự chủ đại học là gì? Nên trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH như thế nào và cần thực hiện quyền tự chủ như thế nào để đảm bảo mục đích cuối cùng của nó là nâng cao hiệu quả và chất lượng của giáo dục đại học đồng thời vẫn đảm bảo được công bằng xã hội? Đó là những vấn đề nóng bỏng và những câu hỏi không dễ trả lời.

Các thành tố trong tự chủ đại học
Trên thế giới có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm tự chủ đại học tùy theo nhận thức về vai trò của nhà nước đối với giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Ở các nước châu Âu, tự chủ đại học được nhìn nhận từ hai khía cạnh: thoát ra khỏi sự kiểm soát, hạn chế của các cơ quan quản lý nhà nước, của thị trường lao động, nhà cung cấp dịch vụ và các ảnh hưởng chính trị, là quyền tự do đưa ra các quyết định về cách thức tổ chức hoạt động cũng như mục tiêu sứ mạng của trường.
Tự chủ cũng có thể được thể hiện ở hai cấp: cấp độ giữa trường đại học với nhà nước, và cấp độ giữa trường với các bộ phận trong trường. Tự chủ cũng có thể chỉ có tính chất thủ tục, hình thức (procedural) – quyền quyết định các phương tiện, cách thức để đạt đến mục tiêu đã được xác định trước, hoặc tự chủ có tính thực chất (substantial) – quyền quyết định các mục tiêu cũng như chương trình hoạt động. Tự chủ cũng có thể được nhìn nhận như là các quyền lực có điều kiện: các trường chỉ có thể có quyền tự chủ khi đã đạt được các chuẩn mực quốc gia hoặc các chuẩn mực đã được định sẵn theo các chính sách công. Tuy được nhìn nhận dưới nhiều khía cạnh khác nhau, tự chủ của trường đại học vẫn có thể được khái quát là khả năng của trường được hoạt động theo cách thức mình lựa chọn để đạt được sứ mạng và mục tiêu do trường đặt ra.
Theo Anderson & Johnson (1998) các thành tố trong tự chủ đại học bao gồm:
- Tự chủ nguồn nhân lực: Với quyền tự chủ này, trường được quyền quyết định về các vấn đề liên quan đến điều kiện tuyển dụng, lương bổng, sử dụng nguồn nhân lực, bổ nhiệm, miễn nhiệm các vị trí trong khu vực học thuật và khu vực hành chính,...
- Tự chủ trong các vấn đề liên quan đến tuyển sinh và quản lý sinh viên.
- Tự chủ trong các hoạt động học thuật và chương trình giáo dục như phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên, nội dung chương trình và giáo trình học liệu,...
- Tự chủ trong các chuẩn mực học thuật, như các tiêu chuẩn của văn bằng, các vấn đề liên quan đến kiểm tra và kiểm định chất lượng.
- Tự chủ trong nghiên cứu và xuất bản, giảng dạy và hướng dẫn học viên cao học, các ưu tiên trong nghiên cứu và quyền tự do xuất bản.
- Tự chủ trong các vấn đề liên quan đến quản lý hành chính và tài chính, quản lý và sử dụng ngân sách, các nguồn tài chính của trường.
Vấn đề tự chủ đại học trên thế giới
Trên thế giới, tự chủ đại học là yếu tố cơ bản trong quản trị đại học. Các nghiên cứu về các mô hình quản trị đại học trên thế giới thường tập trung vào mối quan hệ giữa Nhà nước và cơ sở giáo dục đại học cho thấy mức độ tự chủ - thể hiện ở mức độ kiểm soát của Nhà nước đối với cơ sở GDĐH - ở các quốc gia rất khác nhau, chịu ảnh hưởng của thể chế chính trị, hình thái lịch sử, kinh tế, xã hội khác nhau. Báo cáo tổng quan về xu thế quản trị đại học trên thế giới của World Bank 2008, khái quát bốn mô hình quản trị đại học với các mức độ tự chủ khác nhau, từ mô hình Nhà nước kiểm soát hoàn toàn (state control) như ở Malaysia, đến các mô hình bán tự chủ (semi-autonomous) như ở Pháp và New Zealand, mô hình bán độc lập (semi-independent) ở Singapore, và mô hình độc lập (independent) ở Anh, Úc. Mặc dầu vậy, trong mô hình Nhà nước kiểm soát thì cơ sở GDĐH vẫn được hưởng một mức độ tự chủ nhất định vì những lý do tài chính và thực tiễn, Nhà nước không thể kiểm soát được tất cả các hoạt động của cơ sở GDĐH; bên cạnh đó, ngay trong mô hình độc lập thì vẫn có những mặc định ngầm về quyền của Nhà nước nắm giữ một số kiểm soát về mặt chiến lược và có quyền yêu cầu tính giải trình cao ở các cơ sở GDĐH.
Một nguyên lý cơ bản đằng sau tự chủ đại học là các cơ sở GDĐH sẽ vận hành tốt hơn nếu họ được nắm vận mệnh của chính mình. Tự chủ sẽ tạo động lực để họ đổi mới nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong hoạt động của mình, đồng thời cũng làm tăng tính cạnh tranh giữa các cơ sở GDĐH, tạo điều kiện để đa dạng hóa các hoạt động giáo dục. Vì vậy, xu hướng chung trên toàn cầu hiện nay là chuyển dịch dần từ mô hình Nhà nước kiểm soát sang các mô hình có mức độ tự chủ cao hơn, từ Nhà nước kiểm soát (state control) sang Nhà nước giám sát (state supervison). Ví dụ như Nhật Bản thông qua Đạo luật Hiệp hội Đại học Quốc gia năm 2003 trao quyền tự chủ về mặt pháp lý cho tất cả các trường đại học với quyền lực nhiều hơn cho Giám đốc/Hiệu trưởng và Ban quản trị trường. Năm 2005, Singapore cũng thông qua một luật tương tự trao quyền tự chủ cho 3 trường đại học của nước này. Gần đây, bang Nord Rhein-Westfalia, Đức cũng trao quyền tự quyết định cho 33 trường đại học trong việc tuyển dụng các giáo sư và các khóa đào tạo của trường. Bảng dưới đây trình bày một số ví dụ về quyền tự chủ đại học ở một số nước trên thế giới.
Bên cạnh việc các nước ở các khu vực khác nhau có mức độ tự chủ đại học khác nhau, ở trong cùng một quốc gia, mức độ tự chủ giao cho các cơ sở GDĐH có thể cũng rất khác nhau tùy theo tính chất, chất lượng của các cơ sở GDĐH đó. Ở một số nước phát triển trên thế giới, vẫn tồn tại song song các trường đại học được trao quyền tự chủ tuyệt đối và các trường vẫn phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước. Và ở nhiều nước, các cơ sở GDĐH có thể có các tên gọi khác nhau dựa vào quy mô, loại hình đào tạo và mức độ tự chủ cho các cơ sở GDĐH khác nhau cũng rất khác nhau (Vũ Thị Phương Anh, 2011).
Tự chủ đại học ở Việt Nam
Trong gần một thập kỷ qua, vấn đề tự chủ trong giáo dục đại học Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ chỗ toàn thể hệ thống giáo dục đại học Việt Nam như một trường đại học lớn, chịu sự quản lý nhà nước chặt chẽ về mọi mặt thông qua Bộ GD& ĐT, các trường đại học đã dần được trao quyền tự chủ, thể hiện qua các văn bản pháp quy của Nhà nước.
Điều lệ trường đại học, ban hành theo Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ở Điều 10 đã nêu rõ “trường đại học được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động đào tạo, khoa học, công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế, tổ chức và nhân sự”.
Luật Giáo dục ban hành tháng 7 năm 2005 đã đề cập đến ở Điều 14 về việc thực hiện phân công, phân cấp quản lý giáo dục, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục.
Nghị quyết 14 của Chính phủ (14/2005/NQ-CP ban hành ngày 2 tháng 11 năm 2005) về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020 cũng khẳng định tầm quan trọng của việc hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục đại học theo hướng bảo đảm quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của cơ sở giáo dục đại học, sự quản lý của Nhà nước và vai trò giám sát, đánh giá của xã hội đối với giáo dục đại học, theo đó đổi mới cơ chế quản lý cần chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, có pháp nhân đầy đủ, có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu, tổ chức, nhân sự và tài chính; xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập.
Thông tư liên tịch của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ (07/2009/TTLT-BGDĐT-BNV tháng 4 năm 2009) hướng dẫn quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục và đào tạo đã nêu rõ quyền tự chủ của đơn vị trong việc xác định nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện; trong việc tổ chức bộ máy và biên chế trong đơn vị; trong việc tuyển dụng, quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.
Nghị quyết về đổi mới giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012 (số 05-NQ/BCSĐ) của Ban cán sự Đảng Bộ GD& ĐT đánh giá thực trạng quản lý giáo dục đại học những năm qua cho thấy công tác quản lý của Bộ GD& ĐT đối với các trường chưa đổi mới đáng kể để phù hợp với các quy luật chi phối hoạt động của hệ thống giáo dục đại học và đòi hỏi của phát triển xã hội. Phương pháp quản lý nhà nước đối với các trường đại học, cao đẳng một mặt còn tập trung, chưa có quy chế phối hợp với các bộ, ngành, chưa phân cấp cho chính quyền địa phương, chưa tạo đủ điều kiện để các cơ sở đào tạo thực hiện quyền và trách nhiệm tự chủ, mặt khác không đủ khả năng đánh giá thực chất hoạt động và sự chấp hành luật pháp của tất cả các trường đại học, cao đẳng, không có khả năng đánh giá chất lượng giáo dục của toàn bộ hệ thống. Công tác quản lý ở các trường chưa phát huy được trách nhiệm và sự sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, các nhà quản lý và sinh viên. Trên cơ sở phân tích thực trạng và các nguyên nhân của các tồn tại, Nghị quyết đã nêu lên các giải pháp cụ thể hơn, theo đó về công tác quản lý cần phát huy cao độ tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự kiểm soát bên trong của các trường, trên cơ sở các quy định của nhà nước và của các trường, tăng cường công tác giám sát và kiểm tra của nhà nước, của xã hội và của bản thân các trường. Thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Nghị quyết cũng nhấn mạnh cơ chế trong đó hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đại học quyết định bậc lương của giảng viên theo sự cống hiến của họ và hằng năm tổ chức đánh giá hoạt động giảng dạy. Nghị quyết cũng nêu rõ cần tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và kiểm soát bên trong của trường đại học phù hợp với các quy định của nhà nước.
Tiếp theo đó, Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục trong giai đoạn 2010-2012 (296/CT-TTg, ngày 27 tháng 2 năm 2010) cũng nêu rõ việc đổi mới quản lý giáo dục đại học bao gồm quản lý nhà nước về giáo dục và quản lý của các cơ sở đào tạo là khâu đột phá để tạo ra sự đổi mới toàn diện của giáo dục đại học, và một trong các nhiệm vụ cấp thiết mà Thủ tướng giao cho Bộ GD&ĐT là rà soát, bổ sung, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, đồng thời xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật mới về thành lập trường, tuyển sinh, tổ chức đào tạo, quản lý tài chính, quản lý chất lượng, tuyển dụng, trong đó làm rõ trách nhiệm và chế độ của nhà giáo trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, quan hệ giữa Ban giám hiệu, Hội đồng trường, Đảng ủy, các đoàn thể ở trường để từ đó các trường đại học, cao đẳng thực hiện quyền tự chủ và nghĩa vụ tự chịu trách nhiệm trước xã hội và nhà nước theo quy định của Luật Giáo dục.
Gần đây nhất là Dự thảo Luật giáo dục đại học được xây dựng cũng quan tâm rất nhiều đến vấn đề tự chủ của cơ sở GDĐH. Quyền tự chủ ĐH được coi là đã được thể hiện ở nhiều điều khoản của Dự luật về Hội đồng trường, Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục, tuyển sinh, chương trình giáo dục, văn bằng, học phí, lệ phí tuyển sinh, v.v.
Tuy Nhà nước và Bộ GD & ĐT đã hết sức chú trọng vấn đề tự chủ và đã cố gắng tạo ra hành lang pháp lý cho quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH, nhưng các quyền tự chủ đó vẫn chưa thật sự phát huy hết tác dụng vì tính chất chưa triệt để và sự thiếu nhất quán, đồng bộ trong các chủ trương chính sách của Nhà nước. Các cơ sở GDĐH dường như vẫn hết sức mong muốn được tăng thêm quyền tự chủ, đặc biệt trong các lĩnh vực quản lý tài chính, bộ máy, nhân sự, tuyển sinh, trang thiết bị, cơ sở vật chất, v.v.
Tự chủ đại học: kinh nghiệm từ Đại học Quốc gia Hà Nội
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNTW Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng (Khóa VII) ngày 14 tháng 1 năm 1993 về “Xây dựng một số trường đại học trọng điểm quốc gia”, năm 1993 Chính phủ ban hành Nghị định số 97/CP về việc thành lập ĐHQGHN. Với tinh thần của Nghị định 97/CP ngày 10/12/1993, ĐHQGHN được trao quyền chủ động cao, tiếp sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 07/2001/NĐ-CP về ĐHQG và Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 16/2001/QĐ-TTg, ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của ĐHQG, tạo điều kiện thuận lợi cho ĐHQG phát triển với cơ chế được mở rộng quyền tự chủ.
Thực hiện quyền tự chủ được Nhà nước giao, ĐHQGHN đã thực hiện phân cấp quản lý theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội cao trong các lĩnh vực hoạt động của các đơn vị thành viên và các đơn vị trực thuộc, bằng việc ban hành các văn bản hướng dẫn phù hợp với năng lực, điều kiện và hiệu quả hoạt động của từng đơn vị đồng thời đảm bảo sự chỉ đạo, điều phối, thống nhất và kiểm tra giám sát của ĐHQGHN và thúc đẩy liên thông, liên kết toàn diện giữa các đơn vị, sử dụng hiệu quả các nguồn lực chung, tạo thêm giá trị gia tăng để nâng cao chất lượng, hiệu quả mọi hoạt động.
Cơ chế quản lý điều hành hợp lý được hoàn thiện và phát huy hiệu quả: Các đơn vị trực thuộc ĐHQGHN được tổ chức và hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội cao, mở và liên thông, liên kết, phát huy lợi thế chuyên môn hóa trong khuôn khổ quản lý và điều phối thống nhất của ĐHQGHN, kết hợp chặt chẽ đào tạo và NCKH, phối hợp hiệu quả giữa các ngành, lĩnh vực, sử dụng chung đội ngũ cán bộ khoa học (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, ngoại ngữ, lý luận chính trị, giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất...) và cơ sở vật chất - kỹ thuật (phòng thí nghiệm, thư viện, ký túc xá, phòng tập, sân bãi, hạ tầng công nghệ thông tin...) của ĐHQGHN. Cơ cấu tổ chức ĐHQG như vậy cho phép các đơn vị chủ động tập trung các nguồn lực cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất... liên quan đến chuyên ngành đào tạo, lĩnh vực nghiên cứu đặc thù của mình.
Quản trị trong ĐHQGHN được thực hiện theo cách tiếp cận quản lý sản phẩm đầu ra, thực hiện việc tăng quyền tự chủ gắn với việc nâng cao tự chịu trách nhiệm của các đơn vị; chất lượng kết quả/sản phẩm được giám sát chặt chẽ dựa vào các tiêu chí định lượng. Đặc biệt là chất lượng các đơn vị đào tạo và chương trình giáo dục trong ĐHQGHN được giám sát chặt chẽ thông qua hoạt động kiểm định chất lượng với các bộ Tiêu chuẩn Kiểm định chất lượng trường thành viên và khoa trực thuộc ĐHQGHN và Tiêu chuẩn Kiểm định chất lượng chương trình giáo dục trong ĐHQGHN với Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục trong ĐHQGHN được xây dựng khoa học, thực hiện đều đặn theo các chu kỳ nghiêm túc, đầy đủ. Hơn thế nữa, ĐHQGHN còn khuyến khích, động viên các trường thành viên tham gia kiểm định của các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín nhằm thúc đẩy nhanh hơn nữa việc nâng cao chất lượng và quá trình hội nhập.
Trải qua gần 20 năm xây dựng và phát triển, được Đảng và Nhà nước trao cho quyền tự chủ cao, ĐHQGHN đã nỗ lực khai thác những thế mạnh của quyền tự chủ đó, với sự quản lý Nhà nước, sự chỉ đạo và giúp đỡ của các Bộ, Ban, ngành trung ương và địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu với tình thần trách nhiệm và quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, của đội ngũ các các nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ, học viên, sinh viên, ĐHQGHN đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp cho việc đổi mới giáo dục đại học Việt nam:
- Về cơ bản ĐHQGHN đã xây dựng thành công và phát huy thế mạnh mô hình đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực;
- Cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao tiếp cận chuẩn quốc tế, bồi dưỡng nhân tài cho phát triển kinh tế- xã hội đất nước;
- Tiên phong đổi mới phương pháp đào tạo, xây dựng và phát triển các ngành mới có tính liên ngành cao, tổ chức đào tạo theo chuẩn quốc tế, đào tạo bằng kép ngành kép giữa các đơn vị, đi đầu trong việc giảm quy mô đào tạo đại học không chính quy, tăng quy mô đào tạo sau đại học trên cơ sở đảm bảo chất lượng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các bộ, ban, ngành, địa phương;
- Đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước nhờ nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động KH-CN, đạt được một số kết quả tầm cỡ quốc tế: tăng số lượng đề tài, dự án KHCN nhờ đấu thầu và hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học tiếp cận trình độ quốc tế; nghiên cứu KHCN có những đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước; gắn kết NCKH và đào tạo để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động NCKH góp phần quan trọng trong việc đào tạo chất lượng cao, dẫn đầu về nghiên cứu khoa học sinh viên;
- Góp phần nâng cao uy tín quốc tế và vị thế của giáo dục đại học Việt Nam trên trường quốc tế;
- Hiện đại hoá trang thiết bị, tiên phong xây dựng thành công một số nhóm nghiên cứu/phòng thí nghiệm đạt trình độ quốc tế;
- Chủ động thực hiện một cách sáng tạo chủ trương, đường lối, các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về giáo dục đào tạo.
Kết quả xếp hạng gần đây nhất vào tháng 1 năm 2012 của Webometrics cho thấy ĐHQGHN, trong khi giữ vững vị trí số 1 ở Việt Nam, đã có những bước tiến vượt bậc trong bảng xếp hạng, từ thứ hạng 1125 trên 12000 trường vào tháng 7/2011 lên thứ 850 trên 20300 trường tháng 1/2012 và đứng trong tốp 200 Châu Á. Như vậy, ĐHQGHN ở nhóm tốp 5% thế giới trong 20300 cơ sở đại học tham gia xếp hạng. Cũng theo Webometrics, ở khối Đông Nam Á, ĐHQGHN xếp hạng 24, lên 5 bậc (29) so với tháng 7/2011.
Từ các kinh nghiệm quốc tế và kinh nghiệm thực tiễn về vấn đề tự chủ đại học ở ĐHQGHN có thể rút ra một số khuyến nghị về một số mặt để tăng cường tính tự chủ cho các cơ sở GDĐH nhằm đạt đến mục đích cơ bản nhất là nâng cao được chất lượng và hiệu quả giáo dục đại học.
- Quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH cần được giao đồng bộ, bao gồm tự chủ nguồn nhân lực; tự chủ trong các vấn đề liên quan đến tuyển sinh và quản lý sinh viên; tự chủ trong các hoạt động học thuật và chương trình giáo dục như phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên, nội dung chương trình và giáo trình học liệu, v.v. ; tự chủ trong các chuẩn mực học thuật, như các tiêu chuẩn của văn bằng, các vấn đề liên quan đến kiểm tra và kiểm định chất lượng; tự chủ trong nghiên cứu và xuất bản, giảng dạy và hướng dẫn học viên cao học, các ưu tiên trong nghiên cứu và quyền tự do xuất bản; tự chủ trong các vấn đề liên quan đến quản lý hành chính và tài chính, quản lý và sử dụng ngân sách, các nguồn tài chính của trường. Bởi vì các khía cạnh này liên quan chặt chẽ với nhau, nếu không có được quyền tự chủ trong mặt này thì quyền tự chủ ở các mặt khác không thể phát huy đầy đủ được. Ví dụ như khi được giao tự chủ về tài chính thì cần được giao quyền chủ động trong tuyển sinh, xây dựng mức thu học phí và các khoản thu, v.v.
- Các quy định pháp lý về quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH cần được thống nhất, nhất quán và cùng được cập nhật ở các văn bản quản lý khác nhau, để các cơ sở GDĐH có được quyền tự chủ trọn vẹn và có cơ chế hỗ trợ thực hiện quyền tự chủ đó, tránh tình trạng tự chủ “nửa vời” hoặc trao quyền tự chủ đồng thời vẫn “trói buộc” bởi cơ chế.
- Quản lý nhà nước về GDĐH nên thực hiện ở các nội dung có tầm vĩ mô, có tính chiến lược, ở các khâu chỉ đạo, huy động, điều phối và giám sát còn các khâu quản lý và tổ chức thực hiện nên giao cho các cơ sở GDĐH chủ động.

 TS. Hoàng Thị Xuân Hoa - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: