Nhiệm vụ chiến lược
Trang chủ   >  Tin tức  >   Thông báo  >   Nhiệm vụ chiến lược
Kết luận của BCH Đảng bộ ĐHQGHN tại Hội nghị lần thứ 4 về phát triển một số ngành, chuyên ngành, sản phẩm khoa học công nghệ đạt chuẩn quốc tế

Tại hội nghị lần thứ 4, họp ngày 24/3/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) (dưới đây gọi tắt là Đảng uỷ) đã nghe và thảo luận Báo cáo chuyên đề về "Phát triển một số ngành, chuyên ngành, sản phẩm khoa học công nghệ đạt chuẩn quốc tế". Sau khi nghe báo cáo, Đảng uỷ đã thảo luận và nhất trí kết luận:  

1. Đánh giá kết quả đạt được
Nhiệm vụ chiến lược là nhiệm vụ mới, là một nội dung cốt lõi của Chiến lược phát triển ĐHQGHN, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển ĐHQGHN, là bước đi phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, đã được Đảng ủy quan tâm, chỉ đạo trong các nghị quyết, kết luận và các chỉ đạo liên quan. Trong thời gian qua, với sự quyết tâm, nỗ lực của ĐHQGHN và các đơn vị, Nhiệm vụ chiến lược bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, trong đó nổi bật là việc xây dựng và phê duyệt 11 đề án thành phần về xây dựng một số ngành, chuyên ngành đạt chuẩn quốc tế; xây dựng hệ thống văn bản chỉ đạo và bộ máy quản lý, điều hành và tổ chức triển khai; công nghệ đào tạo của trường đại học tiên tiến đã và đang được triển khai áp dụng; các đơn vị đã chủ động thực hiện kế hoạch nâng cao trình độ tiếng Anh cho giảng viên và cán bộ quản lý theo chuẩn quốc tế, một số đơn vị đã triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn tại nước ngoài, số giảng viên giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh đã tăng thêm ở một số ngành/chuyên ngành; việc tích hợp các đề tài khoa học công nghệ với Nhiệm vụ chiến lược đã được quan tâm và có một số kết quả; chương trình đào tạo từng bước được hoàn thiện; cơ sở học liệu đã và đang triển khai theo yêu cầu của Nhiệm vụ chiến lược; các đơn vị đã và đang cố gắng khắc phục khó khăn, đầu tư trong điều kiện cho phép để tạo cơ sở vật chất gồm khu giảng đường/phòng học chuẩn dành riêng cho sinh viên thuộc Nhiệm vụ chiến lược; một số đơn vị đã có sáng tạo trong việc thu hút các nguồn lực từ phía doanh nghiệp thông qua chương trình hợp tác.
2. Một số hạn chế chủ yếu
- Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của ĐHQGHN chưa đủ quyết liệt, chưa thật hiệu quả, chưa thật cụ thể và liên tục đối với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo Quy định tạm thời và các Kết luận của Đảng ủy và Giám đốc ĐHQGHN; các chính sách, định mức chưa thật phù hợp nên chưa tạo động lực về lợi ích cho đơn vị, cá nhân.
- Các đơn vị có Nhiệm vụ chiến lược chưa làm cho cán bộ và sinh viên thấm nhuần về Nhiệm vụ chiến lược; chưa làm rõ lợi ích đối với cán bộ, đơn vị và sinh viên vì vậy chưa tạo được đồng thuận và quyết tâm cao trong thời gian vừa qua để thực hiện các đề án thành phần; đội ngũ cán bộ quản lý kiêm nhiệm nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ, chưa dành đủ thời gian và chỉ đạo chưa quyết liệt, thường xuyên và chưa áp dụng theo phương thức quản trị dự án; chưa có giải pháp thích ứng nhanh khi có khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hiện (đặc biệt là trong việc tìm đối tác nước ngoài có uy tín cao); việc triển khai thực hiện Nhiệm vụ chiến lược chưa có tính khoa học cao (chưa sử dụng khung logic, sơ đồ Grantt trong lập kế hoạch thực hiện nhiệm vụ...); việc tổ chức giảng dạy tiếng Anh cho người học, cho giảng viên và cán bộ quản lý đạt hiệu quả chưa cao, đặc biệt các đơn vị chưa gắn với việc đào tạo cán bộ trong nước với việc giảng viên nước ngoài đến giảng dạy; chưa tạo được môi trường trao đổi học thuật, chưa gắn gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học một cách chặt chẽ.
3. Một số bài học kinh nghiệm
3.1. Phải làm thật tốt công tác tư tưởng, làm cho các bên liên quan hiểu đúng mục tiêu, lợi ích, sản phẩm, thuận lợi, khó khăn, thách thức để tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao, chung sức, chung lòng thực hiện thì mới có kết quả tốt, đồng thời thống nhất và kiên định chỉ đạo quyết liệt Nhiệm vụ chiến lược ở tất cả các cấp là yếu tố có tính quyết định nhất tới chất lượng, hiệu quả sản phẩm, tiến độ thực hiện nhiệm vụ chiến lược này.
3.2. Triển khai theo kế hoạch chi tiết có khung logic với các sản phẩm tương ứng các hoạt động, nguồn lực và cả mô hình tổ chức quản lý và tổ chức thực hiện phù hợp mới cho kết quả và hiệu quả cao.
3.3. Thống nhất và kiên định chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp là yếu tố quyết định tới chất lượng, hiệu quả, sản phẩm và tiến độ thực hiện Nhiệm vụ chiến lược.
3.4. Các đơn vị phải coi Nhiệm vụ chiến lược là cơ hội, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của đơn vị, chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để chỉ đạo và triển khai quyết liệt, với tinh thần biến khó khăn, thách thức thành cơ hội và quyết tâm thì mới đạt được mục tiêu và sản phẩm của Nhiệm vụ chiến lược đã đề ra.
3.5. Huy động tối đa sự tham gia của cán bộ, viên chức, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, các cơ quan, doanh nghiệp nhằm tạo ra các nguồn lực đa dạng để triển khai Nhiệm vụ chiến lược.
3.6. Lựa chọn đúng đối tác có uy tín cao, nhiệt tình, cùng chia sẻ trên tinh thần vừa hợp tác, vừa hỗ trợ thì mới có được thành công.
4. Mục tiêu
4.1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng, phát triển toàn diện ngành, chuyên ngành đạt chuẩn quốc tế làm tiền đề xây dựng, phát triển nhóm ngành, khoa, trường đạt chuẩn quốc tế.
4.2. Mục tiêu cụ thể
Nâng cao chất lượng đào tạo đạt chuẩn quốc tế làm nền tảng cho phát triển kinh tế tri thức, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nướcxuất khẩu dịch vụ đào tạokhoa học cơ bản; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giảng dạy đạt chuẩn quốc tế; nâng cao chất lượng các hoạt động nghiên cứu khoa học,công nghệ để có các sản phẩm khoa học, công nghệ đỉnh cao, đạt trình độ quốc tế, tiêu biểu của quốc gia; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác trong nước và quốc tế nhằm phát triển các nguồn lực để xây dựng khoa, trường và ĐHQGHN từng bước đạt chuẩn quốc tế.
5. Phương hướng
5.1. Trên cơ sở nâng cao chất lượng theo chuẩn quốc tế, tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành, chuyên nghành đạt chuẩn quốc tế làm cơ sở để xây dựng và phát triển nhóm ngành, khoa, trường đại học thành viên đạt chuẩn khu vực và quốc tế, từng bước xây dựng và phát triển ĐHQGHN đạt chuẩn của nhóm 200 các đại học tiên tiến Châu Á vào năm 2015 và vươn tới nhóm 200 các đại học tiên tiến của thế giới vào năm 2020, góp phần nâng cao uy tín của giáo dục đại học Việt Nam, đáp ứng tốt hơn và nhanh hơn yêu cầu phát triển đất nước.
5.2. Triển khai toàn diện các nội dung để đạt được đầy đủ các sản phẩm của Nhiệm vụ chiến lược, đó là: 1) Nguồn nhân lực có đạo đức và nhân cách tốt của người Việt Nam, có trình độ chuyên môn cao, có năng lực và kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam và thị trường lao động quốc tế, góp phần xuất khẩu dịch vụ đào tạo và khoa học cơ bản đến các nước trong khu vực và trên thế giới; 2) Đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, kiến thức, kỹ năng đạt chuẩn quốc tế; 3) Các sản phẩm khoa học công nghệ đạt trình độ quốc tế, tiêu biểu của quốc gia bao gồm các phát minh, sáng chế, phát hiện mới, dữ liệu mới, thông tin mới, giải pháp mới, đề xuất mới đủ điều kiện để được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế và các tạp chí chuyên ngành trong nước có uy tín, các bằng phát minh sáng chế, sách chuyên khảo có giá trị, những kết quả nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn, các hợp đồng nghiên cứu, triển khai; 4) Hệ thống chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy - học tập, phương pháp kiểm tra đánh giá, quản lý đào tạo, quản trị nguồn nhân lực, quản trị tài chính, môi trường học thuật đạt chuẩn của các trường đại học tiên tiến có uy tín cao trên thế giới; 5) Hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo, hệ thống phần mềm, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học để đạt các sản phẩm nói trên; 6) Nâng cao hiệu quả hợp tác trong nước và quốc tế, tăng thêm các nguồn lực để xây dựng và phát triển ĐHQGHN nói chung và từng đơn vị nói riêng, thu hút được nhiều nhà khoa học xuất sắc và các sinh viên quốc tế đến học tập, nghiên cứu và làm việc; 7) Hệ thống cơ sở dữ liệu ở dạng in và dạng điện tử theo định dạng chuẩn do ĐHQGHN quy định.
5.3. Triển khai các giải pháp đột phá nhằm phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu, quản lý đạt chuẩn quốc tế làm cơ sở để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, phương hướng của Nhiệm vụ chiến lược.
5.4. Tiếp tục đẩy mạnh mở rộng qui mô gắn với phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng và nâng cao hiệu quả các đề án thành phần thuộc Nhiệm vụ chiến lược.  
5.5. Huy động và tích hợp các nguồn lực khác nhau (từ các dự án TRIG, PUF, 165... ) để thực hiện và đảm bảo tính bền vững của vào Nhiệm vụ chiến lược.
6. Giải pháp
6.1. Hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, quản lý, điều hành, các chỉ tiêu, tiêu chí ngành, chuyên ngành, khoa, trường đạt chuẩn quốc tế, định mức về từng lĩnh vực phù hợp với Nhiệm vụ chiến lược và quy định của Nhà nước. Trong đó có việc sửa đổi Quy định tạm thời (ban hành kèm theo Quyết định số 1022/QĐ-ĐHQGHN ngày 25/3/2009) theo hướng tích hợp đầy đủ các nội dung trong các Kết luận của Đảng ủy, Ban giám đốc và Ban chỉ đạo Nhiệm vụ chiến lược về triển khai Nhiệm vụ chiến lược, giải quyết được các vướng mắc hiện nay phù hợp với đặc thù của các ngành, chuyên ngành.
6.2. Ban Giám đốc ĐHQGHN chỉ đạo triển khai các mô hình quản lý đề án thành phần, tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển đội ngũ cán bộ, phát triển điều kiện đảm bảo chất lượng, huy động các nguồn lực, hoàn thiện hệ thống tổ chức chỉ đạo, điều hành, quản lý và tổ chức thực hiện Nhiệm vụ chiến lược, các đề án thành phần, đặc biệt quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng bộ phận, đảm bảo triển khai nhanh, hiệu quả, đơn giản các nội dung của Nhiệm vụ chiến lược, các đề án thành phần theo đầy đủ các sản phẩm được xác định dựa trên Quy định tạm thời (ban hành kèm theo Quyết định số 1022/QĐ-ĐHQGHN ngày 25/3/2009) và các Kết luận của Ban chỉ đạo Nhiệm vụ chiến lược.
6.3. Cùng với việc chỉ đạo quyết liệt thực hiện các đề án thành phần, các Kết luận của Ban Giám đốc ĐHQGHN, Ban chỉ đạo Nhiệm vụ chiến lược và Kết luận này của Đảng ủy, Thủ trưởng các đơn vị đào tạo chỉ đạo khắc phục các yếu kém, bất cập trong thời gian qua và triển khai thực hiện tốt các trọng tâm sau đây đảm bảo đạt sản phẩm với chất lượng cao: đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hiệu quả cán bộ giảng dạy, nghiên cứu và quản lý; phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng, trong đó có việc đổi mới quản trị đại học theo chuẩn quốc tế, xây dựng bộ học liệu, tài liệu theo chuẩn quốc tế, huy động và tích hợp các nguồn lực khác nhau (từ các dự án TRIG, PUF, 165... ) để thực hiện và đảm bảo tính bền vững của vào Nhiệm vụ chiến lược; thực hiện giảng dạy dựa vào nghiên cứu khoa học và nghiên cứu khoa học dựa vào đào tạo; cung cấp, chia sẻ, sử dụng đầy đủ thông tin kịp thời và chính xác theo yêu cầu của Nhiệm vụ chiến lược, các đề án thành phần và người học.
6.4. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo tiếng Anh do Trường Đại học Ngoại ngữ phụ trách. Trong đó có thực hiện Kết luận của Ban Thường vụ Đảng ủy và Quy định tạm thời số 1022/QĐ-ĐHQGHN ngày 25/3/2009; xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch đưa sinh viên đi thực tập thực tế tại nước ngoài; thực hiện tốt Kết luận của Ban Thường vụ Đảng ủy về đào tạo tập trung tiếng Anh đối với học viên cao học, nghiên cứu sinh của Nhiệm vụ chiến lược trên cơ sở phù hợp với thời gian và đối tượng học; tăng cường sự phối hợp giữa Trường Đại học Ngoại ngữ và các đơn vị có đề án thành phần trong việc thực hiện nhiệm vụ này.
6.5. Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu  theo định dạng chuẩn của ĐHQGHN bao gồm toàn bộ hệ thống văn bản quản lý điều hành của ĐHQGHN và đơn vị; cơ sở học liệu; hệ thống thông tin về khoa học công nghệ, luận văn, luận án; hệ thống thông tin về người học, người dạy và về đào tạo; các hệ thống thông tin khác phản ánh sản phẩm, các nội dung, các đơn vị có các dự án thành phần và các đơn vị có liên quan.
6.6. Ban Giám đốc ĐHQGHN chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức thực hiện, tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên, đồng thời chỉ đạo các đơn vị tự giám sát, tự kiểm tra và đánh giá, báo cáo đầy đủ, kịp thời với Ban chỉ đạo Nhiệm vụ chiến lược.
6.7. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác với các cơ quan, đơn vị sử dụng sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học và các đối tác có uy tín cao để phát huy các nguồn lực thực hiện Nhiệm vụ chiến lược đáp ứng tốt hơn yêu cầu của phát triển đất nước.
7. Tổ chức thực hiện
7.1. Các cấp ủy đảng trực thuộc quán triệt đầy đủ tầm quan trọng, lợi ích của Nhiệm vụ chiến lược tới cán bộ, đảng viên, viên chức, đồng thời quan tâm, chỉ đạo sâu sát việc tổ chức thực hiện, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát và định kỳ tự đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nhiệm vụ chiến lược, coi đây là giải pháp đột phá để phát triển đơn vị đạt chuẩn quốc tế. Kết quả thực hiện Nhiệm vụ chiến lược là tiêu chí quan trọng để đánh giá tổ chức cơ sở đảng đối với các đơn vị tham gia triển khai Nhiệm vụ chiến lược.
7.2. Ban Tuyên giáo Đảng ủy chủ trì phối hợp chặt chẽ với Ban Chấp hành Công đoàn và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội sinh viên tăng cường hơn nữa việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt trong cán bộ, viên chức và sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh có nhận thức đầy đủ và sâu sắc nhằm tiếp tục tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao để thực hiện thắng lợi Nhiệm vụ chiến lược. 
7.3. Các cấp chính quyền triển khai quyết liệt, coi Nhiệm vụ chiến lược là nhiệm vụ ưu tiên cao nhất, đồng thời thường xuyên tổ chức đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện với cấp ủy tương ứng; huy động, tích hợp, chia sẻ, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai phát triển một ngành, chuyên ngành, sản phẩm khoa học công nghệ đạt chuẩn quốc tế.
7.4. Ban Tổ chức Đảng ủy chỉ đạo quyết liệt và triển khai các giải pháp đột phá trong việc triển khai xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu của Nhiệm vụ chiến lược.
7.5. Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy kiểm tra, giám sát toàn diện, định kỳ đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện Kết luận của Đảng ủy, báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy và Đảng ủy.
7.6. Ban Thường vụ Đảng ủy chỉ đạo tổ chức thực hiện Kết luận của Đảng ủy, định kỳ tiến hành đánh giá kết quả và báo cáo Đảng ủy.

 
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :