Tuyển sinh
Trang chủ   >  Tin tức  >   Tuyển sinh  >  
Tuyển sinh sau đại học năm 2015 của ĐHQGHN: Một số điểm mới
Ngày 11 và 12 tháng 4/2015 các thí sinh sẽ tham dự kỳ tuyển sinh sau đại học (SĐH) đợt 1 năm 2015 của ĐHQGHN, tương tự như các năm trước, năm nay ĐHQGHN vẫn tổ chức 2 đợt tuyển sinh SĐH.

>>> Các chương trình đào tạo thạc sỹ

>>> Các chương trình đào tạo tiến sĩ

Đợt 1 sẽ thi tuyển vào các ngày 11 và 12/04/2015; tổ chức đánh giá hồ sơ chuyên môn (tuyển sinh đào tạo tiến sĩ) từ ngày 14/04 đến 29/04/2015. Đợt 2 thi tuyển vào các ngày 12 và 13/09/2015; tổ chức đánh giá hồ sơ chuyên môn (tuyển sinh đào tạo tiến sĩ) từ ngày 15/09 đến 30/09/2015.

Ngoài 5 Hội đồng tuyển sinh tổ chức thi của năm 2014, năm 2015 ĐHQGHN cho phép Trường Đại học Giáo dục tổ chức tuyển sinh riêng. Như vậy, trong năm 2015, toàn ĐHQGHN có 06 Hội đồng tuyển sinh sau đại học tổ chức thi.

Theo số liệu thống kê của các Hội đồng tuyển sinh, tính tới thời điểm hiện tại đã có gần 2000 hồ sơ đăng ký dự thi thạc sĩ và hơn 120 hồ sơ đăng ký dự tuyển tiến sĩ đợt 1/2015.

Phó trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN Vũ Quốc Thái cho biết, với việc áp dụng Quy chế đào tạo thạc sĩ được ban hành vào ngày 10/12/2014, công tác tổ chức thi tuyển sinh SĐH năm 2015 của ĐHQGHN sẽ có một số thay đổi.

Điểm thay đổi lớn nhất là trong chính sách đối với môn thi Ngoại ngữ. Các thí sinh có năng lực ngoại ngữ đúng với yêu cầu về trình độ và môn thi ngoại ngữ theo quy định của đơn vị đào tạo và của ĐHQGHN sẽ được miễn thi môn ngoại ngữ.

Với thí sinh dự tuyển tiến sĩ, người dự tuyển (kể cả các chuyển tiếp sinh) phải có minh chứng về trình độ ngoại ngữ theo quy định tại thời điểm nộp hồ sơ đăng kí dự tuyển (chứng chỉ trình độ ngoại ngữ tương đương bậc 3/6 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc bằng tốt nghiệp đại học/bằng thạc sĩ được đào tạo ở nước ngoài hoặc bằng tốt nghiệp đại học ngành ngoại ngữ).

Đặc biệt, trong năm 2015, tiếp nối thành công và kinh nghiệm của các kì thi trước, ĐHQGHN tiếp tục mở rộng thí điểm tuyển sinh theo phương thức Đánh giá năng lực.

Các học viên trong một giờ học tại phòng thí nghiệm của Trường ĐH Công nghệ (ảnh: Bùi Tuấn)

Định hướng đổi mới tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực đã được ĐHQGHN “thai nghén” từ năm 2004. Công tác chuẩn bị được bắt đầu từ năm 2011 với việc nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn của phương thức tuyển sinh mới, xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực và giao cho một số đơn vị đào tạo thí điểm tổ chức thi tuyển sinh sau đại học theo hướng đánh giá năng lực...

Số lượng thí sinh, số lượng chuyên ngành đăng kí tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực tăng lên rõ rệt theo từng năm.

Nếu như trong năm đầu tiên thí điểm (năm 2011) chỉ có 89 thí sinh với 01 chuyên ngành đăng kí tuyển sinh theo phương thức này thì đến đợt 2 năm 2014 đã có 653 thí sinh thuộc 18 chuyên ngành và đến đợt tuyển sinh này con số là 1.115 / tổng số 1.752 thí sinh thuộc 60 chuyên ngành đăng kí dự thi theo phương thức Đánh giá năng lực.

Thí sinh tham dự kì thi theo phương thức đánh giá năng lực được phân thành 2 khối: Khoa học tự nhiên và công nghệ, Khoa học xã hội và nhân văn. Đối với phương thức này, môn thi cơ bản được thay thế bằng bài thi đánh giá năng lực tổng hợp gồm 2 phần: phần viết luận và phần trắc nghiệm với tổng thời gian làm bài là 150 phút

Công tác chuẩn bị cho bài thi Đánh giá năng lực được tập trung về một đầu mối: Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN. Trung tâm này chịu trách nhiệm ra đề, in sao và chấm thí bài thi Đánh giá năng lực cho toàn bộ các Hội đồng tuyển sinh của các đơn vị trong ĐHQGHN.

Riêng việc xét tuyển người nước ngoài vào học tại Đại học Quốc gia Hà Nội được thực hiện theo quy định riêng.

>>> Các chương trình đào tạo thạc sỹ

>>> Các chương trình đào tạo tiến sĩ

 

 Bùi Thị Vui - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :