Trang chủ   >   >    >  
IA. N.Zassoursky - Người Thầy đáng kính
Có một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động văn hóa - xã hội tầm quốc tế của Liên bang Nga vừa được Chủ tịch nước ta tặng Huân chương Hữu nghị do những đóng góp tích cực đối với sự phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa CHXHCN Việt Nam và LB Nga (Quyết định của Chủ tịch nước số 322/QĐ-CTB ngày 16/3/2012). Đó chính là GS.TS - thầy IA.N. Zassoursky của nhiều thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh học tại Khoa Báo chí Truyền thông, Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva (MGU) mang tên M.V.Lômônôxôp nổi tiếng. Ông cũng vừa được Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam phong tặng Bằng Tiến sĩ danh dự của Học viện (QĐ số 302/QĐ-HVNG ngày 21/8/2012).

Khóa chúng tôi vào năm 1980 gồm có 4 người từng là quân nhân là các anh Đồng Quang Tiến, Đinh Thế Huynh, Đỗ Quý Doãn và tôi. Về tuổi đời tôi trẻ nhất, anh Tiến lớn nhất, từng tham gia chiến đấu gần 10 năm ở chiến trường miền Nam trước ngày nước ta thống nhất. Các khóa trước, Khoa Báo chí thường nhận 2- 4 sinh viên Việt Nam, đến khóa tôi, Khoa nhận cả 4 người vào học. Anh Trần Đăng Tuấn, Nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài THVN học trước khóa chúng tôi hiện vẫn lưu giữ được cuốn danh sách do Trường Lômônôxôp và Khoa Báo chí trang trọng ghi rõ họ tên, ngày tốt nghiệp cử nhân, tiến sĩ của tất cả người nước ngoài từng theo học. Con số người Việt Nam học Khoa Báo chí khá lớn, ngoài 4 anh em chúng tôi, anh Đăng Tuấn, chị Ý Minh, còn các anh Lê Phúc Nguyên, Nguyễn Đăng Phát, Vũ Huyến, Nguyễn Đình Lanh, Lê Hải, Phạm Tiến Dũng, Vũ Đức Tân, Nguyễn Vinh Quang… Những lớp sang Nga cuối cùng, học tại Khoa Báo chí, Trường Lômônôxôp là các em Trương Lâm Tuyền, Phạm Hồng Nga, Lê Xuân Trà. 
Ngày 4 chúng tôi học tại Khoa Báo chí có nhiều kỉ niệm với Khoa và với thầy IA.N.Zassoursky. Ngày đó thầy mới 50 tuổi (thầy sinh năm 1929), uy tín khoa học đã lớn lắm rồi, thầy bảo vệ luận án tiến sĩ trước năm 30 tuổi, sau đó ít năm là giáo sư, thành thạo nhiều ngoại ngữ, có hàng chục đầu sách, liên tục trình bày các tham luận về chủ đề báo chí truyền thông tại các Hội thảo quốc tế lớn ở các cường quốc báo chí như Mĩ, Anh, Bắc Âu. Thời gian đầu bỡ ngỡ, nhiều việc chỉ liên quan đến hành chính, sinh hoạt, chúng tôi cũng xin gặp GS. Zassoursky và dù rất bận ông cũng dành thời gian tiếp, động viên cả 4 anh em chúng tôi rồi phân công trợ lí khoa trực tiếp giải quyết. Chúng tôi được nghe ông giảng bài về lịch sử báo chí nước ngoài, phân tích vai trò, ảnh hưởng của báo chí trong quan hệ quốc tế… Ông nói với chúng tôi rằng: Tôi giúp anh chị tạo nên một cây tri thức về khoa học báo chí truyền thông cho mỗi người. Cây đó có đủ gốc, thân, ngọn và các cành chính, còn chính các anh, chị phải khổ công, tâm huyết, tạo thêm thật nhiều nhành, lá, hoa, quả … để giúp đời.
Khóa tôi có anh Tiến là phát âm tiếng Nga hay nhất, hay dùng câu ngắn và diễn đạt dí dỏm. Anh Doãn và tôi phát âm vẫn pha âm sắc miền Trung Việt Nam khá nặng, nhưng khi sắp ra Trường thì anh Doãn là người duy nhất trong số chúng tôi, đã tranh thủ học thêm bằng Sư phạm tiếng Nga, được cấp bằng giảng dạy hệ đại học về tiếng Nga. Thời đó, Khoa Báo chí có các Tổ bộ môn về Báo in, Báo Truyền hình Phát thanh, Báo ảnh, lịch sử báo chí … và Phân khoa Báo chí Quốc tế (Ngành này chỉ nhận mỗi khóa khoảng 50 nam sinh viên Liên Xô với các năng khiếu về ngoại ngữ, ngoại giao…chứ không nhận người nước ngoài, trong khi Khoa Báo chí mẹ mỗi khóa tuyển khoảng 500 sinh viên - kể cả sinh viên nước ngoài). Anh Huynh đăng kí vào bộ môn Báo in, anh Doãn đăng kí ở bộ môn Truyền hình Phát thành và làm luận văn tốt nghiệp tại các bộ môn đó. Tôi và anh Tiến đăng kí tại bộ môn Báo ảnh, anh Tiến mê ảnh, giỏi kĩ thuật và sắm đủ các phương tiện xịn lúc đó nên cũng làm luận văn tại bộ môn đó, còn tôi sau chuyển sang hướng nghiên cứu vai trò báo chí truyền thông trong văn hóa đối ngoại nên làm luận văn tại bộ môn Báo in. Sau này, tôi và anh Huynh học tiếp lấy bằng tiến sĩ. Anh Huynh tiếp tục nghiên cứu đề tài liên quan lịch sử báo chí nước ta, còn tôi vẫn chọn đề tài vai trò báo chí truyền thông trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội một quốc gia. Tôi lại được làm việc với thầy Zassoursky với tư cách là thầy hướng dẫn cùng với thầy V.X.Grammaticov (công tác tại Đài Phát thanh Matxcơva). Phân công của Khoa như vậy nhưng thầy Zassoursky rất bận nên sau khi thông qua tên đề tài, góp ý về khung lí luận và kê cho một danh sách các sách cần đọc thì chủ yếu là người hướng dẫn thứ 2 giúp tôi hoàn thiện luận án. Thỉnh thoảng thầy Zassoursky lại gợi ý đọc thêm vài cuốn sách mới và cho tôi mượn vài cuốn từ chính thư viện của ông.    
Thời còn sinh viên và cả sau này làm nghiên cứu sinh nữa, tôi nổi tiếng về chịu rét kém, vì thế tôi phải mặc rất nhiều áo, tuy thế đông xuân nhị kì vẫn bị vài lần cảm cúm, viêm họng nặng. Chắc nhiều thầy cô trong khoa biết nên thầy Zassoursky cũng biết. Có lần vào mùa đông gặp tôi khi tôi đang làm nghiên cứu sinh năm thứ 2, ông hỏi: Em có lạnh không? Tôi thưa có. Ông hỏi tôi về cửa sổ phòng ở của tôi ở kí túc xá để dặn: cần dán giấy thật kín, nếu không dễ cảm lắm. Sau đó ông lại vội dặn tôi một số việc liên quan luận án. Sau khi lĩnh bằng tiến sĩ báo chí, đến chào từ biệt người thầy kính yêu, ông ngồi với tôi một lúc, ông kể lại ngày đầu tiên có sinh viên người Việt Nam đến học tại các khoa khác, rồi các khóa sinh viên Việt Nam học báo chí sớm nhất, những người mà thầy nhớ tên, dặn dò tôi rất kiệm lời, nhưng chứa chan tình cảm. Trước khi chia tay, ông tặng tôi cuốn Media Debates.
Nom thầy Zassoursky giản dị, khiêm tốn nhưng thầy rất nổi tiếng trong làng báo quốc tế, năm 2004 khi đến làm việc với GS. Micael Park, Trưởng Khoa Truyền thông Đại chúng của Đại học University of South California, khi biết tôi là học trò thầy Zassoursky, GS.M. Park đã hết sức nhiệt tình giúp đỡ tôi. Không chỉ nhiều thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam và từ nhiều quốc gia đã qua tay ông đào tạo mà các học giả, nhà nghiên cứu về báo chí truyền thông nhiều nước nữa đã từng được nghe ông giảng bài trực tiếp trên giảng đường hay tại các cuộc hội thảo, hội nghị khoa học… Do cống hiến về giáo dục văn hóa xuất sắc, năm 1996, ông được nhận giải thưởng của UNESCO.
Nhân đây tôi cũng xin thưa với thầy rằng: Trong số nhiều học trò của thầy, có nhiều người trở thành nhà báo, nhà quản lí báo chí xuất sắc, giữ các cương vị quan trọng trong xã hội thì tôi và anh Nguyễn Văn Dững (người sang học nghiên cứu sinh khóa cuối tại Khoa Báo MGU từ năm 1989) hiện là đi theo con đường giảng dạy ngành báo chí. Anh Dững từng là nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của nhà lí luận báo chí lừng danh (tác giả cuốn sách Dẫn luận báo chí) GS.TS Prokhorov. Anh Dững nay là Trưởng Khoa Báo chí của Học viện Báo chí Tuyên truyền, người đã tổ chức thành công buổi giao lưu giữa GS. Zassourky với sinh viên Học viện Báo chí tuyên truyền. Riêng tại Học viện Ngoại giao chúng tôi có Khoa Truyền thông quốc tế và văn hóa đối ngoại (đào tạo ngành Truyền thông quốc tế). Khoa này tương tự như phân khoa Báo chí quốc tế của Khoa Báo chí Trường Lômônôxôp. Tại khu vực châu Á, ngoài Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc cũng có khoa đào tạo ngành truyền thông quốc tế.
Nhân dịp mùa thu đến: Mùa thu cách mạng Tháng Tám Việt Nam, khởi đầu một thời kì báo chí mới, xin nói thêm đôi điều về nghề báo. Tại buổi thuyết trình, trao đổi trước mấy trăm giảng viên, sinh viên Học viện Báo chí Truyền thông nói trên, chúng tôi lại được dịp ôn lại nhiều kiến thức cốt lõi về báo chí truyền thông đã được thầy Zassoursky chắt lọc, cập nhật, nhấn mạnh. Đó là nền báo chí phải hội đủ tri thức, trí tuệ. Nhà báo phải là nhà tư tưởng, nhà phân tích sự kiện theo định hướng chân, thiện, mĩ và cái đúng, cái đẹp trên đời. Tác phẩm báo chí cần đảm bảo tính phân tích sâu, đúng, hấp dẫn, báo đài nào có nhiều bài phân tích được các hiện tượng, sự kiện xung quanh, hướng đến sự thật (được chọn lọc) vì không thể phân tích tất cả các sự thật đều tốt, chỉ nên chọn sự thật nào có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển xã hội. Nhiệm vụ quan trọng nhất của báo chí là chiếm được lòng tin của công chúng. Để xây dựng lòng tin thì báo in vẫn có lợi thế hơn các thể loại khác, do có thể đưa lên mặt báo những bài phân tích sâu, vì thế dù xã hội phát triển thế nào thì báo in vẫn có vị trí. Về xu hướng báo chí, thầy phân tích 2 điểm: Đối với xã hội thông tin mở rộng hiện đại, các nhà báo cần tìm đến tận các nhóm, cá nhân để phục vụ được nhu cầu ngày càng đa dạng và mang tính “tiểu chúng”. Điểm nữa là cần mở rộng đối thoại giữa người viết, công chúng và những người quan tâm vấn đề, tránh sự độc thoại của nhà báo thời kì trước đây. 
Kết thúc bài viết nhỏ về thầy của chúng tôi và nước Nga, tôi muốn nhắc đến một sinh viên người Nga mà tôi và anh Đỗ Quý Doãn rất quý. Anh ta tên là Andrrey Aiôshin người Matxcơva. Năm sinh viên thứ nhất và thứ 2 tôi và anh Doãn hay ngồi bàn thứ 2, thứ 3 trên lớp để nghe cho rõ nên thân với Andrrey. Chúng tôi phải căng hết tai mới nghe được, trong khi Andrrey và các bạn khác học rất nhàn, thỉnh thoảng Andrey vẽ kí họa các giáo sư, và thầy Zassoursky được anh vẽ khá nhiều. Tôi cũng thích vẽ nên cách đây vài năm có thử vẽ thầy Zassoursky theo tưởng tượng của mình để nhớ về thầy cùng nước Nga yêu dấu.
Tôi xin ghi ra đây bài thơ về nước Nga có bức vẽ của tôi về người thầy bởi vì rất khó tách bạch giữa thầy chúng tôi với nước Nga:
“Nhớ những chiều bên sông Matxcơva,
Mùa thu vàng, bạch dương đứng từng đôi,
Những cây phong bắt đầu quàng khăn đỏ,
Tôi một mình thơ thẩn, sương ướt vai”
(Bài Chiều thu Matxcơv, trích trong tập thơ và kí họa “Cung đàn thơ”, NXB Văn học 2008).

 PGS.TS Lê Thanh Bình - Bản tin số 260 - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: