Sách và học liệu
Trang chủ   >  Tin tức  >   Sách và học liệu  >  
Lịch sử và văn hóa - Tiếp cận đa chiều, liên ngành
Sử học “là cuộc đối thoại không bao giờ dứt giữa hiện tại và quá khứ”. Nhà sử học nổi tiếng Edward Hallett Carr đã từng nói như vậy . Cổng Thông tin điện tử ĐHQGHN trân trọng giới thiệu tới bạn đọc ấn phẩm Lịch sử và văn hóa –tiếp cận đa chiều do GS.TS. Nguyễn Văn Kim và GS.TS. Phạm Hồng Tung sáng tác trong tủ sách khoa học.

Người học sử, nghiên cứu lịch sử đều tìm cách đối thoại với quá khứ theo những “kênh” và những “cách” khác nhau. “Kênh” ở đây là sử liệu và cả những phương tiện giúp người ta tiếp cận với thông tin sử liệu. Còn “cách” chính là phương pháp nghiên cứu, là cách tiếp cận mà người nghiên cứu lịch sử vận dụng trong quá trình tìm hiểu, khám phá các sự kiện, nhân vật và quá trình lịch sử. “Kênh” và “cách” đều quan trọng và tương tác khăng khít, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình người học sử, nghiên cứu lịch sử “đối thoại” với quá khứ. Nếu chỉ tự giới hạn mình trong những “cách” nhất định nào đó thì có thể nhà nghiên cứu chỉ nhận ra, sưu tầm và sử dụng được một số nguồn sử liệu nhất định mà thôi. Trái lại, mạnh dạn tiếp nhận và vận dụng những phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận mới, nhà sử học có thể nhận ra, sưu tầm và sử dụng được nhiều nguồn sử liệu khác, hoặc nhận thức rõ hơn giá trị và độ xác tín của những nguồn sử liệu vốn có. Trong khi đó, việc có thể khai thác được và sử dụng những nguồn sử liệu, thông tin khoa học mới nhiều khi cũng buộc nhà nghiên cứu phải thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá, tiếp cận, đổi mới cả hệ phương pháp và kỹ thuật nghiên cứu.

Lịch sử, trước hết là lịch sử loài người và không thể là gì khác hơn chính là đời sống nhân loại trong những không gian và thời gian lịch sử khác nhau. Mà cuộc sống con người và đời sống nhân loại thì luôn luôn phong phú và đa diện, đa chiều. Chính vì vậy, Khoa học lịch sử ngay từ rất sớm đã là một Khoa học liên ngành, nhận thức lịch sử muốn đạt đến sự toàn diện, thực chứng, khách quan và chân thực thì phải dựa trên hệ phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận liên ngành (interdisciplinary), đa diện (multidimension) và đa chiều (multi-perspective).

Thế nhưng, như bất kỳ hoạt động nào của con người, hoạt động khám phá, nhận thức lịch sử của người học sử, nghiên cứu sử - dù là chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp - đều phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố chủ quan của bản thân cá nhân nhà sử học. Johann Martin Chladenius, nhà sử học nổi tiếng người Đức, một trong những người sáng lập môn Văn bản học và thuộc trường phái đề cao sự khách quan tuyệt đối của sử học phương Tây trong Kỷ nguyên Ánh sáng, cũng đã phải thừa nhận: “Những ai đòi hỏi rằng người viết sử phải tự đặt mình vào vị thế của một người không tôn giáo, không tổ quốc, không gia đình, thì đó hẳn là một sai lầm lớn, vì người ta đã không biết rằng mình đang đòi hỏi những điều không thể” .

Vì vậy mà, như GS. Trần Quốc Vượng từng chỉ ra, “giữa lịch sử - thực tại (Histoire - Réalité) và lịch sử - nhận thức (Histoire - Conscience) luôn có “một sự gián cách”.  Các thế hệ nhà sử học đã luôn luôn nỗ lực trên hành trình gian nan khám phá, tìm tòi, vượt qua chính bản thân mình để đạt tới chân lý lịch sử khách quan. Khách quan, trung thực, do đó, được coi như những tiêu chí gốc của đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ sử gia chuyên nghiệp. Đồng thời, đóng vai trò vừa là nền tảng nhận thức luận, vừa là ngọn đuốc dẫn đường cho công việc khảo cứu của họ lại chính là các lý thuyết khoa học.

Cách đây gần một thế kỷ, khi dẫn dắt lớp thanh niên - trí thức yêu nước bước vào “Đường kách mệnh”, Nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từng nêu ra một nguyên lý trong mối quan hệ và cả vai trò của “chủ nghĩa” (tức lý luận cách mệnh) đối với đảng cách mệnh: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam” . Có thể nói, lý thuyết khoa học đối với nghiên cứu lịch sử cũng có vai trò quan trọng như lý luận cách mạng đối với đảng cách mạng vậy. Sự tham bác rộng rãi và năng lực cập nhật hóa, vận dụng các lý thuyết khoa học đó vào thực tiễn nghiên cứu là yêu cầu khách quan, là cái tạo nên hồn cốt của mỗi trường phái sử học đồng thời tạo ra yếu tố cốt lõi trong cấu trúc năng lực của từng nhà sử học chuyên nghiệp.

Từ những ngày đầu tiên dấn bước theo các bậc Thầy của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đến nay đã 36 năm ròng, hai chúng tôi luôn khắc ghi những nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp đã được các Thầy Cô truyền thụ. Trên mỗi chặng đường học tập và nghiên cứu, chúng tôi lại có thêm những cơ hội học hỏi các bậc thầy ở những nền sử học khác trên thế giới. Càng tu tập, mở mang thêm, chúng tôi càng thấm thía những điều đã được trao truyền từ giảng đường Mễ Trì - Thượng Đình và từ các địa điểm khai quật, điền dã, quan sát, khảo cứu ở nhiều vùng miền của đất nước.

Cuốn sách Lịch sử và văn hóa - Tiếp cận đa chiều, liên ngành được xây dựng trên cơ sở của 25 chuyên luận mà chúng tôi hoàn thành và công bố trong khoảng 10 năm gần đây. Đó là những thử nghiệm, tìm tòi, khám phá về một số vấn đề của lịch sử khu vực và thế giới, của lịch sử và văn hóa Việt Nam... Mỗi chuyên luận là một nghiên cứu độc lập, là một sự thử nghiệm trong cách tiếp cận và suy nghĩ về một vấn đề chuyên môn dựa trên nguyên tắc tiếp cận đa chiều, đa diện và liên ngành. Chắc hẳn không phải tất cả các thử nghiệm và tìm tòi của chúng tôi đều đạt được thành công như mong đợi. Nhưng, những gì chúng tôi cố gắng hướng tới, đó là sự chân thực và cầu thị trong nhận thức, là sự nghiêm túc và cẩn trọng trong các thao tác nghề nghiệp và những nỗ lực để tìm đến những cách thức tiếp cận, luận giải mới trong các vấn đề chuyên môn được nêu ra.

Mong rằng, cuốn sách sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích cho các đồng nghiệp, bạn bè và sinh viên ngành Sử và một số ngành Khoa học xã hội và nhân văn khác. Những ý kiến phê bình, chỉ giáo của quý vị độc giả chắc chắn sẽ giúp chúng tôi rất nhiều trong việc tu chỉnh các nghiên cứu của mình ở những lần công bố sau và điều đó, cho phép chúng tôi được bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất.

  

Liên hệ mua sách: Phòng Thông tin và Quản trị Thương hiệu - Văn phòng ĐHQGHN

Emai: media@vnu.edu.vn

Hotline: 0936 283 308

 Giá bán:

 

 VNU Media - NXB ĐHQGHN
  In bài viết     Gửi cho bạn bè
  Từ khóa :