Trang chủ   >   >    >  
Hội thảo “Thực trạng và thách thức về sức khỏe tâm thần ở trẻ em Việt Nam”
Trong khuôn khổ dự án nghiên cứu “Dịch tễ học các vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ em Việt Nam” do Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ tài trợ, Trường ĐH Giáo dục - ĐHQGHN, Trường ĐH Vanderbilt và Trường ĐH Peabody (Hoa Kỳ) phối hợp tổ chức Hội thảo “Thực trạng và thách thức về sức khỏe tâm thần ở trẻ em Việt Nam” tại Hội trường Lê Văn Thiêm, 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội vào ngày 17/12/2013.

Tham dự Hội thảo có TS. Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; TS. Ragnhild Dybdahl - Phó đại sứ Đại sứ quán Vương quốc Na Uy tại Việt Nam; ông Lâm Tứ Trung - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng; đại diện Tổ chức Y tế Thế giới, đại diện các bệnh viện: Bệnh viện Tâm thần TW1, Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tâm thần Khánh Hòa, Bệnh viện Nhi TW; đại diện các trường đại học: Trường ĐH Y tế Cộng đồng, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQGHN), Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Lao động Xã hội, Trường ĐH Hoàng Gia Phnom-Penh (Campuchia), Trường ĐH Vanderbilt và Trường ĐH Peabody (Hoa Kỳ)…
Việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của xã hội. Bên cạnh công tác chăm sóc sức khỏe thể chất cho trẻ đã được đầu tư khá tốt trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam cũng có nhiều nỗ lực đáng kể trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần (SKTT) trẻ em và vị thành niên. Chương trình Mục tiêu Quốc gia về SKTT được bắt đầu từ năm 1999. Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội giai đoạn 2006-2010 trong đó có “Dự án bảo vệ SKTT cộng đồng” đã được phê duyệt. Năm 2006, Bộ Y tế đã ban hành “Kế hoạch tổng thể quốc gia về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của vị thành niên và thanh niên Việt Nam, giai đoạn 2006-2010 và tầm nhìn 2020”. Trong đó, “Sang chấn về tâm thần và các vấn đề khác liên quan đến SKTT” được coi là một trong các nguy cơ chính đối với sức khỏe của vị thành niên và thanh niên Việt Nam. Năm 2011, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho những người có rối loạn tâm thần dựa vào cộng đồng. Đồng thời, sức khỏe tâm thần được xếp là một trong 5 vấn đề ưu tiên cần giải quyết của Kế hoạch trong giai đoạn 2006-2010.
Để đưa ra gợi ý chính sách, đề xuất ý kiến về hệ thống chăm sóc, giáo dục, nâng cao SKTT cho trẻ em và vị thành niên Việt Nam, trước hết cần có một bức tranh toàn cảnh và chính xác về tình hình SKTT của trẻ em và vị thành niên. Cho đến nay, mặc dù có nhiều nghiên cứu điều tra tỉ lệ SKTT của trẻ em Việt Nam nhưng phần lớn các nghiên cứu này đều không mang tính đại diện cho toàn quốc. Các nghiên cứu đã được tiến hành hoặc là chỉ tập trung điều tra trên nhóm khách thể sống ở các thành phố lớn hoặc là nghiên cứu một nhóm dân cư thành thị và nông thôn khu trú ở một vùng miền nhất định. Hội thảo này tập trung thảo luận về tầm quan trọng của SKTT trẻ em và vị thành niên, thực trạng SKTT và chức năng của trẻ em và vị thành niên Việt Nam cũng như việc cần thiết phải đẩy mạnh chăm sóc SKTT trẻ em trong những hoàn cảnh khác nhau.
PGS.TS Lê Kim Long - Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN cho biết, Hội thảo này quy tụ các nhà khoa học Mỹ, Việt Nam cùng nhiều chuyên gia trong và ngoài nước quan tâm đến vấn đề SKTT trẻ em và vị thành niên Việt Nam. PGS.TS Lê Kim Long hy vọng bên cạnh việc trình bày các kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học, các chuyên gia sẽ có cơ hội để trao đổi thông tin, quan điểm, phương pháp nghiên cứu cũng như chia sẻ kinh nghiệm tổ chức, phối hợp xây dựng và thực hiện các dự án, chương trình nghiên cứu mang tính liên ngành và ứng dụng các kết quả nghiên cứu và công cuộc chăm sóc SKTT cho trẻ em.
Nghiên cứu “SKTT của trẻ em Việt Nam: Thực trạng và các yếu tố nguy cơ” của nhóm tác giả PGS.TS Đặng Hoàng Minh - Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN (chủ biên), PGS.TS Bahr Weiss - Trường ĐH Vanderbilt và ThS. Nguyễn Cao Minh - Phòng Tâm lý học lâm sàng, Viện Tâm lý học được thực hiện ở 60 địa điểm thuộc 10 tỉnh đại diện của Việt Nam, bao gồm 1314 cha mẹ của trẻ từ 6-16 tuổi và 591 vị thành niên từ 12-16 tuổi. Nhìn chung, kết quả nghiên cứu gợi ý rằng có từ 12-13% trẻ em Việt Nam (trong độ tuổi 6-16) gặp phải những vấn đề SKTT một các rõ rệt. Điều này có nghĩa là có khoảng 2.7 triệu trẻ em và vị thành niên trên toàn quốc gặp phải vấn đề SKTT, 2.7 triệu trẻ em sẽ được hưởng lợi từ những dịch vụ chăm sóc SKTT. Tỉ lệ trẻ gặp phải những vấn đề SKTT khá đa dạng ở các tỉnh và cao nhất ở Đà Nẵng, Thái Nguyên và Phú Xuyên, thấp nhất ở 2 tỉnh Hậu Giang và Hà Tĩnh.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia đã đặt ra các câu hỏi, trao đổi thông tin, chia sẻ, góp ý để từ đó đưa ra một bức tranh toàn cảnh và chính xác nhất về thực trạng SKTT trẻ em Việt Nam và cùng đưa ra hướng giải quyết thiết thực và hiệu quả nhất.
 

 Sinh Vũ - VNU Media
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :
Thông tin liên quan
  • Không có tin nào liên quan!
Trang: