Tuyển sinh
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tuyển sinh  >  
ĐHQGHN thực hiện đổi mới tuyển sinh theo đánh giá năng lực
Sáng nay (25.8.2014), trên rất nhiều trang báo có đưa tin về phương án đổi mới tuyển sinh của ĐHQGHN, để có thêm đầy đủ thông tin cung cấp cho bạn đọc, PV của website ĐHQGHN đã phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo của ĐHQGHN.

Là người đã nhiều năm công tác, gắn bó với ĐHQGHN, đồng thời với tư cách là Trưởng Ban Đào tạo của ĐHQGHN, xin ông cho biết rõ những nội dung cơ bản của phương án hướng đổi mới tuyển sinh của ĐHQGHN?

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng các phương án tuyển sinh của các nước tiên tiến trên thế giới, ĐHQGHN lựa chọn đổi mới tuyển sinh theo phương án về cơ bản theo hình thức tương tự như của Hoa Kỳ, có cân nhắc và điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh và các điều kiện đặc thù của Việt Nam, cụ thể như sau:

Thí sinh phải làm bài thi chuẩn hoá đánh giá năng lực chung và bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt (tương tự như bài thi SAT1 và SAT 2 của Hoa Kỳ) .

Đề thi chuẩn hóa đánh giá năng lực chung (tương tự như SAT1), là đề thi trắc nghiệm.  Bài thi chuẩn hóa ĐGNL chung được xây dựng với cấu trúc đầy đủ 4 hợp phần là: (i) Toán; (ii) Ngữ văn; (iii) KHTN; và, (iv) KHXH. Tổng số có 180 câu trắc nghiệm khách quan. Thời gian làm bài 215 phút (trong 1 buổi). Trọng số theo mức năng lực là 20% dễ; 60% trung bình và 20 khó; Nội dung các hợp phần bao phủ toàn diện 3 năm THPT, nhưng có trọng số theo nội dung ở lớp 12. Hai hợp phần KHTN & KHXH bao phủ toàn diện nội dung lớp 11 và 12, với trọng tâm là lớp 12. Bài thi được chấm theo 4 đầu điểm riêng rẽ của 4 hợp phần.

Năm 2014, ĐHQGHN áp dụng bài thi này để tuyển các em đã trúng tuyển kỳ thi 3 chung vào học các chương trình chất lượng cao, tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế (vào ngày 10.9.2014) nên đề thi ĐGNL của năm 2014 được thiết kế giản dị hơn, gồm 3 hợp phần: 50 câu hỏi về kiến thức Toán học, 50 câu hỏi về kiến thức Ngữ văn (với cơ cấu  10% trong chương trình lớp 10, 20% trong chương trình kiến thức lớp 11 và 70% trong chương trình lớp 12) và 40 câu hỏi ở phần tự chọn (thí sinh có thể lựa hợp phần bao gồm 40 câu kiến thức Vật lý, Hóa học, Sinh học hoặc 40 câu kiến thức Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân (với cơ cấu kiến thức 30% lớp 11 và 70% lớp 12). Đề thi ĐGNL năm 2014 có tổng số 140 câu hỏi (mỗi câu hỏi trả lời đúng được 1 điểm, câu trả lời sai hoặc không trả lời không được tính điểm), thời gian làm bài là 195 phút.

Sau khi có kết quả bài thi ĐGNL chung, vào ĐHQGHN các em còn phải thực hiện bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt (tương tự như SAT 2 của Hoa Kỳ) nhằm đánh giá năng lực và kiến thức để tuyển chọn thí sinh vào học các ngành nghề cụ thể ở bậc đại học. Ví dụ những em thi vào khối các ngành KHTN-CN như Toán học, Cơ học, CNTT… có thể lựa chọn môn thi chuyên biệt là toán học; các em chọn các ngành về hóa học, sinh học có thể thi môn chuyên biệt là hóa học; các em lựa chọn vào học KHXHNV có thể chọn môn thi là văn học,….Các môn thi chuyên biệt này do Hội đồng Khoa học và Đào tạo của từng trường xem xét, quyết định cho từng ngành/nhóm ngành/lĩnh vực. Các ứng viên chỉ thi 1 bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt theo qui định.

Điểm tôi muốn nhấn mạnh là ĐHQGHN xây dựng và phát triển theo định hướng mô hình ĐH nghiên cứu tiên tiến nên việc thí sinh phải làm thêm bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt là cần thiết. Các trường khác không nhất thiết áp dụng bài thi này, nhưng cũng có thể tổ chức thêm 1 bài thi đơn môn dạng tự luận, câu hỏi mở hoặc thi năng khiếu để có thêm thông tin đánh giá về thí sinh tuyển chọn vào các chương trình có những đòi hỏi đặc thù.

Với ĐHQGHN, các em đăng ký học hệ đào tạo chất lượng cao, tài năng, tiên tiến hay chuẩn quốc tế ngoài điểm làm bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực chung và bài thi ĐGNL chuyên biệt với điểm số cao, còn được đánh giá thông qua hồ sơ và các thành tích khác, ví dụ như hệ tài năng yêu cầu học lực 3 năm học cấp 3 phải đạt loại giỏi, hoặc có thành tích trong các đội tuyển học sinh giỏi của các tỉnh, của quốc gia, quốc tế,…

Như vậy có thế thấy việc tuyển sinh của ĐHQGHN được đánh giá một cách toàn diện và khách quan, phù hợp với xu thế chung của các nước tiên tiến trên thế giới.

Xin ông cho biết những căn cứ và điều kiện để VNU triển khai hình thức tuyển sinh mới nói trên một cách khả thi?

Trước hết là căn cứ vào các cơ sở khoa học.  Phương pháp thiết kế và chuẩn hóa các dạng trắc nghiệm để đo các năng lực trong bài thi của ĐHQGHN được thiết kế và chuẩn hóa dựa trên các lý thuyết tâm trắc học cũng như lý thuyết khảo thí hiện đại, tương tự như các bài thi SAT, ACT, GMAT, GRE,v.v.

Hai là, phương thức tuyển sinh ĐGNL của ĐHQGHN được tiếp thu học hỏi từ kinh nghiệm và thông lệ của các nước tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ, kết hợp với thực tế ở Việt Nam. Phương án ĐMTS của ĐHQGHN có sự tham gia và hỗ trợ của các chuyên gia phát triển đề thi đánh giá năng lực quốc tế (đến từ Educational Testing Service - ETS, Hoa Kỳ) cũng như cố vấn về chính sách tuyển sinh của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ có bài thi SAT1 và SAT2, ĐHQGHN chọn bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực chung và bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, có tham khảo thêm bài thi dạng ACT (tăng cường hàm lượng kiểm tra kiến thức trong bài thi ĐGNL so với SAT) và được tiếp thu, chọn lọc, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tế Việt Nam.

Điểm thứ ba, theo tôi là điểm quan trọng nhất để ĐHQGHN vững vàng và tự tin triển khai ĐMTS, là chúng tôi đã có định hướng và từng bước chuẩn bị kỹ càng cho đổi mới tuyển sinh theo đánh giá năng lực từ rất lâu. Khởi nguồn từ năm 1997 khi triển khai tuyển chọn các em học sinh giỏi vào học các hệ tài năng, sau đó là những kết quả  nghiên cứu từ Đề tài cấp Nhà nước về các công cụ để đánh giá tuyển chọn, phát hiện và quy trình đào tạo và bồi dưỡng tài năng từ năm 2004-2005, đến nay ĐHQGHN đã xây dựng được 4000 câu hỏi nguồn và đào tạo được khoảng 50 cán bộ có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn tốt chuyên viết câu hỏi cho bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực. ĐHQGHN có thế mạnh là đại học đa ngành, đa lĩnh vực có đầy đủ các chuyên gia trong mọi lĩnh vực, từ KHTN-CN đến XHNV, Kinh tế -Luật, Ngoại ngữ,…nên đã chủ động xây dựng được các câu hỏi nguồn có chất lượng. Hơn nữa, ĐHQGHN cũng đã thành lập Viện Đảm bảo Chất lượng giáo dục, Trung tâm khảo thí và đã đi vào hoạt động hiệu quả;  có đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên đã được tập huấn về công tác đổi mới tuyển sinh, đã được thử nghiệm cả ở bậc đại học và sau đại học.

Một điểm cần nhấn mạnh là phần mềm cho ĐMTS đánh giá năng lực cũng do các chuyên gia của ĐHQGHN xây dựng. Việc làm bài thi và chấm được thực hiện trực tiếp trên máy tính, nên đảm bảo tính khách quan, chính xác và công bằng trong quá trình làm bài và chấm thi. Đó là những cơ sở vững chắc và điều kiện thực tế thuận lơi và khả thi để ĐHQGHN tiếp tục triển khai đổi mới tuyển sinh một cách hiệu quả và chắc chắn.

Vậy ông có thể cho biết lộ trình đổi mới tuyển sinh ở ĐHQGHN?

Để triển khai các chủ trương nói trên, ngay từ đầu năm 2013 ĐHQGHN đã chủ động thành lập Ban chỉ đạo Đổi mới tuyển sinh do đồng chí Giám đốc Phùng Xuân Nhạ trực tiếp làm Trưởng Ban, các đồng chí Hiệu trưởng các trường đại học thành viên, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng tham gia Ban chỉ đạo. Ban Đào tạo là cơ quan thường trực. Lộ trình ĐMTS bậc đại học của ĐHQGHN hiện nay được Ban chỉ đạo thống nhất như sau:

- Năm 2014, áp dụng bài thi chuẩn hóa ĐGNL tuyển chọn các em vào hệ chất lượng cao, tài năng, các chương trình tiên tiến, nhiêm vụ chiến lược (chuẩn quốc tế) ở ĐHQGHN sau khi đã trúng tuyển kỳ thi 3 chung vào ĐHQGHN (và do vậy không áp dụng bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt). Việc làm bài thi sẽ được thực hiện trên máy tính.

- Năm 2015, áp dụng phương án tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực đối với các ngành đào tạo có chương trình đào tạo cử nhân tài năng, tiên tiến, chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế. Kỳ thi đánh giá năng lực chung và chuyên biệt sẽ được tổ chức trước kỳ thi tuyển sinh ĐH 3 chung. Vì vậy, các ứng viên dự tuyển vào các chương trình này, sau khi dự thi các bài thi đánh giá năng lực, vẫn có cơ hội tham gia kỳ thi 3 chung để thử sức vào các ngành khác đào tạo hệ chuẩn trong ĐHQGHN hoặc các trường đại học khác tuyển sinh theo kỳ thi 3 chung của Bộ.

- Năm 2016: Trên cơ sở những kinh nghiệm đã triển khai, áp dụng đại trà tuyển sinh theo hướng đánh giá năng lực cho tất cả các ngành đào tạo ĐH trước thời điểm kỳ thi tuyển sinh ĐH theo hình thức 3 chung của Bộ GD & ĐT.

Tuy nhiên, lộ trình trên sẽ được điều chỉnh phù hợp với những chủ trương và quyết sách về ĐMTS của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chẳng hạn nếu bài thi ĐGNL chung của ĐHQGHN được Bộ công nhận, dùng để xét tốt nghiệp THPT trên toàn quốc, ĐHQGHN sẽ đẩy nhanh lộ trình ĐMTS theo lộ trình chung của ngành, đồng thời sẽ có phương án để bổ sung nhiều câu hỏi nguồn,  phối hợp với địa phương và các đơn vị khác để đảm bảo điều kiện CSVC phục vụ cho việc triển khai thi online bài thi ĐGNL chung trên phạm vi toàn quốc.

Để cho việc triển khai này có ý nghĩa rộng lớn hơn, xin ông cho biế khả năng có thể chia sẻ và áp dụng cho các đơn vị ngoài ĐHQGHN?

Quan điểm và nhận thức của tôi là tự chủ về tuyển sinh không có nghĩa là mỗi trường có một bài thi tuyển sinh riêng biệt cho mình. Khi bỏ kỳ thi 3 chung, một em dự định thi vào 3 trường không thể cùng lúc ôn thi với 3 bài thi với các định hướng khác nhau, như vậy sẽ không khả thi. Một trong những thành công của kỳ thi 3 chung là định hướng được công tác tuyển sinh và định hướng được sự chuẩn bị của thí sinh. Công tác đổi mới tuyển sinh muốn thành công cũng phải đáp ứng được tiêu chí này.

Hơn nữa, việc tuyển sinh và công tác tổ chức tuyển sinh là hai hoạt động rất khác nhau. Kinh nghiệm nhiều năm tham gia chỉ đạo công tác tuyển sinh cho thấy để công tác tổ chức tuyển sinh được thành công phải đảm bảo được những yếu tố quan trọng nhất như: bộ đề phải chuẩn và chất lượng tốt để đánh giá được chính xác năng lực của thí sinh, qua kết quả thi phải chọn lọc được thí sinh; hai là công tác tổ chức thi tuyển từ khi ra đề, làm bài đến công tác chấm thi, công bố kết quả đều phải được giám sát chặt chẽ, khách quan, được xã hội tin cậy; ba là phải phù hợp với hệ thống giáo dục hiện tại của Việt Nam (chương trình đào tạo, hệ thống giáo trình, học liệu,…) và điều quan trọng thứ tư (đối với đổi mới tuyển sinh theo đánh giá năng lực) là phải có cơ sở hạ tầng CNTT mạnh và hiện đại, chuẩn, đáp ứng được yêu cầu đăng ký thi, làm bài thi và chấm trên máy, theo hình thức online. Năm là phương án của ĐHQGHN linh hoạt, các trường đại học có thể tuyển thí sinh vào trường mình với mức điểm khác nhau của bài thi ĐGNL chung. Bài thi ĐGNL chuyên biệt cũng chỉ áp dụng cho một số trường đại học trọng điểm, các trường đại học có định hướng nghiên cứu, như vậy tuyển sinh sẽ phù hợp và đáp ứng với việc phân tầng các trường đại học ở Việt Nam trong tương lai và Sáu là có thể thực hiện “hai trong một”, qua kết quả bài thi ĐGNL chung không chỉ xét tuyển vào đại học, cao đẳng, mà có thể lấy điểm sàn của bài thi này để xét tốt nghiệp THPT (nếu được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép).

Cách tuyển sinh của ĐHQGHN có thuận lợi là đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như vậy. Xu thế chung của thế giới và theo tôi Việt Nam cũng không ngoại lệ, là việc tổ chức thi nên giao cho những tổ chức, trung tâm lớn, có năng lực về đội ngũ, CSVC và kinh nghiệm thực hiện để công tác thi tuyển có chất lượng và có độ tin cậy cao. Trên cơ sở kết quả bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực chung của ĐHQGHN, các trường khác nhau có thể chọn những mức điểm chuẩn khác nhau để tuyển sinh, chọn thí sinh trúng tuyển vào các ngành nghề khác nhau của trường mình, như vậy vừa an tâm về chất lượng đầu vào, vừa đỡ tốn kém cho cả các gia đình, các cơ sở đào tạo và xã hội.

Ưu điểm của phương án đổi mới tuyển sinh của ĐHQGHN là bài thi chuẩn hóa đánh giá năng lực chung có thể tổ chức thường xuyên, nhiều lần trong năm. Thí sinh có thể chủ động đăng ký dự tuyển kỳ thi đánh giá năng lực vào thời điểm phù hợp và đương nhiên có thể thi trước kỳ thi 3 chung. Từ phương thức tổ chức và triển khai tuyển sinh như vậy, cùng với việc tổ chức đào tạo theo tín chỉ, tất yếu sẽ là tiền đề cho việc tuyển sinh và triệu tập nhập học vào đại học 2 lần trong năm như ở các nước tiên tiến, như vậy sẽ giảm bớt áp lực của xã hội lên một kỳ thi tuyển sinh đại học như hiện nay, đồng thời sẽ là luồng gió mới làm thay đổi căn bản hoạt động tuyển sinh đại học của Việt Nam.

Tôi tin tưởng chắc chắn với những bước đi vững chắc, thận trọng, bài bản và sự chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, có cơ sở khoa học và kinh nghiệm thực tiễn như vậy, việc đổi mới tuyển sinh ở ĐHQGHN sẽ thành công và có sức lan tỏa.

Trước những thông tin về nhiều phương án đổi mới thi tuyển sinh, là một giảng viên đại học, đồng thời cũng là thường trực của Ban chỉ đạo ĐMTS của ĐHQGHN, ông có thông điệp gì cho các bạn học sinh phổ thông có mục tiêu chuẩn bị hàng trang vượt qua cửa vũ môn để bước vào giảng đường đại học trong năm tới ? 

Đổi mới phương thức tuyển sinh thực chất là thay đổi hình thức thi tuyển, đánh giá, còn bản chất vẫn là năng lực nhận thức, kiến thức và những năng lực khác mà các em thí sinh đã được tiếp thu, đào tạo và tích lũy ở bậc phổ thông.

Bài thi ĐGNL chung không khó, không nằm ngoài kiến thức phổ thông. Với bài thi ĐGNL như SAT1, SAT2 của Hoa Kỳ, nội dung kiến thức bao hàm cả trong suốt cả bậc THCS và THPT, trong khi bài thi ĐGNL của ĐHQGHN vẫn trọng tâm vào kiến thức lớp 12, chỉ có 20% kiến thức ở lớp 11 và 10% ở lớp 10. Hơn nữa, nếu được Bộ chấp nhận có thể sử dụng để thay thế cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, bài thi có thể được làm trong nhiều đợt. Nếu đợt đầu các em chưa có kết quả đạt hoặc kết quả còn thấp, các em có thể đăng ký thi lại cho đạt yêu cầu, hoặc để cải thiện điểm với kết quả thi cao hơn. Thi ĐGNL sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho các em. Bên cạnh đó, ĐHQGHN vẫn có bài thi ĐGNL chuyên biệt để các em học sinh giỏi, học sinh năng khiếu có cơ hội thể hiện. Các em hoàn toàn yên tâm chuẩn bị thích nghi và làm quen với những đổi mới trong tuyển sinh theo phương án của ĐHQGHN.

Vào được đại học đã khó, nhưng phía trước còn cả quá trình học tập, phấn đấu và rèn luyện trong những năm tháng ở giảng đường đại học. Những kiến thức cơ bản được trang bị ở bậc đại học là nền tảng vô cùng quan trong trọng sự nghiệp của mỗi cá nhân. Triết lý của ĐHQGHN là gắn đào tạo với nghiên cứu, học gắn với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Đào tạo ở ĐHQGHN không chỉ nhằm trang bị cho sinh viên đầy đủ kiến thức, năng lực sáng tạo, phẩm chất đạo đức, không chỉ để sau khi ra trường các em có công ăn việc làm tốt,  mà còn chú trọng đào tạo cho sinh viên các kỹ năng và năng lực tổ chức, đặc biệt là phát triển tư duy, tầm nhìn, tạo cho sinh viên có đầy đủ bản lĩnh và nghị lực để vào đời và sáng nghiệp. Chúc các em tự tin, tràn đầy hoài bão và thành công, “hạnh phúc chỉ mỉm cười với những ai kiên trì và hăng say lao động”. Cánh cửa giảng đường ĐHQGHN luôn rộng mở chào đón các em!

Trân trọng cảm ơn ông !

 

 PV - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
Trang: 1   | 2   | 3   | 4   | 5   | 6   | 7   | 8   | 9   | 10   | 11   | 12   | 13   | 14   | 15   | 16   | 17   | 18   | 19   | 20   | 21   |