Tuyển sinh
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tuyển sinh  >  
Phạm Lê Nguyên: Xin Thầy/Cô cung cấp cho em thông tin chi tiết về các ngành Khảo cổ học và Lịch sử Việt Nam ở Khoa Lịch sử ạ? Em cảm ơn.

TS Trần Thiện Thanh:
Hướng ngành Khảo cổ học:
Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử Trường ĐHKHXH&NV là cơ sở đào tạo duy nhất xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đào tạo từ bậc đại học cho đến cao học, tiến sĩ chuyên ngành Khảo cổ học. Chương trình đào tạo của Bộ môn được xây dựng cập nhật, trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nước như Pháp, Nga, Mỹ. Bộ môn cũng mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều đại học lớn trên thế giới có ngành Khoa học Khảo cổ rất phát triển như Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), Đại học Kanazawa (Nhật Bản), Đại học Tôn Trung Sơn (Trung Quốc), Viện Khảo cổ học Cộng Hòa Liên Bang Đức… Nhiều dự án hợp tác lớn được triển khai như Dự án nghiên cứu niên đại AMS văn hóa Hòa Bình với Đại học Quốc gia Seoul, Dự án nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh với Viện KCH Đức, Dự án Đào tạo và Nghiên cứu Di sản văn hóa với Đại học Kanazawa… Trong nước, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học của Bộ môn đã đóng góp công sức và để lại dấu ấn với việc phát hiện và khai quật nhiều nền văn hóa khảo cổ của đất nước. Việc công nhận Hội An, Mỹ Sơn, Kinh thành Huế là di sản thế giới cũng có công rất lớn của các thầy cô giáo của Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV.
Sinh viên chuyên ngành được học các chuyên đề như: Thời đại đồ đá Việt Nam, Thời đại kim khí Việt Nam, Gốm sứ học và lịch sử gốm sứ Việt Nam, Khảo cổ học Trung Quốc, Khảo cổ học Champa…
Các em có thể truy cập đường link sau để hiểu thêm về ngành học này nhé:
http://www.ussh.vnu.edu.vn/d4/news/GS-Kikuchi-Seiichi-Nho-Khao-co-hoc-de-hieu-hon-ve-Viet-Nam-1-9539.aspx
Hướng ngành Lịch sử Việt Nam (do hai bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại và Lịch sử Việt Nam cận hiện đại đảm nhiệm).
Hai bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại và Lịch sử Việt Nam cận hiện đại là hai trong số ít bộ môn của Khoa Lịch sử ra đời ngay từ ngày đầu thành lập Khoa, đến nay đã gần 58 năm. Hai bộ môn đảm nhiệm chương trình cơ sở của Khoa Lịch sử: Lịch sử Việt Nam từ cổ trung đại đến cận hiện đại và các môn học, chuyên đề về lịch sử Việt Nam cho sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ tư; đảm nhiệm chương trình đào tạo cao học và nghiên cứu sinh của khoa và một số khoa khác trong trường. Sinh viên hướng ngành sẽ được học các chuyên đề chuyên sâu về Chế độ ruộng đất trong lịch sử cổ và trung đại Việt Nam; Tiếp xúc văn hóa Đông-Tây ở Việt Nam thời cận đại; Biến đổi kinh tế- xã hội Việt Nam 1945-2010…
Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại và Lịch sử Việt Nam cận hiện đại không chỉ đào tạo sinh viên trong nước mà còn góp phần đào tạo sinh viên nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Triều Tiên, Indonesia, Liên Xô, Hà Lan, Pháp, Nhật Bản, Australia, Hungari, Rumani,…
Cho đến nay, số lượng công trình khoa học đã được công bố ở trong và ngoài nước của cán bộ trong hai Bộ môn (không kể cán bộ đã chuyển công tác sang các bộ môn và cơ quan khác) đã là trên dưới 2000 công trình. Đây là sự đóng góp đáng kể cho thành tích của Khoa Lịch sử, của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và của ngành lịch sử cả nước nói chung.

 VNU Media - USSH
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   |